Thẳng - Thật về Phan Châu Trinh

Huỳnh Thúc Kháng viết: “Tiên sinh có tánh không chịu khuất, không kỳ người bậc nào, lấy điều trái lẽ mà gạt mình thì cự lại ngay, dầu cho kẻ quyền thế cũng vậy”.

Phan Châu Trinh là một nhân vật lịch sử đặc biệt, từ tính cách, tư tưởng cho đến hành động. Ông là người như thế nào không chỉ qua những nguồn tư liệu lịch sử mà còn được nhìn nhận qua những góc nhìn của những người cùng thời với ông. Cuộc đời 54 năm của ông đã để lại nhiều dấu ấn mà cho đến nay chúng ta vẫn tìm thấy những ý nghĩa và giá trị.Thẳng - Thật về Phan Châu Trinh - 1

Phan Châu Trinh - nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị tiêu biểu của Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh Phan Châu Trinh, chương trình Midnight Talks  chủ đề “Dấu ấn Phan Châu Trinh từ góc nhìn của người đương thời” đã được tổ chức. Một cách tiếp cận nhỏ, đưa đến góc nhìn về Phan Châu Trinh qua những tư liệu từ những người đương thời, những người đã sống, đã làm cách mạng cùng với ông để góp phần hiểu thêm về nhân vật lịch sử to lớn ấy.

Thẳng - Thật về Phan Châu Trinh - 2

Chương trình “Dấu ấn Phan Châu Trinh từ góc nhìn của người đương thời”.

Trí sĩ đương thời đánh giá về Phan Châu Trinh như thế nào?

Tại buổi trò chuyện, nhà báo Vu Gia, một người con của đất Quảng Nam, người được xem là đồng hương với Phan Châu Trinh cho biết, biệt hiệu Tây Hồ của Phan Châu Trinh xuất phát từ tên của ngôi làng mà ông sinh sống.

Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân mang đến góc nhìn của nhà báo Phan Khôi về Phan Châu Trinh. Nhà phê bình Lại Nguyên Ân cho biết, Phan Khôi và Phan Châu Trinh có cùng quê hương Quảng Nam, Phan Khôi được Phan Châu Trinh rất yêu mến và tin cậy. Phan Khôi là một trong những người đầu tiên được Phan Châu Trinh “giác ngộ”, Phan Châu Trinh đã “xúi” Phan Khôi cắt búi tóc củ hành để từ bỏ cuộc đời nhà Nho để làm “nhà Duy tân”.

TS. Trương Thị Bích Hạnh, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại Học Quốc Gia Hà Nội cho biết hai nhân vật có sự kết nối với Phan Châu Trinh rất nhiều phải kể đến Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Ái Quốc.

Thẳng - Thật về Phan Châu Trinh - 3

Phan Châu Trinh để lại nhiều dấu ấn trong những người đương thời với ông.

Huỳnh Thúc Kháng là người viết, tìm hiểu rất nhiều về Phan Châu Trinh, cũng như là người đồng chí thân thiết của nhân vật lịch sử này. Huỳnh Thúc Kháng đã khẳng định Phan Châu Trinh không những là một “chí sĩ” yêu nước mà còn là “một nhà chánh trị cách mạng đầu tiên” của Việt Nam.

Thông qua góc nhìn của Huỳnh Thúc Kháng, còn hiện lên ở một Phan Châu Trinh không những chỉ là một nhân vật chính trị mà còn khắc họa một chân dung về tính cách, một con người rất nỗi đời thường với tính cách cứng cỏi, cương quyết, ngay thẳng, một tính cách rất Quảng Nam. Huỳnh Thúc Kháng viết: “Tiên sinh có tánh không chịu khuất, không kỳ người bậc nào, lấy điều trái lẽ mà gạt mình thì cự lại ngay, dầu cho kẻ quyền thế cũng vậy”.

Nguyễn Ái Quốc là nhân vật có những kết nối bằng văn bản với Phan Châu Trinh, thông qua những tư liệu ấy thì chúng ta có thể hình dung ra được chân dung, dấu ấn của Phan Châu Trinh với những người đương thời. Ngay từ thời điểm đầu khi ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành đã phê phán con đường cứu nước của Phan Châu Trinh là “xin giặc rủ lòng thương”.

Qua một số bất đồng về đường lối chính trị, hai người đã đi theo những ngả đường khác nhau nhưng về mặt tình cảm, hai người vẫn có sự liên hệ. Tiêu biểu là bức thư mà Phan Châu Trinh gửi cho Nguyễn Ái Quốc (18/2/1922).

Qua đó, có thể thấy một Phan Châu Trinh rất cương trực, thẳng thắn, thậm chí có chút kiêu ngạo nhưng đối với một người hậu bối như Nguyễn Ái Quốc thì ông vẫn thể hiện cái tình cảm cũng như sự tôn trọng.

TS. Trương Thị Bích Hạnh nhận định thế hệ của Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc không đối lập gì với nhau mà nó có sự tiếp nối, sự chuyển giao thế hệ và điều này thể hiện rất rõ khi Phan Châu Trinh qua đời.

Đám tang Phan Châu Trinh – sự kiện đánh dấu sự chuyển giao thế hệ

Đám tang Phan Châu Trinh là một sự kiện rất quan trọng đã thu hút sự quan tâm của những người yêu nước, những người hoạt động chính trị ở cả trong và ngoài nước với những góc nhìn khác nhau.

Thẳng - Thật về Phan Châu Trinh - 4

Đám tang Phan Châu Trinh.

Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh là hai nhân vật rất hay được đặt cạnh nhau, họ có vừa có sự tương đồng và vừa có sự khác biệt. Phan Bội Châu đánh giá Phan Châu Trinh như sau: “Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cầm quyền trông gió cũng gai ghê. Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói”.

Thẳng - Thật về Phan Châu Trinh - 5

Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Sự kiện đám tang của Phan Châu Trinh thể hiện tầm vóc, dấu ấn của ông nhưng đồng thời nó cũng thể hiện một sự khép lại, một sự kết thúc của nhân vật đại diện cho một lớp nhà nho yêu nước, đánh dấu sự chuyển giao thế hệ.

Phan Châu Trinh sinh ngày 9/9/1872, là một nhân vật đáng chú ý trong tiến trình lịch sử văn hóa - chính trị - xã hội của nước ta vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Cả cuộc đời ông đã trải qua, gắn bó với những sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam như: Phong trào Cần Vương, Khởi nghĩa Yên Thế, Phong trào Đông Du và cả phong trào Duy Tân do chính ông phát động. Một nhân vật mà cuộc đời ông luôn trong tâm thế hành động và lan tỏa lý tưởng của mình.

Giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xâm lược và biến nước ta thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Chế độ phong kiến Việt Nam cùng với hệ tư tưởng Nho giáo ngày càng tỏ ra bất lực trước yêu cầu của công cuộc chống ngoại xâm vì nền độc lập dân tộc. Một bài toán đặt ra cho Phan Châu Trinh và cho cả những người đương thời đó là dành độc lập bằng cách nào?

Tư tưởng cứu nước của Phan Châu Trinh khác với những nhà yêu nước trước và cùng thời với ông, trong khi họ thiên về việc hành động, họ cho rằng phải chống Pháp, phải phát động khởi nghĩa, phải cầu viện nước ngoài,… thì Phan Châu Trinh lại có hướng đi khác, một hướng đi có tính chất cách mạng – đi tìm căn nguyên của việc mất nước – đó là do sự yếu kém toàn diện của Việt Nam, đặt trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch và phát triển hơn rất nhiều.

Thẳng - Thật về Phan Châu Trinh - 6

Để trả lời cho những vấn đề đó, Phan Châu Trinh đã phản đối cách học “tầm chương trích cú”, khuyến khích việc học thực học, mở trường lớp và coi dân trí là việc cốt lõi của cứu nước. Vì vậy, ông tiến hành cuộc vận động Duy Tân, chủ trương dùng những cải cách văn hóa, mở mang dân trí, nâng cao dân khí gắn liền với ba nhiệm vụ cấp bách: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để làm cho dân giàu, nước mạnh và buộc thực dân Pháp phải trao trả độc lập cho nước Việt Nam.

Làm thế nào để khai được dân trí, trấn được dân khí và hậu được dân sinh thì ông chọn con đường dựa vào Pháp, bởi ông cho rằng Pháp tiến bộ, có thể dựa vào Pháp để tự lập. Nhưng sự khác biệt ở Phan Châu Trinh không phải ở việc thân Pháp, cái ông muốn dựa vào không phải cái chính quyền tàn bạo mà thứ ông muốn dựa vào là giá trị của nước Pháp, một nước Pháp văn minh, luôn đi đầu trong các tư tưởng dân chủ. Ông muốn dựa vào nước Pháp tiến bộ đó.

Mặc dù có những hạn chế nhất định, nhưng rõ ràng tư tưởng và hoạt động của Phan Châu Trinh đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển trong tư duy của dân tộc, đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc trường kỳ kháng chiến lúc bấy giờ. Là  một con người có tư duy và hành động như vậy nên ông đã để lại dấu ấn trong rất nhiều nhân vật.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất