Kỷ niệm 35 ngày mất nhà thơ Xuân Diệu (1985-2020) - Xuân Diệu - "Quanh ta ríu rít là đời…"

(Arttimes) - Như thường lệ, chiếc xe đón giảng viên đến lớp đỗ xịch trước sân Trường viết văn Nguyễn Du. Nhà thơ Xuân Diệu bước xuống xe. Vẫn cái lắc đầu quen thuộc. Vẫn mái tóc bồng bềnh như sóng.

Giải thưởng cuộc thi là tập thơ  “Một khối hồng”… Hồi ấy, vào năm 1964, Trường cấp III Hàn Thuyên (Bắc Ninh) tổ chức cuộc thi “Thày giáo và nhà trường”. Các lớp thi nhau viết bài “công bố” trên báo tường, báo liếp… Tôi là cậu học trò “chân ướt chân ráo” mới thi đậu và học năm đầu của trường cũng háo hức bởi không khí tôn vinh người thày của mình. Bao nhiêu kính trọng cho người đã đem lại kiến thức và dạy dỗ ùa về với tình cảm trong sáng, tôi đã viết được bài thơ Thầy giáo em. Câu chữ còn vụng về, non nớt nhưng chân thành nên Ban giám khảo chấm cho giải nhất. Vui mừng hơn nữa tôi được đứng trên bục vinh danh nhận giải thưởng trước con mắt thán phục của hàng nghìn học sinh toàn trường. Giải thưởng cũng rất khiêm nhường: vài ba xấp giấy men, bút máy Trường Sơn và… tập thơ giấy trắng trang nhã, thơm mùi mực in Một khối hồng do Nxb Văn học ấn hành năm 1964. 

Tôi đọc tập thơ nhiều ngày, cất giữ như một báu vật; và có đoạn có bài đã thuộc, nhập tâm đến tận bây giờ: Hoa này là hoa “anh ơi” - Là hoa một buổi đẹp trời, ta đi - Nắm tay trò chuyện thầm thì - Bỗng nhiên em thốt: “Hoa gì? Anh ơi”. (Hoa anh ơi)… Núi cao chót vót, chon von - Anh xây, xây mãi chưa tròn tình yêu - Sáo nồng đượm biết bao nhiêu - Mơn man với cảnh, thân yêu với người - Quanh ta ríu rít là đời - Bên em ai hát ai cười là anh (Ca khúc)… Đó là những ấn tượng khó quên về thơ Xuân Diệu. Sau này khi đọc thường xuyên thơ ông tôi rất cảm phục chất thi sĩ trong Xuân Diệu. Thậm chí, mê thơ ông, tôi còn chép lại nguyên văn hai cuốn Thơ thơ và Gửi hương cho gió theo bản đánh máy thuộc loại sách nghiên cứu phạm vi hẹp của Khoa văn Trường Đại học Sư phạm… Khi vào nghiệp thơ, tôi học ở Xuân Diệu khả năng “rút tỉa” những tầng vỉa văn học dân gian (ca dao, dân ca), thơ Đường, thơ Tống và văn học phương Tây để tạo nên vốn thơ và làm thành bản sắc thơ mình, nhưng vẫn giữ hồn cốt dân tộc “nghĩ suy chi cũng trên mảnh đất này”.

Nhà thơ Xuân Diệu 

Tôi đọc tập thơ nhiều ngày, cất giữ như một báu vật; và có đoạn có bài đã thuộc, nhập tâm đến tận bây giờ: Hoa này là hoa “anh ơi” - Là hoa một buổi đẹp trời, ta đi - Nắm tay trò chuyện thầm thì - Bỗng nhiên em thốt: “Hoa gì? Anh ơi”. (Hoa anh ơi)… Núi cao chót vót, chon von - Anh xây, xây mãi chưa tròn tình yêu - Sáo nồng đượm biết bao nhiêu - Mơn man với cảnh, thân yêu với người - Quanh ta ríu rít là đời - Bên em ai hát ai cười là anh (Ca khúc)… Đó là những ấn tượng khó quên về thơ Xuân Diệu. Sau này khi đọc thường xuyên thơ ông tôi rất cảm phục chất thi sĩ trong Xuân Diệu. Thậm chí, mê thơ ông, tôi còn chép lại nguyên văn hai cuốn Thơ thơ và Gửi hương cho gió theo bản đánh máy thuộc loại sách nghiên cứu phạm vi hẹp của Khoa văn Trường Đại học Sư phạm… Khi vào nghiệp thơ, tôi học ở Xuân Diệu khả năng “rút tỉa” những tầng vỉa văn học dân gian (ca dao, dân ca), thơ Đường, thơ Tống và văn học phương Tây để tạo nên vốn thơ và làm thành bản sắc thơ mình, nhưng vẫn giữ hồn cốt dân tộc “nghĩ suy chi cũng trên mảnh đất này”. 

Dịp may ấy đã đến, tôi nhập khóa 2 trường viết văn Nguyễn Du (1983 - 1985). Lần ấy, nhà trường có mời ông đến nói chuyện thơ trong chương trình thơ Việt Nam hiện đại. Ông có nhã ý mời các học viên đến chơi nhà ông ở 24, Cột Cờ, Hà Nội (nay là đường Điện Biên Phủ): Nhà tôi 24 Cột Cờ - Ai yêu thì đến, ai lờ thì qua. Đi cùng một số anh em làm thơ trong khóa học, tôi mang theo tấm hình và cũng để khoe với ông. Trong khi hàn huyên, tôi rụt rè đưa ông tấm hình với lòng ngưỡng mộ nhà thơ. Xuân Diệu hỏi: “Em có tấm hình này từ đâu?”. Tôi thuật lại chuyện anh bạn tặng ảnh và cất giữ nhiều năm như kỷ vật của đời mình. Nhà thơ cảm động lau mắt kính: “Thời gian là cái kinh khủng nhất của đời người. Mới ngày nào…”. Xuân Diệu đi ra cửa đứng hồi lâu ngắm cây hoàng lan bóng nắng đổ trước sân. Và tôi thấy ông thở dài... 

“Anh nói ngắn cho em được nhờ” Từ độ trường viết văn Nguyễn Du mở ra (1979), Ban giám hiệu có mời các nhà văn, nhà thơ đến nói chuyện sáng tác và phụ đạo cho các học viên chọn lọc từ khắp nơi trong nước gửi về. Nhà thơ Xuân Diệu rất hào hứng với chủ trương này và nhiệt tình tham gia. Trước đó, ông đã giảng dạy cho nhiều khóa học ngắn hạn trên Quảng Bá (Hà Nội) do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Vào khóa 2 (1983-1985), lần ấy sau chương trình thơ văn Việt Nam hiện đại, Ban giám hiệu có phân công nhà thơ Thúy Bắc lo tổ chức buổi sinh hoạt thơ Trần Đăng Khoa. Nhà thơ Xuân Diệu được mời chủ trì buổi sinh hoạt thơ này, ông trình bày khá kỹ về thơ Khoa hồi nhỏ và tập thơ “Bên cửa sổ máy bay” vừa ra mắt bạn đọc. Sợ ảnh hưởng đến trọng tâm buổi sinh hoạt và còn để các học viên khác nhận xét về thơ Khoa, nhà thơ Thúy Bắc nhắc: “- Anh Xuân Diệu ơi, đề nghị anh nói ngắn và tập trung”. Nhà thơ Xuân Diệu đang hào hứng nhận xét về thơ Khoa bỗng chùng hẳn xuống, ông trễ cặp kính cận nhìn Thúy Bắc: “- Này, tôi nể anh Vinh (Huỳnh Khái Vinh - hiệu trưởng) mới đến đây, theo lời mời của anh ấy!”. Không khí sinh hoạt thơ tự nhiên “căng thẳng” đám học viên chúng tôi chưa biết xử trí ra sao trước tình huống này thì nhà thơ Thúy Bắc nhanh trí trả lời, giọng dịu lại: “- Anh nói ngắn thì em sẽ báo cáo Ban giám hiệu trả thù lao cao cho anh.

Em nói vậy, chứ đâu dám hỗn với anh!”. Nghe vậy, nhà thơ Xuân Diệu tĩnh trí trở lại tươi cười vui vẻ: “- Thúy Bắc nói phải. Thôi bỏ quá cho anh nhé. Chúng ta tiếp tục chủ đề thơ Trần Đăng Khoa…” như chưa hề có chuyện gì xảy ra! Nhà thơ Xuân Diệu là vậy, ông nhiều lúc hồn nhiên như trẻ nhỏ - theo tôi - đó là một phẩm chất đáng yêu của nhà thơ, dẫu đôi khi cũng khiến người khác bận lòng. 

Buổi lên lớp cuối cùng của nhà thơ Xuân Diệu Như thường lệ, chiếc xe đón giảng viên đến lớp đỗ xịch trước sân Trường viết văn Nguyễn Du. Nhà thơ Xuân Diệu bước xuống xe. Vẫn cái lắc đầu quen thuộc. Vẫn mái tóc bồng bềnh như sóng. Nom ông có vẻ tự tin hơn mọi ngày. Xuân Diệu có hai buổi giảng về thơ và nghề thơ theo kế hoạch của nhà trường. Đám học viên Khóa 2 chúng tôi đứng dậy chào ông theo quy định với các giảng viên. Xuân Diệu kê lại bàn, chỉnh lại lọ hoa tươi theo thói quen vốn có với bất cứ cuộc nói chuyện thơ cố hữu nào của ông. Ông nói về thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương với kiến thức uyên bác và tâm hồn thi sĩ khiến người nghe thật sự bị cuốn hút. Xuân Diệu kể về chuyến đi Bungari với những thung lũng thơm ngát hương hoa hồng và lòng yêu thơ đến kỳ lạ của người xứ này. Ông không ngại “khoe” với các nhà văn trẻ học viên chúng tôi về cuốn tuyển thơ dịch của ông “Cánh cửa mở vào vô biên”: “Họ dịch thế mới là dịch. Xuân Diệu vào cõi bất tử rồi…!” Rồi ông khoát tay: “Xuân Diệu nói hay thế, vỗ tay đi chứ, các bạn!”. Đến nước ấy, không còn cách nào khác, học viên chúng tôi vỗ tay rào rào như để đáp lại sự nhiệt thành của ông. Buổi lên lớp cuối cùng của nhà thơ Xuân Diệu thật ấn tượng. Chỉ có điều, sau đó ít ngày, chúng tôi không ngờ vào cuối năm 1985, nhà thơ Xuân Diệu giã từ cõi thế tại Bệnh viện Hữu Nghị và học viên chúng tôi tổ chức đi viếng ông ở trụ sở Ủy ban liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam ngay khi Hội nghị những người viết văn trẻ được tổ chức tại Hà Nội. Thế đấy, “Cánh cửa mở vào vô biên” đã đưa Xuân Diệu vào cõi thiên thu như chính cuốn thơ dịch định mệnh ấy, như chính lời tâm sự của ông vào buổi học cuối cùng ấy: Hãy để cho tôi được giã từ - Vẫy chào cõi thực để vào hư - Trong hơi thở chót dâng trời đất - Cũng vẫn si tình đến ngất ngư. (không đề). 

Nguyễn Thanh Kim  None

Link nội dung: https://arttimes.vn/van-tho/ky-niem-35-ngay-mat-nha-tho-xuan-dieu-401985-202041-xuan-dieu-34quanh-ta-riu-rit-la-doi34-c55a2405.html