Chuyện về những thầy, cô đặc biệt với những lớp học đặc biệt

(Arttimes) Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, xin gửi lời tri ân đến những những “người thầy” khoác trên mình bộ áo lính đang ngày đêm cống hiến vì sự nghiệp trồng người.

Ở bản Huổi Pá, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La có một lớp học đặc biệt được đứng lớp bởi những con người đặc biệt và có những học sinh cũng vô cùng đặc biệt. Lớp học có đủ thế hệ từ người già đến trẻ nhỏ, nam và nữ chỉ cần yêu cái chữ, muốn học cái chữ thì cứ đến 7h lại ngồi ngay ngắn ở lớp chăm chú nghe giảng

Người đứng lớp không phải ai xa lạ là những người lính bộ đội cụ Hồ trên vai mang quân hàm xanh thuộc đồn biên phòng Mường Lạn. Cứ trời tối là lớp học sáng đèn, ta lại thấy người thầy tận tụy dạy chữ, nắn từng nét bút cho bà con. Đáp lại sự nhiệt tình đó, những con người ban ngày tay cuốc đất, ban đêm cầm bút hơi gượng gạo vẫn hăng say lắng nghe, rèn luyện.

Trung tá Lê Ngọc Sơn và những học trò Trung Phi được anh giảng dạy trước và sau giờ làm ở phái bộ Liên Hợp Quốc. Ảnh: 

VNPKC

Cũng là những người thầy mang quân hàm xanh, hơn 10 năm qua, lớp học đặc biệt do những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau tổ chức tại đảo Hòn Chuối đã tiếp sức cho hàng chục học sinh thực hiện ước mơ đến trường. Bằng tình thương và trách nhiệm, những người thầy mang quân hàm xanh đã để lại dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Để mang cái chữ đến với con em người dân trên đảo, đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối đảm nhiệm vai trò của những “thầy giáo không chuyên”. Họ trực tiếp tìm mua các loại sách giáo khoa, tự mày mò soạn giáo án và kiên trì truyền dạy nội dung kiến thức cho các em nhỏ. Nét đặc biệt tại lớp học của những người “thầy giáo mang quân hàm xanh” ở đảo Hòn Chuối, đó là các anh phải cùng lúc giảng dạy nội dung cho các em học sinh thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều lớp học.

Lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, với nhiều việc làm giàu ý nghĩa nhân văn, những người “thầy giáo mang quân hàm xanh” trên đảo Hòn Chuối đã và đang góp phần nâng bước chân đến trường của các em học sinh nơi hải đảo xa xôi. Đồng thời, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của các anh cũng góp phần gắn kết hơn nữa tình quân dân trên đảo, giúp bà con ngư dân yên tâm bám đảo, bám biển để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Người thầy không giáo án giữa đại ngàn Tây Nguyên

Không đứng trên bục giảng, không bảng đen phấn trắng, không có một giáo trình chuẩn nào nhưng họ vẫn được kính trọng gọi bằng hai chữ thân thương “thầy cô”. Đó là những người đang gieo mầm thiện ở Trại giam Đắk Tân (Bộ Công an) đóng trên địa bàn xã Ea Pil, huyện Mđrắk, tỉnh Đắk Lắk.

Theo nguyên tắc trong các trại giam, phạm nhân phải gọi cán bộ là quản giáo, là “cán bộ” xưng “tôi”, nhưng ở Trại giam Đắk Tân, đa số các phạm nhân đều gọi những quản giáo này bằng “thầy cô”, xưng “em”, “cháu”. Theo Trung úy Trần Ngọc Sơn, cán bộ quản giáo phân trại số 1 - thuộc Trại giam Đắk Tân cho biết, cách gọi này là thể hiện tình cảm chân thành của những phạm nhân ở trại đối với người quản giáo, đồng thời cũng tạo sự gần gũi, xóa đi những mặc cảm.

Còn đối với Đại uý Nguyễn Thị Hiền, cán bộ giáo dục phân trại số 1, người từng có gần 10 năm tuổi nghề gắn bó với trại giam và hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với hàng nghìn phạm nhân, Đại uý Hiền là người đã cảm hóa được không ít phạm nhân. Không giống như những người thầy, người cô trên giảng đường đưa ra những bài học trong sách vở, những người làm công tác giáo dục phạm nhân ngoài việc phải tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo chế độ cho tù nhân, còn phải tiếp xúc, phải hiểu từng phạm nhân, động viên để họ yên tâm cải tạo, cảm hóa để họ nhận thức được sai lầm và hướng thiện.

Lớp học của Đại uý Nguyễn Thị Hiền không giáo án, không phấn trắng bảng đen, mà ở đó chỉ có những câu chuyện về tình người. 

Đối với những người làm công tác giáo dục trong trại giam, để phạm nhân nhận thức được hành vi phạm lỗi của mình, cảm hóa để họ ăn năn hối cải, không tiếp tục vi phạm pháp luật, điều cốt lõi là phải có cái tâm. Bản thân cái tâm của người cán bộ, chiến sỹ trong trại giam đã là bài học để khơi dậy phần thiện trong từng phạm nhân. Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Giám thị Trại giam Đắk Tân chia sẻ. 

Sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam ở Trung Phi

Phái bộ của lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA) được thành lập vào tháng 4/2014, chia làm 4 phân khu (Đông, Tây, trung tâm và thủ đô). Hiện 43 quốc gia gửi lực lượng tham gia Phái bộ trong đó có quân đội Việt Nam, với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bảo vệ dân thường, hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực tại Trung Phi trong bối cảnh nhiều nhóm vũ trang khác nhau đang hoạt động.

Trung tá Lê Ngọc Sơn có mặt ở MINUSCA từ năm 2017, hoàn thành nhiệm vụ trở về, anh kể, là sĩ quan tham mưu tác chiến, ngoài nhiệm vụ ở văn phòng từ 8h sáng đến 5h chiều, trung tá Sơn dành tất cả thời gian còn lại để dạy học cho những đứa trẻ nghèo khó, con em của người dân địa phương. Do người Trung Phi nói tiếng Pháp, anh phải đến Đại học Bangui nhờ sinh viên phiên dịch tiếng Anh mỗi khi đứng lớp.

Với sự chỉ bảo tận tình của trung tá Sơn, từ chỗ không thể làm phép tính cộng, trừ, nhân, chia hai số nguyên trái dấu, không hiểu cách tính toán có cả phép nhân chia và cộng trừ dù đã học lớp 7 chỉ sau hai tháng kiên trì, những học trò của anh ở Trung Phi đã biết làm những phép tính từ đơn giản đến khó hơn.  

Lê Vũ Anh None

Link nội dung: https://arttimes.vn/tin-tuc/chuyen-ve-nhung-thay-co-dac-biet-voi-nhung-lop-hoc-dac-biet-c2a1450.html