Quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Kỳ 1)

Loạt bài Quần đảo Trường Sa của Việt Nam của Thiếu tướng Hoàng Kiền được đăng tải trên 6 số của Thời báo Văn học Nghệ thuật. Kỳ đầu tiên xuất bản trên số 27/2021 ra ngày 8/7/2021 và kỳ 6 đăng tải trên số 32/2021 ra ngày 12/8/2021. Loạt bài này đã vinh dự được nhận giải C giải báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021 diễn ra vào tối nay (21/6/2022) tại Hà Nội. Arttimes.vn trân trọng đăng tải lại loạt bài này để bài báo được đến với đông đảo bạn đọc.

Quần đảo Trường Sa nằm ở khu vực giữa Biển Đông, có khoảng 140 đảo, đá, bãi cạn nằm rải rác trên một khu vực rất rộng. Từ Tây sang Đông khoảng 350 hải lý (648 km, từ Bắc xuống Nam khoảng 330 hải lý (611 km), chiếm diện tích trên biển Đông khoảng 180.000 km2.

Quần đảo Trường Sa (Ảnh: Nhân dân)

Quần đảo Trường Sa - nơi án ngữ đường hàng hải quốc tế rất quan trọng, khoảng non một nửa hàng hoá giao thương thế giới qua đây. Biển Đông là biển lớn thứ 4 trên tổng số 40 biển của các đại dương, nó có vị trí quan trọng về quân sự với các nước trong khu vực và một số cường quốc. Khu vực này được đánh giá có rất nhiều tài nguyên quí hiếm như dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên, băng cháy, các loại khoáng sản, hải sản, có tiềm năng về du lịch...

Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã được xác lập từ các triều đại phong kiến trước đây mà gần nhất là nhà Nguyễn. Đây là những vị trí tiền tiêu, bảo vệ phía đông của Việt Nam, nó có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về chính trị, quân sự, kinh tế đối với Việt Nam.

Hiện nay đang có sự tranh chấp của năm nước gồm: Brunei, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và một bên là Đài Loan. Đài Loan và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo, nhưng khái niệm quần đảo Nam Sa trong nhận thức của họ là bao hàm toàn bộ các thực thể địa lý nằm bên trong phần phía nam của đường lưỡi bò chín khúc do Quốc dân đảng vẽ ra. Đối với Philippines, phạm vi tuyên bố chủ quyền của nước này bao trùm hầu hết quần đảo và được gọi là Nhóm đảo Kalayaan. Malaysia đòi hỏi một số thực thể ở phía nam của quần đảo.  Brunei chỉ đưa ra yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà trong vùng đó có vài thực thể thuộc Biển Đông.

Trên thực tế cho đến năm 1954, chưa nước ngoài nào có mặt trên quần đảo Trường Sa, mà hoàn toàn do Việt Nam quản lý.

Đài Loan năm 1954 sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Liên hiệp Pháp bàn giao việc quản lý quần đảo Trường Sa cho Việt Nam. Khi ấy Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền, chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7 năm 1956. Chính phủ "Quốc gia Việt Nam" do  Pháp lập ra năm 1948 và dựng Bảo Đại lên làm quốc trưởng để làm tay sai cho Pháp, do đó toàn bộ quần đảo Trường Sa ở phía Nam vĩ tuyến 17 từ đất liền kéo ra biển do chính quyền Quốc gia Việt Nam quản lý.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Trung Hoa dân quốc do Quốc dân đảng cầm quyền, với danh nghĩa quân đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật Bản bại trận. Theo hòa ước San Francisco buộc Nhật từ bỏ sự chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Quân đội của Tưởng Giới Thạch đã ra giải giáp quân Nhật, chiếm đóng đảo Ba Bình của Việt Nam.

Năm 1949, cánh mạng Trung Quốc do Đảng cộng sản lãnh đạo thắng lợi, Quốc dân đảng chạy khỏi lục địa Trung Hoa, năm 1950 Trung Hoa Dân Quốc đã rút khỏi đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm lật đổ Bảo Đại, lên nắm quyền tự xưng là tổng thống, đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam cộng hoà. Sau đó Ngô Đình Diệm điên cuồng tiến hành chiến dịch tố cộng, diệt cộng; lợi dụng lúc này Đài Loan tái chiếm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1956.

Philippines bắt đầu tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bằng sự kiện Tổng thống Quirino tuyên bố rằng: quần đảo Trường Sa phải thuộc về Philippines vì nó ở gần Philippines.

Năm 1969, Philippines đưa quân xâm chiếm đảo Thị Tứ, đảo Dừa (Bến Lạc), năm 1970 họ chiếm tiếp các đảo Song Tử Đông và Loại Ta mà không gặp sự chống đối nào cả, khi ấy quân nguỵ Sài Gòn không đóng giữ. Như vậy chính quyền Việt Nam Cộng hoà (Ngụy quyền) đã để mất 4 hòn đảo quan trọng vào tay Philippines.

Năm 1977-1978, họ đóng tiếp các bãi cát nhỏ gần các đảo đã chiếm đóng gồm Bình Nguyên (Pơ lát), Loại Ta Tây (Parata), Vĩnh Viễn. Năm 1979, Philippines công bố Sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký ngày 11 tháng 6 năm 1979 gộp toàn bộ quần đảo Trường Sa, trừ đảo Trường Sa, vào trong một đơn vị hành chính, gọi là Kalayaan, thuộc lãnh thổ Philippines.

Năm 1980, họ chiếm thêm 2 đá "đảo chìm" Công Đo (Ri-Zai) và An Nhơn đều gần các đảo họ đã chiếm đóng từ trước. Tổng số Philippines chiếm 7 đảo và  bãi cát bao gồm: Bến Lạc,  Bình Nguyên, Loại Ta, Song Tử Đông, Thị Tứ,  Vĩnh Viễn, Loại Ta Tây; 2 đá "đảo chìm" An Nhơn và Công Đo (Ri-Zai).

Giải phóng Trường Sa

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo sớm giải phóng quần đảo Trường Sa. Từ ngày 14 đến ngày 29 tháng 4 năm 1975, Quân chủng Hài quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quân chủng Hài quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đây là một chiến công đặc biệt xuất sắc, có ý nghĩa chiến lược. Chiến công đó khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt kịp thời của Thường trực Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Giải phóng Trường Sa (Ảnh tư liệu)

Chiến công đó cũng khẳng định ý thức tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, tinh thần khắc phục khó khăn, biết nắm thời cơ, triệt để tận dụng thời cơ, táo bạo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu; đặc biệt là ý thức rất cao về chủ quyền, về trách nhiệm quản lý, bảo vệ  chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của bộ đội Hải quân.

Sau khi giải phóng 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 4 năm 1975, tháng 9 năm 1975 Đảng ủy Quân chủng Hải quân ra nghị quyết xác định rõ: "...Bảo vệ vùng biển và hải đảo sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng là nhiệm vụ chính hàng đầu của Quân chủng... Kiên quyết giữ vững tuyến đảo, nhất là quần đảo Trường Sa". Bộ Tư lệnh Hải quân kiểm tra nắm tình hình, các đảo hoàn toàn đá cát san hô trơ trụi, quân nguỵ Sài Gòn thiết bị công trình rất sơ sài, mỗi đảo có 1 chòi quan sát bằng thép mạ, vài cái hầm vòm tôn, một số đoạn hào giao thông, một vài nhà ở dã chiến. Từ thực tế đó, chủ trương xây dựng ngay công trình chiến đấu trên 5 đảo nổi đã được đặt ra. Kế hoạch xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa được tiến hành từ năm 1976, mang mật danh Z76. Tháng 6 năm 1976 Bộ điều Trung đoàn Công binh 83 từ Quân khu 5 về trực thuộc Quân chủng Hải quân để thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch Z76.

Tháng 3 năm 1977, Thiếu tướng Giáp Văn Cương - Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam được điều về làm Tư lệnh Hải Quân. Bộ tư lệnh Hải quân đã báo cáo lên Bộ Quốc phòng, đến năm 1978, Hải quân Việt Nam đóng giữ hết cả 4 đảo nổi còn lại gồm: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang, nâng tổng số lên 9 đảo nổi.

Trong quá trình xây dựng theo kế hoạch Z76, đến năm 1978 điều chỉnh bổ sung thêm với 4 đảo mới đóng giữ thêm. Hệ thống công trình chiến đấu được xây dựng đồng bộ theo yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thả bia chủ quyền: Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương trực tiếp chỉ đạo, từ năm 1977 đến năm 1984, Trung đoàn Công binh 83 và Trung đoàn 146, cơ quan của Vùng 4, các tàu vận tải phối hợp thả 100 bia chủ quyền trên các đá, bãi cạn "đảo chìm" trên quần đảo Trường Sa.

Trung đoàn Công binh 83 đã khắc phục rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ  thuật nâng năng suất lao động lên rất nhiều. Trong 9 năm, với 17.565 tấn vật liệu được vận chuyển ra đảo, cùng với việc tận dụng đá cát san hô tại đảo, trung đoàn đã xây dựng hàng trăm công trình trên 9 đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 12 năm 1984, Trung đoàn được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất.

Cuối tháng 3 năm 1976, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chuyến công tác Trường Sa để thăm động viên bộ đội, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và xây dựng công trình. Đến "đảo chìm" Thuyền Chài vào buổi chiều, Tư lệnh cho tàu dừng thả neo nghỉ đêm. Gần nửa đêm trăng lên, thuỷ triều xuống, giữa biển khơi mênh mông nổi lên một hòn đảo lớn ai cũng ngỡ ngàng, chiều dài khoảng 30 ki lô mét, chiều ngang khoảng 3 ki lô mét. Sáng hôm sau Tư lệnh cử một đoàn 7 người do Thượng tá Nguyễn Ngọc Sâm phó phòng tác chiến chỉ huy vào kiểm tra tình trạng trên đảo. Đã phát hiện ra nước ngoài đặt trộm bia chủ quyền ở đây, thu ngay tang vật lên tàu, Tư lệnh xem xong rồi bảo khênh quẳng xuống biển. Khối đồng lục lăng có biểu tượng của nước ngoài đã vĩnh viễn chìm xuống đáy Biển Đông mang theo mưu đồ xâm chiếm "đảo chìm" Thuyền Chài của họ. Phó đô đốc Giáp Văn Cương nói: sẽ có tranh chấp đảo chìm xảy ra, các lực lượng cần chủ động nghiên cứu đề xuất biện pháp đối phó.

Trên đường về Đại uý Hoàng Kiền đã viết bài thơ:

Đảo thuyền chài

Mênh mông giữa đại dương xanh 

Biển ru gió hát mát vành trăng non

Bỗng dưng bừng tỉnh mắt tròn

Nước ròng sóng nhả ra hòn đảo to

Bình minh bới tới lội dò

San hô mừng vẫy ngao sò đón reo

Ngắm Nam, nhìn Bắc dõi theo

Dài mười lăm dặm, ngang nghèo khoảng hai

Khen "Em" tên đẹp Thuyền Chài

Ngày mai "Anh" đến pháo đài dựng xây

Chủ quyền biển đảo chung tay

Lá cờ Tổ quốc tung bay sáng ngời.

Đóng giữ "Đảo chìm" thuyền chài

Ngày 31/12/1986 Malaysia đưa quân chiếm đóng hai bãi cạn Kỳ Vân và Kiều Ngựa uy hiếp các đảo khác gần Thuyền Chài. Đầu năm 1987 Malaysia đẩy mạnh ngoại giao và liên tục đưa tàu chiến đến gần khu vực "đảo chìm" Thuyền Chài.

Ngày 14/2/1987, Trung Quốc đã đưa nhiều tàu dưới dạng tàu đánh cá đến khu vực quần đảo Trường Sa tiến hành các hoạt động trinh sát, thăm dò, đo đạc, khảo sát biển đảo, đặt các tấm bê tông "kỷ niêm" ở các bãi đá san hô ngập nước.

Trước tình hình ấy, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định đóng giữ bãi cạn Thuyền Chài, các biện pháp được nghiên cứu triển khai. Nhà cao chân C3 được chuẩn bị , kết cấu: cột bê tông cốt thép, tận dụng cột điện gỗ thông cũ ở Cam Ranh của Mỹ cắt ra làm dầm ngang và cột chống xiên, các dầm dọc bằng gỗ xẻ 6x12 cm, các thanh giằng bằng gỗ xẻ 6x8 cm, sàn lát ghi nhôm lỗ, vách ngăn bằng gỗ tấm, mái vòm lợp tôn.

Sáng mùng 7 tết Nguyên Đán, tức ngày 4 tháng 2 năm 1987  đoàn công tác ra chốt giữ Thuyền Chài xuất phát từ quân cảng Cam Ranh. Đại tá Lê Văn Thư - Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Vùng 4 chỉ huy, có các cán bộ cơ quan Vùng 4 cùng đi. Lữ đoàn 146 có Đại tá Cao Ánh Đăng - Lữ đoàn trưởng, một số cán bộ cơ quan Lữ đoàn, phân đội của Tiểu đoàn Công binh gồm 20 người và phân đội  giữ đảo gồm 15 người, bộ khung nhà C3 được cẩu xếp lên tàu, tàu nhổ neo rời quân cảng Cam Ranh hướng ra Trường Sa. Hành trình trên biển vào tháng 2 gió mùa đông bắc còn khá mạnh, hành quân 2 ngày đêm trên biển mới đến Thuyền Chài. Sau khi nghiên cứu, xác định vị trí, ngày 7 tháng 2 năm 1987 bắt đầu thi công. Đồng chí Đào Chí Tiến - Đại đội trưởng công binh chỉ huy đơn vị đã tích cực chủ động, khắc phục khó khăn, lắp dựng nhà cao chân C3 tại điểm A "đảo chìm" Thuyền Chài, đến ngày 19 tháng 2 năm 1987 hoàn thành. Khoảng 10 ngày sau, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương ra kiểm tra, chỉ đạo bổ sung cho hoàn chỉnh. Đây là công trình đầu tiên được xây dựng trên "đảo chìm" ở Trường Sa.

Nhà C3 hoàn thành, phân đội của Lữ đoàn 146 quân số 15 người có 1 sĩ quan làm Đảo trưởng chỉ huy tiếp nhận chốt giữ Thuyền Chài, điểm đầu tiên "đảo chìm" ngập sâu khoảng 2 mét khi thuỷ triều lên cao trên quần đảo Trường Sa được triển khai.

Sau nhà C3, Tư lệnh Hải quân quyết định cho kéo một pông tông ra Thuyền Chài. Hai bộ phận công binh và giữ đảo đã phối hợp đẩy pông tông vào thềm san hô gần nhà C3 neo đậu an toàn.

Tiếp tục nghiên cứu thực địa, Tư lệnh Hải quân quyết định xây dựng một nhà lâu bền còn gọi là nhà C1 bên cạnh nhà C3, Kỹ sư Đỗ Văn Thông được Tư lệnh Giáp Văn Cương trực tiếp giao nhiệm vụ thiết kế để xây dựng nhà C1. Giữa tháng 4 năm 1987 chuyến tàu Nhật Lệ - 200 tấn của Vùng 4 đầu tiên chở lực lượng và vật liệu trang bị thi công khởi hành từ Cam Ranh ra Thuyền Chài. Ban chỉ đạo xây dựng công trình gồm:

Đại tá Phạm Công Phán - Phó tham mưu trưởng Vùng 4 - Trưởng ban.

Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Phó ban.

Trung uý kỹ sư Hoàng Anh Dũng - Trợ lý Ban Công binh Vùng 4 phụ trách kỹ thuật.

Ban chỉ đạo ở trên pông tông để chỉ đạo việc tập kết vật liệu, tổ chức thi công.

Thượng uý Tạ Đăng Vần - Đại đội trưởng Đại đội 3 Công binh, Thượng uý Phạm Văn Nam - Phó đại đội trưởng, Đồng chí Ba - Chính trị viên đại đội, tổ chức cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Khối lượng vật liệu xây dựng nhà C1 tới gần 3 nghìn tấn, các tàu vận tải của Vùng 4 chỉ có tàu Nhật Lệ 200 tấn, Lữ đoàn 125 chỉ có tàu Đại Khánh 400 tấn, đều cũ, vận chuyển ra đảo không kịp. Bộ Tư lệnh Hải quân đã đề nghị với Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Khánh giúp đỡ. Con tầu Phú Khánh với tải trọng 1000 tấn đã tham gia chở vật liệu xây dựng công trình nhà C1 - Thuyền Chài. Bộ đội tiểu đoàn 1 công binh theo tàu ra đảo chuyển tải vật liệu vào đảo. Tàu thả neo cách vị trí xây dựng khoảng nửa cây số, thả xuồng cẩu vật liệu xuống xuồng, một  tổ 6 chiến sĩ công binh ngồi trên xuồng theo dây rải trên mặt biển kéo xuồng, đưa gần 3 nghìn tấn vật liệu vào chân công trình.

Ngày 15 tháng 5 năm 1987 bắt đầu thi công, bộ đội lao động suốt ngày đêm. Trong tình hình rất khẩn trương, không có điều kiện khảo sát thăm dò địa chất để thiết kế, chưa kịp chuẩn bị các thiết bị cơ giới, thi công hoàn toàn làm thủ công.

Tiểu đoàn Công binh Vùng 4 tập trung lực lượng cả trong bờ và ngoài đảo thi công, sau ba tháng rưỡi, đến ngày 28 tháng 7 năm 1987 hoàn thành, một "pháo đài" sừng sững mọc lên trên "đảo chìm" Thuyền Chài. Đây là công trình lâu bền - Nhà C1 đầu tiên được xây dựng trên "đảo chìm" Trường Sa.

Phương án chốt giữ "đảo chìm" Thuyền Chài có 1 nhà C3, 1 pông tông, 1 nhà C1 đã hoàn chỉnh, từ đây là cơ sở mở rộng ra đóng giữ các "đào chìm" tiếp theo với mô hình: 1 nhà C3, 1 tàu LCU hoặc pông tông, 1 nhà C1 được xác định.

Diễn biến ở Trường Sa trước sự kiện Gạc Ma (kỳ 2)

(Đọc tiếp kỳ 2)

Thiếu tướng Hoàng Kiền

Link nội dung: https://arttimes.vn/tin-tuc/quan-dao-truong-sa-cua-viet-nam-ky-1-c2a5853.html