Kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử: QH khóa VI-Quốc hội của nước VN thống nhất

Sau ngày miền Nam giải phóng, ở hai miền nước ta vẫn tồn tại hai nhà nước với hai Chính phủ. Vấn đề cấp bách trước mắt là phải thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước.

Khi ấy, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang là nhiệm kỳ Khóa V, được cử tri bầu ngày 6.4.1975. Và tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa V (đầu tháng 6.1975) đã bầu và phê chuẩn bộ máy nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, đất nước đã thống nhất, cần có Quốc hội thống nhất thực hiện chức năng bầu và phê chuẩn bộ máy nhà nước Việt Nam thống nhất. Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước cũng là chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thống nhất nhà nước về các mặt khác.

  Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất

Ngày 15.11.1975, đại biểu Nhân dân hai miền đã họp Hội nghị hiệp thương chính trị để thống nhất nhận định về yêu cầu và nội dung của toàn bộ sự nghiệp hoàn thành thống nhất nước nhà… Từ đó đặt ra việc quan trọng trước mắt là tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của cả nước, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của cả nước Việt Nam. Quốc hội sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của nhà nước và quy định Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất. Cuộc tổng tuyển cử sẽ tiến hành cùng một ngày trong cả nước. Việc bầu cử Quốc hội phải theo nguyên tắc: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Trong điều kiện chưa có luật bầu cử hoàn chỉnh áp dụng cho cả nước, và thực tế bối cảnh chính trị - xã hội hai miền còn những khác biệt, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc đã nhất trí: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mỗi bên cử ra 11 người để thành lập Hội đồng Bầu cử toàn quốc. Hội đồng Bầu cử toàn quốc phụ trách chung việc bầu cử trong cả nước có nhiệm vụ giám sát việc bỏ phiếu, tổng kết công tác bầu cử, cấp giấy chứng nhận cho những người trúng cử và báo cáo kết quả cuộc tổng tuyển cử trước Quốc hội Khóa VI (tại Kỳ họp thứ Nhất).

Ở miền Bắc, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử là Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ở miền Nam, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử là Hội đồng cố vấn Chính phủ. Ở mỗi miền, cơ quan chủ trì cuộc bầu cử có quyền và trách nhiệm cử ra Hội đồng Bầu cử miền để phụ trách việc bầu cử của miền. Riêng tỉnh Bình - Trị - Thiên có một phần ở miền Bắc, một phần ở miền Nam nên do cả hai miền cùng phụ trách dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử toàn quốc.

Đơn vị bầu cử là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Những tỉnh, thành phố lớn, đông dân được bầu nhiều đại biểu thì có thể chia thành nhiều khu vực bầu cử. Số đại biểu của từng đơn vị bầu cử do cơ quan chủ trì bầu cử ở mỗi miền quy định. Đây là những điểm phù hợp với tình hình thực tế của giai đoạn cách mạng lúc bấy giờ. Sau này, chúng ta đã xây dựng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội phù hợp với tình hình chung cả nước; các địa phương ở hai miền Bắc - Nam đã có sự tương đồng về chính trị - xã hội, và qua một số lần sửa đổi, bổ sung luật thì nội dung này cơ bản được quy định: mỗi tỉnh, thành phố chia thành nhiều đơn vị bầu cử tùy theo dân số và số đại biểu được bầu. Mỗi đơn vị bầu cử được bầu không quá 3 đại biểu. Số lượng và danh sách các đơn vị bầu cử, số đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do Hội đồng Bầu cử ấn định theo đề nghị của Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng số đại biểu Quốc hội cả nước được Hội đồng Bầu cử toàn quốc ấn định là không quá 500 người. Các tỉnh miền Nam đã tiến hành điều tra dân số gấp để thiết thực phục vụ cho bầu cử bảo đảm chính xác, công bằng, đồng thời phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch nhà nước. Hội đồng Bầu cử miền đã giúp cơ quan chủ trì việc bầu cử miền trong việc nghiên cứu và quy định các vấn đề cụ thể xuất phát từ đặc điểm của miền Nam mới được giải phóng, chính quyền nhân dân đang từng bước được củng cố.

Công tác chuẩn bị tổng tuyển cử là một cuộc biểu dương lực lượng đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc của những người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất do Đảng lãnh đạo, để họ sử dụng đúng đắn lá phiếu - quyền công dân của mình hăng hái đi bầu cử đại biểu Quốc hội thống nhất của cả nước. Phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng ngày bầu cử Quốc hội đã được các địa phương, lực lượng vũ trang, các ngành, các đoàn thể quần chúng xây dựng và tổ chức các hoạt động cụ thể thiết thực. Ở nhiều vùng nông thôn miền Nam, vùng dân tộc còn khó khăn, đồng bào chưa thoát nạn mù chữ đã tích cực học tập để đến ngày bầu cử biết đọc, tự tay viết lá phiếu của mình.

Từ giữa tháng 4.1976, các cấp ủy Đảng, các tổ chức phụ trách bầu cử, các đoàn thể quần chúng, trong phạm vi trách nhiệm của mình đã đến các cơ sở kiểm tra việc chuẩn bị tổng tuyển cử. Gần đến ngày bầu cử, Nhân dân cả nước đều tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành quần chúng, biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng ngày tổng tuyển cử...

Những người ứng cử đại biểu Quốc hội

Việc giới thiệu người ra ứng cử đã được tiến hành một cách thật sự dân chủ. Mặt trận Dân tộc thống nhất cùng với các đoàn thể quần chúng đóng một vai trò rất quan trọng. Những người ra ứng cử ở miền Bắc đều do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu; ở miền Nam do Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam giới thiệu. Danh sách người ra ứng cử đã được các tổ chức quần chúng ở cơ sở thảo luận, cân nhắc kỹ trước khi đưa lên Mặt trận Dân tộc thống nhất hiệp thương và chính thức giới thiệu. Cả nước có 605 người ra ứng cử là những người tiêu biểu, bao gồm các nhà hoạt động cách mạng lâu năm, các đại biểu công nhân, nông dân, quân nhân cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, tư sản dân tộc, đại biểu các dân tộc, các tôn giáo… Danh sách đó thực sự là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên cơ sở liên minh công - nông - binh gồm những người có nhiều thành tích trong sản xuất, công tác và chiến đấu. Ở miền Nam, theo tiêu chuẩn cụ thể của Pháp lịnh (pháp lệnh) bầu cử Quốc hội, đó là những người yêu nước, có thành tích chống đế quốc Mỹ và tay sai, tán thành thống nhất Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.

Những cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên và cử tri được tổ chức trong khắp các đơn vị bầu cử và khu vực bầu cử. Những cuộc trao đổi ý kiến về tiểu sử ứng cử viên được tổ chức đến tận xóm, ấp, bản, làng, đơn vị chiến đấu và cơ sở sản xuất, “tổ Nhân dân”, “tổ đoàn kết”… Công tác này có tác dụng chẳng những giúp cử tri tìm hiểu ứng cử viên và lựa chọn đại biểu mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân đối với công việc của nhà nước. Riêng ở vùng mới giải phóng còn có tác dụng giúp Nhân dân hiểu rõ thêm yêu cầu về phẩm chất, đạo đức của đại biểu Quốc hội trong chế độ ta.

Tình hình và kết quả bầu cử 

Ngày 25.4.1976 thật sự là ngày hội lớn của toàn dân ta. Hơn 23 triệu cử tri, với tư thế người làm chủ đất nước đã nô nức đi làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tỷ lệ chung cử tri đi bầu cử là 98,77%. Nhiều đơn vị lực lượng vũ trang đạt 100% quân số đi bầu; một số địa phương đạt trên 99% số cử tri đi bầu cử.

Cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu ngay ở vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. Ở vùng mới giải phóng miền Nam, nhiều người là công nhân, nông dân lao động bình thường nhưng có thành tích xuất sắc, có uy tín cao đã được bầu vào Quốc hội; nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước được Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam giới thiệu đã đắc cử.

Với thành phần như vậy, Quốc hội Khóa VI là Quốc hội thống nhất cả nước, là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân, dựa trên cơ sở liên minh công nông do Đảng lãnh đạo.

Quốc hội bầu, phê chuẩn bộ máy nhà nước Việt Nam thống nhất

Sau thắng lợi to lớn của cuộc tổng tuyển cử ngày 25.4.1976, Quốc hội chung cả nước đã họp phiên đầu tiên từ ngày 24.6 - 3.7.1976. Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu đã báo cáo Quốc hội và xác nhận 492 người trúng cử đủ tư cách đại biểu Quốc hội Khóa VI, nhiệm kỳ 1976 - 1981. Tại phiên họp quan trọng và đầy ý nghĩa này, Quốc hội đã bầu, phê chuẩn các chức danh, các cơ quan của bộ máy nhà nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Ông Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch Nước. Ông Nguyễn Lương Bằng được bầu làm Phó Chủ tịch Nước. Ông Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có 7 Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 2 Ủy viên dự khuyết.

Quốc hội cũng bầu: Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách (36 thành viên); Ủy ban Dự án pháp luật (18 thành viên); Ủy ban Dân tộc (27 thành viên); Ủy ban Văn hóa và Giáo dục (28 thành viên); Ủy ban Y tế và Xã hội (22 thành viên); Ủy ban Đối ngoại (12 thành viên); Ủy ban Dự thảo Hiến pháp (36 thành viên), do Chủ tịch Trường Chinh trực tiếp làm Chủ tịch. So với Quốc hội Khóa V thì Khóa VI không có Ủy ban Thống nhất của Quốc hội mà có Ủy ban Dự thảo Hiến pháp để thực hiện việc xây dựng Hiến pháp mới cho nước Việt Nam thống nhất.

Ông Phạm Văn Đồng được bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Có 7 Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng. Cơ quan hành pháp được Quốc hội phê chuẩn có 34 Bộ và cơ quan ngang Bộ. Ông Phạm Văn Bạch được bầu làm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Ông Trần Hữu Dực được bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Thắng lợi to lớn của tổng tuyển cử ngày 25.4.1976 là thắng lợi của ý chí sắt đá vững vàng của toàn dân ta quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Qua tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung cả nước, cùng với Nhân dân miền Bắc, đồng bào miền Nam đã nói lên một cách hùng hồn sự lựa chọn dứt khoát của mình: Vì thống nhất Tổ quốc, thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/Giáo dục và Thời đại

Nguồn giaoducthoidai.vn

Link nội dung: https://arttimes.vn/tin-tuc/ky-niem-75-nam-ngay-tong-tuyen-cu-qh-khoa-vi-quoc-hoi-cua-nuoc-vn-thong-nhat-c2a4187.html