Hành trình 10 năm nặng lòng với gốm Việt của nghệ sĩ trẻ 9X Tú Trần

Khi đang là sinh viên ngành Kinh tế, chàng trai sinh năm 1995 - Trần Anh Tú đột ngột chuyển hướng về làng tiếp nối sự nghiệp làm gốm của gia đình. Hành trình theo đuổi tình yêu với gốm Việt của chàng trai đã truyền cảm hứng cho những người trẻ dám dấn thân và dũng cảm với đam mê.

Tú Trần miệt mài bên tác phẩm (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Rẽ ngang để theo đuổi đam mê

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề gốm với bố mẹ đều là nghệ nhân kỳ cựu của làng gốm Bát Tràng, Tú Trần đã sớm được tiếp xúc với gốm từ khi còn bé.

Tuổi 16, 17, chàng trai bắt đầu phụ giúp cha mẹ đóng gói hàng hoá và theo chân cha đến xưởng gốm, xem những người công nhân biến hoá những miếng đất sét thành những tác phẩm nghệ thuật. Trong mắt cậu thiếu niên lúc ấy, làm gốm là một công việc khó khăn, vất vả nên không muốn theo đuổi. Vì vậy anh đã lựa chọn vào ngành kinh tế.

Trong vòng 2 năm thử sức với ngành học và làm những công việc khác nhau, Tú nhận thấy đam mê thật sự của mình chính là nghề làm gốm. Anh chia sẻ: “Càng dấn thân vào nhiều lĩnh vực, tôi càng nhận ra tình cảm mãnh liệt của mình dành cho gốm. Tình yêu với nghề truyền thống của gia đình đã ngấm vào máu thịt, thôi thúc tôi rời bỏ ngành kinh tế đang học để thi lại vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành gốm”.

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau khi tốt nghiệp, anh đã trở về quê hương để nối nghiệp gia đình. Không chỉ tiếp quản không gian trưng bày gốm của bố, anh còn tập trung vào việc phát triển thương hiệu gốm cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok và Facebook.

"Tôi muốn trở thành một nghệ sĩ"

Bản thân anh không hướng mình thành nghệ nhân như bố mẹ mà mong muốn trở thành một nghệ sĩ sáng tạo - tạo ra những sản phẩm có nét cá tính riêng và không gò bó vào bất cứ khuôn mẫu nào, đó chính là đam mê và tham vọng của Tú Trần.  

“Trung bình mỗi người mất 5 năm để chuyên nghiệp với một chuyên ngành nào đó. Nhưng với ngành làm gốm, có người mất cả đời để tìm cho mình lối đi riêng”. Không có mẫu số chung trong nghề, vì vậy trên hành trình gần 10 năm với gốm,  Tú Trần cũng phải trải qua nhiều khó khăn để khẳng định bản thân. Phong cách gốm của anh vừa là sự tiếp nối của những giá trị truyền thống với những họa tiết hoa sen, đám mây, chim hạc,... Vừa có hơi thở đương đại với các đường nét phá cách, kiểu dáng mới mẻ và những gam màu táo bạo. Chàng nghệ sĩ nhận định: “Hiện giờ các công trình nội thất, ngoại thất đều ưa chuộng sản phẩm mang tính hiện đại. Dù là làm nghề truyền thống nhưng mình vẫn phải đảm bảo bắt kịp xu thế và không đi chậm hơn thời đại”.

Những tác phẩm nổi bật của Tú Trần trong không gian trưng bày của gia đình

Những bình gốm mang dấu ấn cá nhân

Trong suy nghĩ của chàng trai, bí quyết để trở thành nghệ sĩ thành công chính là hiểu về nghề mình làm và chăm chỉ trau dồi từng ngày, tay nghề từ đó sẽ trở nên tốt hơn. Tú Trần cho rằng: “Một người đam mê với công việc đến mức khi đi ngủ cũng nghĩ về nó thì chắc hẳn họ sẽ sớm đạt được thành công trong sự nghiệp”.

Trăn trở của người trẻ tiếp lửa làng nghề

Một thách thức khi dấn thân vào nghề làm gốm chính là không có nhiều tài liệu ghi chép một cách bài bản, hệ thống mà chỉ có những kinh nghiệm thực tế được truyền lại qua các thế hệ trong gia đình. Vì vậy những người trẻ khi mới bước vào con đường này có thể sẽ mất phương hướng trong khoảng thời gian đầu. Phần đông thế hệ trẻ sinh ra tại làng nghề hiện nay chạy theo xu thế thị trường, muốn làm những nghề được cho là nhẹ nhàng, thoải mái, ít lựa chọn việc nối nghiệp gia đình làm nghề thủ công mỹ nghệ.

Tú Trần (bên phải) cùng tạo hình sản phẩm đầy sự độc đáo (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhưng Tú Trần vẫn quan sát được một bộ phận người trẻ của làng Bát Tràng ngay cả khi đạt được một số thành tựu nhất định trong công việc, họ vẫn lựa chọn từ bỏ tất cả để quay về theo đuổi niềm đam mê với gốm. Anh thấy đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi ngọn lửa truyền thống vẫn được giữ gìn và tiếp nối. Cơ hội đối với làng nghề là sự phát triển của internet, mạng xã hội cùng vốn ngoại ngữ, người trẻ được tiếp xúc với nguồn tài liệu và những khóa học đào tạo ngành gốm chuyên nghiệp tại nước ngoài. Việc tiếp cận với tri thức và phong cách làm gốm chuyên nghiệp ở môi trường quốc tế trở nên dễ dàng và phổ biến hơn bao giờ hết.

Mục tiêu chàng trai làng Bát Tràng đang theo đuổi chính là nuôi dưỡng tình yêu với gốm trong lòng thế hệ trẻ. “Người trẻ trong tiềm thức họ luôn gắn từ “gốm” với “truyền thống”. Tú Trần nhận thấy, những khách hàng của anh thường trong độ tuổi trưởng thành, đã lập gia đình và có sự nghiệp ổn định. Anh mong muốn tiếp cận và lan tỏa niềm đam mê với sản phẩm truyền thống tới những người trẻ tuổi hơn, thông qua những tác phẩm gốm nghệ thuật đương đại của mình.

Tác phẩm “Uyên ương” trưng bày tại triển lãm Gốm nghệ thuật 2021

Cuối cùng, sau rất nhiều mồ hôi và nước mắt đuổi theo đam mê để khẳng định thương hiệu cá nhân, tên tuổi của Tú Trần đã được biết đến nhiều hơn trong làng nghề gốm. Tác phẩm “Uyên ương” của anh được hội đồng nghệ thuật thuộc cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đánh giá cao. Vượt qua gần 200 tác phẩm dự thi, “Uyên ương” đã được trưng bày trong triển lãm Gốm nghệ thuật 2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, vinh dự đứng cạnh các tác phẩm của những tên tuổi lớn như nghệ nhân Phan Thanh Sơn, Nguyễn Bảo Toàn và chính người bố của anh - Nghệ nhân Ưu tú Trần Đức Tân.

None

Link nội dung: https://arttimes.vn/tin-tuc/hanh-trinh-10-nam-nang-long-voi-gom-viet-cua-nghe-si-tre-9x-tu-tran-c2a4101.html