Đượm hương bưởi ngày xuân

Có ai đó nói rằng nếu thật sự lắng nghe thiên nhiên thì có thể nghe thấy tiếng thì thầm của đất, tiếng tỉ tê, thủ thỉ của hoa lá cỏ cây. Một khi con người yêu một cái gì đó mãnh liệt thì sẽ cảm nhận được những điều mà nói ra tưởng chừng phi lý nhưng lại thật đến khó tin.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Đất trở mình, hạt giống cựa quậy để mọc mầm trong lớp đất mịn và những lớp xác lá ẩm phủ trên mặt đất. Một năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, cây cối có loại lá mọc, rụng theo mùa chỉ còn trơ trụi cành vào mùa đông băng giá, có loại lá xanh tốt quanh năm. Tôi đã nghe cây bưởi trước sân nhà buông mình rủ rỉ với cây đào ở góc sân, cây bưởi cũng có kỳ lá xanh non nhú ra đầu cành đánh dấu thêm một tuổi đời. Nhưng lớp lá già vẫn xanh thẫm bám chắc trên cành, mặc mùa đông băng giá khiến bao loài cây khác phải co ro chống chọi với cái rét thì cây bưởi vẫn hiên ngang trước những đợt giá lạnh. Cây đào dường như cũng cảm nhận được sự ấm áp của cây bưởi mà có những cành tựa vào tán lá xanh của cây bưởi để tránh gió rét. Để rồi đến khi nàng xuân gõ cửa thì bung nở những nụ hoa màu đỏ thắp sáng bừng khoảng sân rộng trước nhà.

Những người sinh sống ở vùng quê tôi có kiểu thưởng hoa, ngắm hoa ở cây chứ không chặt hay cắt cành đào, mai về cắm trong nhà. Ngày Tết, những người cao tuổi lấy ghế ra ngồi ở sân, sưởi ấm bằng việc đun củi trong cái chậu đồng, các cụ vừa hàn huyên vừa ngắm những cánh hoa đào đang nở rộ. Có cụ nói hoa đào đẹp, nó đánh vào ánh mắt của con người, còn hương hoa bưởi lẳng lặng đem hương thơm “cho lòng bối rối, cô bé như chùm hoa lặng lẽ, nhờ hương thầm nói hộ tình yêu...”. Hương hoa bưởi theo gió luồn qua từng kẽ hở mà thoang thoảng len lỏi vào nhà để đến với con người. Không khoe sắc thắm nồng như hoa đào, nhưng màu trắng của hoa bưởi làm lòng người xao xuyến. Mẹ thường bảo chúng tôi chọn những cành bưởi hoa trắng lá xanh đẹp nhất, dành để cắm lọ bày trên ban thờ trước khi thắp nén nhang đầu trong năm mới để cúng tổ tiên.

Nếu cây đào tự hào về sắc hoa bày Tết thì hẳn cây bưởi tự hào vì dâng cho đời không chỉ hoa quả mà ngay cả lá bưởi cũng được nhiều người tin dùng. Những chiếc lá xanh khi cho vào nồi nước đun sôi sẽ cho ra thứ nước thơm lừng. Ở thành phố, lá bưởi được bán kèm với nhiều thứ cỏ, lá khác để người thành thị mua về đun nước xông, nước gội đầu. Còn ở quê tôi những ngày giáp Tết, đặc biệt vào ngày 30 tháng Chạp, hầu như nhà nào cũng đun một nồi nước lá bưởi để dọn ban thờ, rửa bát hương, lau di ảnh của người đã khuất. Nước lá bưởi cũng được dùng để lau cho tủ, bàn, ghế... vừa sạch vừa thơm. Những ông thầy tào, bà bụt không thể thiếu nước lá bưởi để rửa mặt hằng ngày hoặc để thầy sử dụng làm phép trừ tà đuổi ma. Phụ nữ mới sinh trước khi bước vào nhà, chào mừng em bé mới đến với cuộc đời này hay khi thay bộ đồ mới để vĩnh biệt người vừa qua đời, tất cả đều không thể thiếu nước lá bưởi. Người quê tôi đi dự đám hiếu về trước khi vào nhà cũng thường bứt vài lá bưởi vò trong tay, xoa hương bưởi lên mặt, có khi hái mấy lá bưởi đặt lên ban thờ để không bị quở trách.

Tạo hóa đã khéo ban để cây bưởi không trụi lá về mùa đông, lặng lẽ dâng lá thơm cho con người sử dụng vào những việc ý nghĩa. Chẳng mấy ai xin lá bưởi bao giờ. Bởi hầu như nhà nào cũng có cây bưởi ở sân vườn. Nếu không, khi có việc lễ nghi quan trọng cần đến lá bưởi, thì chỉ cần ngả cái cành thấp nhất của những cây bưởi xòe tán ra đường ngõ mà bứt lấy ít lá về dùng.

Lặng lẽ tỏa mình trong hơi nước nóng ngày xuân, cùng với sắc thắm rộn ràng của hoa đào, hương bưởi trong tôi mang mùi thơm lắng đọng ký ức những ngày Tết quê hương.

Theo HNM

Link nội dung: https://arttimes.vn/van-tho/duom-huong-buoi-ngay-xuan-c55a2266.html