“Điều trị” giá kit test “nhảy múa”: Bộ Y tế cần tổ chức đấu thầu tập trung

(Arttimes) - Tại kì họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và lực lượng tuyến đầu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn, trăn trở trong việc triển khai xét nghiệm, trong đó đáng lưu ý là tình trạng thả nổi về mua sắm kit test để cho giá “nhảy múa” do thiếu sự quản lí, điều hành…

Gần hai năm nay, đại dịch Covid-19 diễn ra cực kì nghiêm trọng trong cả nước gây tổn thất vô cùng lớn về sức khỏe, tính mạng con người và kinh tế - xã hội. Ngành Y tế là lực lượng chủ công trên tuyến đầu, quyết định trong công cuộc phòng, chống để khống chế, kiểm soát dịch. Cống hiến lớn lao ấy của ngành Y tế, Nhân dân ghi nhận, biết ơn. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Y tế với chức năng quản lí Nhà nước (gần 20 lĩnh vực chuyên ngành), trong đó có trang thiết bị y tế, dược, v.v… đồng thời có nhiệm vụ “Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh thực hiện việc quản lí giá thuốc theo quy định của pháp luật, tổ chức mua thuốc tập trung cấp quốc gia và chủ trì đàm phán giá thuốc theo quy định của pháp luật” (trích Điều 12 Nghị định số 75/2017/ NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ). Căn cứ quy định này thì Bộ Y tế cần xem lại nhận thức về cơ chế quản lí, điều hành mua sinh phẩm xét nghiệm (kit test) trong suốt quá trình chống dịch vừa qua?

kit-test-1636442784.jfif

Giá kit test “nhảy múa” đến chóng mặt

Bộ Y tế từng cho rằng kit, test xét nghiệm “không nằm trong danh mục thuốc phải quản lí và không kiểm soát do chưa có quy định” dẫn đến tình trạng thả nổi cho thị trường tự do điều tiết mặt hàng hết sức quan trọng này và ngân sách phải chi vô cùng lớn. Bộ Y tế vận động các doanh nghiệp trong nước tự đàm phán, nhập khẩu về bán lại và chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả. Trong khi đó, nên Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 loại kit test, gồm test xét nghiệm PCR, test xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Thời gian qua có 95 loại test lưu hành trong cả nước. Đồng thời, trước 1/7/2021 vận dụng theo Thông tư số 13/TT-BYT, bộ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test là 238.000 đồng/mẫu. Trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế và cập nhật trên trang website: dmec.moh.gov.vn nêu rõ theo giá doanh nghiệp công bố và doanh nghiệp, Sở Y tế, cơ sở Y tế địa phương tự chịu trách nhiệm về mua, bán kit test và trang thiết bị y tế không thuộc danh mục  quản lí giá (trong khi thuốc thuộc nhóm này có quy định rất rõ về đàm phán giá, đấu thầu tập trung giúp giảm giá).

Từ đó, hàng loạt doanh nghiệp tự đi đàm phán, nhập khẩu về với tổng số hàng trăm triệu kit test, có những doanh nghiệp chỉ mua làm quà tặng, còn phần đông bán lại cho Sở Y tế, cơ sở Y tế các địa phương. Trong khi dịch bùng phát, lây lan khắp 62/63 tỉnh, thành phố, chính quyền và Y tế ở đâu cũng rất lo lắng, cần phải xét nghiệm ở diện rộng cho Nhân dân nên khi doanh nghiệp nhập về chào giá và theo hướng dẫn của Bộ Y tế đều sẵn sáng mua “tắp lự”, không cần biết giá gốc, giá nhập miễn là có ngay test kit cho phòng, chống dịch. Đó là nguyên nhân dẫn đến “nhảy múa thiên biến vạn hóa” của giá mặt hàng đặc biệt này. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, trước ngày 01/7/2021 giá test thống nhất 238.000 đồng/mẫu, các cơ sở Y tế công lập thực thanh thực chi và do BHYT chi trả. Đối với người dân mỗi lần xét nghiệm phải nộp đúng giá, có nhiều trường hợp phải nộp 250.000 đồng đến 300.000 đồng/mẫu, nếu xét nghiệm PCR thì giá 720.000 đồng/mẫu. Có thời gian, nhiều công nhân ở các tỉnh phía Nam đi làm cứ 3 ngày xét nghiệm một lần, qua trạm kiểm dịch phải test nhanh. Có thành phố xét nghiệm cho hàng chục triệu lượt người dân để tìm ra một ít F0 chi phí ngân sách rất lớn. Theo Bộ Y tế trước ngày 20/8 giá test vẫn rất cao nhưng sau đó giá kit test nhanh giảm từ 20.000 đồng đến 70.00 đồng/mẫu nhưng thực tế vẫn “nhảy múa” ở giá: 100.000 đồng đến 180.000 đồng/mẫu. Với test PCR có 5 loại trong nước và 25 loại nhập khẩu với giá 180.000 đồng đến 470.000 đồng/mẫu.

Về mặt hàng này, Bộ Y tế bộc lộ sự lúng túng, thả nổi dẫn đến giá “nhảy múa” không kiểm soát, ngăn chặn sớm được.

Tại sao không tổ chức đấu thầu tập trung?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, thì “Giá test xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định”. Có nghĩa là, Bộ Y tế không coi sinh phẩm xét nghiệm (test kit) là thuốc, không quy định trong danh mục ngành quản lí. Cách diễn giải này tưởng có lí nhưng thật vô lí. Hóa chất, dung dịch dùng cho dược thì được quản lí còn sinh phẩm xét nghiệm lại không thuộc danh mục quản lí để rồi thả nổi cho các doanh nghiệp tự tung tự tác nhập về, liệu có phù hợp với quy định tại Nghị định số 75/2017/NĐ-CP về Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Y tế nêu ở trên hay không? Không quản lí nhưng lại huy động các doanh nghiệp lớn đi đàm phán, nhập khẩu cho ngành, không thuộc danh mục quản lí lại cấp phép cho 97 loại kit test được sử dụng đại trà?. Mặt khác, trong cuộc phòng, chống dịch vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” nhất, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 trao quyền chủ động cho Chính phủ; Chính phủ cũng có Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội thì cớ gì không áp dụng giải pháp cấp bách mua tập trung test xét nghiệm để phân phối cho các địa phương sử dụng? Đây chính là kẽ hở về quản lí Nhà nước khiến cho giá test xét nghiệm “nhảy múa” như làm xiếc trong thời gian qua. Vừa qua, trên trang điện tử của Bộ Y tế công bố chính thức giá từ 80.000 đồng đến 200.000 đồng kit xét nghiệm nhanh nên nhiều tinh tổ chức đấu thầu mua test kit nhưng phổ biến vẫn có giá từ 100.000 đồng đến 160.000 đồng/bộ. Trong khi đó người bệnh đi khám khi làm xét nghiệm phải chi trả 200.000 đồng đến 300.000 đồng/lần, người nhà trông nom bệnh nhân mỗi lần vào viện cũng phải làm xét nghiệm và trả tiền như thế.

Trên thị trường thế giới giá kit test chỉ dao động từ 1,5 USD đến 2,5 USD/bộ. Một doanh nghiệp Hàn Quốc chào với giá 2 USD/test kit với số lượng không hạn chế do năng lực hãng này có thể sản xuất 100 triệu test kit/tháng. Thực tế, Tập đoàn Vingroup nhận lời của Bộ Y tế đã đàm phán, nhập về hàng chục triệu bộ test kit chỉ với giá 61.000 đồng/bộ đã bao gồm các khoản thuế, phí, vận chuyển, v.v…Đơn vị này tuyên bố bán lại ưu đãi cho ngành Y tế chỉ với giá 44.000 đồng/bộ (1,9 USD). Có loại test kit kê khai giá 160.000 đồng đến 198.000 đồng nhưng giá bán lẻ chỉ 130.000 dồng đến 150.000 đồng (tùy cửa hàng). Bộ Y tế công bố giá loại test 198.000 đồng nhưng sau một ít ngày giảm xuống 128.000 đồng. Như vậy, giá bán thực tế sẽ thấp hơn so với giá công bố.

Thảo luận về kinh tế - xã hội tại kì họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV, đại biểu Trịnh Xuân An phê phán “Loạn giá kit xét nghiệm, bộ (Bộ Y tế - KQH) khẳng định không quy định giá và địa phương tự thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế xảy ra tình trạng giá kit xét nghiệm chênh lệch thì cần phải có vai trò điều hành, định hướng cho địa phương để tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá” “Đây là vấn dề phải làm rõ trách nhiệm”.

Đầu tháng 9, trước tình hình dịch tiếp tục bùng phát rất nghiêm trọng ở phía Nam, Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ cần mua gấp 25 triệu kit test PCR và hơn 100 triệu kit xét nghiệm nhanh, đề nghị trích ngân sách mua với giá 60.000 đồng/test và 100.000 đồng/test kit PCR (chưa bao gồm thuế, phí). Đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết nhưng giá Bộ Y tế xử lí chủ trương mua tập trung, tổ chức đấu thầu mặt hàng này từ đầu năm hoặc giữa năm thì hay biết bao nhiêu, sẽ không xảy ra tình trạng “nhảy múa” lộn xộn về giá như vừa qua.

Kim Quốc Hoa

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/dieu-tri-gia-kit-test-nhay-mua-bo-y-te-can-to-chuc-dau-thau-tap-trung-c8a4680.html