10 sách văn học Trung Quốc có “tầm ảnh hưởng to lớn” trong suốt nhiều năm qua

(VHNT)- Trung Quốc từ lâu vốn được coi là chiếc nôi của văn hóa thế giới với một kho tàng văn học cổ điển phong phú, đa dạng và đầy chiều sâu. Dưới đây là 10 sách văn học Trung Quốc có tầm ảnh hưởng to lớn trong suốt nhiều năm, là cội nguồn và cảm hứng của nhiều tác phẩm phim ảnh, văn chương và kịch nghệ.

1. Tam Quốc Diễn Nghĩa:

Được vinh danh là một trong “Tứ đại danh tác” hay “Tứ đại kỳ thư” của Trung Quốc, cho đến nay Tam Quốc Diễn Nghĩa có thể nói là pho sử thi sống động nhất được tái hiện bằng ngòi bút tinh tế của La Quán Trung và trở thành danh tác thế giới bởi số lượng bản dịch và tầm phổ biến rộng khắp.

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc chắp bút bởi nhà văn La Quan Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (220-280), theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu).

Tam Quốc Diễn Nghĩa đã dựng lại gần một trăm năm lịch sử Trung Quốc cổ đại từ thời Đông Hán cho đến những năm đầu của triều đại Tây Tấn một cách bao quát và toàn diện, từ những cuộc đấu tranh chính trị, quân sự cho đến diễn tiến của mâu thuẫn xã hội dựa trên quan điểm “Ủng hộ Thục Hán lên án Tào Ngụy”. Tác phẩm phản ánh nguyện vọng của nhân dân có một “ông vua tốt” xuất thân hàn vi, biết thương dân và vì dân, một đất nước thống nhất và hoà bình.

Đặc biệt trong bối cảnh khi nhà Nguyên của ngoại tộc Mông Cổ thống trị Trung Hoa, tác phẩm còn thể hiện khát vọng của nhân dân có một vị vua kế thừa dòng máu hoàng thất người Hán, đánh đuổi ngoại tộc để khôi phục lại triều đại của các vị vua người Hán.

Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết sử thi nên giọng điệu chủ yếu là ca ngợi hay châm biếm hài hước để phê phán. Các nhân vật anh hùng trong tác phẩm có vóc dáng khác người, những hành động phi thường và tâm hồn họ cũng khác với người thường. 

2. Tây Du Ký

Tây Du Ký là tác phẩm của sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của thần thoại cổ đại Trung Quốc, đồng thời thể hiện sự sáng tạo vĩ đại và sức tưởng tượng phong phú của dân tộc Trung Hoa. Đồng thời phản ánh đầy đủ lý tưởng cao quý và đời sống hiện thực của nhân dân. Tác phẩm ra đời vào khoảng những năm Gia Tĩnh Vạn Lịch triều Minh (thế kỷ 16). Tác giả là Ngô Thừa Ân (1500-1581) người Sơn Dương, phủ Hoài An, nay thuộc tỉnh Giang Tô, bút danh Xạ Dương Sơn Nhân.

Tây du ký kể chuyện Tôn Ngộ Không cùng Trư Bát Giới với Sa hoà thượng phò Đường Tăng sang phương Tây (Ấn Độ ở về phía tây Trung Quốc). Đường đi gặp phải biết bao gian nan trắc trở, tổng cộng 81 nạn, cuối cùng đến được xứ sở của Phật tổ, mang kinh phật về truyền bá phương Đông.

Tây du ký không đơn thuần là hành trình thỉnh kinh, về với đất phật mà là sự tái hiện đầy đủ tính cách của con người thông qua mỗi nhân vật. Ví như Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho Tâm, Đường Tăng là Thân, Trư Bát Giới là Dục, Sa hòa thượng là Tính, và Bạch Long Mã là Trí. Thế nên, hình tượng nhân vật của Tây du ký đều có đầy đủ ý nghĩa hiện thực, thậm chí còn mang đậm những nét nghĩa thâm sâu được Thi Nại Am lồng ghép trong tác phẩm.  Đó chính là lý do khiến “Tây du ký” trở thành một trong những kiệt tác của nhân loại.

3. AQ Chính Truyện

Bối cảnh lịch sử của câu chuyện là thời kỳ trước sau cách mạng Tân Hợi (1911) với những thế lực phong kiến hiện vào các tên địa chủ. Trong A.Q chính truyện, Lỗ Tấn cũng vạch trần tính chất giả dối và phản động của giai cấp tư sản lãnh đạo cuối cùng hoàn toàn do một bọn đầu cơ thao túng. Nhờ tin tức nhanh chóng, cụ Triệu biết rằng bọn cách mạng đã vào huyện đêm hôm trước. Cụ liền quất đuôi sam vòng lên đầu… qua nhà họ Tiền thăm thằng Tây giả… hẹn hò cùng nhau làm cách mạng. Chính quyền cũng rơi vào tay bọn địa chủ phong kiến và quân phiệt. Những người như A.Q không được làm cách mạng. Đời sống xã hội không chút thay đổi, A.Q cũng phải thốt lên: “Đã cách cái mạng đi rồi mà vẫn thế này thôi ư?”

4. Cao Lương Đỏ

Bối cảnh câu chuyện là những năm 1920 và 1930 tại miền quê Cao Mật ở miền Nam Trung Hoa. Câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất, với nhân vật chính là bà nội của người kể truyện. Cô gái trẻ đầy khát vọng yêu đương đã bị gả cho một người đàn ông mắc bệnh phong. Ngày lên kiệu hoa, cô gái đầy chán chường ấy đã gặp và say mê một trong những người phu kiệu khỏe mạnh, mà sau này đã trở thành tư lệnh Dư Chiêm Ngao, người anh hùng phục kích đoàn xe Nhật. Ngày hôm ấy chính anh đã cứu cô khỏi tay bọn cướp.

Hai ngày sau ở nhà chồng, cô thức trắng với con dao trong tay. Ngày thứ ba được trả về, người phu kiệu đã cướp cô chạy vào rừng cao lương đỏ. Ba ngày hạnh phúc trong rừng đã đem lại cho cô một đứa con trai, cha của người kể chuyện.

Năm 14 tuổi, người con trai gia nhập đoàn quân của Dư Chiêm Ngao mà ông vẫn coi là cha nuôi. Người con gái giờ đây đã là người thiếu phụ, ngày ngày vẫn làm bánh đem ra chiến trường khao quân. Trong một lần gánh bánh gặp đúng lúc xe giặc đang đi qua, bà đã hy sinh. Trước khi chết bà nói cho con trai biết về người cha thật sự, và ra đi nhẹ nhàng trên đệm cây cao lương, nơi đã chứng kiến tình yêu và hạnh phúc của bà.

5. Hồng Lâu Mộng

Hồng lâu mộng còn có tên Thạch đầu kí. Tác phẩm được Tào Tuyết Cần sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ 18 triều đại nhà Thanh của Trung Quốc. Với hơn 100 triệu bản được xuất bản, tiểu thuyết này trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại.

Hồng Lâu Mộng là một bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội phong kiến Trung Quốc trên con đường suy tàn. Cái vẻ ngoài tôn nghiêm nề nếp không che đậy được thực chất mọt ruỗng của giới thượng lưu sống trong Giả phủ. Cuộc sống xa hoa, tư tưởng cố hữu của giai cấp bóc lột và những mối quan hệ tàn nhẫn giữa họ với nhau đã đưa Giả phủ vào con đường tàn tạ không cứu vãn được. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc đời Thanh.

Hồng lâu mộng xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời Minh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong vòng tám năm. Đó là hồi âm của cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa tư tưởng dân chủ sơ khai và tư tưởng phong kiến. Thậm chí còn là sự bất lực, sự vùng vẫy cuối cùng của Tào Tuyết Cần trước hiện thực phũ phàng trong cuộc sống mà ông dù cố kìm nén vẫn phải bật thốt lên:

“Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết

Cay đắng mười năm khéo lạ lùng”

Câu chuyện về số phận của những người trẻ tuổi trong thời buổi suy tàn của xã hội phong kiến đã mê hoặc nhiều thế hệ độc giả trên thế giới. Ở Trung Quốc, độc giả say mê Hồng Lâu Mộng đến mức khi ngồi vào bàn luận văn chương là phải đề cập đến nó đầu tiên và đã có những nhà nghiên cứu chuyên biệt về nó hình thành một bộ môn riêng Hồng học (Hồng Lâu Mộng học).

6. Tôn Tử Binh Pháp

Được xưng tụng là tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại, binh thư kinh điển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, Tôn Tử binh pháp là một cuốn cổ thư “kỳ quái”, “để trong vườn sẽ tỏa mùi thơm của hoa quý, ném xuống đất sẽ vang tiếng kêu của bạc vàng”. Nó không chỉ được các vua chúa từ đông sang tây xem như sách gối đầu giường, bí kíp quân sự không thể thiếu, mà còn được nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực như triết học, kinh doanh, tâm lý học, ngôn ngữ học, thể dục thể thao… ứng dụng để nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Tôn Tử binh pháp với văn từ gọn ghẽ, nghĩa lý sâu xa, âm điệu bay bổng, nhờ đó sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng của “thánh điển binh học” này vô cùng rộng lớn, được dịch ra trên 100 thứ tiếng và xuất bản hầu khắp trên toàn thế giới.

“Biết người biết mình, trăm trận không nguy.

Không biết người chỉ biết mình, một được một thua.

Không biết người không biết mình, hễ đánh là nguy.”

7. Chuyện Tình Giai Nhân

Từ sau Sắc, giới, sự quan tâm dành cho một Trương Ái Linh ẩn dật khác người đã được hồi sinh. Cho tới Chuyện tình giai nhân, một tập hợp các câu chuyện về các nhân vật đã tan vỡ mọi ảo mộng tình cảm bởi định mệnh hay hoàn cảnh, người ta càng thấm hơn cái nhìn nội tâm u uẩn và bút pháp tinh tế của một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Trung quốc hiện đại.

Những nhân vật của Trương Ái Linh luôn luôn cô độc, đến với nhau bởi những xô đẩy sai lầm, và cuối cùng phải chia lìa nhau. Nhưng mãi mãi Trương Ái Linh sẽ được đọc đi đọc lại bởi những thế hệ người đọc, bởi bà đã chạm tới cảnh ngộ sâu thẳm của tâm hồn, nơi bất hạnh và tình yêu mãi mãi song hành, nơi con người đã quyết chọn tình yêu là giải thoát tuyệt đối, bất kể mọi thời.

8. Liêu Trai Chí Dị

Liêu trai chí dị, theo bài Tự tự của chính Bồ Tùng Linh, là những truyện kì lạ ông nghe được từ khách qua đường “nghe gì chép nấy, chép mãi thành biên”, hoặc do bạn bè bốn phương biết ông thích những câu chuyện như thế nên gửi cho.

Nhắc đến bộ truyện này, người ta nghĩ ngay đến đến chuyện ma quỷ, chồn tinh, thực ra trong Liêu Trai ngoài chuyện quỷ chuyện tiên, lại có cả những chuyện trong đời sống như chuyện thời tiết, chuyện ảo thuật mà với người thời ấy còn nhiều phần kì lạ.

Nhưng dù là kể chuyện hư hay chuyện thực, bộ sách này phần nào vẫn là tiếng nói thể hiện sự bất mãn của người dân đối với những bất công xã hội đương thời; như thế, Bồ Tùng Linh kể chuyện quỷ chuyện ma tưởng để lánh đời mà chẳng lánh đời.

“Nói láo mà chơi, nghe láo chơi,

Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi,

Chuyện đời đã chán không buồn nhắc,

Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời.”

9. Mật Mã Tây Tạng

Mật mã Tây Tạng không chỉ tạo nên một hiện tượng xuất bản lớn đối Trung Quốc mà còn khiến hàng nghìn độc giả trở nên say mê thám hiểm. Sau khi được xuất bản, không chỉ các cửa hàng sách mà cả các cửa hàng bán dụng cụ thám hiểm cũng bày bán cuốn sách tại những vị trí trang trọng nhất. Mảnh đất Tây Tạng từ xưa vốn chứa đựng nhiều bí ẩn lịch sử cũng như huyền thoại vẫn là nơi gọi mời những ai có khát vọng khám phá. Cuốn sách của Hà Mã giống như một trận cuồng phong thổi bùng lên khao khát được băng mình vào một trong những chốn hùng vĩ nhưng cũng hiểm nguy nhất thế giới, để đích thân trải nghiệm những điều được Hã Mã diễn tả chi tiết với niềm say mê vùng đất anh đã hơn mười năm ẩn dật.

10. Thủy Hử

Lấy cảm hứng từ những vị anh hùng thời xưa đồng thời khai thác triệt để điển cố, điển tích lịch sử và nét tính cách đặc trưng của con người Trung Quốc, Thủy Hử hay Thủy hử truyện (水滸傳), nghĩa đen là "bờ nước", rất nhanh chóng được công nhận là tác phẩm tiêu biểu của văn học cổ điển Trung Quốc. Nhà văn Thi Nại Am đã khéo léo phản ánh thực trạng trong xã hội phong kiến muôn đời: “quan bức thì dân phản” và “thời thế ắt sinh anh hùng”.

Cốt truyện chính là sự hình thành rất thành công hàng loạt nhân vật anh hùng hảo hán và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.

Quá trình tập hợp của các anh hùng thảo dã tại bến nước để hình thành quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc được Thi Nại Am dành 70 hồi để diễn giải. Tuy nhiên, nhân vật đầu tiên được đề cập không phải là một trong các vị anh hùng Lương Sơn, mà là Cao Cầu. Từ một thảo dân lông bông, Cao Cầu gặp may hết lần này tới lần khác, trở thành sủng thần của vua Tống Huy Tông và được phong chức Thái uý. Mối liên kết giữa các gian thần Cao Cầu, Dương Tiễn, Lương Trung Thư... và bộ máy quan lại tham lam, xảo quyệt, độc ác bên dưới đã làm hại các lương thần của triều đình (Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí, Tống Giang, Hoa Vinh...) khiến họ lần lượt phải bỏ sự nghiệp đi theo Lương Sơn Bạc.

Cũng có những anh hùng xuất thân nơi thôn dã, không có chức vụ quyền hành nhưng bất bình với sự áp chế, bóc lột của quan lại địa phương như Lý Quỳ, Sử Tiến, Lưu Đường... nên đã ra tay cứu giúp người hoạn nạn hoặc tự cứu bản thân mình, trở thành người phạm tội với triều đình và cũng lên Lương Sơn. Từng nhóm anh hùng được tập hợp riêng lẻ, rồi sau đó tất cả đều tụ về Lương Sơn.

Nổi bật nhất trong “Thủy Hử” là ước vọng của quần chúng nông dân về một xã hội công bằng. Bởi vậy lá cờ “Thế thiên hành đạo” của 108 Anh hùng Lương Sơn Bạc mãi mãi được đông đảo công chúng ngưỡng mộ”

Tiểu Hắc None

Link nội dung: https://arttimes.vn/tin-tuc/10-sach-van-hoc-trung-quoc-co-tam-anh-huong-to-lon-trong-suot-nhieu-nam-qua-c2a4360.html