Một cuốn sách hay của “người làm toán tập viết văn lúc về già”

Sộp thành nhà giáo là cuốn tự truyện của Giáo sư, TSKH Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mục đích của cuốn sách là truyền cảm hứng cho những ai yêu toán học coi trọng sự nghiệp giáo dục, hy vọng phần nào có tác dụng trong quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay.

Ngay tên đề của cuốn sách đã cuốn hút người đọc từ đầu. Giải thích về tên đề của sách, GS Trần Văn Nhung cho biết, Sộp là tên gọi ở nhà của tác giả khi còn bé. Sự trưởng thành của tác giả là sự trưởng thành của một đứa trẻ nông thôn trong một gia đình nông dân đã phấn đấu không ngừng để trở thành một nhà khoa học về toán và về giáo dục.

Là một nhà khoa học chuyên ngành toán tham gia làm công tác quản lý giáo dục nhiều năm, nay là Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, tác giả rất chân thành khi viết: “Tác giả cuốn sách này xin bộc bạch cùng bạn đọc và sự lượng thứ về sự vụng về văn chương của một người làm toán tập viết văn lúc về già”. Đọc cuốn sách này, tôi tin các bạn đọc sẽ cho rằng đó là lời nói khiêm tốn.

Thành công của cuốn sách chính từ sự chân thành của tác giả. Ta thấy ở đây những câu chuyện cảm động đầy tính nhân văn của một thanh niên học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, ta thấy ở đây nhiệt huyết say mê của một trí thức trẻ luôn vươn lên trong toán học, ta thấy ở đây một nhà khoa học luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Cuốn sách đã thành công về sự truyền cảm hứng trước hết là cho tôi và cho nhiều người thân và bạn bè của Giáo sư Nhung để tin tưởng vào tương lai của nền giáo dục Việt Nam.

Một cuốn sách hay của “người làm toán tập viết văn lúc về già” - 1

Tự truyện "Sộp thành nhà giáo" của Giáo sư, TSKH Trần Văn Nhung 

Giáo sư Trần Văn Nhung và những năm tháng thời niên thiếu

Cuốn sách cho chúng ta thấy về hình ảnh của nông thôn Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám và sự trưởng thành của một học sinh dưới mái tường của nền giáo dục Việt Nam mới.

Tác giả viết về dòng họ từ thời cụ 5 đời của giáo sư, cội nguồn ở Tổng Trà Lũ, tỉnh Nam Định sau đó theo cụ Nguyễn Công Trứ ra khai khẩn đất hoang theo lệnh triều đình nhà Nguyễn lập ra huyện Kim Sơn (Ninh Bình ngày nay).

Nói về truyền thống dòng tộc với niềm tự hào của những con cháu đời sau là một cách giáo dục có hiệu quả. Tuy nhiên, tác giả chỉ giới thiệu khái quát để đi sâu vào thời niên thiếu của mình. Sức hấp dẫn của cuốn sách là cách kể chuyện tự nhiên và dí dỏm của tác giả từ việc kể tên biệt danh lúc nhỏ:

Sộp (tên gọi của địa phương về loại cá quả, cá chuối) đến những trò nghịch ngợm của tuổi thơ. Câu chuyện trộm cam nhà ông bà Nguyễn Mạnh được nhắc lại như một kỷ niệm khó quên và bài học nhân sinh rút ra: “Thế mới biết, những người nông dân chân quê chất phác họ không được đi học nhiều nhưng tốt bụng và độ lượng như thế nào”.

Tôi muốn nói về bước ngoặt cuộc đời của học sinh Trần Văn Nhung. Sau khi tốt nghiệp cấp II, Trần Văn Nhung được tuyển thẳng vào Trường Cấp III Hải Hậu, Nam Định ở đây Trần Văn Nhung được học toán thầy Phạm Văn Tần, dưới sự lãnh đạo của thầy Hiệu trưởng Lê Văn Hạp (sau này là Hiệu trưởng Trường Lê Hồng Phong, Nam Định, cuối đời công tác là Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Thời ấy dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên - Giáo dục và Đào tạo có những định hướng chỉ đạo rất bài bản phát huy được truyền thống hiếu học của dân tộc kết hợp với việc rèn luyện lý tưởng cách mạng cho tuổi trẻ nên việc dạy và học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thật trong sáng và tốt đẹp. Học sinh được học toàn diện, coi trọng giáo dục đạo đức, thực hành và rèn luyện qua lao động.

Chính vì thế mà tuổi trẻ thời những năm  60 -70 của thế kỷ XX là lực lượng xung kích của thanh niên. Hàng triệu thanh niên là bộ đội, công an, thanh niên xung phong góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam - Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trần Văn Nhung được học ở thời kỳ ấy; anh học toàn diện, giỏi cả văn lẫn toán nhưng số phận đã định đoạt khi anh tham gia dự thi vào lớp chuyên toán đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Quốc gia Hà Nội). Anh đã đỗ vào lớp chuyên toán ấy (lớp chuyên toán A0, Khóa I, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

Niềm say mê toán học góp phần cho một nhà giáo trở thành một nhà khoa học

Ở cuốn sách Sộp thành Nhà giáo, phần nói về đam mê toán học viết ở cuối sách. Khi viết bài viết này tôi muốn đưa lên trước để muốn dựng lại quá trình rèn luyện và phát triển của một nhà khoa học cho đúng với cuộc đời của người đó. Vâng! Quá trình trưởng thành và phát triển của một nhà khoa học có những bước ngoặt (học giỏi văn và toán nhưng đã chọn con đường toán như trên đã giới thiệu); nhưng quá trình ấy là quá trình phấn đấu liên tục.

Từ một học sinh chuyên toán rồi trở thành một thầy giáo dạy toán. Nguyên nhân thành công của toán học Việt Nam chính từ tầm nhìn về việc bồi dưỡng những năng khiếu toán học, lựa chọn được những tài năng có niềm đam mê với toán học; Trần Văn Nhung nằm trong số những tài năng được phát hiện và bồi dưỡng như thế! May mắn trong cuộc đời của Trần Văn Nhung là được gặp những người thầy tài giỏi có tâm có tầm.

Ngay từ khi học phổ thông, Trần Văn Nhung đã gặp được những người thầy như thế. Trong cuốn sách Sộp thành Nhà giáo, tôi thấy thích đoạn Trần Văn Nhung được học thầy Phạm Văn Tần dạy toán. Ở đây có chi tiết khá thú vị, suy ra từ nhiều học trò: Khi thầy đã là thần tượng thì học sinh hay muốn noi theo thầy. Tôi đoán không nhầm thì thầy Phạm Văn Tần chính là một trong những nhân tố thúc đẩy Trần Văn Nhung chuyển sang đi sâu vào môn toán.

Điều khác biệt giữa thầy giáo phổ thông với thầy giáo đại học chính là yêu cầu người thầy dạy đại học phải đi sâu vào một phân môn chuyên ngành - nghĩa là phải đi vào nghiên cứu khoa học một cách sâu hơn. Chính việc đưa các thầy giỏi, các giáo sư đầu ngành dạy cho các lớp chuyên toán A0 đã kích thích niềm say mê toán học cho những học sinh ở lứa tuổi phổ thông. Định hướng này đã góp phần xây dựng cho Việt Nam một đội ngũ toán học, xứng tầm với các nước tiên tiến trên thế giới. Trong cuốn sách “Sộp thành Nhà giáo” có những trang viết rất xúc động về những người thầy như thế.

Từ một giảng viên đại học, Trần Văn Nhung được tuyển chọn đi nghiên cứu sinh ở Hungary. Trong cuốn sách đã nói rõ về quá trình học tập và nghiên cứu toán học cũng như những thành công của ông trong lĩnh vực toán học.

Một nhà khoa học về giáo dục

Tâm huyết của GS Trần Văn Nhung không chỉ dừng ở toán học. Trong cuốn sách nói trên của mình; ông dành phần II của cuốn sách để nói về giáo dục nói chung, đặt trước cả phần say mê toán học của ông (phần III); điều đó cho thấy ông gửi gắm tâm huyết của mình về giáo dục với mong muốn giáo dục Việt Nam sớm được đổi mới và phát triển nhanh hơn nữa.

Trong những suy ngẫm về giáo dục của GS Trần Văn Nhung, ta thấy ý thức trách nhiệm của một cán bộ quản lý giáo dục cấp cao đã về hưu nhưng vẫn đau đáu nghĩ đến con đường phát triển giáo dục của nước nhà. Ông đã mạnh dạn gửi tâm thư đến Bộ Chính trị và Ban Bí thư về việc cần có quốc sách đối với tiếng Anh. Quan điểm nhất quán ông là “Hội nhập quốc tế” là giải pháp quan trọng nhất để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”.

Trong những suy ngẫm về giáo dục của tác giả, tôi thấy được tinh thần nghiên cứu khoa học của một giáo sư Việt Nam về giáo dục. GS Trần Văn Nhung có hẳn một bài nghiên cứu Hồ Chí Minh - Nhà giáo dục đi trước thời đại với những tóm tắt về các định hướng chỉ đạo về giáo dục của Bác Hồ. Chính tấm gương tự học một đời của Bác Hồ đã là nguồn cảm hứng để ông truyền cảm hứng cho mọi người về tình yêu với toán học, niềm say mê và niềm tin vào sự nghiệp phát triển của giáo dục Việt Nam trên một cách nhìn thực tế có rút ra những bài học kinh nghiệm cũng như những hạn chế của giáo dục Việt Nam hiện nay.

Có rất nhiều người quan tâm đến giáo dục nước nhà. Có nhiều bài viết, từ các bậc phụ huynh đến các nhà khoa học đã bày tỏ những băn khoăn lo lắng về giáo dục Việt Nam; có những ý kiến tâm huyết góp ý cho Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục. Trong cuốn sách trên, tôi thấy tâm đắc về một số điều mà tác giả đã nhấn mạnh về vai trò của người thầy, vai trò của những người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo. Tôi rất thích những mẩu truyện của tác giả viết về hai Bộ trưởng: Giáo sư Nguyễn Văn Huyên và Giáo sự Tạ Quang Bửu - đó là những tấm gương về những nhà giáo mẫu mực và nhân văn.

Có một điều tôi tâm đắc nữa là tác giả đã bàn đến hình chóp tam giác giáo dục, trong đó nhấn mạnh đến vào trò tự học của người học, để rồi sử dụng các thuật toán chứng minh rằng công thức tốt nhất là: Gia đình + Nhà trường + Cộng đồng + Tự học = Con người.

Cuốn sách với lối viết chân thực, tự nhiên, dí dỏm đẩy cuốn hút đã truyền cảm hứng về tình yêu và trách nhiệm với nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trần Bá Giao

Tin liên quan

Tin mới nhất