Triển lãm nghệ thuật đương đại: Triển vọng của xu hướng tương tác

(Arttimes) - Làm mới hình thức triển lãm truyền thống theo xu hướng tương tác đang dần mở ra nhiều triển vọng cho hoạt động triển lãm nghệ thuật nói chung.

Triển lãm mang tính tương tác từ nhiều năm nay đã quen thuộc với khán giả Thủ đô, nhất là triển lãm sắp đặt, triển lãm đa phương tiện, triển lãm công nghệ thực tế ảo... Chính sức hấp dẫn của các triển lãm nghệ thuật đương đại khiến cho hoạt động triển lãm truyền thống có sự thay đổi tích cực theo hướng tăng tính tương tác với công chúng.

Họa sĩ người Pháp Jacob Reymond mang đến cho công chúng Hà Nội triển lãm kết hợp nhạc - họa. Đa dạng cách tiếp cận

Tháng 9-2019, Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace và Viện Viễn Đông Bác Cổ thực hiện triển lãm Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội. Chất liệu chính của triển lãm này là những phác thảo, tranh vẽ và màu nước được thực hiện bởi 15 sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương và thầy giáo của họ - Ferdinand de Fénis - trong khoảng từ năm 1925 - 1929.

Điều hấp dẫn là những tác phẩm này được đưa đến với người xem bằng một không gian nghệ thuật sắp đặt rõ tính tương tác. Bên cạnh các phác thảo, những tác phẩm nhiếp ảnh cùng thời kỳ thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng được sử dụng để tái hiện không gian phố Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX. 27 bức ảnh đen trắng được kết lại, tạo nên một chiếc cầu thời gian; mỗi khi người xem bước qua, các bức ảnh tự động thắp sáng.

Âm thanh cũng là một phần không thể thiếu của triển lãm này. Những tiếng rao giàu tính nhạc được nghệ sĩ Đàm Quang Minh và nhóm Đông Kinh cổ nhạc thu âm, cùng với ảnh và tranh vẽ đã tái hiện, đánh thức những mường tượng của người xem về cuộc sống phố phường thường nhật của Hà Nội cách đây cả thế kỷ. Một sự kết hợp tinh tế giữa ảnh chụp, hiệu ứng âm thanh và ký họa đã mang đến cho người xem trải nghiệm thú vị.

Cũng trong không gian Viện Pháp tại Hà Nội, tháng 8-2020, công chúng được thưởng thức triển lãm nhạc họa rất thú vị của họa sĩ người Pháp Jacob Reymond cùng nghệ sĩ kèn clarinet Vincent Thomas. Ngoài trưng bày các tác phẩm có sẵn, họa sĩ này còn trực tiếp giới thiệu với người xem quá trình “vẽ nhạc” của ông. Ông vẽ như một nghệ sĩ biểu diễn trên nền nhạc và người xem có thể cảm nhận âm nhạc như đang biến thành đường nét trên toan.

Trước đó, cũng có khá nhiều hoạt động mà các tác phẩm mỹ thuật thông thường được giới thiệu bằng cách thức mới lạ. Chẳng hạn như triển lãm Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm, do Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) thực hiện, giới thiệu 35 tác phẩm hội họa tiêu biểu của Van Gogh bằng các bản kỹ thuật số chất lượng cao, giúp người xem nhìn cận cảnh từng chi tiết, đường nét trong các bức tranh có tuổi đời hơn 100 năm... 

PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tại Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều dự án, triển lãm, tác phẩm nghệ thuật sử dụng công nghệ kỹ thuật số, internet khiến cho cách thưởng thức của người xem thay đổi hoàn toàn.

Nghệ sĩ cũng phải thay đổi

Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2019, nhiều học giả, nghệ sĩ đã chỉ ra tác động to lớn của công nghệ đối với thói quen thưởng thức nghệ thuật của công chúng. “Điểm chung của các dự án mỹ thuật gây ấn tượng mạnh thời gian qua là đã khai thác, sử dụng các ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả sống động khi trải nghiệm tác phẩm”, PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai chia sẻ.

Bên cạnh đó, các triển lãm được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Lâm Tuấn Anh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), trong kỷ nguyên số, việc thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, tham quan các bảo tàng, triển lãm ngay tại nhà đã không còn xa lạ với mọi người.

Xu thế nói trên đòi hỏi người nghệ sĩ thay đổi. Khá nhiều triển lãm gần đây ở Hà Nội được hình thành từ các nhóm nghệ sĩ trên mạng. Họ quen biết, giới thiệu tác phẩm trên môi trường mạng xã hội và rủ nhau làm triển lãm. Việc hình thành thị trường mỹ thuật trực tuyến, nhờ mạng internet kết nối trực tiếp công chúng với nghệ sĩ hoặc sàn giao dịch là một xu hướng của tương lai.

Để thích nghi với những thay đổi này, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hồng Tú, Trưởng ngành Lý luận, Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần thay đổi cách đào tạo nghệ thuật. Các cơ sở đào tạo mỹ thuật phải giúp sinh viên có đủ năng lực thực hành các phần mềm hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình sáng tạo.

Rõ ràng, việc thay đổi trong cách làm triển lãm để thu hút người xem là xu thế tất yếu. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ không chỉ biết sáng tác mà còn phải biết tìm cách đưa tác phẩm tới công chúng một cách sống động nhất.

Theo HNM None

Link nội dung: https://arttimes.vn/my-thuat/trien-lam-nghe-thuat-duong-dai-trien-vong-cua-xu-huong-tuong-tac-c15a3378.html