Để tiểu thuyết lịch sử được biết đến nhiều hơn

Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016 - 2019) của Hội Nhà văn Việt Nam vừa được công bố cho thấy nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử đã được vinh danh. Cùng với sự ghi nhận này, điều bạn đọc quan tâm là làm sao để tiểu thuyết lịch sử đến được với công chúng nhiều hơn.

Nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử đã được vinh danh trong lần trao Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016 - 2019). Đề tài lịch sử “lên ngôi”

Văn học về đề tài lịch sử là mảnh đất không dễ khai phá. Từ một sự kiện, một chân dung có thật trong lịch sử, nhà văn phải “gia giảm” tình tiết, nội tâm nhân vật để trở thành một câu chuyện văn chương vừa cuốn hút bạn đọc, vừa bảo đảm tính chính xác về mặt lịch sử.

Từ những năm 2000 trở lại đây, đề tài lịch sử trong văn chương như đã “lên ngôi” khi xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm mới, trong đó không ít tác phẩm đã làm nóng diễn đàn. Đó là Hoàng Quốc Hải với hai bộ truyện dày dặn Bão táp triều Trần và Tám triều vua Lý; là Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa; là Lưu Sơn Minh với Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản; là Uông Triều với Sương mù tháng Giêng, Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân, Nước mắt sông Cầm, Giấc mộng Huyền Trân...

Không chỉ có những nhà văn “rẽ ngang” sang đề tài lịch sử như Phùng Văn Khai với Triệu vương phục quốc, Nam Đế Vạn xuân; Thiên Sơn với Gió bụi đầy trời..., nhiều tác giả không phải là nhà văn chuyên nghiệp nhưng bởi mê lịch sử mà đã cho ra đời biết bao quả ngọt. Như Hồng Thái, giáo viên giảng dạy lịch sử, đã viết bộ tiểu thuyết 4 tập Thiệu Bảo bình Nguyên; tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh vốn là nhà khoa học, được độc giả biết đến qua tiểu thuyết lịch sử Kim thiếp vũ môn; nhà giáo Nguyễn Thế Quang bén duyên văn chương từ lúc nghỉ hưu với hàng loạt tác phẩm Nguyễn Du, Khúc hát những dòng sông, Đường về Thăng Long...

Văn chương về đề tài lịch sử những năm gần đây ghi nhận sự đóng góp của nhiều tác giả trẻ. Đó là Nguyễn Thị Kim Hòa với Hương thôn dã, Con chim phụng cuối cùng, Nguyệt Chu với Người canh giữ phù dung, Trần Tú Ngọc với Chiều Cổ Loa nổi gió, Đêm An Kinh mây phủ, Đinh Phương với Hoa gạo đỏ kinh thành, Đặng Hằng với Nhân gian nằm nghiêng, Phạm Thúy Quỳnh với Trăng trong cõi, Hà Thủy Nguyên với Điệu nhạc trần gian, Thiên địa phong trần, Trường An với Vũ tịch, Hồ Dương, Thiên hạ chi vương...

Rõ ràng, văn chương viết về đề tài lịch sử vẫn có sự sôi động, cuốn hút riêng; cái thiếu và yếu so với các dòng văn học khác, có lẽ, là một “bệ phóng” để được công chúng biết đến nhiều hơn.

Cần thêm tiếng vọng trong đời sống

Văn học về đề tài lịch sử khá kén độc giả, trong khi người viết cần rất nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm tư liệu, chắt lọc thông tin và chuyển tải lịch sử sang văn chương. Khi Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 “gọi tên” nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử, có thể thấy mảng đề tài này đã và đang phát triển cả về lượng và chất. Trong số 20 tác phẩm được trao giải có tới gần một nửa là tiểu thuyết lịch sử, như Mệnh đế vương của Trương Thị Thanh Hiền, Thị Lộ chính danh của Võ Khắc Nghiêm, Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường, Chim bằng và Nghé hoa của Bùi Việt Sỹ, Ngô vương của Phùng Văn Khai, Hùng Binh của Đặng Ngọc Hưng... Đó là chưa kể những tác phẩm không phải là tiểu thuyết lịch sử nhưng “được viết từ cảm hứng lịch sử”, phản ánh nhiều dấu mốc lịch sử đất nước, như Trong vô tận của Vĩnh Quyền, Quay đầu lại là bờ của Hữu Phương.

Vinh danh tiểu thuyết, trong đó có các tiểu thuyết về đề tài lịch sử, bằng giải thưởng văn học là một cách đưa tác giả, tác phẩm đến với công chúng. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách tác phẩm nhận giải vừa qua, một số tác phẩm nay đã khó tìm thấy trên thị trường hoặc chưa từng được giới thiệu trên báo chí hay các kênh thông tin khác.

Nhận xét về tác phẩm Gió bụi đầy trời được trao giải Ba, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Thạch cho rằng: “Nó có một thứ mà từ lâu, khá hiếm trong văn chương Việt: Tầm vóc tư tưởng, chiều sâu của những suy nghĩ đa chiều về thực tại”. Song, điều đáng tiếc của Gió bụi đầy trời là cuốn sách đã không được “chăm sóc tốt”. Sự chăm sóc này không chỉ nằm ở khâu biên tập kỹ lưỡng, mà còn nằm ở khâu quảng bá cho tác giả, tác phẩm trước và sau khi sách ra thị trường.

Không nói đến một số cuốn sách bộc lộ sự hạn chế về kiến thức lịch sử, về cách nhìn nhận nhân vật, thì có những tác phẩm văn học về đề tài lịch sử sau khi ra đời đã nhanh chóng rơi vào quên lãng. Sách không được tái bản, theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, lỗi đầu tiên thuộc về nhà văn đã không lôi cuốn được độc giả. Song, bên cạnh nguyên nhân chủ yếu về chất lượng tác phẩm thì sự thiếu nhanh nhạy trong quảng bá, giới thiệu sách cũng là rào cản khiến sách không được độc giả “biết mặt, gọi tên”. Để truyện lịch sử được biết đến nhiều hơn, thêm tiếng vọng trong đời sống, các đơn vị xuất bản cần đầu tư đúng mức cho khâu quảng bá, giới thiệu tác phẩm, tổ chức giao lưu tác giả - tác phẩm và bạn đọc.

Theo HNM None

Link nội dung: https://arttimes.vn/van-tho/de-tieu-thuyet-lich-su-duoc-biet-den-nhieu-hon-c55a3581.html