Chủ bút Tản Đà bị bạn đọc trách vì nghỉ làm báo 'Hữu thanh'

Báo chí muốn sống được phải hội đủ các nhân tố cần thiết: Kinh phí, nhân lực, pháp luật… và dĩ nhiên chẳng thể bỏ độc giả, nhân tố quan trọng, ra ngoài lề được.

Sự ra đời, hoạt động, ích lợi hay cái hại của báo đều được bạn đọc quan tâm. Chuyện phiếm mà bàn về những bài, những việc được báo phản ánh là việc bên bàn trà, cữ thuốc ta không rõ được. Nhưng ý kiến của độc giả không chỉ quanh nơi nhóm họp, bàn luận ngoài đời như thế, mà có lúc, được đưa lên trên mặt báo.

Và qua đó, ta biết thêm thông tin về mối quan tâm của độc giả với báo chí.

Khi độc giả yêu

Trên Công luận báo số 489, ra ngày 11/4/1922 ở mục Tự do diễn đàn có bài “Cảm tình của người đọc báo”, trong đó đăng bức tâm thư bày tỏ cảm tình của độc giả Phạm Kim Cương với tờ Công luận báo.

Sự mến mộ của độc giả Kim Cương dành cho Công luận báo, kể cũng nhiều khi bày tỏ: "Tôi được đọc Công luận báo mấy lâu nay, có tình yêu mến các nhà biên tập, nay xin tỏ lời cảm niệm, và giải tỏ tình cảm đối với báo quán, tình cảm ấy tôi chắc rằng phàm ai biết tư tưởng, biết nghe thấy đều có cả".

Thư độc giả Phạm Kim Cương bày tỏ tình cảm với Công luận báo. Ảnh: Đình Ba.

Vẫn trong bức thư đầy thiện cảm, Kim Cương cho rằng Công luận báo là tờ báo có lương tâm, thực hiện được thiên chức "làm tai mắt của dân". Điều ấy, thể hiện ngay ở giá trị những bài đăng trên Công luận báo mà vị độc giả này nhận định là: "Khéo biết luyện tập quấc [quốc] văn, làm thành tờ báo chẳng khác nào là hàn lâm viện riêng ở Nam Kỳ, tiền đồ văn chương Nam Kỳ sau nầy may mắn vô cùng".

Lại có độc giả cảm tình với báo một phần từ sự ái mộ với người đứng đầu báo ấy, như khi Tản Đà làm báo Hữu thanh. Lúc ông rời báo này không lâu, thì đầu tháng 2/1922 có độc giả Vũ Quang Long viết thư tâm sự, trong đó có đoạn:

“Báo Hữu thanh ra đời, lấy hữu ái làm chủ nghĩa. Tôi là người xem báo Hữu thanh, không biết bao nhiêu tình hữu ái và mối cảm tình cùng báo, mà nhất là Tiên sinh là ông chủ bút Hữu thanh vậy”. Đồng thời, thư cũng trách móc ông chủ bút rời báo mà đi. Bức thư này sau Tản Đà cho đăng trên An Nam tạp chí số 1, ra ngày 1/7/1926.

Hay như với trường hợp nhà báo của Sài Thành nhật báo. Khi ông Chủ bút báo là Hồng Tiêu (em Chủ nhiệm Bút Trà) sánh duyên cùng Bà Tùng Long (tác giả của nhiều tiểu thuyết hay như: Một vụ án tình, Bóng người xưa, Đời con gái...) thì bốn tiệm thuốc lớn ở Sài Gòn là tiệm thuốc Võ Văn Tân, tiệm Phan Thị Bạch và hai tiệm Chợ Lớn có xe hơi lớn đều cho mượn để đón dâu cả.

Đến khi đám cưới xong xuôi thì Bà Tùng Long còn nhớ nơi hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi…: “một tiệm chụp hình ở đường Bonard (Lê Lợi) đến mời chúng tôi đi Sở thú và chụp cho chúng tôi cả mấy trăm kiểu hình và khi rửa xong mang đến mừng chúng tôi. Thế mới thấy độc giả của anh NCM thương anh đến bậc nào”.

Bà Tùng Long ấn tượng với tình cảm độc giả dành cho chồng mình qua hồi ký. Ảnh: Đình Ba. Lúc độc giả ghét

Tờ báo Việt Nam hồn, Đào Duy Anh còn nhớ trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm là khi đang dạy tiểu học ở Quảng Bình thỉnh thoảng được một người bạn làm cùng nghề ở trường tư trong Sài Gòn gửi ra, và báo được biết là xuất bản tại Paris.

Liên quan đến báo và thái độ của người đọc, Trần Huy Liệu kể câu chuyện, cũng là để thấy thái độ của độc giả với báo chí bí mật, dù chỉ là một góc nhìn.

Lần ấy Trần Huy Liệu đến Trà Vinh, được người bạn kể cho biết có độc giả nhận được một số báo Việt Nam hồn bên Pháp gửi qua, “nhân trao tay cho bà con coi, khi tới tay một người kia, gặp kẻ nghịch xúi đem trả lại cho người có báo, rồi đi báo sở mật thám để trị tội người ấy”.

Nhưng người đó không nỡ làm vậy nên phải nhân đêm khuya, bơi thuyền ra giữa sông buộc mấy tờ Việt Nam hồn vào đá mà liệng xuống sông. Việc ấy ông Liệu có ghi lại nơi tác phẩm Một bầu tâm sự.

Nhà báo Trần Huy Liệu bày tỏ nỗi buồn về thái độ độc giả trong Một bầu tâm sự. Ảnh: Gallica.

Độc giả trên dẫu sao còn là người có tư cách, không muốn vì tờ báo đối kháng với chính phủ bảo hộ mà hại người cho mình mượn tờ báo Việt Nam hồn. Nhưng có cả độc giả bày tỏ thái độ quyết liệt phản đối với tờ báo, do trí não coi Pháp là mẫu quốc.

Vẫn lời kể của Trần Huy Liệu còn nhớ ông viết Đông Pháp thời báo, đã viết một bài cổ động cho báo Việt Nam hồn của đồng bào lập ra bên Pháp. Có độc giả sau khi đọc xong bài ấy, đã gửi 12 quan tiền tây qua Pháp để đặt mua Việt Nam hồn.

Đến khi độc giả trên nhận được báo thì tỏ thái độ bực tức, viết thư chửi tác giả bài giới thiệu báo, trong đó có đoạn “lấy làm bất bình hết sức, vì thấy những lời lẽ trong tờ báo toàn là láo lếu bậy bạ, dám chửi cả quan Toàn quyền Varenne!! Như vậy mà ông khuyên đồng bào nên đọc ư!”.

Gặp độc giả ấy, Trần Huy Liệu chỉ biết buồn...

Theo Zing

Link nội dung: https://arttimes.vn/van-tho/chu-but-tan-da-bi-ban-doc-trach-vi-nghi-lam-bao-39huu-thanh39-c55a2388.html