Cụ Hữu Ngọc - Cây đại thụ văn hóa Việt Nam

Từ những năm 1990, ở tuổi ngoài “thất thập”, mỗi năm cụ Hữu Ngọc được mời thuyết trình với khách nước ngoài khoảng trên dưới 100 buổi, cho đến khi cụ thôi “trình diễn” trước công chúng (vì sức khỏe), cụ ước tính trên hai vạn lượt người chăm chú đến nghe Hữu Ngọc nói về văn hóa - lịch sử Việt Nam và các nền văn hóa khác. Đang ở tuổi 99, cụ vẫn khỏe mạnh và cực kỳ minh mẫn. Hàng tuần cụ vẫn đều đặn bách bộ hoặc “xe ôm” đến cơ quan Nhà xuất bản Thế Giới từ hai đến ba lần để làm việc, nghiên cứu, giao tiếp với khách trong nước và quốc tế. Ở tuổi 102 cụ vẫn viết và xuất bản sách.

Thế kỷ XX Việt Nam xuất hiện nhân tài trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật. Khi tôi đến thăm, cụ Hữu Ngọc đang ở tuổi 99. Cụ cũng là nhân tài thuộc diện “xưa nay hiếm”.

Ảnh: Tư liệu

Hữu Ngọc ra đời sau một năm diễn ra đại chiến thế giới lần thứ nhất (1918), quê ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông nội là cụ Tú Thuật ra Hà Nội lập nghiệp ở phố Hàng Gai. Năm 1936, ở tuổi 18, trong một cuộc thi viết luận văn bằng tiếng Pháp toàn Đông Dương, Hữu Ngọc là một trong ba thí sinh đoạt giải cao nhất. Giải thưởng là một chuyến được “cưỡi tàu bay” bay trên bầu trời Hà Nội, được xem là một trong số ít người Việt Nam đầu tiên “đi” trên máy bay.

Năm 1946, ở tuổi 28, Việt Nam có cuộc thi tuyển giáo viên tiếng Anh, chàng thanh niên Hữu Ngọc lại đậu thủ khoa trong cuộc thi ấy. Vậy là cả tiếng Anh và tiếng Pháp, Hữu Ngọc đều cực giỏi, được độc giả Việt Nam và nước ngoài suy tôn là một học giả bậc thầy.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập. Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương “Ngôi sao phương Bắc”. Chính phủ Pháp tặng Huân chương “Cành cọ Hàn Lâm” và giải “Lời vàng”. Cụ lại vừa được nhận giải thưởng lớn “Vì tình yêu Hà Nội-2017” cùng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý khác.

Đang ở tuổi 99 cụ vẫn khỏe mạnh và cực kỳ minh mẫn. Không ai có thể tin được, mặc dù đó là sự thật: Hàng tuần, cụ vẫn đều đặn bách bộ hoặc “xe ôm” đến cơ quan Nhà xuất bản Thế Giới từ hai đến ba lần để làm việc, nghiên cứu, giao tiếp với khách trong nước và quốc tế.

Đầu tháng 10/2017, tôi có dịp đến thăm cụ ở tầng 5 của NXB Thế giới. Cùng đi có cô giáo Lan Anh dạy Anh văn rất ngưỡng mộ cụ, muốn được tiếp kiến và xin chữ ký của cụ. Cụ đang tiếp cựu Đại tá, Bác sĩ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản, phu nhân của danh tướng Cao Văn Khánh. Tướng Cao Văn Khánh trước kia cũng là giáo sư cùng với Hữu Ngọc dạy tư thục ở trường Việt Anh (cố đô Huế).

Năm 1950, cụ đang dạy học và làm báo địch vận ở Nam Định, được cụ Hồ biết tiếng cho vời lên chiến khu Việt Bắc làm Trưởng ban giáo dục tù hàng binh với hàng nghìn tù hàng binh Âu-Phi đủ các thành phần và trên 20 sắc tộc. Chiến thắng Thu-Đông (1947) quá lớn ngoài dự kiến. Ngày ấy, ta chưa có nhà tù nên họ cũng được ở nhà dân cùng với cán bộ quản giáo và bộ đội. Vậy mà không có kẻ trốn chạy để cầm súng quay trở lại Việt Nam như các nhà tình báo cho biết.

Có ký giả nước ngoài hoài nghi trước kết quả này, đã hỏi: “…không có trại giam cai quản bằng hàng rào kẽm gai, các ngài giữ chân tù hàng binh bằng cách nào mà họ không trốn chạy?”. Trưởng ban giáo dục tù hàng binh Hữu Ngọc mỉm cười khi trả lời: “Có đấy! Đó là sách lược “tâm công” đánh đòn tâm lý mà cụ Hồ Chí Minh vận dụng kế sách từ thiên tài Nguyễn Trãi cách đây đã hơn 500 năm và một biện pháp hữu hiệu được thực hiện là: thu lại toàn bộ giầy của họ. Tù hàng binh phải đi dép hoặc đi chân đất. Đám lính công tử này không chịu nổi dù chỉ một ngày xuyên rừng mà không có giầy!”.

Hữu Ngọc là người được thực thi sách lược của cụ Hồ, trực tiếp soạn thảo tài liệu giáo dục tù hàng binh giao cho các cụm trưởng truyền đạt. Sau có thêm một tù hàng binh trí thức người Đức, đó là ông Borcher hỗ trợ, được bổ nhiệm Phó trưởng ban, có tên Việt Nam là “Chiến sĩ”, được quân đội ta phong hàm cấp Trung tá. Đặc biệt ở “Trại” Cao Bằng có hai tù hàng binh cấp Đại tá, đó là Leparge và Charton. Hai vị quan năm này rất thần phục chính sách tù hàng binh của Việt Nam. Về Pháp, Charton đã viết cuốn hồi ký mang tên: Nhà tù không có chấn song sắt, đó là kết quả của sách lược “tâm công” và chương trình giáo dục tù hàng binh của ta mà Leparge và Charton đi đến nhận định: Nước Pháp nhất định không thể thắng được trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Năm 1950, Hữu Ngọc bắt đầu chuyển giai đoạn sang làm báo đối ngoại, viết và dịch sách bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, đã từng làm Tổng biên tập của ba tờ tạp chí và báo đối ngoại. Nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh lão thành người Mỹ - bà Lady Borton đã “tấn phong” cho Hữu Ngọc: “Nhà xuất nhập khẩu văn hóa” là chuẩn nhất. Sau gần một thế kỷ sống và viết, cụ đã “xuất khẩu” hàng chục đầu sách tầm cỡ, có độ dầy cả nội dung và hình thức, những tinh hoa văn hóa Việt đặc biệt xuất sắc, được thế giới đánh giá cao qua các tác phẩm: Phác thảo văn hóa Việt Nam; Khám phá văn hóa Việt Nam; Lãng du văn hóa Việt Nam; Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam…

Ảnh: Tư liệu

Riêng cuốn Lãng du văn hóa Việt Nam (bản tiếng Anh) được tặng Giải Vàng về “Sách hay sách đẹp” của Hội xuất bản Việt Năm (năm 2006), đã tái bản đến lần thứ 10. Bản tiếng Pháp tái bản đến lần thứ 6, được nhận giải GADIF 2008 - Giải của các đại sứ và tổ chức cộng đồng Pháp ngữ ở Việt Nam trao tặng… Tổng cộng có đến trên hai vạn bản in. Với thành tựu to lớn của nhà văn hóa Hữu Ngọc, bà Lady Borton thán phục, viết: “Ông Hữu Ngọc là một mắt xích quan trọng nối văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới”.

Gần đây nhất, cụ vừa cho tái bản cuốn: Hữu Ngọc đồng hành cùng thế kỷ Văn hóa - Lịch sử Việt Nam với gần 700 trang sách khổ lớn, được phân tích hết sức khoa học, gồm ba chương. Chương I đề cập đến Lịch sử - Văn hóa Việt Nam qua chân dung những người cùng thời. Họ là những nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, những nhà trí thức lớn, những nhà khoa học xuất sắc, những văn nghệ sĩ tài năng của Việt Nam. Chương II Lịch sử-Văn hóa Việt Nam qua chân dung những nhân vật nước ngoài nổi tiếng cùng thời. Chương III Những góc nhìn Văn hóa.

Bằng cách nhìn tổng quan, tác giả dẫn dắt bạn đọc từ Đôi điều về bản sắc Việt qua Những nẻo đường Văn hóa đến Các thế hệ nam-nữ và “gút” lại ở Gia đình và xã hội Việt Nam.

Hàng trăm nhân vật nổi tiếng trong nước được “lão tướng” Hữu Ngọc rút tỉa, “gạn đục khơi trong”, chưng cất, tổng kết những tinh hoa của họ “hiện hình” trên từng trang sách, từ Kỳ Đồng đến các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Phi Huyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Thái Học; về Nghi án Lê Hoan sĩ phu yêu nước hay Việt gian?; là Nguyễn Đức Quỳ, Giám đốc đầu tiên của NXB Ngoại văn (sau này là NXB Thế giới do Nguyễn Khắc Viện và Hữu Ngọc từng làm giám đốc).

Trí thức mới có các thầy đáng kính như thầy Khang, thầy Dương Quảng Hàm. Các thầy dạy ở trường Bưởi như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Đặng Phúc Thông, nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu, giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng. Những nhà văn hiện đại thế hệ đầu có Tản Đà, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, về hai “ngôi sao” của thơ mới là Huy Cận và Xuân Diệu. Các nhà văn, nhà thơ dạy tư thục tại Huế thời kỳ 1939-1945 có Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Văn Bổng, Hoài Thanh, Vũ Tuấn Sán, Đoàn Phú Tứ, Phan Khắc Hoan.

Cụ Ngọc nói rõ nguyên nhân vì sao các nhân vật tên tuổi ấy lại tụ hợp về cố đô Huế dạy học để kiếm sống, đó là thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ vào tháng 9 năm 1939 làm chấn động toàn cầu. Pháp thua vào tháng 6/1940 thì Nhật chiếm Đông Dương hai tháng sau. Việt Minh thành lập năm 1941, tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp và một tháng sau thành lập chính phủ Trần Trọng Kim…Họ không muốn hợp tác, tham gia hoạt động ở chính thể này nên đã cùng nhau vào Huế dạy học chờ thời hoặc đi vào hoạt động bí mật.

Chỉ cần mấy dòng phác họa trên đã thấy bối cảnh lịch sử Việt Nam và thế giới lúc bấy giờ diễn ra nguy kịch biết chừng nào. Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra “long trời lở đất”, họ không dạy học để cùng tham gia kháng chiến dưới chính thể cụ Hồ Chí Minh.

Viết về lịch sử - văn hóa Việt Nam qua những nhân vật nước ngoài đâu phải dễ. Muốn viết về họ phải đọc họ, đọc hàng loạt tác phẩm của họ hoặc quen biết họ mới đặt bút viết được. Những người nước ngoài ở trong sách của cụ khá điển hình nhưng lớp trẻ hiện nay ít biết. Đâu chỉ có nhà văn Anh là Dan Yank (Mỹ) chính cống, chị chuyên viết về du lịch và có máu du lịch. Đâu chỉ có Sara Lidman - nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng Thụy Điển; đâu chỉ có tác giả Vượt qua rào - Tác phẩm của nhà văn Mỹ Tames Sullivan; nào Ba nhà văn Pháp - Bạn cùng thời của Nguyễn Ái Quốc; nhà báo Úc Burchett, nhà văn, nhà thơ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud… Hàng chục bài viết về các sự kiện nổi tiếng trong nước và quốc tế liên quan đến lịch sử - văn hóa Việt Nam.

Viết về các loại hình nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, đặc biệt là hội họa, qua bài viết về danh họa P.Gauguin (1848-1903) với Kỳ Đồng (1875-1929) là thần đồng nước Việt. Viết về họa sĩ Phạm Tăng, nhà điêu khắc Lê Công Thành, về danh họa Bùi Xuân Phái và hai nghệ nhân - nghệ sĩ Thế Khang và Phạm Hữu Ích cùng thể hiện đề tài phố cổ Hà Nội, cùng đi một hướng với hai cách nhìn và thể hiện khác nhau, chứng tỏ cụ Ngọc rất am tường không chỉ có văn học mà rất tinh tế trong cách nhìn và thẩm định về nghệ thuật.

Từ những năm 1990, ở tuổi ngoài “thất thập”, mỗi năm cụ Hữu Ngọc được mời thuyết trình với khách nước ngoài khoảng trên dưới 100 buổi; cho đến khi cụ thôi “trình diễn” trước công chúng (vì sức khỏe), cụ ước tính có thể trên hai vạn lượt người chăm chú đến nghe Hữu Ngọc nói về văn hóa - lịch sử Việt Nam và các nền văn hóa khác. Đặc biệt là những chính khách sang trọng như nhà Vua và hoàng hậu Na Uy, Thống đốc bang Hawail (Mỹ) hay cựu Thủ tướng Brazil, đặc biệt là nhà vua và hoàng hậu cùng đoàn tùy tùng mặc sắc phục vương triều Thụy Điển đến nghe Hữu Ngọc thuyết trình về văn hóa Việt Nam - Thụy Điển.

Thụy Điển là quốc gia đặc biệt quý trọng tài năng và nhân cách của Hữu Ngọc. Họ tín nhiệm mời cụ làm Chủ tịch quỹ Văn Hóa Việt Nam - Thụy Điển tới 16 năm liền, cả Chính phủ Na Uy cũng mời cụ giữ chức Chủ tịch Quỹ Văn hóa Na Uy tại Việt Nam. Có một hội nghị các đại sứ Thụy Điển ở châu Á họp ở Thủ đô Hà Nội, chương trình làm việc khép kín, khá căng thẳng, chỉ còn 10 phút thư giãn nhưng họ vẫn tha thiết mời cụ Hữu Ngọc nói về văn hóa Việt Nam. Rất chính xác, cụ kết thúc ở phút thứ 10 trong tiếng hoan hô nồng nhiệt và tiếng vỗ tay kéo dài.

Ông Borje Lunggren, đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam tấm tắc khen: “Không ai có thể tóm lược lịch sử - văn hóa Việt Nam sinh động trong một thời gian ngắn như vậy!”. Một đoàn sinh viên trường đại học Mỹ Prunceton sang nghiên cứu Việt Nam, khi về nước viết thu hoạch, đa số đều có chung nhận xét rất ấn tượng, đặc sắc nhất trong chuyến đi là Vịnh Hạ Long, cố đô Huế và nghe cụ Hữu Ngọc thuyết trình về Những nẻo đường Văn hóa.

Tiếp xúc với nhà văn hóa Hữu Ngọc, nhiều học giả uyên bác của nước ngoài phải thừa nhận rằng: Ông Hữu Ngọc có năng khiếu cả hai lĩnh vực: nói và viết, cảm nhận tinh tế và sâu sắc từ các nền văn hóa nhân loại qua tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và còn cả vốn Hán văn nữa. Đó là những cửa sổ thông thoáng được mở ra để các nền văn hóa ùa nhập vào trong ông. Từ những lượng thông tin khổng lồ ấy, ông sàng lọc, chưng cất, tổng kết thành tinh chất về những nền văn hóa qua những phác họa chân dung những quốc gia điển hình như Nhật Bản với Hoa anh đào và điện tử - Chân dung văn hóa Nhật Bản (1989), với Pháp có Phác thảo chân dung văn hóa Pháp (1991) với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có Hồ sơ văn hóa Mỹ… Họ khen Hữu Ngọc “nói và viết hay đến sửng sốt!”, “Hay đến thế là cùng!”.

Tiếng lành đồn xa, họ truyền tụng nhau rằng: Hữu Ngọc có thể thuyết trình tùy theo yêu cầu về thời gian, có thể ba giờ, hai giờ, một giờ hoặc 30 phút khi giới thiệu nền văn hóa Việt Nam hay các nền văn hóa khác; nói trực tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức cứ nhẹ nhàng như không. Một đại sứ Hy Lạp phát biểu về Hữu Ngọc: Ngài là một trong số ít được biết đến như người bắc cầu nối giữa nền văn hóa Việt Nam và thế giới… Ngài là một trong số ít học giả, một minh triết như những triết gia cổ đại Hy Lạp…, ông Orso Delage Luget (ở Pháp) gửi thư khen ngợi đến NXB Thế giới có đoạn viết “Cuốn sách của ông Hữu Ngọc tôi đọc thường xuyên. Quả là một bữa tiệc tinh thần lớn! Tôi ngưỡng mộ ông, vì ông làm chủ được ngôn ngữ của chúng tôi.Tôi chỉ biết có hai người rành tiếng Pháp như Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông”.

Độc giả khác, ông Aubert: “…ông Hữu Ngọc đã viết những điều kinh khủng với một văn phong rất nhẹ nhàng… Ông chỉ ngồi ở Việt Nam mà cho chúng tôi hiểu biết cả châu Á…Ông đã nắm cả lục địa trong đầu ông khiến chúng tôi rất thích đọc tác phẩm của ông”. Ông Bruno - Nhà ngoại giao Bỉ: “Tôi bàng hoàng vì chỉ nửa giờ gặp ông Hữu Ngọc, tôi hiểu Việt Nam, văn hóa Việt Nam bằng mấy chục năm tôi đọc bao nhiêu cuốn sách và tìm hiểu nền văn hóa của dân tộc ông”…

Thiết tưởng, với những lời nhận xét vàng ngọc của họ như vậy khiến tôi bất lực, không thể dùng câu chữ nào hay hơn nữa.

Ở tuổi 102 cụ vẫn viết và xuất bản sách

Những ngày đầu tháng 7 mưa tầm tã kéo dài và nặng hạt, tôi vẫn quyết tâm “đội mưa” đến thăm cụ Hữu Ngọc, bởi rất sốt ruột. Nhiều lần điện cho cụ, điện thoại vẫn đổ chuông nhưng không có người cầm máy. Mới năm ngoái đến tặng Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam tôi có bài viết về cụ. Đọc xong cụ hài lòng, cho là bài viết tốt, đầy đủ và chân thực, nhưng có một chi tiết cần đính chính: “…cụ Hồ biết tiếng cho vời lên giao nhiệm vụ phụ trách trại tù hàng binh… như vậy không chính xác và kênh kiệu quá!”. Nên sửa là: “…Cục Địch vận Trung ương, biết tiếng liền điều động Hữu Ngọc về phụ trách trại tù hàng binh…”. Tôi còn chụp ảnh cụ, đã phóng to, lên khung trang trọng định hôm nay lên tặng cụ. Chắc cụ mệt, phải vào viện điều trị rồi.

Xe máy tôi vừa đỗ xịch trước cửa nhà cụ thì cơn mưa vừa dứt. Tôi cởi mũ áo nhìn qua cửa kính vẫn thấy cụ Ngọc người còm nhom, đang bước cầu thang lên phòng làm việc. Tôi mở cửa bước vào và mừng quýnh chào cụ, rồi xốc nách cụ lên gác. Cụ Hữu Ngọc cười và nói:

- Ông Đáng cứ để mặc tôi. Tôi vẫn đủ sức khỏe lên xuống thang gác được mà!

Trước mắt tôi, cụ Hữu Ngọc đang hiện hữu. So với trước cụ có gầy hơn đôi chút nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn lạ thường. Lên tới phòng làm việc là cụ pha trà mời tôi uống nước. Sự vắng bóng cụ ở trong phòng làm việc từ lúc nào tôi không để ý. Khi xuất hiện, cụ cười. Trên tay cầm hai cuốn sách dầy, khổ rộng. Cụ ký tặng tôi bộ sách mang tên Cảo thơm lần giở do NXB Kim Đồng ấn hành, vẫn còn thơm mùi mực. Tôi thật kinh ngạc! Cụ Hữu Ngọc đang ở tuổi 102 mà vẫn viết và xuất bản sách, xứng đáng được ghi vào kỷ lục “ghi nét” thế giới.

Lời giới thiệu về cuốn sách do bà Lady Borton viết: “Vào tuổi 100, Hữu Ngọc muốn nhìn lại và suy ngẫm về đời mình, cuộc đời và xã hội qua lăng kính tư duy của những trí tuệ uyên thâm trên thế giới. Cuộc hành hương tinh thần này là tiền đề và nội dung Cảo thơm lần giở. Ông giới thiệu cuộc đời và tư duy của hơn 180 danh nhân Đông - Tây, từ xưa tới nay thuộc mọi lĩnh vực: Tôn giáo, văn hóa, triết học, khoa học…văn hóa - nghệ thuật, đạo đức học, tâm lý học, chính trị học…

Bức phác họa hoành tráng ấy nêu lên những tư tưởng, học thuyết và khuynh hướng chủ yếu của các nền văn hóa thế giới qua đại diện tiêu biểu, bao gồm: những giáo chủ như Phật Thích Ca, Chúa Jesus, tiên tri Muhammat, những triết gia như Khổng Tử, Sokrates, Hegel, Sartte… những nhà khoa học như Darwin, Einstein, những nhà văn, nhà thơ như Shakespeare, Cesvantes, Dante, Goethe, Dostoyevky, Lỗ Tấn, Tagore, Molière…Những nhà chiến lược quân sự như Tôn Tử, Machiavelli…những nghệ sĩ như Léonardo de Vinci, Picasso, Guitry…về phần Việt Nam có ba vị được tổ chức thế giới Unesco công nhận: Nguyễn Trãi, Nguyên Du, Hồ Chí Minh.

Mỗi danh nhân được giới thiệu dưới hai góc độ: cuộc đời và những danh ngôn thể hiện tư tưởng của nhân vật…Hàng nghìn danh ngôn được trích, đề cập đến những quan niệm khác nhau về thế giới quan và nhân sinh quan…

Xin mời bạn đọc cùng Hữu Ngọc thực hiện một chuyến lãng du văn hóa qua thời gian và không gian, để tìm con người muôn thuở”.

Tôi nói với cụ Hữu Ngọc ông và bà Lady Borton là hai người “như hình với bóng” là không có oan! Lời lẽ dẫn dắt như “nhịp với phách” trong âm nhạc, rất ăn nhập! Thật tuyệt vời. Cụ Hữu Ngọc cười:

- Đấy mới là giới thiệu tóm tắt, ông Đáng đọc hết hai quyển là mệt đấy, sẽ thấy họ thật kinh khủng. Họ là những nhân vật đại diện cho các nền văn hóa nhân loại.

- Vâng, đúng là như vậy. Hàng nghìn những ngôi sao sáng trên hành tinh, cụ tuyển chọn được hơn 180 nhân vật, có lẽ phải đọc hàng tạ sách, ghi chép, trích dẫn đến vắt óc, thân thể hao mòn sức lực mới gạn lọc được từng ấy nhân vật.

- Đúng vậy. Viết ra nó đã công phu nhưng đọc nó cũng phải suy nghĩ, ngẫm ngợi và kiên trì lắm mới cảm thụ được.

Đã đến gần 12 giờ trưa, tôi đành phải cáo lỗi và trịnh trọng xin phép cụ: “Kính thưa cụ Hữu Ngọc. Cụ cho phép tác giả nhiếp ảnh “dinh” nhà văn hóa lớn “con khủng long thời tiền sử” đang hiện hình ở thế kỷ XXI như  Trần Đăng Khoa quan sát và hình tượng, treo lên tường xem cụ còn nặng bao nhiêu “ký”?

Cụ ngắm và chỉ huy tôi điều chỉnh: Dịch sang bên phải chút ít… cân rồi. Đến lượt tôi đứng ngắm bức chân dung cụ Ngọc do tôi chụp năm trước, cụ ở tuổi 101, đang làm việc ở trên tường rồi tôi xin phép cụ ra về.

Hoàng Kim Đáng

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/cu-huu-ngoc-cay-dai-thu-van-hoa-viet-nam-c8a5086.html