Tìm hướng đi cho các dự án nghệ thuật độc lập

Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối tháng 12 vừa qua bộ phim Bình Ngô đại chiến - tập phim cuối cùng thuộc dự án Việt sử kiêu hùng thực hiện theo hình thức gây quỹ cộng đồng đã chính thức ra mắt khán giả.

Ngay sau khi ra rạp, bộ phim tiếp tục được phát hành rộng rãi trên kênh youtube để phục vụ những ai quan tâm. Bộ phim 60 phút là công sức của nhóm sản xuất trong suốt hơn 15 tháng với 13 lần phải thay đổi kịch bản. Ê-kíp làm phim chấp nhận vất vả, đi thực tế, tìm kiếm tư liệu, chỉnh sửa nội dung,... với mong muốn ra mắt một sản phẩm nghệ thuật đáp ứng được sự kỳ vọng của cộng đồng.

Ðược biết dự án Việt sử kiêu hùng đã kêu gọi được 1.600 người tham gia đóng góp kinh phí với số tiền lên đến 1,3 tỷ đồng, vượt mục tiêu ban đầu là 1 tỷ đồng. Ðây là số tiền không nhỏ và Việt sử kiêu hùng được xem là dự án về lịch sử nhận được sự hỗ trợ lớn nhất từ cộng đồng hiện nay. Tuy nhiên để thực hiện một bộ phim lịch sử dưới hình thức phim dã sử theo phong cách diễn họa (animation) thì số tiền này chỉ đủ trang trải tiền ăn nghỉ tối thiểu cho ê-kíp trong quá trình thực hiện.

Song nhóm làm phim gồm những người trẻ đã chấp nhận tham gia dự án không hề có lương chỉ vì niềm đam mê, tâm huyết, và mong muốn truyền cảm hứng sử Việt cho người Việt, nhất là giới trẻ. Nhiệt huyết của những người trẻ thuộc dự án Việt sử kiêu hùng đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ các nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Thành Lộc, Khánh Hoàng, Ðức Thịnh... Trước đó, tập 1 của bộ phim ra mắt vào năm 2018 cũng đã gây được tiếng vang vì sự hấp dẫn, mới lạ. Khép lại một dự án ý nghĩa, trong khi tìm kiếm nhà tài trợ mới, những người thực hiện tiếp tục làm truyện tranh minh họa, xây dựng kịch bản và hỗ trợ các dự án khác về văn hóa lịch sử. Như vậy nếu không tìm được nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc dự án làm phim Việt sử kiêu hùng sẽ phải dừng lại. Ðiều này chắc chắn sẽ gây nuối tiếc cho nhiều người.

Từ câu chuyện của dự án Việt sử kiêu hùng cho thấy nếu có sự chung sức của cộng đồng sẽ giúp các nhóm nghệ sĩ độc lập thể hiện được khả năng sáng tạo và cống hiến những tác phẩm có giá trị cho xã hội. Tuy nhiên việc kêu gọi gây quỹ cộng đồng hiện nay sẽ khó bền vững và ẩn chứa nhiều rủi ro, bởi nếu dự án không kêu gọi đủ số kinh phí theo dự toán thì rất có thể sẽ buộc phải dừng, hoặc làm theo kiểu giật gấu vá vai, hiệu quả nghệ thuật không đáp ứng được kỳ vọng. Do đó các nghệ sĩ độc lập, nhất là những nghệ sĩ trẻ thật sự cần những nguồn lực bền vững, ổn định hơn, như sự giúp đỡ, tài trợ, đồng hành từ các doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay, việc kêu gọi đầu tư cho các dự án nghệ thuật của tư nhân vẫn đang còn nhiều hạn chế bởi nhiều người trong số đó còn chưa có tên tuổi. Ðồng thời nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với các dự án nghệ thuật, trong khi sẵn sàng dành số tiền lớn cho truyền thông, quảng bá. Tuy nhiên đến lúc cần thay đổi quan niệm vì việc đầu tư cho một sản phẩm nghệ thuật có giá trị, gây được tiếng vang trong đời sống là một cách đầu tư, quảng bá mang lại hiệu quả về lâu dài cho doanh nghiệp. Do đó để các nghệ sĩ và các nhà đầu tư có thể tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện các dự án nghệ thuật rất cần có sự kết nối, tìm hiểu, trao đổi. Trên cơ sở đó có sự hợp tác giữa các bên để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đích thực, đáp ứng nhu cầu sáng tạo của người nghệ sĩ, đồng thời phía doanh nghiệp, nhà tài trợ cũng được hưởng lợi.

Theo Nhân Dân

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/tim-huong-di-cho-cac-du-an-nghe-thuat-doc-lap-c8a2602.html