Rằm tháng 7, Quốc Khánh và Bố

Ngồi ở vườn, suốt ngày lo cây, lên mạng bán hàng, nhăm nhăm có ai đặt mua hàng là hí húm mừng. Quên hết cả, đành rằng rằm tháng 7 thì không, nhưng ngày Quốc khánh thì quên thật. Hôm qua bạn Lê Minh Nguyệt gửi cho mình mấy bức ảnh, giật mình, sắp đến Quốc khánh, rồi kỷ niệm 75 năm thành lập cơ quan cũ của hai bố con mình: Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN).

Ngồi ở vườn, suốt ngày lo cây, lên mạng bán hàng, nhăm nhăm có ai đặt mua hàng là hí húm mừng. Quên hết cả, đành rằng rằm tháng 7 thì không, nhưng ngày Quốc khánh thì quên thật. Hôm qua bạn Lê Minh Nguyệt gửi cho mình mấy bức ảnh, giật mình, sắp đến Quốc khánh, rồi kỷ niệm 75 năm thành lập cơ quan cũ của hai bố con mình: Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN).

Bạn gửi cho mình ảnh của bố mình trên tấm pano của cơ quan. Cảm động, cám ơn bạn, cám ơn cả người chọn ảnh đã lấy đúng cái ảnh mình yêu thích nhất về bố: Bố ngồi vá xe đạp trên đường vào chiến trường. Bố để lại nhiều ảnh cho đời, nhưng ảnh về chính ông thì rất ít. Trong ảnh bố ngồi vá xe, dáng gù gù, cái dáng ấy con vẫn thấy truyền lại ở thằng cu Đức, cháu nội bố.

Phần đời bố mình làm nghề phóng viên ảnh ngắn lắm, 6 năm, thế thôi nhưng đủ để cho con cháu vô cùng tự hào về bố. Ngày cầm máy bố cứ lầm lũi đi hết chiến trường nọ đến chiến trường kia, chắc không bao giờ nghĩ đến việc thi ảnh hay giải thưởng gì. Bố mất 35 năm mới có giải thưởng đầu tiên: Giải thưởng Nhà Nước. Thêm 10 năm nữa có giải thưởng thứ hai: Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cả đời bố chỉ có hai giải thưởng ấy, nhưng thế là cái vốn lớn lắm lắm để lại cho con cháu rồi.

Mình cầm máy, về thời gian gấp 4 lần của bố, nhưng tự biết không bao giờ với đến tầm của ông. Mình không buồn về điều đó, mình hiểu, thời của ông là thời của những người khổng lồ.

Cám ơn chú Thành đã chụp bức ảnh này về bố cháu, chắc khi chụp chú cũng không nghĩ nó quí đến vô giá với chúng cháu và cả con cháu của cháu nữa. (Ông Chu Chí Thành – Nguyên phóng viên chiến trường; Nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam).

Ngày Rằm tháng 7, ký ức về bố lại hiện về, có cảm giác như cái hồi rất lâu rồi, hơn 20 năm trước đi vào Quảng Trị tìm bố vậy. Những ngày ấy thật nhiều cay đắng, nhưng cho mình hiểu rất nhiều điều nhất là về sự sống và cái chết, sự tồn tại của con người sau khi chết. Ai tin hay không thì tùy, nhưng mình tin, tuyệt đối về cuộc sống vẫn tồn tại ngay cả sau khi người ta đã chết. Bởi mình được chứng kiến chặng “đường về” với gia đình, quê hương của bố.

Bố ngồi vá xe đạp trên đường vào chiến trường. Ảnh: Chu Chí Thành

-----

Đường về của bố

Bố lên đường lần cuối vào đêm 26 Tết Nhâm Tý (1972), ký ức về bố thật nhạt nhòa. Đại thể ông cao, đen, có cái ba lô to. Một lần khoảng khi mình lên 3 hay 4 gì đó, đang học mẫu giáo gần nhà, nghe tin bố về, hấp tấp chạy đón, vấp vào bậc lên xuống sứt cả cằm. Vết sẹo từ cú ngã ấy để lại trên cằm đến nay vẫn còn, nó cũng là kỷ niệm rõ rệt nhất về bố.

-----

Tháng 6 năm 1995 mình có chuyến đi đầu tiên vào Quảng Trị, ngoài chuyện công tác, mục đích khác lớn hơn khiến mình thực hiện chuyến đi là tìm đến nơi bố mất, xin một nắm đất mang về. Đến thời điểm ấy chỉ dám mong thế, mọi thông tin gia đình và bạn bè bố mình có được thì thi thể bố và những đồng đội bị thiêu hủy hoàn toàn trong một trận đánh oan nghiệt. Gần 1 tháng trời trong đất Quảng Trị, vào tất cả các cơ quan có thể có liên quan, nhưng dấu vết về trận đánh rạng ngày 1-5-1972 ở Hải Lăng vẫn bặt âm vô tín. Cứ như là trận đánh ấy không hề xảy ra vậy.

Chiều hôm ấy mình lại vào thành cổ Quảng Trị, gần một tháng đi tìm vô vọng, mai phải lên đường trở về rồi, lang thang mãi đến chiều, không muốn về chút nào. Ra đến cửa thành định về lại thôi, vào quán bia cỏ bên bờ sông Thạch Hãn, ngồi uống bia một mình. Gần bàn mình ngồi có hai chú bộ đội cùng mang quân hàm trung tá, nhìn tuổi cũng cỡ 45- 50 rồi, không hiểu xui khiến thế nào mình nảy ra ý định hỏi chuyện hai vị ấy.

Nghe chuyện của mình hai ông ngẩn người ra, các ông biết. Rồi các ông chỉ cho mình 3 người cần gặp: Ông Lê Hữu Thỏa lúc ấy là đại tá tỉnh đội trưởng Quảng Trị, Ông Nguyễn Khánh, Đại tá nghỉ hưu nguyên tỉnh đội trưởng Thừa Thiên Huế, một người nữa là ông Dân (mình không nhớ họ của ông, nguyên Chính ủy trung đoàn 1 sư 324 - đơn vị năm 1972 do ông Lê Hữu Thỏa làm trung đoàn trưởng). Ông Thỏa trước đó mình đã gặp, hỏi chuyện bố, ông biết vì hai người từng đi với nhau trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào cuối năm 1971.

Chiến dịch Quảng Trị 1972, bố cũng cùng đi với trung đoàn của ông Thỏa. Gặp ông nhưng không được gì ngoài việc lặp lại thông tin: “Cháy hết rồi”, địa điểm trận đánh ông cũng “không nhớ rõ”. Ông Dân nghe đồng nghiệp kể đã yếu, mình quyết định xin cơ quan cho ở lại thêm ít ngày, hôm sau vào Huế gặp ông Nguyễn Khánh.

Gặp ông Nguyễn Khánh, ông lặng người rất lâu rồi đi lấy tấm bản đồ ra chỉ cho mình vị trí trận đánh ấy. Tiễn mình về ông hứa ngày mai sẽ ra Hải Lăng chỉ trên thực địa, hồi năm 1972 ông là trung đoàn trưởng trung đoàn 2 của sư 324. Chiều hôm sau ông Nguyễn Khánh ra xã Hải Trường huyện Hải Lăng thật, đúng như lời hứa, hơn thế ông còn gọi điện ra Quảng Trị đề nghị tỉnh đội cử cán bộ phối hợp. Các mốc năm xưa vẫn còn, đặc biệt là cái cồn Trâu (cồn Tru) nơi tâm điểm trận đánh, các tuyến giao thông hào tuy bị cát lấp nhưng ông Khánh vẫn chỉ ra từng vị trí.

Chiều hôm ấy mình có thêm một thông tin vô cùng quí giá: Bố mình cùng hơn 20 đồng đội hi sinh trong trận đánh ấy thi thể vẫn còn và được chôn cất cẩn thận. Có điều vị trí chôn thì không ai xác định được, vị cán bộ phụ trách chính sách của tỉnh đội Quảng Trị xác định: Khu vực này chưa tiến hành qui tập.

Trời đột nhiên mưa, trận mưa không lớn nhưng rất lạ, giữa những ngày hạn cháy - buổi chiều sau đó 3 năm khi gia đình mình tìm được đến nghĩa trang nơi bố nằm cũng có mưa. Mấy bác cháu tìm một quán nước nhỏ gần cầu Bến Đá trú mưa, trong quán nước này mình gặp thêm một nhân chứng mới, một cựu hạ sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Đơn vị của ông này ở cách đó không xa thời điểm diễn ra trận đánh, rồi sau khi tái chiếm Quảng trị ông cũng có mặt ở khu vực này, khẳng định những thông tin ông của Nguyễn Khánh theo cách nhìn từ phía bên kia. Cuộc gặp trong chừng 10 phút trú mưa, thảng thốt, bối rối, mình quên cả việc hỏi tên vị hạ sĩ quan ấy. 48 giờ, mọi việc đã thay đổi hoàn toàn. Từ thất vọng cùng cực, mình đã tìm thấy nơi bố ngã xuống, hơn thế nữa lần đầu tiên hé ra một hi vọng rất thực: Có thể tìm thấy hài cốt của bố.

-----

Một tháng sau, đầu tháng 8-1995, mình quay lại cồn Trâu, quyết định đào tìm. Có cơ sở cho quyết định đó, theo những người có kinh nghiệm, rất có thể số bộ đội hi sinh được chôn ngay trong các chiến hào hoặc tại các góc khuất của dải bờ đầm ngay giáp khu vực chiến sự. Với số lượng khá lớn mộ, việc “chạm” phải là hiện thực mà đã chạm được là ra hết.

Phân xã TTXVN tại Quảng Trị lúc bấy giờ có 4 anh em: Việt Dũng, Hồ Cầu, Hữu Diễn, Hữu Tiến, tất thảy đều nhiệt tình hết lòng giúp mình. Anh Việt Dũng trưởng phân xã còn tuyên bố: “Tìm bác Dũng là nhiêm vụ chính của cơ quan trong tháng này” – suốt 3 năm dòng dã sau này trong chặng đường tìm bố, các anh vẫn luôn ở bên mình, càng ngày càng nhiệt tình hơn. Thêm người bạn học phổ thông cũng tên Hữu Tiến đang ở Đông Hà chúng mình có 6 người, thuê từng ấy thanh niên nữa thành 1 tiểu đội để đào tìm.

Cũng phải nói thật rằng mời cả “thầy” nữa. Ngày ấy đoạn đường QL1 từ lối rẽ vào TT huyện Hải Lăng đến nơi bố mất chừng 4 km toàn cát trắng trơ chọi, đạn các loại vẫn còn vương vãi trên cát, đặc biệt loại đạn M79 cái thứ đạn mà dân đi rà sắt tuyệt không dám động đến. Đào trúng giao thông hào, thấy tăng, võng, dép và cả đạn nhưng không thấy dấu hài cốt. Lại đào tất cả các nơi nghi vấn, đào các chỗ “thầy” chỉ. Hết đào ngày, lại đào đêm “cho linh” vẫn không thấy gì. Cả nửa tháng trời vật nhau trong cát nắng nhưng không ai nản lòng.

Những ngày ấy mình luôn có cái cảm nhận rất lạ “bố ở đâu đó rất gần rồi”. Sau này nhớ lại những ngày ấy mà ớn và kỳ: Đào loạn lên sao không dính quả đạn M79 nào, nếu dính chắc mấy anh em bị “cả chùm”. Anh Việt Dũng bảo: “Ở Quảng Trị người đi rà sắt “dính” nhiều chứ tìm đào liệt sĩ cũng nhiều nhưng chưa bao giờ có ai bị dính”.

Chuyến đào tìm thất bại sau hơn nửa tháng, sức anh em cũng kiệt, tiền mình mang theo cũng hết dù đã được mọi người hỗ trợ nhiều, mà mùa mưa đến rồi. Đêm đào tìm cuối cùng trời không trăng sao, đào cố cú chót theo thầy chỉ, thất bại. Mấy anh em ngồi lặng bên nhau, muốn khóc mà không khóc được. Muốn gào nên nữa: Sao có thể biến mất một khu mộ mấy chục người như thế?

Một “thầy” bảo mình: “Đừng mất lòng tin, số con chưa tìm được. Biết khu này rồi, khi nào vào, đến đây thắp hương vào ban đêm để cha con tìm nhau, có thể năm con 32 tuổi mới thấy”. Lúc tìm thấy bố, mình cũng vừa qua sinh nhật bước sang tuổi 32 được mấy ngày.

Nghe lời thầy, những năm sau mình xin cơ quan đi công tác Quảng Trị nhiều. Đi miền trung công tác cũng “ăn bớt” mấy ngày dừng lại Quảng Trị, cơ quan biết nhưng không ai trách cái lỗi ấy. Những dịp ấy, ngày làm việc, cứ 8 giờ tối mình và Tiến người bạn học cũ ở Đông Hà lại dong xe máy hơn 30 km vào Hải Lăng, đến khu cồn Trâu thắp hương, ngồi chơi đến 10 giờ đêm mới về.

Thực tình là sợ, dải cát ấy dân Quảng Trị gọi là “đại lộ kinh hoàng”, tắt mặt trời là không ai dám dừng lại, còn đi ngang thì … bao đêm mình và Tiến ở đó mà chưa gặp một ai. Mỗi lần thắp hương là lao xao… người. Do gió thổi qua cát hay đích thực là vảng vất những gì còn lại của hàng nghìn người chết trên dải cát này, không thể khẳng định được. Không bao giờ hai chúng mình nói đến chữ “sợ” như là một qui ước ngầm. Ngày tìm được bố, mình nhắc chuyện đêm vào Hải Lăng Tiến bảo: “Vì mày chứ lần nào tao cũng sợ đến chết khiếp được”.

-----

Giữa năm 1997 mẹ bắt đầu xếp hàng ở chỗ nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên để xem. Cả tháng trời xếp hàng mà vẫn phải “ưu tiên” mẹ có bệnh mới được xem sớm. Ông Liên cho cái sơ đồ tìm mộ, kèm theo hướng dẫn để tìm người chôn cất bố và thêm một câu: “Con bà đã gặp người chôn ông ấy rồi sao lại chưa tìm được”. Gọi điện nhờ Tiến đi gấp đến địa chỉ ấy xác minh người, sáng đi trưa Tiến gọi điện ngay về: Yên tâm đi, đúng rồi.

Gia đình mình vào Quảng Trị gấp, mình và Tiến tìm đến nhà ông Sơn người mà nhà ngoại cảm đã chỉ. Vừa nhìn thấy ngôi nhà mình muốn nhủn cả người. Nhà ông Sơn, mình và mấy anh em ở phân xã đã từng vào trong đợt đầu đi tìm, ông nguyên là cán bộ xã đội xã Trường Thọ (sau này tách thành Hải Trường và Hải Thọ).

Ngày ấy anh em mình tìm đến tất cả các gia đình du kích cũ trong vùng để hỏi tin về trận đánh ấy. Đến nhà ông Sơn, ông đi vắng, chờ mãi cả buổi không gặp được, xẩm tối phải về (chi tiết này thầy Liên nói chưa chính xác, mình đến nhà nhưng chưa gặp được ông Sơn). Sau lần đầu vào, mình cũng không tìm lại nhà ông vì đi mấy chục nhà mà không ai biết tin gì, nghĩ rằng ông cũng không biết như mọi người.

Trò chuyện cùng ông Sơn mới biết thêm, bố bị thương nặng được đưa đến trạm xá dã chiến lúc ấy do ông Sơn phụ trách. Ông kể trong 42 thương binh có mặt ở trạm lúc ấy, ông nhớ rõ bố vì bố vừa là bộ đội vừa là nhà báo. Lúc sắp mất bố còn gửi lại ông chiếc máy ảnh nhờ cất giữ giùm. Chiếc máy ảnh ấy thật tiếc, ông Sơn cất trong hầm rồi trúng bom cũng mất luôn. Sau năm 1975 ông cùng các đồng đội qui tập bố về nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thọ.

Chiều nay quay lại cồn Trâu, khu cồn ấy và cả dải cát bây giờ cây đã mọc thành rừng không còn cái cảnh hoang sơ rợn người như năm nào nữa. Nhiều hộ đã bám đường mà làm nhà trong cái vùng “kinh hoàng” ấy. Kể từ những đợt hơn 15 năm trước, đêm đêm vào thắp hương đến hôm nay, mình chưa bao giờ dám quay lại cồn Trâu về đêm, để xác định xem tiếng lào xào do cát thổi hay phảng phất những linh hồn. Mình nghĩ là cả hai.

Bố để cho mình thừa kế nghề ảnh của ông, những tháng ngày đi tìm bố, mình biết thêm nhiều điều, nhất là về sự sống và cái chết. Về sự sống tồn tại ngay cả khi con người đã chết, hữu hình và vô hình. Chắc chắn thế, rất thực, như sự thực bố đã về với gia đình, quê hương.

Xin cám ơn những người bạn, đồng đội của bố, những người giúp bố vẫn “sống” bằng cuộc sống khác nữa, sau bao năm đi xa: Sống lại bằng những bức ảnh, cũng có thể nói bằng những gì bố đã sống.

Đông Hà ngày 20/3/2012

Xuân Trường

None

Link nội dung: https://arttimes.vn/tin-tuc/ram-thang-7-quoc-khanh-va-bo-c2a3019.html