Quyết liệt thực hiện đầu tư công và xuất khẩu

(VHNT) - Báo cáo của Bộ Tài chính, có 34 bộ, ngành và 7 địa phương giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 rất thấp, thậm chí có những đơn vị thanh toán vốn 0%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 34 bộ, ngành và 7 địa phương giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 rất thấp như Bộ Ngoại giao mới thanh toán được 1,75%, Bộ Kế hoạch & Đầu tư 6,75%, Bộ Tài chính cũng chỉ đạt 20,8%; các Bộ như Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà Nước... đều có tỷ lệ dưới 15%; thậm chí có những đơn vị thanh toán vốn 0% như Hội Chữ thập đỏ, Hội Nhạc sĩ, Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước…

Nguyên nhân chủ yếu do phân bổ vốn chậm, hết tháng 6 vẫn có những đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch năm 2020 và “mênh mông khó khăn” về thủ tục, đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục phê duyệt đấu thầu... cùng đại dịch, phải giãn cách xã hội, “giãn cách cả tinh thần năng động cùng ý thức trách nhiệm...”.

Năm 2020 tổng vốn đầu tư công lên đến gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần vốn thực đã giải ngân năm 2019, bao gồm 470,6 nghìn tỷ đồng dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng từ năm 2019 chuyển sang. Ngay từ đầu năm Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị phải nỗ lực giải ngân nhanh, không để dồn lại cuối năm... Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, 6 tháng đầu năm chỉ mới giải ngân được hơn 30%.

Từ tháng 7, nhờ những biện pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn, bãi bỏ những quy định lỗi thời, cải cách thủ tục, điều chuyển vốn ở những đơn vị thực hiện chậm... nên tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã tăng lên, nhất là ở các công trình lớn của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chính thức xin trả lại 1800 tỉ đồng vốn đầu tư công được cấp vì không thể sử dụng hết, chứng tỏ việc xin tiền đầu tư thiếu khoa học hay đúng hơn là bộc lộ thói tham lam, cục bộ và có phần dễ dãi trong khi xét cấp.

Chính phủ đang rà soát lại các bộ, ngành, địa phương và đề ra những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tốc độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhằm thực hiện mục tiêu kép: chiến thắng đại dịch và tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống toàn dân.

Từ tháng 9/2020, Chính phủ sẽ điều chuyển vốn ở những bộ, ngành, địa phương thực hiện quá thấp cho những đơn vị thực cần thêm vốn đầu tư công và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã để lãng phí thời gian, chậm luân chuyển vốn... ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Dư luận cho rằng “vì khó kiếm chác trong những công trình lớn bị giám sát chặt, người ta dửng dưng với đồng vốn đầu tư công”.

Điều này có phần đúng, nhưng rất nhiều công trình làm đường Bắc - Nam, công trình sân bay, thủy lợi... có vốn lớn... đều bị chậm tiến độ vì những thủ tục trời ơi đất hỡi kéo dài và kéo dài mãi... cho đến khi nào tìm ra “kẽ hở kiếm ăn” được thì mới tháo gỡ chăng?!

Chưa ai có thể thống kê những tỷ lệ tiêu cực trong từng loại đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương nhưng chắc chắn gần 700 nghìn tỷ đồng vốn năm nay sẽ bị rơi rụng ở mỗi cung đoạn vài phần trăm từ những “hủ tục” và lãng phí vật tư, thiết bị, năng lượng và cả thời gian chậm trễ có thể quy ra thành vàng (đang tăng vọt).

Dù Chính phủ đã lớn tiếng quy trách nhiệm cho người đứng đầu, nhưng xem ra cái cách nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm, nghiêm túc sửa chữa đã trở thành điệp khúc của những bài ca dài lê thê đến “hết nhiệm kỳ” đang được “làm mới”.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu Việt Nam nỗ lực thực hiện tốt vốn đầu tư công, nhất là dòng vốn đầu tư của nước ngoài thì dù đại dịch Covid-19 có gây thêm khó khăn, vẫn giữ được đà tăng trưởng năm 2020 từ 2,8 đến 3,8%, tạo điều kiện thuận lợi cho năm 2021 với những hiệp định thương mại song phương mới có hiệu lực như EVFTA đưa khả năng xuất khẩu sang thị trường chung Châu Âu tăng thêm trên 10%.

Trong tình hình kinh tế thế giới đang bị suy thoái do đại dịch, Việt Nam vẫn có nhiều mặt hàng xuất khẩu hấp dẫn như thiết bị phòng hộ y tế, rau hoa quả, gạo... Nhờ đổi mới công nghệ chọn giống, chế biến… Trong từ những nguồn đầu tư công chưa được sử dụng.

Chính phủ vừa thành lập đoàn kiểm tra, tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi đầu tư công do Thủ tướng, bốn Phó Thủ tướng và hai Bộ trưởng trực tiếp làm trưởng đoàn xuống các địa phương, trực tiếp giải quyết mọi trở ngại, đến ngày 3/8 sẽ ban hành những quốc sách mới nhằm tăng tốc giải ngân đầu tư công, chủ động nâng cao sức tăng trưởng.

Bảy tháng đầu năm 2020 dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu được trên 285 tỷ USD, tăng 0,2% - trong đó xuất sang Mỹ gần 37 tỷ USD, tăng 15%, Trung Quốc 23,5 tỷ USD tăng 18,5%, EU 19,5 tỷ USD, giảm 5,9%... Trong khi đó nhập khẩu 7 tháng đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2020, Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện tốt nhất các công trình đầu tư công và xuất khẩu, tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng tác dụng kỹ thuật số, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong mọi hoạt động, điều hành sản xuất kinh doanh và cả quản lý dịch bệnh, bảo vệ môi trường, khí hậu...

Nhà ngoại giao kinh tế nổi tiếng David Jarkulich của Cộng hòa Cech khẳng định: Covid-19 không thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ những đổi mới thể chế quản lý kinh tế vĩ mô. Báo cáo về thị trường cận biên, ngân hàng HSBC đưa ra nhiều nhận định lạc quan về kinh tế: Việt Nam là nước có sức tăng trưởng dài hạn tốt nhất Châu Á và là thị trường ưa thích nhất của chúng tôi.

Với nhứng biện pháp quyết liệt thực hiện đầu tư công và tập trung giải phóng sức ì trong đại dịch, đẩy mạnh sản xuất và chuyển hưởng hàng xuất khẩu phù hợp trong tình hình mới, Việt Nam chắc hắn sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và vươn lên mạnh mẽ trong năm 2021.

Võ Khắc Nghiêm None

Link nội dung: https://arttimes.vn/tin-tuc/quyet-liet-thuc-hien-dau-tu-cong-va-xuat-khau-c2a4493.html