Mua danh hiệu hoa hậu để làm gì?

Cuộc sống ngày càng cởi mở, nhu cầu được khẳng định nhan sắc, vẻ đẹp của con người ngày càng được nâng cao.

Điều này cũng là một trong những lý do khiến nhiều cuộc thi về nhan sắc nở rộ trong thời gian qua. Nếu như trước đây, văn hào Nga Dostoyevsky viết trong “Tội ác và Hình phạt” cho rằng cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới thì ngày nay, cái đẹp đã thu hẹp lại để làm giàu cho một thân phận? 

Mới đây, bà Q.H.L (35 tuổi, ở Hà Nội) tố cáo rằng cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020, mà bà vừa nhận danh hiệu, không có giấy phép. Đồng thời, bà Q.H.L cung cấp một số mức giá cho danh hiệu của cuộc thi, như Hoa hậu có giá 800 triệu đồng, Á hậu 1 là 400 - 500 triệu đồng, còn Á hậu 2 là 300 triệu đồng…

Bà Q.H.L cũng cho biết đã chuyển khoản cho ông N.V.H (Giám đốc một công ty truyền thông giải trí) 800 triệu đồng. Trước đó, ông N.V.H đưa cho bà bản hợp đồng (không có chữ ký) nêu rõ Công ty cam kết đào tạo xây dựng hình ảnh để bà Q.H.L vào tốp 4 và đoạt giải hoa hậu.

Ảnh minh họa/INT

Thông tin mà bà Q.H.L đưa ra, cuộc thi này do Công ty TNHH MTV đầu tư du lịch giải trí Khổng Tước tổ chức, vòng chung kết diễn ra ngày 18/11/2020 và bà Q.H.L đoạt danh hiệu hoa hậu. Tuy nhiên, sau khi đoạt giải, bà muốn đi làm chương trình từ thiện nên đã liên hệ ban tổ chức đề nghị cung cấp giấy phép cuộc thi nhưng không được. Từ đó, bà nghi ngờ cuộc thi này không được cấp phép.

Trong khi đó, trả lời trên báo Tuổi Trẻ, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - khẳng định cục này không hề cấp phép cho cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020.

Thời gian qua, không thiếu các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi hoạt động “chui”, không phép bị ngành văn hóa “tuýt” còi. Tháng 1/2020, Sở VH&TT Hà Nội đã lập biên bản việc Công ty Cổ phần Thương mại và vẻ đẹp Thảo mộc toàn cầu tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thảo mộc toàn cầu 2020 (Miss Global Her Beauty 2020) không có giấy phép. Công ty này tổ chức chung kết cuộc thi với 30 thí sinh tại một khách sạn. Đơn vị tổ chức đã bị xử phạt 49 triệu đồng.

Hay vào tháng 10/2020, Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế không cấp phép thi hoa hậu cho cuộc thi Hoa hậu nhí Miss Baby, mà chỉ cấp phép là đêm trình diễn thời trang. Đêm chung kết cuộc thi này có nhiều người nổi tiếng làm giám khảo. Sau khi phát hiện sai phạm, thanh tra sở đã xử phạt ban tổ chức 7,5 triệu đồng...

Nhu cầu được đẹp, được tôn vinh vẻ đẹp không có gì sai, nếu tất cả được vận hành theo đúng các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu này, một số đơn vị, cá nhân đứng ra tổ chức các cuộc thi nhan sắc “chui” và đằng sau đó là những cuộc ngã giá các danh hiệu. Đồng thời, một vấn đề đặt ra là “người ta mua danh hiệu các cuộc thi hoa hậu này để làm gì?”. 

Bà L.T.V (Q.9, TPHCM) từng phản ánh một một công ty thương mại giải trí truyền thông nhận của bà 240 triệu đồng với việc hứa “bán” cho một danh hiệu hoa hậu. Theo lời bà V, người môi giới nói mua danh hiệu để được nổi tiếng, làm ăn thuận lợi, được mời quảng cáo, đại diện cho các đơn vị cần quảng cáo thương hiệu và sản phẩm của họ, được mời làm giám khảo các cuộc thi sắc đẹp, các sự kiện văn hóa lớn của cả nước với cát-sê cao…

Điều này cho thấy nhiều người còn tin tưởng vào sức mạnh của các danh vị sắc đẹp. Một nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, khi danh hiệu về nhan sắc bớt danh giá trong xã hội thì cũng sẽ ít đi chuyện mua bán. Người ta không thể lợi dụng những hào quang từ danh hiệu hoa hậu để tìm mọi cách tổ chức các cuộc thi này để kiếm tiền nữa.

Theo Báo Giáo dục và Thời đại

Nguồn giaoducthoidai.vn

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/mua-danh-hieu-hoa-hau-de-lam-gi-c8a2646.html