Nghệ sĩ và hoạt động nghệ thuật trong đại dịch Covid-19

(Arttimes) - Gần hai năm nay, đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy của nó. Trải qua ba làn sóng dịch và hiện tại đang chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch thứ 4, hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, nhất là những hoạt động trực tiếp tới công chúng gần như phải đóng cửa, ngưng trệ.

Điều đã làm cho cuộc sống và hoạt động nghệ thuật của văn nghệ sỹ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí rất khó khăn. Không những thế, giới nghệ sỹ còn chịu tổn thất khi nhiều nghệ sỹ đã ra đi vì đại dịch Covid-19. Có những nghệ sĩ Việt mắc Covid-19 đã vượt qua và hồi phục, có những nghệ sĩ vẫn còn đang phải chiến đấu với dịch bệnh.

Nhưng cũng chính trong thử thách khốc liệt của đại dịch, nhiều Hội, Đơn vị nghệ thuật, Câu lạc bộ nghệ thuật đã kêu gọi nghệ sỹ chung tay phòng chống dịch và tiếp tục tổ chức các hoạt động nghệ thuật theo các hình thức mới, phù hợp với tình hình của từng địa phương. Các động nghệ thuật theo hình thức trực tuyến, tuyên truyền quảng bá tác phẩm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã được quan tâm khai thác thế mạnh, góp phần duy trì hoạt động và góp phần tích cực vào tuyên truyền nhiệm vụ chính trị cũng như tuyên truyền phòng chống Covid. Nhiều chương trình ca nhạc trực tuyến phòng chống Covid đã gây tiếng vang và có hiệu tứng tích cực. Các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật khơi dậy niềm tin, kêu gọi chung tay phòng chống Covid-19 đã được tổ chức và thu kết quả tốt.

Chuỗi Chương trình nghệ thuật online "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch"

Trong bối cảnh khó khăn phức tạp của cuộc chiến chống Covid-19, nhiều nghệ sỹ không quản khó khăn vất vả nhất là sự nguy hiểm đến tính mạng của dịch bệnh đã có mặt nơi tuyến đầu chống dịch, đến các bện viện, khu cách ly làm việc thiện, mang gạo, mang quà, mang những suất cơm không đồng cho đồng bào nghèo và hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, lan tỏa thông điệp tình cảm đồng bào, chung sức đồng lòng chống dịch như chống giặc. Những nghệ sỹ trẻ năng động có điều kiện tài chính và huy động sự chung tay của các mạnh thường qua đem tấm lòng lan tỏa yêu thương và trách nhiệm công dân chung tay chống dịch.

Tuy nhiên, cũng như các thành phần nghề nghiệp khác trong xã hội, hoạt động nghệ thuật bị gián đoạn, có thời gian dài bị ngưng trệ đã làm cho đời sống của các nghệ sỹ rất khó khăn do không có việc làm, không có thu nhập. Không ít nghệ sỹ đã phải bỏ nghề hoặc chuyển nghề hoặc thất nghiệp.

Để hỗ trợ văn nghệ sỹ chịu khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ văn nghệ sỹ ở các đoàn nghệ thuật công lập. Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật Chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 với quy mô lớn và hỗ trợ cho văn nghệ sỹ hậu đài. Nhiều Hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nghệ thuật cũng đã có các hình thức hỗ trợ văn nghệ sỹ bị mắc Covid-19, bị bệnh tật trong thời dịch bệnh.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có công văn gủi các Tinh, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố quan tâm để văn nghệ sỹ tiếp cận vắc xin nhằm bảo vệ sức khỏe, tạọ điều kiện cho văn nghệ sỹ yên tâm về tinh thần, tiếp tục giữ lửa đam mê nghệ thuật. Liên hiệp cũng đề nghị các Hội chuyên ngành trung ương và các hội địa phương trực thuộc trong khả năng và điều kiện cụ thể của mình kịp thời động thăm hỏi, chia sẻ tình cảm đối với các gia đình có nghệ sỹ mất vì Covid-19 và động viên, hỗ trợ các nghệ sỹ đã và đang điều trị Covid-19.

Hiện nay, làn sóng dịch lần thứ 4 cơ bản đã được kiểm soát và và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2021 Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid”, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã bắt đầu khởi động trở lại, đem lại niềm vui cho giới nghệ thuật và cho công chúng. Tuy nhiên, ngoài các sự kiện lớn có ngân sách nhà nước bảo đảm như Tuần lễ sân khấu kỷ niệm 100 năm Sân khấu kịch nói Việt Nam, Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại Hải Phòng, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại Huế đã được tổ chức thành công, còn lại các hoạt động biểu diễn trực tiếp khác như ca múa nhạc vẫn tổ chức các chương trình trực tuyến, các  nhất là các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa vẫn đang cân nhắc thận trọng lựa chọn thời điểm mở cửa phù hợp với cấp độ dịch và tìm nhiều giải pháp để vừa bảo đảm an toàn cho nghệ sỹ diễn viên, nhạc công, nhân viên hậu đài và người xem.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại Huế

Theo NSƯT Trịnh Kim Chi: Nhiều anh em nghệ sĩ của Sân khấu Trịnh Kim Chi từng là F0, may mắn mọi người đã khỏe lại. Hiện tại, nhiều nghệ sĩ đã được tiêm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19. Tuy vậy, một số nghệ sĩ ở quê thì vẫn chưa được tiêm đủ hai mũi. Để bảo đảm an toàn cho nghệ sỹ, diễn viên các biện pháp bảo đảm an toàn phải rất coi trọng từ tập thoại thoại online trước, tập tại nhà và vào sân khấu. Những người đảm nhận vai chính đã tiêm đủ hai mũi sẽ tập với nhau trước. Nhưng tiêm rồi vẫn phải đảm bảo 5K. Khi đi vào sân khấu phải test COVID-19.      

Cũng theo NSƯT Trịnh Kim Chi: “Hoạt động lại trong tình hình mới sống chung với dịch, chúng tôi phải lên hết các phương án dự trù: Nếu phát hiện F0 tại đơn vị đang hoạt động thì kế hoạch cách ly, thuốc thang, bồi dưỡng ra sao? Lúc nào tôi cũng phải có mấy chục phần thuốc để đưa cho các bạn khi cần, nhắc các bạn ngậm viên C với uống C suốt… Trở lại lần này, show diễn cũng khó khăn hơn ngày trước dịch rất nhiều, mọi người vẫn làm thêm các công việc ngoài để tiếp tục nuôi dưỡng lửa nghề”.

Nhiều lãnh đạo các đơn vị nghệ thuât công lập và các sân khấu xã hội hóa khác cũng băn khoăn lo lắng về bài toán kinh phí cho việc dựng vở, nuôi nhân lực, phương thức lôi kéo khán giả đến rạp và đặc biệt là bảo đảm an toàn cho nghệ sỹ và khán giả.

Giải pháp căn cơ, lâu dài để thích ứng với bệnh dịch trong điều kiện mới cần một tư duy mới và sự năng động sáng tạo mới của không chỉ các nhà quản lý, lãnh đạo đơn vị mà cần sự năng động sáng tạo của chính nghệ sỹ.

Chúng ta mong muốn đại dịch sẽ được khống chế, kiểm soát để cả sớm được trở lại cuộc sống bình thường mới và các hoạt động văn học nghệ thuật hoạt động trở lại đêm lại niềm vui và hạnh phúc cho nghệ sỹ và góp phần nâng cao  đời sống tinh thần của nhân dân.

(Bài Tuyên truyền Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

None

Vũ Hoàng

Link nội dung: https://arttimes.vn/tin-tuc/nghe-si-va-hoat-dong-nghe-thuat-trong-dai-dich-covid-19-c2a4806.html