Bốn bài học chữ L từ Singapore và Malaysia

Các nước Đông Nam Á nói chung, hai nước Singapore và Malaysia là những quốc gia đều liên quan đến biển, ý thức được vai trò và sức mạnh của biển cả trong giao thương, phát triển kinh tế trí thức, quân sự, an ninh phòng thủ. Một tầm nhìn hướng tới biến, một chiến lược phát triển hàng hải, khai thác nguồn lợi của biển, liên kết với các nước lớn ở Đông Á và Thái Bình Dương là cách ứng xử khôn ngoan của các nước này.

 

Tôi đến Singapore vào thượng tuần tháng Tám (2012) trên chiếc máy bay Boing 777 của hãng hàng không Việt Nam Airlines sau 3g30 đã hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Changgi. Từ một làng đánh cá nhỏ trở thành một đất nước giàu có nhất thế giới, Singapore đã trải qua lịch sử phát triển lúc thăng lúc trầm từ năm 1819 khi còn là thuộc địa của Anh quốc cho đến lúc thành một bến cảng đồ sộ.

Hàng ngàn người từ châu Á, chủ yếu là người Hoa ở các tỉnh Quảng Đông, Triết Giang, Giang Tô chiếm khoảng 76%, người Malay 15%, người Ấn 8%, còn lại người các nước, có cả các nước phương Tây. Singapore thực sự là nơi tụ cư, một xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ.

Nói đến Singapore là nói đến ba biểu tượng: Thành phố vườn nhiệt đới, Thành phố Venise của phương Đông, thành phố xanh - sạch - đẹp. Singapore, một thành phố đông đúc, nhộn nhịp. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, dân số Singapore ước tính hơn 5.9 triệu dân, kể cả khách vãng lai, khách quốc tế. Bạn chẳng bao giờ thấy mình xa rời màu xanh tự nhiên.

Cảng biển Singapore nằm ở 1 độ bắc đường xích đạo, được bao bọc bởi eo biển Malacca, cách biên giới Malaysia một cây số qua eo biển Johor, quanh năm chỉ có mùa mưa (từ tháng 11 đến tháng 7 năm sau), còn lại là mùa khô, nóng trung bình, nhưng không có cuồng phong, bão nhiệt đới hay sóng thần như các nước trong khu vựcMalacca.

Nền đất quốc đảo này là đồi thấp được phủ rừng cây xanh tự nhiên và nhân tạo với chính sách bền vững để bảo tồn hệ thực vật nhiệt đới và hệ sinh thái ở bất cứ nơi nào. Để có không gian xanh, trong nhiều thập kỷ, người ta không chỉ trồng cây, gây rừng, phát triển các đồn điền cao su, cây đầu cọ, cây ăn quả, rừng dừa, nhập các loại cây, loại bụi, thảm cỏ trồng ven đường quốc lộ, tại các công viên thực vật quốc gia v.v...

Các nhà nông học đã dày công nhập về 8000 loại cây khác nhau ở khắp các châu lục, nhưng chỉ 2000 loại sống được nhờ phù hợp với chất đất, khí hậu và phân bón. Không gian xanh luôn đi đôi với sạch.

Để đất nước được trong sạch, khí hậu thoáng đãng từ trung tâm cho đến vùng ven (Singapore không có nông thôn), Chính phủ đã ban bố một hệ thống luật tương đối toàn diện: từ việc ngăn chặt không khí bị ô nhiễm do khói bụi từ nạn cháy rừng ở Sumat’ra, Bornéo vào những năm 90, chống nạn ô nhiễm tiếng ồn (hạ tỷ lệ desiben - đơn vị đo cường độ âm thanh - xuống thấp nhất), xây dựng hệ thống thoát nước cống rãnh, rác thải, di chuyền hàng nghìn cơ sở sản xuất nghề thủ công ra vùng ven cho đến việc thí hành các luật mới như luật cấm ăn kẹo cao su, luật cấm đốt pháo (được coi như một tội ác), quảng bá “Tuần không hút thuốc lá”, thu xếp công việc cho những người bán hàng rong, lái tắcxi “dù” v.v...

Đi trên đường phố Singapor bất cứ lúc nào, bạn không thấy rác dù chỉ một mẩu thuốc lá hay các loại giấy viết quảng cáo rao vặt trên đường, quảng cáo tấm lớn được khống chế chiều cao dưới 3 mét, trên xe bus hay trong tàu điện ngầm sạch như vừa được lau chùi, không nghe tiếng nói ồn ào, hành khách thường đọc sách, bào hoặc nghe điện thoại di động v.v...

Nói đến đẹp, trước hết phải nói đến con người, nguồn lực con người, đặc biệt là các thế hệ lãnh đạo tài năng và có trách nhiệm tối đa với quốc sự, với dân tộc.

Ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Singapore trong cuốn Bí quyết hóa rồng (Lịch sử Singapore 1965 - 2000, Nhà xuất bản Trẻ 2001) có kể lại rằng, “khi Đảng nhân dân hành động (PAP) lên nắm chính quyền năm 1959, chúng tôi đã bắt tay xây dựng Chính phủ trong sạch. Chúng tôi ghê tởm lòng tham và nhân cách suy đồi của nhiều nhà lãnh đạo châu Á những người chiến đấu cho tự do dân tộc, nay trở thành kẻ cướp vì mưu lợi riêng... Từ đó chúng tôi đã thành lập cơ quan trọng yếu: Ủy ban điều tra chống tham những, lãng phí (Corrup Practices Investigation Bureau, gọi tắt là CPIB) để xử lý những vụ sai phạm ăn cắp của công...”.

Mặt khác, các đảng viên PAP nêu cao tính gương mẫu trong lối sống và đạo đức. Từ năm 1970 trở đi, khi tình hình kinh tế đi vào ổn định, Chính phủ tăng lương cho các bộ trưởng từ 2500 đô la Sing lên 4500, còn ông Diệu nhận mức 3500... (Con số này hiện nay đã cao hơn nhiều) để nhắc nhở sự chừng mực, tiết chế dục vọng của cấp dưới.

Singapore là nước đa ổn định chính trị, một xã hội công bằng, văn minh, không có xã hội đen, không có maphia. Đông cơ thúc đẩy cá nhân và sự đãi ngộ cá nhân là điều cốt yếu đối với nền kinh tế có năng suất cao. Đời sống nhân dân ồn định, mức sống cao, chất lượng sống lành mạnh. Singapore là nước dứng vào nhóm các nước phát triển G7. Thu nhập bình quân khoảng trên 22.000 USD/năm/đầu người.

Singapore có nền kinh tế phát triển cao và ổn định, có cơ sở hạ tầng vững, một số ngành công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á và thế giới như cảng biển, công nghiệp đóng tàu, công nghệ lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh xảo, là trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại hàng đầu khu vực, hải cảng sầm uất, nơi hội tụ hàng đầu của các tập đoàn đầu tư quốc tế. Singapore là nước đi đầu trong việc chuyển đối sang nền kinh tế trí thức.

Singapore kết nối tất cả các nơi trên thế giới một cách dễ dàng qua đường biển, đường hàng không và các phương tiện viên thông. Đến Singapore, ấn tượng đầu tiên của bạn là cảnh quan đồ sộ, hiện đại bậc nhất của sân bay quốc tế Changgi, có đường bay đến 145 thành phố lớn trên thế giới, được các tổ chức hữu quan quốc tế bình bầu là sân bay hiện đại nhất thế giới.

Chất lượng đường bộ của quốc đảo này được đánh giá vào loại tốt nhất thế giới, có nhiều hệ thống giao thông công cộng, phổ biến là xe bus, xe tắc xi, tàu điện ngầm. Hành khách trả tiền mua vé cho từng chặng, những người có thẻ từ tự động Ezlink cho phép sử dụng dịch vụ xe bus giá rẻ trong thời gian dài; người cao tuổi được giảm giá vé.

Nói chuyện sân bay và cảng biển hiện đại, ông Lý Quang Diệu có lần đến thăm nước ta vào những năm 90, đã có lời khuyên với Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt là ở Việt Nam chỉ cần một, hai sân bay quốc tế hiện đại, một hai cảng biển tầm cỡ khu vực hoặc quốc tế. Tôi nghĩ tiếp: chứ không nên phân mảnh, chia vụn, như tình trạng “tỉnh, tỉnh làm sân bay; vùng, vùng xây cảng biển” như hiện nay. Ngay từ dưới thời thuộc địa Anh, Singapore đã là trung tâm giáo dục với nhiều trường Đại học tốt như Đại học Y Khoa King Edvard VII Mediacal, Đại học Rafles (nghệ thuật và khoa học), Đại học quốc gia Singapore v.v...

Hiện nay có khoảng trên 8000 học sinh, sinh viên người Việt đang học tại các học viện, cao đẳng, khoảng 2000 người lao động có tay nghề được đào tạo ở trình độ cao. Hầu hết người Việt ở Singapore đều trẻ tuổi, có trình độ học vấn, nhiều người thành lập gia đình ở đây; họ sống xen kẽ, hòa nhập vào xã hội Singapore, không tập trung thành khu vực như người Việt ở một số nước.

 

2. Đến Malaysia lần này, tôi không đến thủ đô Kualar Lumpur, mà đi theo đường bộ trên chiếc BMW gầm cao từ thủ đô Singapore qua eo biển Malacca (nổi tiếng với những vụ cướp biển và khủng bố) nối biển Đông với Ấn Độ Dương có bề rộng dài 805km, bề ngang nơi hẹp nhất chỉ 1,200km để đến thành phố Malacca cổ kính - thành phố di sản thế giới.

Từ năm 1511, Malacca bị người Bồ Đào Nha xâm chiếm, đặt ách đô hộ suốt 130 năm. Tiếp đến người Hà Lan thay chân thống trị 154 năm trước khi vùng đất này trở thành bị thuộc địa của Anh. Sông đào Malacca chia thành phố làm 2 phần: phía Đông là khu trung tâm mang dáng dấp kiến trúc châu Âu, và phía Tây là khu phố người Hoa với nghề dịch vụ, buôn bán sầm uất. Vẻ đẹp sông nước, khí hậu hiển hòa, cảnh quan thơ mộng nhất là về đêm khiến du khách thường ví Malacca với Tô Châu, Hàng Châu bên Trung Quốc.

hững ngày lưu lại Malacca, tại khách sạn Casa del Rio, tôi được biết mấy điểm nổi bật của thành phố di sản này: Đó là sự hòa hợp giữa văn hóa bản địa với văn hóa hiện đại du nhập từ Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh đã tạo nên thành phố cổ kính nét độc đáo, trở thành thành phố đa chủng, đa ngôn ngữ, đa văn hóa được tổ chức văn hóa - khoa học - giáo dục (UNECO) của Liên hợp quốc công nhận di sản văn hóa vật thể từ tháng 7/2008. Thủ phủ Malacca là thành phố bảo tàng.

Theo sách sử, người Bồ đã dùng cây cầu Malacca là giới tuyến phân chia mảnh đất này thành hai vùng lãnh thổ. Trải qua 600 năm dưới ách đô hộ của nhiều đế quốc phương Tây, Malacca ngày càng được ví như một bảo tàng sống lưu giữ nhiều chứng tích lích sử của Malaysia.

Báo tàng tưởng niệm - Độc lập trưng bày các hiện vật liên quan đến thời kỳ Malaysia thoát khỏi ách thuộc địa, trở thành quốc gia độc lập; Bảo tàng hàng hải được thiết kế theo mô hình chiếc thuyền buồm khổng lồ Flora de la Mar của Bồ Đào Nha bị đắm ngoài khơi với nhiều hiện vật liên quan tới ngành hàng hải thế kỷ XVI - XVII; Bảo tàng di sản Bala Nyonya giới thiệu các loại đồ gô quý, đồ sứ, vải dệt truyền thống được trưng bày trong một tòa nhà cổ; Bảo tàng tuổi trẻ Malacca gồm bảo tàng lịch sử, bảo tàng dân tộc học, bảo tàng văn học được đặt tại nơi nguyên là công thự của các thống đốc Hà Lan.

Tại một cụm di tích khác, chúng tôi được ngắm ngôi nhà cổ nhất lòng Nam Á, đến Kampung Kling Mosque là đền Hindu được xây dựng từ năm 1645, còn nhà thờ Magi có mái được thiết kế gần như phong cách chùa Việt. Biết tôi là giáo sư văn hóa học, một giáo sư người Pháp đến từ Bordeau trong câu chuyện với chúng tôi ở khách có nhận xét rằng, việc bảo tồn di sản cổ ở đây đều tuân thủ quy lưu giữ tối đa hồn cốt của di sản, chứ không làm “mới” một cách thô cạch, mà thực chất là phá hủy bản sắc di sản.

Tôi tâm đắc ý tưởng này. Malacca là thành phố thức dậy muộn. Trên thực tế ngày ở Malacca dài hơn nhiều nơi khác, nên dù 6 giờ chiều ánh nắng vẫn chói lòa. Trên những đỉnh đồi, du khách có thể chờ đến bảy, tám giờ tối, khi nắng chiều vẫn còn bịn rịn chia tay với hoàng hôn.

Sinh hoạt ở Malacca thường sôi động về đêm, đường phố thức dậy muộn, phải 10 giờ trưa, người dân mới thực sự tĩnh giấc, các cửa hàng, cửa hiệu đua nhau bán hàng lưu niệm, sản phẩm du lịch, tiếp khách ầm thực một cách thân thiện. Nhiều nghệ sĩ dân gian tay cầm đàn ghita, miệng hát những bản tình ca, du ca với giai điệu Bồ Đào Nha, Malaysia, Ấn Độ để phục vụ khách dừng chân trong chốc lát. Phiên chợ đêm náo nhiệt chỉ chịu kết thúc vào một, hai giờ sáng hôm sau.

Vì là thành phố của những con đường nhỏ, hẹp, nên người ta sáng tạo những loại xe bus cỡ vừa, loại xe lôi ba bánh là trishaw (xe đạp có gắn thùng xe) dễ dàng đưa hành khách ngược xuôi thành phố cố đô. Thuyền gỗ dạo chơi trên sông, canô hiện đại nhưng giảm tiếng ồn động cơ.

Qua việc bảo tồn thành quách, công thự, nhà thờ. tượng Thánh, pháo đài, súng thần công v.v... chứng tỏ người Malaysia có ý thức rất sớm việc giữ gìn bản sắc truyền thống và tự hào về những giá trị lịch sử, thẩm mỹ trong kho tàng văn hóa của dân tộc mình.

Một ấn tượng mạnh đối với chúng tôi là trục đường quốc lộ liên quốc gia Singapore - Malaysia khởi đầu từ thủ đô Singapore cho đến Kuala Lumpur dài khoảng trên 400km với 4 làn đường, đi ô tô chỉ mất khoảng 5 tiếng, kể cả nghỉ ngơi. Trung bình 80km/giờ. Nhìn vào đồng hồ chỉ tốc độ trên buồng máy có lúc 150km/giờ, nhưng không bị xóc, êm như ngồi trong phòng khách. Khoảng cách giữa hai ô tô đang di chuyển thông thường chừng 20 mét, không thấy bóng một cảnh sát, người đi bộ.

Ngày xưa người La Mã đã xây dựng những con đường tồn tại đến 2000 năm. Ngày nay, những thiết kế, thi công đường quốc lộ của nhiều nước phát triển trong đổ có Singapore và Malaysia đã có công nghệ mới về cầu đường, về thăm đò địa hình, địa chất để tạo nên những tuyến giao thông thuận tiện, sạch như ở trung tâm thành phố qua những vùng đồi núi thoai thoải, mà ven đường là những trang trại bạt ngàn cây xanh, cây ăn quả, rừng cọ, rừng dừa, rừng cao su v.v...

Người ta cũng không dựng hàng rào chắn bằng sắt giữa làn xe xuôi - ngược, mà thay vào đó là luống đất trồng các loại hoa chịu nắng như hoa giấy, hoa lan, hoa mẫu đơn, hoa dâm bụt... làm dịu mát mắt người tham gia giao thông.

Qua những ngày rong ruổi trên hai đất nước là thành viên của khối ASEAN, tôi tạm rút ra bốn bài học bắt đầu từ chữ L trong tiếng Việt.

Một là: Luật: Luật pháp được coi là tối thượng. Luật là người đẫn đường, người bảo vệ thể chế chính trị và an sinh xã hội. Luật đứng cao hơn hết thảy mọi tổ chức xã hội, mọi cơ cấu nhà nước, mọi chính sách v.v....

Hai là: Lương: đảm bảo đủ sống ở mức có chất lượng, đủ nuôi người chưa đến tuổi lao động và có dư.

Ba là: Lễ: Quan tâm xây dụng thiết chế dân chủ, đạo đức cá nhân, văn hóa ứng xử, nền tảng chữ khiếu đối với gia đình, chữ trung đối với Tổ quốc, trung thực đối với công việc, tin cậy đối với cộng đồng.

Bốn là: Lý, tức chân lý. Cái gì đúng thì làm, sai thì sửa. Dân và Chính phủ đều có thể sai. Dân sai thì cần nâng cao dân trí, giáo dục tự ý thức tự giác lao động công ích, tự nguyện lao động vì lý tưởng làm giàu cho đất nước và cho chính mình.

Chính phủ sai thì xin lỗi dân, sửa chính sách, điều chỉnh phương thức hoạch định, thu hẹp quyền lực, chống sự tha hóa quyền lực. Quyền lực phải được giám sát. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tham những vô độ. Đó là mệnh đề của J. J. Rousscau nêu lên từ lâu.

Các nước Đông Nam Á nói chung, hai nước Singapore và Malaysia là những quốc gia đều liên quan đến biển, ý thức được vai trò và sức mạnh của biển cả trong giao thương, phát triển kinh tế trí thức, quân sự, an ninh phòng thủ. Một tầm nhìn hướng tới biến, một chiến lược phát triển hàng hải, khai thác nguồn lợi của biển, liên kết với các nước lớn ở Đông Á và Thái Bình Dương là cách ứng xử khôn ngoan của các nước này.

Lịch sử văn minh các nước Đông Nam Á cho ta biết rằng, mọi hoạch định chính sách của Chính phủ thường vận dụng minh triết phương Đông: vừa cứng vừa mềm, vừa thất vừa mở, vừa giữ được bản sắc dân tộc - hiện đại trong sự chấp nhận đa nguyên văn hóa.

None

Hồ Sĩ Vịnh

Link nội dung: https://arttimes.vn/the-gioi/bon-bai-hoc-chu-l-tu-singapore-va-malaysia-c14a1303.html