Báo chí hành tinh – đôi chuyện giật mình

Một trong những vụ án chấn động mạnh mẽ nhân loại thế kỷ XX là vụ Rosenberg. Hai vợ chồng kỹ sư Hoa Kỳ Ethel (sinh năm 1915) và Julius Rosenberg (sinh năm 1918) bị FBI bắt ngày 17/7/1950 và bị xử tử trên ghế điện ngày 19/6/1953, với tội danh “bán bí mật bom nguyên tử (của Mỹ) cho Liên Xô và phản bội Tổ quốc”.

Hàng vạn người ở nhiều nước ký tên vào vô số kiến nghị đòi nhà cầm quyền Mỹ thả hai con người vô tội. Hàng ngàn người ở Hoa Kỳ và khắp hành tinh, trong đó có các nguyên thủ quốc gia, như Giáo hoàng Pie XII và Nữ hoàng Anh Elizabeth II trẻ tuổi, và những lương tâm lừng lẫy toàn cầu, như nhà văn Jean-Paul Sartre hay ngôi sao điện ảnh Brigitte Bardot, yêu cầu giảm án hay ân xá cho họ nhưng không được. Sự lì lợm hiếm thấy đó thách thức lương tri và lẽ phải.

Nhà báo Mỹ Sam Roberts, sinh năm 1947, người phanh phui tận cùng vụ Rosenberg

Không hiếm nhân vật khắp hành tinh, nhất là các nhà báo, nghi ngờ tính công minh của bản án động trời này. Cuộc truy tìm thực chất của vụ án chưa từng có bắt đầu ngay từ ngày ấy. Song mãi đến năm 2003, sự thật mới được phanh phui. Công đầu thuộc về hai nhà báo, Sam Roberts người Mỹ, Gérard Jaeger người Pháp.

Hai người thành công là nhờ quyết tâm, dũng cảm, kiên trì, đặc biệt là nghệ thuật điều tra bậc thầy. Hoàn toàn độc lập với nhau, hai nhà báo đào sâu được vào hai mặt của một vấn đề. Sau khi lục lọi, tìm tòi, nghiên cứu, loại suy vô số “tư liệu in ấn” và “tư liệu sống”, Sam Roberts đi đến một kết luận không ngờ. Chính David Greenglass, em trai của bà Ethel Rosenberg, do bị đe dọa và bức cung, đồng thời để cứu vợ và giảm án cho mình, đã khai nhận anh rể và chị ruột mình phạm tội nói trên.

Chuyện “bán” bí mật vũ khí nguyên tử cho Liên Xô là có thật. Song người “bán” là các nhà khoa học kỹ thuật sừng sỏ làm việc trong thâm cung của trung tâm chế tạo bom nguyên tử Los Alamos của Hoa kỳ.

Bằng con đường có phần khác biệt, nhà báo Pháp Gérard Jaeger khám phá được một chuyện tày đình khác mà nhà cầm quyền Mỹ đương thời cố tình che giấu, ấy là việc vợ chồng Rosenberg, đảng viên cộng sản, dám gửi cho Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và chính phủ Liên Xô qua đại diện của Liên Xô ở Hoa Kỳ những thông điệp ủng hộ Liên Xô mà không những ông bà mà cả đông đảo nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới bấy giờ coi là đối trọng của phát xít Đức và của quân phiệt Hoa Kỳ.

Đem việc ông bà Rosenberg bày tỏ ý kiến chính đáng, đặc biệt là niềm tin vào chiến thắng của lương tâm và đạo lý ra xử là vi phạm pháp luật, vì hiến pháp Hoa Kỳ thừa nhận tự do ngôn luận. Vì vậy, nhà cầm quyền Mỹ cố tình tạo ra một cái cớ để xử tội nguyện vọng hòa bình và công lý không chỉ của nhân dân họ, vốn là rào cản cho âm mưu xâm lược và bá chủ thế giới của họ.

Đi sâu hơn, hai nhà báo vạch trần tim đen thật sự của chính quyền Mỹ thời ấy. Đảng Cộng sản Hoa Kỳ bấy giờ không nhiều đảng viên, nhưng ảnh hưởng của Đảng là cực mạnh, đến nỗi các đảng tư sản e sợ Đảng sẽ chiếm được quyền lãnh đạo đất nước.

Cách mạng Trung Quốc thắng lợi cuối năm 1949 với sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cùng lúc đó, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ được cho là do sức mạnh quân sự của nước đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa.

Trước thời gian ấy ít lâu, David Greenglass, em trai Ethel Rosenberg, nhân viên kỹ thuật của Trung tâm nguyên tử Las Alamos bị bắt vì tội ăn cắp vặt. Vợ y, Ruth Greenglass, cũng bị lật tẩy làm gián điệp cho ngoại bang. Biết y là em rể Julius Rosenberg, các nhà chức trách lên kế hoạch dựng một vụ án giả để dằn mặt những người cộng sản vốn đang bị vô hiệu hóa trong chiến dịch bài xích cộng sản trên toàn nước Mỹ do thượng nghị sỹ McCarthy chủ trò.

Vợ chồng Rosenberg là những đảng viên cộng sản tích cực đấu tranh cho quyền lợi của người lao động. Họ lọt vào tầm ngắm và tội sẽ bị quy là trao cho Liên Xô bí mật làm bom nguyên tử, hình phạt được ấn định trước là tử hình. Hai người lần lượt bị bắt. Một cuộc họp kín gồm 28 người, thượng và hạ nghị sỹ, thành viên Ủy ban nguyên tử quốc gia, đại diện pháp luật bàn cách giăng bẫy.

Thế là David Greenglass bị dẫn dụ dần, bất chấp vợ chồng Rosenberg  trước sau không nhận tội và dù không có chứng cứ cụ thể, Tòa án New York vẫn tuyên xử tử đối với họ. David Greenglass được bớt 5 năm tù giam. Vợ y được tha bổng.

Biểu tình ở Pháp đòi thả vợ chồng Rosenberg

Nghịch lý tới mức rùng rợn

Điển hình cho nghịch lý nghề báo là cái chết bi thảm của nhà báo Mỹ Daniel Pearl, tháng giêng năm 2002, cái chết đến nay vẫn khiến dư luận bàng hoàng.

Là một nhà báo trung thực và tận tâm, đại diện cho tờ The Wall Street journal (Báo phố Wall) ở Đông Nam Á, Daniel Pearl bao giờ cũng tìm cách nắm vững “hồn cốt” của các luồng tư tưởng rồi mới đưa thông tin liên quan đến bạn đọc. Anh không tán thành cuộc chiến tranh chống khủng bố do nhà cầm quyền Mỹ tiến hành.

Trung tâm của chủ nghĩa khủng bố là Afghanistan và Pakistan. Để khỏi áy náy là “nhà báo nói bừa” và tăng thêm tính thuyết phục cho các bài viết của bản thân, anh sang Pakistan và tìm cách liên hệ phỏng vấn bằng được một nhân vật khét tiếng của tổ chức khủng bố ở đây, nhằm hiểu rõ “tâm tư  nguyện vọng” của những người “tử vì đạo” mới này.

Anh đạt được một lời hẹn gặp của nhân vật ấy, Ahmed Omar Kheikh. Thực ra, anh rơi vào một cú lừa đáng ghê tởm. Người ta hẹn anh vào một buổi tối. Anh đến nơi hẹn gặp, người đón anh cho xe con chạy lòng vòng rất lâu ở ngoại vi một thành phố, rồi tới một khu đồng vắng lặng.

Anh được đưa vào một căn phòng trống trơn, thay vì gặp người phỏng vấn, anh liền bị bắt làm con tin, buộc phải đọc lời lên án chính quyền Mỹ. Những hình ảnh anh bị trói và phải giơ “bản án kết tội nhà cầm quyền Hoa Kỳ” cũng như anh luôn bị một tên tội phạm chĩa súng trên đầu được nhóm khủng bố thả lên liên mạng toàn cầu.

Qua internet, chúng yêu cầu chính phủ Mỹ thả hết các tù nhân Taliban ở nhà tù Guantanamo để đổi lại mạng sống cho Daniel Pearl. Chính phủ Mỹ không chấp nhận đòi hỏi đó mà ngỏ ý dùng tiền chuộc nhà báo của mình. Song việc thương lượng chưa bắt đầu, chúng đã hành quyết ngay Daniel Pearl, 38 tuổi, một cách còn man rợ hơn thời trung cổ. Chúng cắt cổ anh rồi chặt thây anh làm nhiều mảnh.

Cảnh “trả thù” được ghi hình để “tặng” cho nhà cầm quyền Hoa Kỳ và tung lên mạng cho “toàn dân” được biết. Không thèm trao đổi để hiểu được thiện ý vì công lý của nhà báo chỉ cầm bút khi đã nắm chắc sự thật, nhóm khủng bố Omar Sheikh bỏ lỡ cơ hội hợp tác với Daniel Pearl để bóc trần sự phi lý và vô vọng của cuộc chiến chống khủng bố do nhà cầm quyền Mỹ phát động, mà lại giết anh như một lời cảnh cáo nhà nước này và nhà nước Do Thái? (Daniel Pearl là người Do Thái và công dân Hoa Kỳ).

Daniel Pearl vốn đường hoàng và lịch lãm. Các bài viết của anh do tính chân thực cao và bình luận sắc sảo, được khen ngợi và đánh giá hết tầm. Chúng thường được độc giả đón đợi. Vị trí đáng nể mà anh vươn tới không chỉ trong làng báo Mỹ có lẽ khiến anh chủ quan. Phải chăng anh chưa nghiên cứu đủ về chủ nghĩa khủng bố? Anh quên mất rằng trước và sau vụ 11/9/2001 (Al Qaeda tấn công Tòa tháp đôi, một biểu tượng của Hoa Kỳ), đã xảy ra ở nhiều quốc gia, hàng loạt vụ tấn công liều chết, qua đó những kẻ cuồng tín cực đoan không run tay trước bất kỳ tội ác nào.

Những vụ giết người dã man hơn thời Trung cổ do họ gây nên, chẳng lẽ anh không hề hay biết? Quá tự tin và mất cảnh giác, anh để lại bao hệ lụy, tiếc thương cho gia đình và đồng nghiệp, bao suy tư và ám ảnh cho bạn đọc và người dân toàn cầu. Hành động tàn bạo của những kẻ khủng bố cuồng tín ở Pakistan không đạt được bất cứ mục tiêu nào mà chúng kỳ vọng.

Nó in đậm mãi mãi vào ký ức các thế hệ hôm nay và mai sau như một vết ô nhục nhức nhối xúc phạm danh hiệu con người và cảnh báo nhân loại về nguy cơ tha hóa của con người sau bao thế kỷ phấn đấu vươn lên khỏi thế giới loài vật. Nó một lần nữa cho thấy bạo lực không giải quyết được những vấn đề cốt lõi. Và thật đáng buồn, nó là một lời cảnh tỉnh thường trực cho bất cứ người nào muốn hiến thân cho nghề báo, một sứ mệnh thiêng liêng nhưng bí ẩn.

Daniel Pearl bị bắt

Trung thực và liêm khiết với chính mình

Nếu năm 2001 – 2002, Hãng truyền hình CNN sừng sỏ lao đao khi người xem giảm sút vì một số phóng viên thực địa đưa tin kém chuẩn xác, thì số phận của tập đoàn báo viết Le Monde (Thế giới) là bài học đắt giá cho nghiệp báo vậy.

Le Monde được sáng lập năm 1944 bởi nhà báo Pháp kiệt xuất Hubert Beuve-Méry (1902 – 1989). Xuất thân nhà nghèo, Hubert Beuve-Méry do học giỏi và có tư cách mà được tài trợ học hành đến nơi đến chốn và thành đạt trên đường đời. Ông yêu thích báo chí và thời trẻ cộng tác với nhiều tòa soạn. Có điều, cộng tác ở đâu cũng một thời gian thôi. Ông tâm niệm như người dân thường rằng nhà báo chỉ nên nói lên chuyện có thực và với mục đích xây dựng. Báo chí thời ấy lại chỉ chăm chăm bịa chuyện kiếm tiền.

Về sau, chính giới Pháp, tiêu biểu là tướng Charles de Gaulles, có nhu cầu được cập nhật chính xác những diễn biến của chính trường bên ngoài, để hoạch định đúng đắn các đối sách. Theo gợi ý của một số nhân vật và bạn hữu, Hubert Beuve-Méry sáng lập tờ Le Monde - tập trung phản ánh mau lẹ nhất thời sự chính trị xã hội của nước Pháp và của thế giới bên ngoài.

Với chính kiến vững vàng rằng báo chí phải khách quan tuyệt đối và liêm chính tột cùng. Quan điểm sáng suốt ấy nhận được sự ủng hộ và hợp tác vô điều kiện của những nhà báo tâm huyết và nhận chân được bản chất báo chí. Trên cơ sở vững chắc ấy, Hubert Beuve-Méry chèo lái đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau của mình qua bao gian nan, khiến nó trở thành cơ quan ngôn luận chủ chốt của xã hội Pháp suốt từ bấy đến nay.

Nó đóng vai trò vô song, có tính quyết định, và không thể thay thế trong việc nắm bắt, cảm nhận và xử lý những vấn đề nóng bỏng liên tiếp xảy ra trong một xã hội biến chuyển không ngừng. Với cái nhìn có văn hóa và lương thiện một cách trí tuệ đối với thế giới chúng ta, Le Monde chinh phục công chúng ngày càng rộng rãi, với lượng phát hành không ngừng tăng tiến, thậm chí hơn cả các báo lá cải, đến nỗi nó là nhà “tư vấn hàng ngày” đáng tin cậy nhất của hàng triệu người trên khắp trái đất.

Bí quyết thành công của nó nằm ở chỗ: nói đúng sự thực và kiến giải sự thực ấy khoa học và kịp thời. Kiến giải nói đây là của riêng nhà báo, được dẫn dắt bởi niềm tin vào sự phát triển lành mạnh của xã hội, nghĩa là xã hội phải vận hành theo những nguyện vọng cơ bản chính đáng của nhân dân.

Tính khoa học vừa nêu, quả thật vô cùng nhạy cảm và khó đạt được, nếu không nói là dễ dẫn tới hiểm họa. Dấu hiệu của hiểm họa đối với Le Monde đã xuất hiện từ đầu những năm 1990, khi Edwy Plenel dần dần nắm được một trong những chức vụ quan trọng nhất là tổng biên tập. Vào làm cho Le Monde từ 1980, Plenel giờ đây lợi dụng uy tín của nó để thu lợi bất chính cho mình.

Ông ta móc ngoặc với một số quan chức, với cảnh sát, để thôn tính hay lừa các báo đàn em, để khuynh đảo dư luận. Ví dụ đổi trắng thay đen trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia, chẳng hạn cuộc bầu Tổng thống Pháp năm 1995. Ban lãnh đạo mới của Le Monde, nổi nhất ngoài xã hội là Edwy Plenel, không sao che đậy được dã tâm, khi thì ở sự thiên vị trong không ít bài điều tra, khi thì qua ý đồ làm hại, nhất là đối với các chính trị gia không chịu lót tay họ, khi thì từ sự hợm hĩnh lố bịch…

Những trò gian xảo đó gây bức xúc trong đa phần độc giả, và bị các đồng nghiệp lật tẩy, chủ yếu trong cuốn Bộ mặt được giấu kín của Le Monde của hai nhà báo Pierre Péan và Philippe Cohen, ra mắt đầu năm 2003. Hai ông này điều tra độc lập với nhau, rồi tình cờ gặp mặt, và kết hợp công sức mỗi người thành bộ sách hơn 600 trang, mà ngày phát hành đầu tiên đã tiêu thụ được 60.000 bản, kỷ lục chấn động.

Cuộc phản công của lãnh đạo Le Monde vào bộ best-seller này cứ đuối dần. Bạn đọc đã chiến thắng. Ngày 1/9/2005, Plenel đã phải vĩnh viễn rời khỏi Le Monde. Lãnh đạo mới của Le Monde từng bước lấy lại được hình ảnh mỹ lệ nhất của nó trong báo chí toàn cầu.

Tờ báo “không lá cải” này từng phát hành 1,8 triệu bản thời dân số Pháp mới là 40 triệu người, giờ vẫn giữ được mức 2,5 triệu bản, giảm không đáng kể, trong khi các báo in khác nhường bước khá nhiều cho báo mạng. Hầu như mỗi thời đòi hỏi một diện mạo báo chí riêng, ấy là bí ẩn mà không phải tài năng thậm chí thiên tài báo chí nào cũng giải mã được. Song báo giấy, báo nghiêm chỉnh, vẫn là đòi hỏi cơ bản của xã hội về thông tin hàng ngày.

Hubert Beuve – Méry (1902 – 1989), người sáng lập Le Monde

Nghịch tử vạn người mê

Hẳn tò mò, thóc mách là cố tật của con người? Một trong những tiêu chí của  người ứng xử có văn hóa là không soi mói vào đời tư người khác. Thế nhưng, suốt một thế kỷ nay, chuyện “ngồi lê mách lẻo” đã góp phần tạo nên sự phát triển vũ bão của báo chí hành tinh.

Hai người khởi xướng mảng báo “lá cải” ấy là Louella Parsons (1881-1966) và Hedda Hopper (1885 - 1966), hai “nữ hoàng” ở Hollywood. Cần lưu ý rằng, ông trùm báo chí Mỹ bấy giờ William Randolph (1863- 1951) đã rất thức thời, ngửi thấy ngay “hơi vàng” từ cái mỏ vô tận mà hai người đàn bà bất đắc chí tìm ra.

Bài báo đầu tiên của Louella Parsons được đăng, William Randolph thuê ngay bà làm phóng viên với mức lương quá sức tưởng tượng thời ấy: 200 USD/tuần. Đề tài chủ yếu của hai nữ nhà báo là những eo xèo trong đời tư các diễn viên Hollywood.

Suốt bốn năm ròng, hai bà điều hành một đế chế “chuyện rỉ tai xì xầm” của không dưới 3,5 triệu độc giả đọc hai bà hàng ngày. Thời ấy, không ít diễn viên cần đến hai bà để thành danh và thành ngôi sao. Đế chế kỳ lạ đó bành trướng không ngừng sang các nền báo chí khác, từ văn hóa sang chính trị.

Sau buổi đầu đưa tin chính xác và nghiêm chỉnh, loại báo đó chuyển sang đồn thổi, cốt “châm” tính tò mò của phần đông người đọc. Thời thế thay đổi, vài thập niên trở lại đây, nhiều ngôi sao không chấp nhận sự xâm phạm đời riêng. Không ít vụ kiện, các nghệ sỹ đã thắng báo lá cải.

Chẳng hạn diễn viên Tom Cruise (Hoa Kỳ), và ca sỹ Robbie William (Anh) bị bịa là đồng tính luyến ái, đã nhờ luật pháp can thiệp, thắng những kẻ kiếm lợi bằng bất kỳ giá nào. Một bác “phó nháy” chụp trộm ảnh mát của nữ diễn viên Mỹ Camelion Diaz còn phải ngồi tù khi cô khởi kiện.

Tuy nhiên, cần ghi nhận sự “tàn phá ngấm ngầm” kinh khủng của loại báo đang được đề cập. Vợ chồng Heather và Paul Mccartney (một trong tứ quái The Beatles còn sống) đã phải ly dị, một phần vì không chịu nổi sự nhòm ngó quá “nhiệt tình” của báo chí Vương quốc Anh vào mọi sinh hoạt của hai người. Những vụ tương tự thực ra chỉ là phần nổi chưa thấm vào đâu so với phần chìm không đo đếm nổi của tảng băng trôi “lá cải”.

Có lẽ vụ nghe trộm điện thoại cá nhân chấn động dư luận toàn cầu là tiêu biểu. Việc nghe trộm diễn ra từ bao giờ, hiện chưa xác định được. Riêng ở Anh, từ đầu thế kỷ XXI, ít nhất 800 người, gồm chính khách, doanh nhân, văn nghệ sỹ, và cả dân thường, đã bị nghe trộm.

Năm 2007, một nhà báo và một thám tử tư đã phải vào tù vì tội này. Song quy mô ghê gớm của nó chỉ phát lộ từ tháng bảy năm 2011. Tờ News of the World của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch bị phát hiện dính vào vụ “ăn bẩn”. Nhiều lãnh đạo và nhân viên của tờ báo, nhiều người liên quan thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật đua nhau từ chức.

Tờ báo bị Rupert Murdoch đóng cửa ngay, sau 168 năm tồn tại. Cuộc điều tra được mở rộng. Nghịch lý là ở chỗ: một vài nhà quản lý hay phóng viên đã bị bắt, song ông trùm, nhân vật hùng mạnh xếp thứ 14 thế giới năm 2012 vẫn chưa hề hấn gì. Ông luôn khẳng định ông và các phụ tá cao cấp không hay biết vụ khuất tất của cấp dưới. Ông đã xin lỗi gia đình một cô gái bị giết vì thông tin của cô bị người của ông “chôm chỉa”, nhưng không tạ lỗi hàng triệu độc giả và khán giả của hệ thống truyền thông phủ khắp hành tinh của mình.

Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch. Ảnh: AP.

Cuối tháng 4/2012, ông bóng gió rằng hai nhân vật trong ban điều hành News of the World là chủ mưu. Một trong hai người ấy đã công khai bác bỏ lời ông và tố cáo cha con ông. Gậy ông đập lưng ông, một tờ lá cải của Murdoch đã đưa tin vịt: ông đã chết tức tưởi.

Ngày 1/5/2012, Ủy ban văn hóa, truyền thông và thể thao của Quốc hội Anh ra thông báo Rupert Murdoch không có khả năng lãnh đạo một đế chế truyền thông đa quốc gia như vậy. Vụ án còn nhùng nhằng và những chuyện dở khóc dở cười cứ thế tiếp tục.

Bất chấp những lãng phí và tổn thương khổng lồ do nó gây ra, báo lá cải vẫn “sống khỏe”, vì nó ve vuốt bản năng con người, an ủi sự lười biếng và bao biện cho cái xấu trong họ. Thế là, đứa con nghịch tử khi vào thế giới internet mênh mông, đã “kết hôn” với đĩ điếm đủ kiểu, sinh ra tin giả đủ loài, ô nhiễm ngày càng trầm trọng đời sống chính trị, văn hóa và tinh thần của xã hội.

Những quái thai đó tồn tại bao lâu ? - Chúng sẽ lụi tàn dần theo sự “tăng trưởng” của dân trí, của chất nhân văn, của tính hợp lẽ của quyền lực…  

Chân Nhân

Link nội dung: https://arttimes.vn/the-gioi/bao-chi-hanh-tinh-doi-chuyen-giat-minh-c14a5881.html