Những tác phẩm thiếu nhi đáng chú ý của văn học Việt năm 2020

Cùng các tác phẩm lần đầu ra mắt, việc làm mới các sáng tác được bạn đọc nhỏ tuổi nhiều thế hệ yêu thích cũng là điểm đáng chú ý của thị trường sách thiếu nhi trong năm vừa qua.

Năm 2020, thị trường sách văn học thiếu nhi trong nước khá ảm đạm. Nếu Bơ không phải để ăn là tác phẩm mang màu sắc vui nhộn, hấp dẫn của các tác giả trẻ, thì Nhớ mùa sim chín lại là hoài niệm tươi đẹp về tuổi thần tiên đã qua của một cây bút đã có tên tuổi trên văn đàn. Tập thơ Ai dậy sớm được “tái xuất” với diện mạo hoàn toàn mới cũng khiến nhiều độc giả nhí thích thú.

Bơ không phải để ăn

Đây là cuốn sách tranh song ngữ Anh - Việt mang màu sắc vui tươi, hóm hỉnh của các tác giả trẻ. Nhân vật chính của tác phẩm là cậu bé Bơ thông minh và giàu tình cảm. Với nhân vật này, thế giới hồn nhiên và đầy ngộ nghĩnh của con trẻ được tái hiện một cách trọn vẹn.

Sách tranh Bơ không phải để ăn. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Qua những bức tranh ngộ nghĩnh và đầy ấn tượng của họa sĩ Trần Quốc Anh cùng phần lời của hai tác giả Huỳnh Trọng Khang và Chung Bảo Ngân, độc giả nhí được cùng Bơ khám phá và sẻ chia những điều bình dị và rất đỗi hồn nhiên của con trẻ. Ngoài việc được đầu tư về hình ảnh và nội dung, cuốn sách này còn chứa đựng nhiều bài học ý nghĩa dành cho độc giả nhỏ tuổi.

Nhớ mùa sim chín

Những ký ức đầy màu sắc, lấp lánh những buồn vui của một thời tuổi nhỏ chính là nguồn cảm hứng để nhà văn Nguyễn Quang Lập viết nên cuốn tạp văn Nhớ mùa sim chín. Bằng ngôn từ và ký ức, tác giả đã đưa bạn đọc nhỏ tuổi quay ngược thời gian, trở về với những tháng năm gian khó mà ông và bạn bè đã trải qua.

Tạp văn Nhớ mùa sim chín. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Những hoài niệm của Nguyễn Quang Lập không chỉ là câu chuyện của một người, nó là ký ức của cả một thế hệ. Nhờ có những câu chuyện giản dị trong cuốn sách này, mà bạn đọc nhỏ tuổi hiểu thêm về tuổi thơ của ông bà, cha mẹ; cùng những khó khăn mà thế hệ đi trước đã phải trải qua.

Chuyện của anh em nhà Mem và Kya

Nhiều câu chuyện nhỏ nhặt hàng ngày, cùng những thắc mắc rất đỗi hồn nhiên của hai anh em Mem và Kya được người ông của hai em bé tỉ mỉ quan sát và ghi chép lại. Là một cây bút có tiếng trên văn đàn, với nhiều tác phẩm mang tính triết luận sâu sắc, thế nhưng khi viết cho thiếu nhi, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cho người đọc thấy một sắc thái hoàn toàn mới trong sáng tác của ông.

Tập truyện Chuyện của anh em nhà Mem và Kya. Ảnh: NXB Trẻ.

Những câu chuyện giản dị trong gia đình được nhận xét, đánh giá bằng cái nhìn thơ ngây, trong trẻo của trẻ thơ đã gợi nên bao điều thú vị. Qua những trang viết dành cho bạn đọc nhỏ tuổi, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nhắc nhở các bậc phụ huynh một điều rất quan trọng: Muốn dạy dỗ con trẻ, trước tiên phải tìm cách để hiểu chúng.

Ai dậy sớm

Ai dậy sớm là tập thơ thiếu nhi nổi tiếng của nhà thơ Võ Quảng. Một số sáng tác trong tập thơ này đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Hơn nữa thế kỷ qua, những vần thơ của “cây đại thụ trong làng văn học thiếu nhi” vẫn được các thế hệ độc giả nhí yêu thích.

Tập thơ Ai dậy sớm. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Năm 2020, tập thơ Ai dậy sớm được “tái xuất” trong một diện mạo hoàn toàn mới với phần minh họa ấn tượng, ngộ nghĩnh của họa sĩ Chu Linh Hoàng. Bằng những hình ảnh được vẽ một cách trau chuốt, tỉ mỉ, mang đậm tính dân gian, những bức tranh của chàng họa sĩ 8X đã hòa quyện một cách rất nhuần nhuyễn với những bài thơ “đi cùng năm tháng” của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Theo Zing

Link nội dung: https://arttimes.vn/van-tho/nhung-tac-pham-thieu-nhi-dang-chu-y-cua-van-hoc-viet-nam-2020-c55a2514.html