Học tập Bác giữ cho ta “bút sắc lòng trong”

Bác Hồ bắt đầu sự nghiệp cách mạng bằng nghề làm báo. Bác viết báo trong hành trình đi tìm đường cứu nước. Bác coi báo chí là công cụ sắc bén để “phò chính trừ tà”. Người làm nghề báo trước hết là để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ những “người cùng khổ” của nhân loại. Đó là phương pháp dùng báo chí làm công cụ tuyên truyền, giác ngộ, thức tỉnh Nhân dân vùng lên đánh đuổi thực dân, chống đế quốc xâm lược và lật đổ chế độ phong kiến thối nát, giành độc lập cho dân tộc, người cày có ruộng với khát vọng “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được được học hành”…

Bác là một nhà báo vĩ đại

Bác Hồ với các phóng viên báo đài (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, Người sáng lập Đảng, Nhà nước, Mặt trận, sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời là một nhà báo vĩ đại. Với tài thao lược, Bác sáng lập 9 tờ báo cách mạng. Trong một nửa thế kỉ, Bác viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện, kí. Người viết cho 50 tờ báo trong và ngoài nước, kí tên với khoảng 160 bút danh khác nhau.

Ở nước ngoài, Bác viết báo bằng các thứ tiếng Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Thái Lan. Một bài báo, một bài văn, một bài thơ của Bác đều trở thành lời kêu gọi, tuyên truyền về tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc, chỉ ra lí tưởng cách mạng, con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no,  hạnh phúc. Tư tưởng lớn của Bác coi “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Theo Bác, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng. làm báo không phải để “lưu danh thiên cổ”.

Nói về nhà báo Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng, là người thầy vĩ đại, là người sáng lập và dìu dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều gắn liền với công tác báo chí”. Quan điểm của Bác về chức năng, nhiệm vụ, tính chất báo chí cách mạng, về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức người làm báo, về nghệ thuật trong cách viết để làm nên một tác phẩm báo chí và xây dựng một tờ báo tiến bộ vẫn là phương châm hành động của mỗi nhà báo, mỗi Tổng biên tập đương thời.

Ngày nay, nhân loại đang đi trên con đường của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV (công nghệ 4.0) ảnh hưởng lớn của hội nhập quốc tế, trình độ dân trí nâng cao với quá trình công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, sự tác động đa chiều mọi mặt trí tuệ, đời sống, đòi hỏi báo chí phải vươn cao một cách vượt trội cả về trí thức, cả về trí tuệ, sáng tạo trong tác nghiệp, nâng cao bản lĩnh của người cầm bút với nghĩa vụ công dân, trách nhiệm xã hội cao cả.

Báo chí có vai trò, sứ mệnh là đội ngũ đi đầu, xung kích trong cuộc đấu tranh tư tưởng, cung cấp thông tin có định hướng nhanh, chính xác, không duy ý chí, thụ động, đại diện cho công bằng, lẽ phải bởi báo chí là “tai mắt của Nhân dân”. Người làm báo phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện quy ước về đạo đức nghề nghiệp, trau dồi và không ngừng nâng cao tư tưởng, văn hoá và năng lực, nghiệp vụ như Bác Hồ dạy: “Viết cho ai xem, viết để làm gì, viết thế nào cho phổ thông, đễ hiểu”.  

Bác Hồ là người khai sinh, đặt nền móng vững chắc cho báo chí cách mạng Việt Nam. Trải qua 97 năm hoạt động (1925-2022), phát triển, báo chí nước nhà xứng đáng là công cụ sắc bén của sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn chuẩn mực của Nhân dân, luôn định hướng dư luận, cổ vũ mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước hoà bình, xã hội phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc. 

Học tập Bác giữ cho mình “bút sắc lòng trong”, không tha hoá

Bác Hồ với các nhà báo (Ảnh tư liệu)

Thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW về “tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, báo chí có trách nhiệm làm cho “nhận thức ngày càng sâu hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bên cạnh năng lực nghiệp vụ, bản lĩnh, người làm báo cốt ở đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn phẩm chất “bút sắc lòng trong”. Bác Hồ dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Theo Bác, tài chính là tài năng, kiến thức hiểu hiết, kĩ năng, kĩ xảo, kinh nghiệm sống để người cầm bút có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất; đặc biệt trước những hoàn cảnh khó khăn, trước sự cám dỗ của vật chất tầm thường, phải vượt qua “cửa ải” của “viên kẹo bọc đường”. Bác cũng chỉ rõ, có tài mà làm những việc xấu, trái với đạo đức thì không những là kẻ vô dụng mà còn là kẻ có hại, tức là tha hoá về nhân cách.

Trong hàng chục nghìn người làm báo của khoảng xấp xỉ 1.000 cơ quan báo chí hiện nay, bên cạnh đội ngũ đông đảo các nhà báo giữ vững đạo đức, có bản lĩnh và nhân cách, năng nổ hoạt động thì cũng còn “một bộ phận không nhỏ” các nhà báo lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp “làm những việc xấu”, rất xấu, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí và đạo đức nghề nghiệp, ảnh hướng đến danh dự, uy tín của các cơ quan báo chí, giảm niềm tin của Nhân dân, làm hoen ố danh dự người làm báo. Có thể kể ra hàng loạt vụ các nhà báo tha hoá, biến chất, vi phạm pháp luật như viết sai sự thật, tống tiền, đòi hối lộ, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, quấy nhiễu doanh nghiệp, người dân,v.v…xảy ra nhiều lúc, nhiều nơi.

Xin nêu một số vụ gần đây: Phóng viên B bị bắt quả tang khi nhận 70.000 USD của một công ty có trụ sở tại Bắc Giang. Cũng tại Bắc Giang, công an bắt giữ 3 phóng viên thử việc đang tống tiền, đòi mỗi người phải được nhận 50 triệu đồng. Nhóm phóng viên một kênh truyền hình lén lút ghi hình một số điểm khai thác khoáng sản, san gạt mặt bằng trái phép của một doanh nghiệp ở Phú Thọ rồi liên lạc với công ty đe doạ, đòi đưa số tiền lớn thì sẽ không phát sóng. Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố hình sự, bắt tạm gian 2 phóng viên “phạm tội nhận hối lộ” 250 triệu đồng.

Tại Đắk Nông, trưởng đại diện và phóng viên một tạp chí nọ viết bài tiêu cực rồi yêu cầu chủ cây xăng đưa 150 triệu đồng sẽ được bỏ qua liền bị Công an hình sự bắt giữ. Tại Bắc Ninh, Phó trưởng phòng của một tạp chí tại Hà Nội cùng một đồng phạm phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt 1 tỉ đồng cùa một doanh nghiệp hút cát trái phép. Nhóm thanh niên hư hỏng và 2 phóng viên một tạp chí bày trò, dựng màn kịch đóng vai doanh nhân đến biếu quà hai vị Phó chủ tịch UBND thị xã nọ, sau đó cắt ghép, dựng clip tống tiền đòi một ông phải trao 20 tỉ đồng, một ông 5 tỉ đồng. Tại quận Tây Hồ, Hà Nội, hai phóng viên, cộng tác viên một tờ báo đóng vai phụ huynh xin chuyển trường cho con, trao tiền cho hiệu trưởng rồi ghi hình sau đó đe doạ, tống tiền đòi chuyển hai lần 180 triệu đã bị bắt giữ, v.v…

Những vụ việc nhà báo hoạt động không còn kỉ cương, vi phạm pháp luật như thế xúc phạm đội ngũ làm báo chân chính, luôn giữ gìn nhân cách “bút sắc lòng trong”. Họ đã tự tha hoá mình. Nguyên nhân có trách nhiệm bản thân không rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, song cũng có trách nhiệm quản lí, giáo dục của Tổng biên tập các cơ quan báo chí. Mặt khác còn do cách “khoán” làm kinh tế báo chí, phổ biến là ở các toà soạn không được Nhà nước hỗ trợ ngân sách, phóng viên không có lương phải bươn trải kiếm sống, phải nộp tiền cho cơ quan rồi sinh ra liều lĩnh, tiêu cực…

Kim Phú Hà

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/hoc-tap-bac-giu-cho-ta-but-sac-long-trong-c8a5812.html