Dấu ấn hội họa của họa sĩ Lê Huy Tiếp

Nghệ thuật không có những lời tán dương hay ca tụng, nó đi thẳng vào lòng người, mỗi người sẽ cảm nhận theo một cách khác nhau, tình cảm khác nhau về cái đẹp... Đó là những lời bộc bạch của nhà giáo, họa sĩ Lê Huy Tiếp.

Hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, gần 30 năm gắn bó với công tác giảng dạy về chuyên ngành đồ họa, họa sĩ Lê Huy Tiếp được giới mỹ thuật biết không chỉ là một họa sĩ thành danh, mà ông còn là người cẩn trọng, yêu nghề, với tinh thần tự học hỏi và đam mê sáng tạo. Triển lãm mang tên “50 năm nghệ thuật sơn dầu và tranh in của họa sĩ Lê Huy Tiếp” vừa được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tới công chúng 120 tác phẩm hội họa và đồ họa tranh in cho thấy tinh thần lao động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ thật đáng tự hào.

Tác phẩm “Trẻ mồ côi đọc hiệp định đình chiến về hòa bình”.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), Lê Huy Tiếp được cử đi học khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Stroganov, Matxcơva, Liên bang Nga. Sớm tiếp cận với nền văn hóa Nga đặc sắc, đặc biệt là hội họa thời hậu ấn tượng, họa sĩ ít nhiều có ảnh hưởng phong cách ấy. Những năm 1971-1974, ông theo chủ nghĩa hiện thực mới và chủ nghĩa biểu hiện khi sáng tác, tuyên truyền về lòng yêu nước của dân tộc, đồng thời vạch trần tội ác chiến tranh ở Việt Nam. Hàng loạt tranh khắc kẽm tiêu biểu như “Côn Đảo”, “Nhà tù chế độ Sài Gòn”, “Trẻ mồ côi đọc hiệp định đình chiến về hòa bình”.

Là một trong những nghệ sĩ xông xáo, luôn đưa những ý tưởng mới lạ vào sáng tạo đã truyền cảm hứng đam mê nghệ thuật cho giới trẻ. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam từng chia sẻ: “Lê Huy Tiếp cùng các đồng nghiệp mở đầu câu chuyện đổi mới của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam”. Còn nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn chia sẻ về vẻ đẹp hội họa của Lê Huy Tiếp có sự hoài niệm mang phong vị lãng mạn. Điều đó thể hiện qua thủ pháp viễn cận cổ điển trong bố cục đa tầng trộn lẫn nhiều không gian hay phối cảnh chân trời mờ sương, như “Trời và đất”, “Phố Khâm Thiên sau bom Mỹ”, “Hòa Bình”, “Gió tháng 7”…

Tác phẩm "Chiến tranh".

Với tất cả niềm tin và tấm lòng thành kính dâng lên Bác Hồ kính yêu, họa sĩ đã vẽ về những kỷ vật, những đồ dùng, vật dụng thân quen của Người. Nếu “Kỷ vật 1” là đôi dép cao su thì “Kỷ vật 2” là chiếc mũ cát được đặt trên chiếc giường cá nhân, thấp thoáng lá Quốc kỳ tung bay trên bầu trời tự do của Tổ quốc. Thông qua hình ảnh đó, tác giả muốn chuyển tải tới người xem lối sống thanh tao, giản dị của Bác Hồ. Để rồi càng nhớ về Bác, ta càng nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Tác phẩm "Kỷ vật 2"

Sinh ra ở dải đất miền Trung nắng gió, họa sĩ hiểu hơn ai hết về những người con kiên trung, bất khuất nơi đây. Trong chiến tranh, gian khó thiếu thốn là vậy, nhưng khi “Xe chưa qua, nhà không tiếc” để nói lên tấm lòng thơm thảo và sự hy sinh của người dân dành cho cách mạng, thì ngày nay, họ tiếp tục phát huy truyền thống ấy trong lao động sản xuất. Tác phẩm “Miền Trung” là một hình ảnh đẹp về tình người, tình đất nơi đây, tác giả không chỉ diễn tả vẻ đẹp thơ mộng của mảnh đất địa linh nhân kiệt, mà còn gửi gắm được cái hồn thơ tuyệt đẹp của quê hương trong tranh.

Nhìn lại quá trình hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Lê Huy Tiếp, ta nhận thấy một tầm vóc tư tưởng và giá trị nghệ thuật của ông. PGS, TS, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, Trưởng khoa Đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từng chia sẻ rằng: “Tinh thần học thuật hàn lâm là sự khác biệt và đặc sắc nhất trong nghệ thuật của Lê Huy Tiếp. Ông lấy nền tảng là hiện thực đời sống, hướng tới cái đẹp lý tưởng, thông qua những hình tượng có yếu tố tượng trưng, thể hiện triết lý sâu sắc về đời sống con người mang tầm nhân loại. Ngôn ngữ nghệ thuật ở đây chính là sự tổng hòa giữa mỹ cảm lãng mạn phương Đông và duy lý phương Tây”.

Trải qua thăng trầm thời gian, họa sĩ Lê Huy Tiếp luôn tìm cho mình lối đi riêng trong sáng tác nghệ thuật. Thời kỳ đổi mới cho tới nay, khi xã hội bắt đầu mở cửa cho nền kinh tế tư nhân và đời sống cá nhân phát triển, ông đã có cái nhìn xa hơn tới mối quan hệ con người – thiên nhiên – vũ trụ, cũng như sự thay đổi về tư duy sáng tạo và ngôn ngữ tạo hình. Đây là lần đầu tiên công chúng được chứng kiến cùng lúc sự thay đổi ấy trong một không gian nghệ thuật đặc biệt này.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp sinh năm 1950 tại Nghệ An. Ông học khoa đồ họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 1970, họa sĩ học tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Stroganov, Matxcơva, Liên bang Nga. Từ 1975-2002 là phó chủ nhiệm khoa Đồ họa và Hội họa tranh tường tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật; Huy chương Bạc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc cùng nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế khác.

Theo QĐN D

Link nội dung: https://arttimes.vn/my-thuat/dau-an-hoi-hoa-cua-hoa-si-le-huy-tiep-c15a3070.html