Huyền thoại Gióng với văn hóa Thăng Long - Đông Đô Hà Nội

(Arttimes) - Đã từ nhiều chục năm qua, khoa học liên ngành và chuyên ngành của Việt Nam, kết hợp với trí tuệ của nhiều học giả nước ngoài, cùng nhau soi xét các nguồn tư liệu để xác định, tìm hiểu về giai đoạn cuối cùng của chế độ công xã nguyên thuỷ ở Việt Nam đã hình thành nên một liên minh bộ lạc vững chắc - xã hội Lạc Việt, đủ sức để lập ra nhà nước Văn Lang dưới sự điều hành của mười tám ngành/đời vua Hùng;

Để rồi, sau quá trình giải quyết xung đột giữa các bộ tộc Tây Vu - Vũ Ninh, đi đến xác lập nhà nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương, thay thế/ kế tiếp triều đại các vua Hùng. Công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm - kẻ thù từ phương Bắc - đã là môi trường xã hội khắc nghiệt, sống còn, làm sản sinh ra người anh hùng làng Gióng huyền thoại, hình ảnh/ biểu tượng tiêu biểu nhất trong văn hóa dân gian thời cổ đại. 

Nhìn theo trục lịch sử, thật khó đoán định không gian văn hóa đích thực mang tính khởi thuỷ của hiện tượng văn hóa Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương này. Nhưng từ điểm nhìn đương đại, vẫn có thể nhận ra, ở giai đoạn lịch sử sơ khai đó, Thánh Gióng với vai trò được tôn vinh trước hết, như một thứ anh hùng bộ tộc, có lẽ mới chỉ gắn với một vùng đất hạn hẹp (Kẻ Đổng), trải qua thời gian, được cộng đồng tô đắp thêm để đi đến khổng lồ về thể xác, khổng lồ về chiến công, đi đến khổng lồ về tầm vóc. Và như vậy, hiện thực lịch sử của một cộng đồng người trong một địa phương nhất định dần dần được mở rộng (thông qua phạm vi/dấu ấn của sự nghiệp) để đại diện, phản ánh (bằng cách lịch sử hóa m ộ t huyền thoại) cho hiện thực lịch sử của một dân tộc, một quốc gia. Từ sự nâng cao tầm nhận thức trong cộng đồng, huyền thoại Thánh Gióng đồng thời cũng được bồi đắp thêm các tình tiết, sự kiện, để sao cho tạo được niềm tin về một sự thực lịch sử, hướng tới sự hoàn thiện cho mục đích phản ánh và lý giải lịch sử chống ngoại xâm/giữ nước của dân tộc, xây dựng một tượng đài lý tưởng/mẫu mực về sức mạnh và nhân cách người anh hùng. Con đường đi từ nhân vật huyền thoại đến nhân vật lịch sử của người anh hùng làng Gióng đã được gợi ra qua quá trình tìm hiểu sự phát triển của truyền thuyết chống ngoại xâm từ Thánh Gióng đến An Dương Vương. Và đương nhiên, sự nảy sinh tín ngưỡng tôn vinh - phụng thờ người anh hùng làng Gióng tại vùng quê sinh ra Gióng, nhìn về khởi thuỷ, vẫn chỉ là/trước hết là một không gian hẹp của một cộng đồng người nhất định, từ phạm vi làng đến liên làng (xã), chứ chưa lan tỏa thành không gian rộng lớn (siêu làng!), gắn với các dấu tích liên quan như nhận diện của sử sách sau này, đủ sức “vẽ ra một vùng lớn của đất trung châu từ đồi Tan Đảo (Sóc Sơn) mở xòe ra giữa ba sông: sông Sầu, sông Hồng và sông Đuống. Đông Tây từ Phả Lại đến Phúc Yên. Bắc Nam từ Thị Cầu đến Bồ Đề sang làng Cáo cạnh Hồ Tây”.

Tượng Thánh Gióng 

Không phải ngẫu nhiên mà, trong lời tiếm bình của Cao Huy Diệu trên truyện Sóc Thiên Vương phản ánh một số sự kiện vào cuối thế kỷ XVII qua nửa đầu thế kỷ XVII, cho rằng: diễn tiến hội lễ Phù Đổng nói chung bao gồm trên ba trung tâm: Phù Đổng, Sóc Sơn, Cảo Hương. Trong việc thờ phụng thần vương, theo Cao Huy Diệu, thì “đền miếu Phù Đổng đứng vào bậc nhất, bốn tổng lớn như Thắng, Đổng, Minh, Viên...phụng tự rất thành kính, mỗi năm đến ngày 9 thánh tư có hội, làm ngày hội lớn của Bắc Giang (Bắc Ninh)... Đền thờ ở làng Cảo là cảnh đẹp cho kinh đô, đến đầu năm làm lễ tế đầu xuân thì thực là nơi đô hội của cả một phương”. 

Nhìn lại nghìn năm Bắc thuộc, khi ách Hán hóa đã bao phủ khắp mọi vùng miền đất nước, hàng loại cuộc khởi nghĩa nổ ra, từ Hai Bà Trưng đến Lý Bôn, Triệu Quang Phục,..sau này, vùng đất cố đô Luy Lâu vẫn chưa đủ sức mạnh để dựng nên một quốc gia riêng biệt. Bên cạnh sự phát triển rực rỡ của Phật giáo, tín ngưỡng phụng thờ và suy tôn những anh hùng dựng nước - giữ nước, biểu tượng cho lịch sử chống ngoại xâm và ứng phó với thiên nhiên khắc nghiệt dường như chỉ gắn với tính tự phát của từng địa phương/ làng xóm. Tín ngưỡng tôn vinh và phụng thờ Thánh Gióng cũng nằm trong thực trạng xã hội đó: Mọi hoạt động - sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng phụng thờ chỉ vo tròn trong hoạt động của hương lễ. Do vậy mà, không gian văn hóa của sinh hoạt lễ hội thường hạn hẹp, mọi ý tưởng tô đắp, xây dựng chân dung người anh hùng của cộng đồng địa phương trở thành người anh hùng mang tầm dân tộc chưa thể thực hiện được. Phải đến khi các thủ lĩnh quân sự địa phương đủ sức mạnh, đứng lên trấn áp thiên hạ hoặc đánh đuổi ngoại xâm để thiết lập một triều đại riêng rẽ, tiến tới độc lập tự chủ, manh nha từ triều đại Lý Bí (thế kỷ VII), đến khởi đầu cho sự định hình cho một quốc gia tự chủ vững chắc sau này (thế kỷ X) như triều Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn (Tiền Lê), thì các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc mới có cơ chuyển mình, lộ diện cùng các biến động lịch sử và ý thức hệ. 

Sự kiện dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La để xác lập vương triều Lý tại kinh đô mới Thăng Long, trên nền tảng một quốc gia vững chắc của Lý Công Uẩn thế kỷ XI, chính là bước ngoặt lịch sử cho văn hóa nước nhà. Lần đầu tiên trên tiến trình lịch sử Việt Nam, trong không gian văn hóa Thăng Long, các chiếu chỉ, sắc dụ của triều đình nhà Lý, đã theo yêu cầu quyền bính của mình mà hàng loạt các hệ thống thần linh cùng các tín ngưỡng bản địa/ địa phương, từ chỗ trải qua nhiều thế kỷ vốn đã được tích hợp vào hệ thống Phật giáo (từ Man Nương và chùa Dâu ở thế kỷ II-III đến dòng Thiền Vô Ngôn Thông ở chùa Kiến Sơ - Phù Đổng thế kỷ IX), được quy tụ và nằm trong sự cai quản của chính quyền Trung ương. 

Trong bức văn bia được khắc năm 1606-đời vua Lê Kính Tông (1600-1619), hiện còn dựng ở sau hậu cung đền Thượng, làng Phù Đổng, còn ghi: Trải từ triều Đinh đến Tiền Lê, rồi đến đời vua Lý Thái Tổ cảm nhận sự anh linh hiển ứng của Thần mà phong làm Xung Thiên Thần Vương, cho lập đền thờ tại làng Phù Đổng, ở bên cạnh ngôi chùa Kiến Sơ danh tiếng. Tô tượng đặt tại núi Vệ Linh, cứ vào tháng trọng xuân thì làm tế lễ theo nghi thức tại đây...”. Cũng theo truyền ngôn của dân làng Phù Đổng, ngay từ khi mới dời đô về Thăng Long, vua Lý Công Uẩn đã đến thăm chùa Kiến Sơ (nơi thuở hàn vi vua đã từng phiêu bạt về đây tầm sư học đạo) và dự hội làng Phù Đổng. Về Thăng Long, vua lập tức ban sắc lệnh cho quần thần và dân Phù Đổng nâng cấp hội Phù Đổng lên thành cấp quốc gia, tổ chức long trọng hàng năm. Ban cho nhiều đất ruộng để lấy hoa lợi phục vụ lễ hội và cấp tiền bạc cho việc chuyển dựng ngôi miếu phụng thờ Thánh Gióng thành ngôi đền nguy nga, to lớn như hiện còn đến nay. 

Cũng trong những tháng năm xây dựng vương triều Lý, các đời vua đã mở rộng việc mở mang, phục dựng, tôn tạo hàng loạt chùa tháp gắn với các tín ngưỡng và lê hội phụng thờ thần linh, phụng thờ những người có công với dân với nước. Là triều đại bền vững đầu tiên của nước Việt, song hành với việc xây dựng và củng cố nền móng văn hóa Thăng Long, nhà Lý đã “tập họp thần linh của các địa phương trong nước về kinh đô, theo đó, thần Phù Đổng được đưa về thờ ở làng Cảo (Hương) bên hồ Tây, chứng tỏ uy tín nổi bật của thần trên vùng phía bắc thành Thăng Long đương thời, uy tín lần át các thần khác”. Tiếp nối ở các triều đại Trần, Lê sau này, khi nhà nước Đại Việt đã và đang trên bước đường cường thịnh, các di tích - tín ngưỡng và lễ hội càng được duy trì, tôn tạo, góp phần nâng cao mối quan hệ chặt chẽ giữa cộng đồng dân chúng địa phương với nhà nước phong kiến tập quyền. Thực trạng lịch sử đương thời cho thấy, “sự chuẩn nhận của đế quyền ở Thăng Long (Hà Nội) từ thời Lý tiếp nối qua Trần - Lê... đối với các thần linh địa phương; sự cố gắng sắp xếp thành hệ thống các thần linh của nước Việt (Việt điện u linh) và đưa một số thần linh nổi bật ở các địa phương về lập đền thờ cúng ở chung quanh kinh thành Thăng Long (thần Phù Đổng ở xứ Bắc được đưa về bên hồ Tây,...) là một quốc sách có ý thức của nhà Lý rồi nhà Trần. 

Công lao của các bậc vương quyền nơi đế đô, qua các đời Lý, Trần, Lê thể hiện nổi bật nhất ở thành tựu xây dựng, định hình và phục hưng nền văn hóa Thăng Long, rồi từ đó, lấy văn hóa Thăng Long làm trục văn hóa và trục tâm linh cốt lõi/trung tâm để chuẩn hướng, thu nạp, củng cố hoặc phục dựng di tích cho từng phạm vi không gian văn hóa tại từng vùng đất có các sự kiện, hiện tượng văn hóa tiêu biểu, trong đó có sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phụng thờ Thánh Gióng vùng châu thổ Bắc Bộ. Cũng vì vậy, dưới tác động của thiết chế/chính sách văn hóa Thăng Long, các triều đại phong kiến độc lập tự chủ đã đạt được thành tựu văn hóa có ý nghĩa bền vững, lâu dài, thể hiện ở việc: Kiểm kê các thần tích, thần phả, trên cơ sở đối chiếu với truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian; Cho tôn tạo hoặc phục hồi các di tích vật thể (đình - đền - chùa - miếu) gắn với tín ngưỡng phong tục từng địa phương, đi kèm việc tổ chức lễ hội theo mức độ phân cấp khác nhau, tùy theo giá trị và ý nghĩa văn hóa của nó trong cộng đồng xã hội; Tổ chức lập, duyệt các thần phả, thần tích, ngọc phả theo định hướng của tư tưởng giai cấp thống trị, đi đôi với việc phong thần, ban sắc phong để khẳng định quyền uy của triều đình và nâng cao niềm tin của cộng đồng vào các biểu tượng tín ngưỡng hoặc sinh hoạt lễ hội tại các làng quê. Chẳng hạn, vua Lý cho xây dựng hàng nghìn đền, chùa, tháp ở nhiều địa phương, ban sắc lệnh tổ chức lễ hội Phù Đổng từ cấp hương lễ lên thành Quốc lễ; vua Lê Thánh Tông sai quan chức lập Ngọc phả Hùng Vương, xây đền Thánh Gióng trên núi Nghĩa Lĩnh - Đền Thượng của hệ thống đền Hùng, giao các quan đại thần kiểm kê, duyệt soạn hệ thống các thần tích, thần phả tại hầu khắp các địa phương, làm cơ sở xác định từng tiểu vùng/không gian văn hóa để ban sắc phong, nâng cao niềm tin của cộng đồng đối với tín ngưỡng văn hóa và phục vụ tích cực việc cai quản cộng đồng của tầng lớp thống trị. 

Căn cứ vào các chứng tích qua hiện trạng lịch sử được thực thi, vận hành qua các triều đại, theo quan điểm nhìn nhận văn hóa liên ngành, trong đó lấy cách tiếp cận văn hóa - lịch sử bằng phương pháp địa - văn hóa làm trung tâm, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã đưa ra những nhận xét khái quát: “Từ truyền thuyết dân gian đến sách vở sử truyện cuối thế kỷ XIV đầu XV định hình và sáng tác thêm theo hiểu biết và tinh thần nhà nho (hội nhập vào hệ thống họ Hồng Bàng - Hùng Vương) rồi từ sử, sách, thần tích lại quay về dân gian tô điểm thêm cho những điều đã viết trong sử - sách - thần tích. Không gian truyện Phù Đổng cứ mở rộng dần, tích hợp dần các truyền thuyết “nhỏ” ở các địa phương để cuối cùng thành một hệ thống có vẻ hoàn chỉnh trong cái “tam giác nâu” trung châu mà 3 đỉnh là Phù Đổng (nơi xuất xứ) - núi Trâu (Vũ Ninh sơn) - nơi đánh giặc - núi Sóc (nơi bay lên trời)…Lịch trình Phù Đổng sẽ là: từ nam qua đông rồi lên tây (bắc)- (BQT nhấn mạnh). Điều lạ là ngoài không gian trung châu Bắc Bộ, truyện Phù Đổng còn lan tỏa vào quê hương chúa Trịnh (từ thế kỷ XVI)”. 

Và như vậy, trên trục giao thoa chính trị, kinh tế và văn hóa Kinh Bắc - Thăng Long, hơn chục thế kỷ qua, nhờ nguồn sinh lực của thiết chế văn hóa các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn cùng dòng sữa văn hóa dân gian nuôi dưỡng, huyền thoại Gióng - hội Gióng với vô số biểu tượng khắc họa xung quanh người anh hùng chống ngoại xâm này, luôn hợp lực, kết tinh để trở thành những dấu son văn hóa chói sáng, rực rỡ trong không gian văn hóa cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. 

Bùi Quang Thanh   

None

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/huyen-thoai-giong-voi-van-hoa-thang-long-dong-do-ha-noi-c8a2675.html