Nghe sonata, nhớ cây vĩ cầm một đời lặng lẽ…

“Âm nhạc của sự trong sáng và thành thực, nhất định sẽ có lúc chạm đến trái tim người nghe”, đó là tâm niệm của nhạc sĩ, nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ cũng như triết lý sâu sắc của ông về chân - thiện - mỹ trong âm nhạc.

Nguyễn Văn Quỳ đã trở thành một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt. Giới mộ điệu thường gọi ông là “Quỳ sonata”, là “Beethoven Việt”. Phải chăng vì thiên tài âm nhạc người Đức cả đời cũng chỉ có đến mươi bản sonata. Mà sinh thời, Nguyễn Văn Quỳ lại soạn tới chín bản, ông chỉ dành riêng cho piano và violin. Cả chín bản đều được đánh giá tích cực ở trong nước và quốc tế, được chuyển đến bảo tàng âm nhạc và được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới thể hiện.

Nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ

Âm nhạc của ông vừa giàu chất triết học, trữ tình vừa mang những hình tượng âm nhạc hoành tráng, nhưng cũng đầy nỗi lo âu về số phận của con người thời đại. Ở trong đó có nỗi buồn vương vấn, xót xa về thân phận con người, nhưng cũng không kém phần bay bổng, ánh lên tia hy vọng tươi sáng...

Trên hành trình soạn nhạc, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các bản sonata của Nguyễn Văn Quỳ luôn hội tụ ba yếu tố tình cảm, trong sáng và trí tuệ. Ông đề cao nhạc buồn bởi tâm niệm sâu sắc với câu nói của nhà soạn nhạc Schubert, rằng “Có thể có âm nhạc hay mà không thể buồn được chăng?”.

Trong cuốn sách viết bởi tác giả Nguyễn Trâm nhân dịp nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ được trao tặng Giải thưởng Văn hóa di sản Patrimoenia của Thụy Sĩ (2009) có dòng cảm nhận:

"Chính sự xuất hiện của nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ đã mang đến một thứ ánh sáng mới mẻ, ngọn đuốc soi đường tìm lại giá trị đích thực cho âm nhạc sáng tác, cho nhạc cụ tại Việt Nam"

Tới đây, khách mộ điệu lần đầu có dịp được thưởng thức di sản đặc biệt quý giá trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Văn Quỳ qua chuỗi hòa nhạc tổ chức từ 10/6 bởi Schubert in a Mug (SiaM) và Những người bạn di sản Việt Nam (FVH). “Pensant à Toi” – hòa nhạc lấp lánh vẻ đẹp của tình yêu chân thành đối với con người, xứ sở, da diết như chính bài thơ tâm đắc mà ông từng viết.

“Pensant à Toi” (Nhớ anh) – được lấy làm tiêu đề của chương trình, cũng là lời tri âm dành cho tâm hồn, âm nhạc và thơ ca của cố nhạc sĩ, nhà soạn nhạc đáng kính Nguyễn Văn Quỳ. Hòa nhạc có sự tham gia của các nghệ sĩ tài năng: NSƯT Đào Mai Anh (violin), Nguyễn Thiện Minh (violin), Hoàng Hồ Khánh Vân (violin), Liao Hsin-Chiao (piano), Hoàng Hồ Thu (piano).

Chuỗi hòa nhạc mang đến 7 trong số 9 bản sonata viết cho violin và piano của Nguyễn Văn Quỳ, một không gian âm nhạc đầy trữ tình, sâu lắng, nơi ông kết hợp lối viết nhạc cổ điển phương Tây và chất liệu truyền thống để tạo nên một ngôn ngữ sáng tác riêng, vừa chặt chẽ, vừa phóng khoáng, vừa mang tinh thần quốc tế mà vẫn gần gũi với tâm hồn dân tộc.

Chia sẻ về nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ, NSƯT Đào Mai Anh, hiện là trưởng Dàn nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam bày tỏ:

"Cụ là một con người có tâm hồn thật trong sáng và lạc quan, yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống dù cuộc đời có nhiều sóng gió! Giai điệu nhẹ nhàng, trữ tình, qua các tác phẩm của cụ viết tôi cảm nhận được tình yêu đất nước, yêu thiên nhiên và tình yêu con người. Bên cạnh đó cũng có những tâm trạng, những niềm vui, nỗi buồn, những tâm tư trong cuộc đời được thể hiện trong các tác phẩm, nhưng kết thúc luôn là sự lạc quan và tươi sáng”

Ngoài chuỗi hòa nhạc, chương trình cũng mang đến một trưng bày nhỏ cùng phần trò chuyện về nhạc và thơ của tác giả Nguyễn Văn Quỳ. Đây là dịp để người yêu nghệ thuật gặp gỡ sonata và thơ ca của ông, để gần hơn một tâm hồn, một tài năng và một nhân cách lớn.

Nhạc sĩ, nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ sinh năm 1925 ở Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Ông bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, theo học violin và piano. Ông tốt nghiệp hòa âm hệ cao đẳng hàm thụ tại Paris (Pháp), từng có nhiều năm giảng dạy âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Trường Đại học Thủ đô Hà Nội).

Nguyễn Văn Quỳ say mê học hỏi và tự nghiên cứu sáng tác khí nhạc, đặc biệt là thể loại sonata. Trong sự nghiệp của mình, ông đã hoàn thành 9 bản sonata cho violon và piano, được giới âm nhạc đánh giá tích cực ở hầu hết tác phẩm. Trong đó, bản Sonata số 4 và bản Sonata số 8 được trao giải Nhì (không có giải Nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1995 và 2005. Hai tác phẩm này cũng từng được biểu diễn tại Singapore, Pháp, Thụy Sĩ…Ngoài ra, ông còn được biết đến với các ca khúc ý nghĩa như: “Hà Nội giải phóng”, “Bác Hồ vầng dương của chúng ta”, “Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu”, “Dạ khúc”…

Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2017; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc… Năm 2009, ông được trao tặng Giải thưởng văn hóa di sản Patrimoenia của Thụy Sĩ.

Phạm Hằng

Link nội dung: https://arttimes.vn/am-nhac/hoa-nhac-tuong-nho-nha-soan-nhac-nguyen-van-quy-c16a5457.html