Tài hoa Việt: Công trình của sự tri ân

Món quà sách Tài hoa Việt từ một điểm nhìn (NXB Văn học, 2021) của PGS.TS Trần Thị Trâm – người chị mến thân cùng “chiếc nôi” Văn khoa Sư phạm mang đến cho tôi bao cảm xúc. Ngoài giảng dạy, dân Văn Sư phạm chúng tôi đam mê sáng tác, nghiên cứu. Sách tiểu luận - phê bình “khá kén” bạn đọc, nên chúng tôi thường sẻ chia với người “cùng hội cùng thuyền”. Chị em tôi trở thành “bạn đọc ruột” của nhau. Ngoài viết sách, hai chúng tôi là cộng tác viên cho trang văn hóa – văn nghệ của một số báo.

Trần Thị Trâm là tác giả của 9 cuốn sách nghiên cứu, giáo trình văn học: Văn học và báo chí, Hoàng Ngọc Phách – người đổi mới tiểu thuyết, Từ nguồn cội văn chương, Văn học dân gian Việt Nam trong xã hội hiện đại, Ẩn sau từng con chữ, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam, Giáo trình văn học Việt Nam. Và “Tài hoa Việt từ một điểm nhìn” là cuốn tiểu luận, phê bình thứ 9 ra mắt vào xuân Nhâm Dần. 

Sách dày 444 trang, khổ 14.5x20cm. Kết cấu cuốn sách chia làm 3 phần: Tài hoa văn học, Tài hoa âm nhạc và Tài hoa giáo dục. Chân dung 36 nhân vật được thể hiện trong góc độ học thuật và gần gũi đời thường. 

Ngoài bài viết về 8 tác giả âm nhạc, dung lượng cuốn sách nghiêng về tác giả văn học (360 trang, chiếm tỷ lệ 81%). Phần I và Phần III có 28 bài viết, gồm: 2 nhà thơ trung đại (Hồ Xuân Hương, Tú Xương); 7 tác giả văn học hiện đại trước Cách mạng tháng Tám (Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Hoàng Ngọc Phách, Trọng Lang, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Bính, Tố Hữu); 19 tác giả đương đại là nhà thơ, nhà văn (Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Trần Hòa Bình, Minh Chuyên, Trần Đăng Thao, Châu La Việt, Nguyễn Thị Mai, Lê Phương Liên, Phùng Văn Khai, Nguyễn Nhật Ánh) và nhà nghiên cứu (Lê Trí Viễn, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Văn Hoàn, Trần Đăng Suyền, Bích Thu, Tôn Phương Lan, Bùi Việt Thắng, Chu Văn Sơn). 

Mỗi tác giả, PGS.TS Trần Thị Trâm chọn cách tiếp cận cận từ nghiên cứu sự nghiệp, phong cách sáng tác; hoặc giới thiệu một tác phẩm cụ thể. Cách viết của chị vừa dựa trên học thuật, vừa dựa trên tác phẩm và điều quan trọng những khái niệm, trào lưu, phong cách đã được phân tích, đánh giá một cách sâu sắc, kỹ lưỡng và gửi gắm trong đó cả tình người chân thành, ấm áp.

Trong bài Hồ Xuân Hương – kỳ nữ, kỳ tài, tác giả nhận xét Xuân Hương là người đàn bà đa đoan lệch chuẩn, người đàn bà quá kích cỡ ấy thông minh, mẫn tiệp, yêu đời khát khao hạnh phúc mà suốt đời mệnh bạc... Nếu bậc kỳ nữ Xuân Hương làm “náo loạn thi đàn” thì ngược lại Xuân Quỳnh lặng lẽ, dịu dàng “tìm ra cho mình một dòng riêng từ nguồn chung” với đóng góp quan trọng là sự chân thực, hồn nhiên, dung dị. Với nhà thơ Nguyễn Bính, tác giả tiếp cận ở tư chất người thơ, chất quê luôn khát khao tìm hồn xưa đất nước. Nhà thơ tập trung tinh lực đi tìm chất thơ trong tâm hồn Việt, tiếp cận đối tượng từ điểm nhìn văn hoá… Với Nữ sĩ thời gió bụi (Nxb Phụ nữ 2021) của Lê Phương Liên, tác giả nhận thấy văn phong của nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi đã có sự bổ sung mới cho tiểu thuyết lịch sử về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Bên cạnh văn phong trong trẻo, giản dị vốn là thế mạnh của nhà văn thì nay còn toát lên cái đẹp của sự sang trọng. Đó là sự trang trọng được bồi đắp bằng trí tuệ của ngòi bút đã đạt độ chín.

Giới thiệu cuốn tiểu luận, phê bình Bến văn và những vòng sóng của nhà thơ Hữu Thỉnh, tác giả nhận xét bức chân dung kép của nhà thơ viết phê bình. Việc nhà thơ lấn sân sang phê bình là chuyện đương nhiên, vì “hầu hết nhà văn lớn đều có viết phê bình” (Nguyễn Hữu Sơn). Tác giả nhận thấy Hữu Thỉnh viết phê bình rất có nghề, sáng tạo, giàu cảm xúc với một giọng điệu riêng thấm đẫm ân tình. Nhà thơ Hữu Thỉnh không sa vào lý thuyết mà chuyển tải những khái niệm lý luận bằng “lối văn nghệ thuật mềm mại, giàu hình ảnh, ngắn gọn, giản dị, súc tích”;  luôn “ủng hộ cái mới, tôn trọng sự đa dạng và chấp nhận mọi cá tính, sự khác…”.  

Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả tiếp cận từ cuốn Chân dung và đối thoại (1998) - một hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử văn học nước nhà; tạo nên tiếng vang trên văn đàn; châm ngòi cho một một cuộc tranh luận sôi nổi… Phùng Văn Khai là cây bút văn xuôi đang độ chín, chuyên tâm với đề tài lịch sử với các bộ tiểu thuyết, truyện lịch sử. Tác giả nhận xét tập thơ Cố Nhân của Trần Đăng Thao giàu cảm xúc mà phần lớn là những chân cảm, chân ái ngỡ bồng bột mà vô cùng sâu sắc. Đọc Giai điệu mùa đông, tác giả nhận thấy ký của Châu La Việt được viết bằng trái tim nồng ấm và chan chứa nhân văn. Với nhà thơ Nguyễn Thị Mai, tác giả tìm thấy thơ Nguyễn Thị Mai giàu thiên tính nữ và ẩn trong cái đẹp bao la nỗi đời là bức chân dung kép về vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà làm thơ.

Là giảng viên đào tạo báo chí - tuyên truyền, Trần Thị Trâm quan tâm nghiên cứu các tác giả là nhà văn, nhà báo. Văn phong nghiên cứu của chị có sự kết hợp giữa văn chương và báo chí. Với Ngô Tất Tố, chị tiếp cận tác phẩm của nhà văn ở sự tích hợp giữa văn hoá truyền thống và hiện đại. Với Vũ Trọng Phụng, tác giả lý giải Bí quyết thành công của ông vua phóng sự đất Bắc là tài năng, sức làm việc phi thường, sự sắc sảo khi chọn hai thể văn chương và báo chí; phát huy hai thể loại tiểu thuyết và phóng sự; nghệ thuật xử lý thông tin tư liệu; nổi bật là nghệ thuật rút tít (Le titre) tài tình diệu nghệ... Văn vì thế mà rất nhanh rất hoạt và rất báo chí. Nguyễn Đình Lạp là người đã góp gió để làm nên phong trào phóng sự sôi nổi một đi không trở lại những năm 1932-1945... Trong bài Nhớ người lãng tử xứ Đoài, tác giả nhận định văn chương nghệ thuật là cơ sở, nền tảng giúp Trần Hòa Bình tỏa sáng tài năng “nhiều trong một” làm nên chân dung nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu. Với nhà báo Minh Chuyên, tác giả tìm thấy phong cách nghệ thuật độc đáo với thế mạnh là thể ký. 

Ở mỗi nhà nghiên cứu lý luận phê bình, chị đều tìm thấy từ khóa để làm nổi bật phong cách. Tài hoa văn học GS. NGND Lê Trí Viễn là vị đại sư biểu của nhiều thế hệ, người thầy uyên bác, tâm tuệ thuộc thế hệ Vàng của nền giáo dục cách mạng. PGS Nguyễn Văn Hoàn là vị sứ giả của văn hoá Italia, nhà Dante học và nhà Kiều học xuất sắc. GS Đặng Thanh Lê là một nhà khoa học bản lĩnh; chuyên gia đầu ngành về Truyện Kiều. Cuốn Tư tưởng và phong cách nhà văn – Những vấn đề lý luận và thực tiễn của GS Trần Đăng Suyền là một công trình có hàm lượng lý luận cao đã giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề lý luận rất căn bản nhằm phát hiện, nhận diện chính xác tư tưởng và phong cách nghệ thuật của nhà văn. Công trình đã nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019. 

Trong Văn học Việt Nam hiện đại – Sáng tạo và tiếp nhận (Nxb Văn học, 2015), tác giả nhận thấy PGS. TS Bích Thu đã có sự thay đổi về cấu trúc nội tại, những tri thức lý luận đã chín muồi, lặng lẽ hóa thân vào trong từng con chữ. Tác giả chỉ ra cái “tạng” của Bích Thu ở sự “chừng mực, cẩn thận, không cực đoan, thái quá. Phê bình rất có văn nhưng là thứ văn chương của khoa học phê bình…”. Với cuốn Âm vang từ chiến tranh, tác giả nhận ra Tôn Phương Lan nặng lòng với văn học chiến tranh và đối tượng được nghiên cứu một cách “toàn diện, kỹ lưỡng và khá sâu trên cả hai bình diện lý luận và thực tiễn sáng tác, khái quát và cụ thể…”. Nhận xét về cuốn Thi pháp truyện ngắn hiện đại (NXB Thanh Niên, 2021), tác giả nhận thấy Bùi Việt Thắng không có những bài chuyên về lý luận thể loại mà lý luận đã hòa tan trong từng con chữ. Tư duy mỹ học đã hình thành ở Chu Văn Sơn một phong cách nghệ thuật riêng để tạo nên “lối văn tài hoa, thiên bẩm... Nhờ linh giác của mình, anh có khả năng phát hiện những điều vi diệu, tìm thấy những cái đẹp mong manh chỉ xuất hiện trong độ nhòe mờ”.  

Đội ngũ phê bình văn học hiện đang có mặt ở ba khu vực chính: trường đại học và viện nghiên cứu; nhà văn, nhà thơ viết phê bình; nhà báo, biên tập viên văn học của các cơ quan báo chí, xuất bản. PGS.TS Trần Thị Trâm đã góp phần làm phong phú đội ngũ này với cách viết giàu hàm lượng khoa học, nhưng lại gần với nhiều đối tượng bạn đọc. Sự chân thành, dung dị, thân thiện với bạn hữu văn chương và đam mê hết mình cho trang viết chính là thế mạnh của chị... 

Trần Thị Trâm sinh ngày 02/6/1954 tại xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Con đường học hành, sự nghiệp của chị khá hanh thông, suôn sẻ. Tốt nghiệp khóa 23 Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị đầu quân cho Trường Quản lý Cán bộ Giáo dục (9/1977-9/1983). Sau 6 năm công tác, một cuộc “xê dịch” mới bắt đầu từ 10/1983 khi về Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Kể từ đó, Trần Thị Trâm gắn bó bền bỉ với môi trường cho đến khi nghỉ hưu. Năm 1996, chị bảo vệ luận án Tiến sĩ. Năm 2005, chị được phong hàm Phó Giáo sư… 

Lê Thị Bích Hồng

Link nội dung: https://arttimes.vn/phe-binh-ly-luan/tai-hoa-viet-cong-trinh-cua-su-tri-an-c48a5685.html