Không gian công cộng: "Sứ mệnh" và thực trạng

Các không gian công cộng tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập về phương diện thẩm mỹ, thậm chí trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận và giới chuyên môn trong thời gian qua...

Thành công của dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân mở ra hướng đi dùng nghệ thuật để cải tạo môi trường sống Những giá trị… ngẫu hứng

Sự phát triển nhanh chóng của nghệ thuật công cộng những năm gần đây ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Một phần bởi nghệ thuật công cộng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội đáng sống, phần khác là bởi các không gian công cộng chính là điểm nhấn của một đô thị, tôn vinh giá trị chính trị, văn hóa và có thể tạo ra lợi ích thiết thực về kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia văn hóa, nghệ thuật, cần có sự hài hòa giữa các không gian công cộng với nhu cầu cuộc sống. Bởi, một số công trình nghệ thuật công cộng trong những năm gần đây tuy đã góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhưng vẫn chưa thật sự đáp ứng đúng và đủ nhu cầu thẩm mỹ của cộng đồng. "Phần nào đó, các công trình này phát huy được đúng nhu cầu kết nối, tăng tính kết nối cộng đồng và đồng bộ với không gian kiến trúc, tuy nhiên sự hạn chế về mặt nhận thức từ các nhà quản lý địa phương và từ chính họa sĩ nghiệp dư đã khiến cho yếu tố hội họa trang trí đưa vào không gian công cộng chưa được bài bản, vẫn là yếu tố ngẫu hứng, sự quy hoạch chưa được thống nhất giữa kiến trúc và mỹ thuật...", PGS, TS Ðặng Mai Anh, Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, nhấn mạnh.

Các công trình mỹ thuật trong không gian, môi trường công cộng đang là một trong những điểm nhấn văn hóa hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh mẽ, khó quên đối với du khách ở nhiều quốc gia trên thế giới. "Tuy nhiên tại Việt Nam, sự gắn kết giữa mỹ thuật với du lịch còn hạn chế, chưa tạo được điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, trừ một số công trình được xây dựng ở những nơi di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của quốc gia như: Tượng đài Ðiện Biên Phủ, một số tượng đài ở Ngã ba Ðồng Lộc, ở Quảng Trị, khu vực cầu Hiền Lương; một số công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh…", GS, TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhận định.

Cần xây dựng quy định chặt chẽ

Những câu chuyện "cười ra nước mắt" như không gian vườn tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu (Hải Phòng), hay việc tùy tiện sơn xanh, sơn đỏ những bức tượng trong không gian Công viên Thống Nhất (Hà Nội)... cho thấy một thực trạng còn nhiều bất cập ngay trong nhận thức xã hội về nghệ thuật ở không gian công cộng. GS, TS Nguyễn Xuân Tiên thẳng thắn nhận định, thẩm mỹ của không gian công cộng ở Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, là vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội và giới chuyên môn. Các tác phẩm mỹ thuật hoành tráng, mỹ thuật trang trí kiến trúc, công viên, đường phố hiện nay phần lớn chưa phù hợp không gian điểm đặt, chất lượng nghệ thuật không cao và chưa tạo thành những điểm nhấn, biểu tượng cho trung tâm đô thị hay tạo nên thẩm mỹ cho các công trình kiến trúc, công viên công cộng. Các bảng hiệu quảng cáo, tranh cổ động, trang trí các công trình kiến trúc, bích họa đường phố, hệ thống đèn trang trí, chiếu sáng, thiết bị vui chơi ở các công viên bố trí chưa hợp lý, thiếu thẩm mỹ…

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam), muốn có những dự án nghệ thuật công cộng chất lượng thì không đơn giản chỉ là cách mà phần lớn người Việt quan niệm: cứ vẽ, trang trí lên tường là thành nghệ thuật công cộng. Các dự án nghệ thuật công cộng hiện nay vẫn diễn ra một cách manh mún, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp, đồng bộ. Lấy thí dụ từ thành công của hai dự án nghệ thuật công cộng phố bích họa Phùng Hưng và dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, nghệ thuật công cộng có khả năng kết nối và đánh thức tâm hồn của một thành phố, cũng như là liều thuốc cân bằng lại cuộc sống tinh thần và tâm lý của con người. Những dự án nghệ thuật công cộng như Phùng Hưng hay Phúc Tân sẽ trở thành cú huých giúp cho chính quyền, nghệ sĩ và người dân nhận thức rõ hơn vai trò của nghệ thuật trong đời sống, có khả năng cải tạo và thay đổi môi trường sống của con người.

"Các không gian nghệ thuật, các dự án nghệ thuật công cộng và các không gian sáng tạo trong thành phố sẽ trở thành một chuỗi liên kết giá trị thu hút du khách cũng như những cá nhân, tổ chức sáng tạo, tạo nên hiệu quả không chỉ về văn hóa, giáo dục mà còn là một hướng mới trong gia tăng phát triển kinh tế...", họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh.

Từ thực tế của nhiều dự án đã triển khai cho thấy, để các dự án nghệ thuật công cộng trở thành yếu tố góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch thì rất cần sự bắt tay chặt chẽ của cả ngành văn hóa, du lịch cũng như hậu thuẫn của chính quyền địa phương và sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Và không chỉ có vậy, những chuyển động mau chóng, đa dạng của hoạt động này trong đời sống ở nhiều địa phương cho thấy, đã đến lúc cần ban hành một văn bản mang tính pháp quy về không gian cho nghệ thuật công cộng, tạo nền tảng chuyên nghiệp và bài bản cho các hoạt động có ý nghĩa tác động đáng kể đến nhận thức xã hội này.

Theo Nhân Dân

Link nội dung: https://arttimes.vn/my-thuat/khong-gian-cong-cong-34su-menh34-va-thuc-trang-c15a2955.html