Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và Thu Giang: Chuyện tình trong nghệ thuật

Thu Giang là con út của nhà văn Nguyễn Tuân.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016) là một trong “Tứ trụ” hội họa Việt Nam thế kỷ XX và là người cuối cùng trong bộ tứ ấy từ giã cõi đời vào hồi 10h27’ ngày 15/6/2016, hưởng thọ ở tuổi 97. Ông để lại cho đời một kho vàng trí tuệ đích thực với hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật vô giá. Hội họa Việt Nam có Nguyễn Tư Nghiêm “độc bản!” - Độc bản bởi vì không ai suy nghĩ giống ông, không ai vẽ như ông, không có ai bắt chước được ông, vì thế tranh ông trở nên “độc bản”.

Nguyễn Tư Nghiêm với hội họa Việt Nam 

Với tài năng và cống hiến to lớn như vậy, không chỉ riêng Nguyễn Tư Nghiêm, giới mỹ thuật Việt Nam nên có cuộc hội thảo khoa học lớn về cuộc đời, sự nghiệp của bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái. Họ rất xứng đáng được tôn vinh là Danh nhân đất Việt, và mãi mãi là những ngôi sao sáng trên nền hội họa Việt Nam.

Tác phẩm của họ thường đi trước thời đại, chiêm nghiệm thời đại, biểu tượng thời đại, vì thế họ trở nên độc đáo, trở nên vĩ đại. Điều đó thì ai cũng nhận thấy nhưng độc đáo ở chỗ nào, vĩ đại ở chỗ nào thì cần phải có sự giải mã, cần đến những người nắm trong tay “những chiếc chìa khóa đặc biệt” để mở ra những điều bí mật từ kho vàng trí tuệ ấy.

Người giúp chúng ta hiểu những điều quan trọng ấy, đó là nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân (cỡ Nguyễn Tuân trong hội họa), nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Dương Tường, như Phan Cẩm Thượng, như Nguyễn Quân... Họ là những họa sĩ nổi tiếng, những cây bút nghiên cứu lý luân phê bình nghệ thuật sắc sảo.

Họa sĩ Nguyễn Quân đưa ra một công thức để xếp hạng tài năng và “phán” rằng: nghệ sĩ lớn có ba loại: Loại có năng khiếu đặc biệt do được chỉ bảo và tu luyện mà thành; loại có trí tuệ và năng khiếu đa dạng, nhờ được phát huy hết cỡ mà thành và loại sinh ra đã là bậc thầy và thản nhiên như trên trời rơi xuống. Loại thứ ba này tất nhiên cũng có học hành, rèn luyện và chìm nổi trong bể đời (khổ là chính) song dường như những chuyện đó chỉ là để viết nên một tiểu sử, một lý lịch cho giống mọi người nhưng thực ra (Nghệ thuật – TG) của họ đã thành ngay khi xuất lộ. Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX chỉ có ba người như thế. Nguyễn Tư Nghiêm là một trong số đó.

Nhà nghiên cứu Dương Tường ở góc nhìn “ngoại đạo” nên “phán” có phần khách quan hơn: “Ông Nghiêm rất am hiểu và biết trân trọng đúng mức các trào lưu nghệ thuật hiện đại phương Tây, ông không vì thế mà coi đó là chuẩn mực để noi theo. Ông là người phủ định đấy nhưng rất tinh tế để người ta nhận ra mà không bị mếch lòng. Ông là người đi đầu trong cách tân ngôn ngữ hội họa Việt Nam, lấy truyền thống dân tộc làm gốc, ông có cách nhìn rất hiền triết phương Đông: “Tất cả trong một”.

Ông đã chỉ ra trong Di sản Văn hóa – Nghệ thuật cổ Việt Nam – Văn hóa Đông Sơn, kiến trúc và điêu khắc đình chùa, tranh dân gian Đông Hồ... ẩn chứa đủ các yếu tố ấn tượng, xuất biểu, siêu thực, thậm chí cả trừu tượng...”. Ông từng nói: “Nhà mình ối, việc gì phải tìm đâu xa!”. Xem tranh – tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm, ông Tường cho rằng: “Phẩm chất nổi bật của Nguyễn Tư Nghiêm là tính giao hưởng. Từ giao hưởng không thuần túy chỉ có trong âm nhạc, mà là sự tổng hòa các quan hệ Thiên – Địa – nhân...đã có đủ trong đôi mắt và trái tim Nguyễn Tư Nghiêm rồi!”.

Dưới góc nhìn của nghệ sĩ sáng tác, lý luận sắc sảo, khách quan và vô tư, Nguyễn Quân khẳng định: “...Nguyễn Tư Nghiêm có đủ những gì đặc trưng của một nhân cách học trí thức – cách mạng – nghệ sĩ. Tính cách đó hiển hiện đầy đủ và đặc sắc trong hàng ngàn tác phẩm ông đã làm ra trong 70 năm, một con đường trường chinh hơn ai hết. Ông mạnh dạn đưa ra ý kiến dù (phải) đối sánh với tranh của các thầy, đàn anh, của các bạn đồng liêu đồng tuế hay của hậu sinh ngưỡng mộ ông tới mức sùng kính hội họa Nguyễn Tư Nghiêm luôn được mặc định chính xác rằng: nó giàu trí tuệ, triết lý sâu sắc và hiểm hóc nhất. Các loại tranh (hay chủ đề) lớn là “Trẻ em chơi, Thánh Gióng, Điệu múa cổ, Con giống và các mô típ, hoa văn, chi tiết... được định hình như các biểu tượng mà ta khó truy xuất nó có từ thời Đông sơn, thời Lý, Trần hay Lê, Nguyễn...song chắc chắn là từ thời Nguyễn Tư Nghiêm!”.

Tôi thích nhất, nể phục nhất là câu nói “xuất thần” của Nguyễn Quân về danh họa bậc thầy Nguyễn Tư Nghiêm rằng: “...Ông vừa vẽ xong đã cổ ngay. Nhà nghệ thuật học khi soạn bài giảng nghệ thuật cổ hay hiện đại đều có thể lấy tác phẩm của ông đưa vào giáo khoa thư”. “Tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”.

Nghĩ sao, vẽ vậy. Trong kho tàng tranh của Nguyễn Tư Nghiêm chỉ đào sâu vào Âm dương ngũ hành, về 12 con giáp, với Điệu múa cổ, với Gióng, với Chuyện Tiên – Rồng và từ năm 2006, ông chỉ chuyên vẽ đề tài Bốn mùa, và Chân dung thần thái Thu Giang.

THU GIANG – CHUYỆN TÌNH TRONG NGHỆ THUẬT

Am hiểu rộng, đi trước thời đại, đủ bản lĩnh để đi ngược chiều với trào lưu nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đang thịnh hành là một thành công lớn ở một tài năng lớn. Chấp nhận điều đó là một sự khổ hạnh, cô đơn. Suốt ngày chỉ tập trung vào đọc, nghe xem và vẽ, tránh mọi sự giao tiếp. Đến cả dự khai mạc triển lãm của mình, ông cũng từ chối xuất hiện. Một sự lập dị đáng yêu đến thế là cùng.

Giữa cái cao trào của sự cô đơn ấy là sự xuất hiện bóng hồng Thu Giang.

Tôi có thể trích đoạn thơ của mình trong bài viết: Đêm trăng Hạ Long như sau: “Nàng mát rượi trong ta/ Nàng tỏa sáng trong ta/ Ta có nàng như diều gặp gió/ Như ruộng đồng đại hạn gặp mưa/ Nàng có thực/ trong mơ/ hay huyền thoại?”. Nàng đã thổi bùng ngọn lửa tình yêu nghệ thuật trong tâm hồn chàng, thăng hoa trong cảm xúc để chàng tập trung vào vẽ, vẽ và vẽ... chỉ trong vòng 20 năm (1988 – 2008) nàng đã “nghiệm thu” một công trình nghệ thuật đồ sộ, một kho vàng trí tuệ Nguyễn Tư Nghiêm.

Thu Giang – con sông về mùa thu êm ả, trong vắt. Thu Giang, một cái tên đẹp. Người con gái ấy là con út của nhà văn Nguyễn Tuân. Một nhà văn được dân chúng đất Việt xếp hạng là số một của nền văn học Việt Nam. Với nhà văn Nguyễn Tuân, cũng có một số người biết tôi được ông yêu quý. Quả thực như vậy. Tôi là sợi dây liên lạc giữa đại tá Nguyễn Xuân Trường (sau này ông là Trung tướng, Giám đốc Học viện Quân sự Việt Nam).

Có thời gian ông là Thủ trưởng Cục chính trị Bộ Tư lệnh Đường Hồ Chí Minh những năm đánh Mỹ. Tôi là người đem thư và quà chiến trường của ông về cho cụ Nguyễn. Tôi cũng có biết kỹ sư giao thông, nhạc sĩ Nguyễn Tường Lân (con trai cụ) và biết Thu Giang qua bạn bè kể lại, vì mấy lần đến nhà chỉ thấy cụ bà ra pha trà và rót nước mời khách.

Gặp Thu Giang lần đầu, tôi không hề giấu diếm cảm xúc:

- Đúng là danh bất hư truyền! Thu Giang ơi, em quả là xinh đẹp thật. Nói theo ngôn ngữ miền Nam là “em thật xinh đẹp và dễ thương!”. Nói đoạn rồi cười và tiếp luôn: Nhưng thương không phải dễ - đúng không nào? Anh biết em hơi muộn đấy!

Thu Giang cười không thành tiếng và tôi bị chiếu tướng ngay lập tức.

- Nếu biết sớm thì sao nào? Thôi không vòng vo nữa...

- Hôm nay anh đến thắp hương cho cụ, mang ảnh và bài viết về cụ in trên Tuần báo Văn Nghệ - Hội nhà văn Việt Nam dâng lên bàn thờ cụ.

- Vậy hả? Em cũng đang chuẩn bị. Ngày mai là ngày giỗ của ông.

Đoạn Thu Giang đứng lên thắp hương để tôi khấn cụ. Sau đó tôi uống nước rồi cáo lui vì Thu Giang đang bận.

Một thời gian sau, tôi nghe tin Thu Giang đang làm mẫu cho bác Nghiêm vẽ. Không những làm mẫu mà trở thành bạn đời của bác Nghiêm đấy! Nếu đúng vậy thì đã sao? Người tình cuối cùng của Picasso kém ông những 39 tuổi vẫn hạnh phúc. Tống Khánh Linh quyết định đính hôn với Tôn Trung Sơn, người bạn tâm giao thân thiết của bố, những ngày đầu cũng gây sốc trong gia đình cô nhưng rồi cũng quen.

Nguyễn Tư Nghiêm - Thu Giang 

Những bóng hồng ấy họ đã thổi bùng sự nghiệp của đấng phu quân trở thành vĩ nhân thời đại, được cả thế giới biết đến. Vậy Thu Giang trở thành bạn  đời của bác Nghiêm cũng là chuyện thường tình... Và thế là bác Nghiêm cũng  chấm dứt cuộc đời cô đơn từ đây. Tôi tự nghĩ: Cái công thức Thu Giang hội họa cộng với Nguyễn Tư Nghiêm họa sĩ sẽ làm nên sự nghiệp, huống hồ Nguyễn Tư Nghiêm đã là danh họa rồi.

CÚ ĐIỆN THOẠI HƠN 20 NĂM SAU, NGÀY 7/5/2009

Tôi đang dắt xe chuẩn bị lên phố thì nhận được cú điện thoại của Thu Giang:

- Anh Đáng à? Thu Giang vừa in xong tuyển tập Hội họa Nguyễn Tư Nghiêm trong sưu tập Nguyễn Thu Giang. Em đang bận, anh vui lòng đến nhà chơi và nhận sách nhé!

- Tuyệt vời. Xin chúc mừng, nhưng theo anh tên công trình ấy phải là Tuyển tập Hội họa Nguyễn Tư Nghiêm - Thu Giang mới đúng chứ, của chồng công vợ mà. Anh sẽ đến nhận sách ngay, trước khi đi công việc.

Chợt tôi nghĩ đến một anh chàng si tình, chờ đợi người yêu đến. Chờ mãi chưa thấy nàng xuất hiện, anh ta đội mưa đi tìm và họ đã gặp nhau. Tóm được tình tiết ấy, tôi viết tặng anh chàng: “Trời mưa nước tràn đường phố/ Đội mưa qnh quyết đi tìm/ Ô kìa hình như em đến/ Quả nhiên em đến thật rồi/ Bốn mắt nhìn nhau không nói/ Nụ hôn gắn kết đôi môi/ Mắt sao tự nhiên bừng sáng/ Nụ cười tan biến vào thơ!...

Tình yêu đến chỉ một lần mà “Nụ cười đã tan biến vào thơ” thì tài thật. Huống chi Thu Giang đến với Nguyễn Tư Nghiêm cả cuộc đời, tất nhiên trái tim nhà danh họa phải bùng cháy và cháy mãi cho đến những ngày cuối của cuộc đời!

HỘI HỌA VIỆT NAM CÓ MỘT NGUYỄN TƯ NGHIÊM “ĐỘC BẢN’

Trước mắt tôi là một tuyển tập hội họa đồ sộ, biên tập và trình bày rất có nghề, đạt trình độ thẩm mĩ cao. Tuyển tập mang tên Hội họa Nguyễn Tư Nghiêm trong sưu tập Nguyễn Thu Giang  gồm 89 tác phẩm về đề tài Con giống, 24 tranh về đề tài Múa cổ, 7 tranh về Bốn mùa bằng chất liệu bột màu trên giấy và có 17 tranh chân dung người đẹp Thu Giang được vẽ bằng phấn mầu.

Thời Nguyễn Tư Nghiêm đang thăng hoa tột đỉnh thì cũng là thời điểm các họa sĩ Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, họ đã hoàn thành sự nghiệp và lần lượt ra đi.

Tranh Nguyễn Tư Nghiêm đúng là độc bản bởi lẽ không có ai suy nghĩ giống ông, không có ai vẽ như ông, không có ai bắt chước được ông; cũng như xem sân khấu chèo, tuồng, cải lương, khi xem xong chỉ có thể “phán” là “rất chèo”, “rất tuồng”, “rất cải lương”, nhưng rất, rất ở chỗ nào, tách bạch ra họa chăng chỉ có những bậc thầy sáng tạo ra nó hoặc những nhà nghiên cứu lý luận phê bình nghệ thuật uyên bác mới chỉ ra được chân giá trị của nó. Xem tranh Nguyễn Tư Nghiêm, những người bình thường cũng chỉ nói được “Rất Nguyễn Tư Nghiêm” mà thôi!

Nguyễn Tư Nghiêm cũng như các danh họa, các nhà văn, nhà văn hóa lớn của nhân loại, chỉ có những công trình của họ, những tác phẩm của họ là vĩnh cửu, là vô giá, là vô hạn nhưng con người họ cũng chỉ hữu hạn mà thôi.

Vào trung tuần tháng 6/2016, khi tôi đang chụp ảnh trên thác Bản Giốc – Cao Bằng thì nhận được tin buồn: Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, người cuối cùng của bộ tứ hội họa Việt Nam thế kỷ XX đã ra đi. Không được tiễn biệt ông lần cuối nhưng tôi cũng hình dung ra sự đau thương mất mát to lớn của gia đình, họ hàng nội ngoại, của giới văn học nghệ thuật Việt Nam.

Thay mặt giới mỹ thuật, họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khi ấy chia sẻ: “Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và họa sĩ Nguyễn Sáng là hai họa sĩ mà cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật, tư duy tạo hình rất đặc biệt, rất độc đáo, có thể nói là hàng đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam. Với Nguyễn Tư Nghiêm, ông là người có tư duy rất độc lập trong ngôn ngữ tạo hình, hệ thống đường nét, cấu trúc tác phẩm. Nó thể hiện quan điểm mà ông đã từng đưa ra là “khi đi đến tận cùng của văn hóa truyền thống thì chúng ta sẽ đến được hiện đại”. Đó là quan điểm của một người đi trước thời đại, nhìn trước được vấn đề. Quan điểm đó vẫn là một chân lý của nghệ thuật hiện đại hiện nay”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trưởng ban tổ chức tang lễ, ghi: “Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là một thế hệ vàng của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, là danh họa được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Các tác phẩm của ông là niềm tự hào của giới Mỹ thuật Việt Nam, là những báu vật của Văn hóa Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời là tổn thất to lớn không gì bù đắp nổi của gia đình, của Hội Mỹ thuật và của nền Mỹ thuật Việt Nam. Ông ra đi, tác phẩm của ông còn mãi với thế hệ mai sau. Tên tuổi của ông ghi dấu ấn quan trọng trong nền Mỹ thuật Việt Nam.

HOÀNG KIM ĐÁNG

Link nội dung: https://arttimes.vn/my-thuat/danh-hoa-nguyen-tu-nghiem-c15a5429.html