Từ chối

Người ta có thể nại đủ mọi lý do để từ chối nhiệm vụ, trách nhiệm, những điều không mang lại lợi ích thiết thực mà chỉ gây mệt mỏi, phiền hà. Ví dụ: từ chối sự điều động của tổ chức đến nhận công tác ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, khó khăn, vất vả; từ chối giải quyết công việc cho người khác thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, từ chối lao động nghĩa vụ... Đó là những sự từ chối xuất phát từ lòng ích kỷ, bất cứ kẻ tầm thường nào cũng có thể mắc. Nhưng có một sự từ chối khác thật đáng trân trọng, ca ngợi, không phải ai cũng dễ dàng làm được, hoặc nếu có cũng phải qua một quá trình đấu tranh tư tưởng để phát huy bản lĩnh, nghị lực. Đó là từ chối địa vị, danh vọng, những lời mời thú vị, hấp dẫn, đem lại cả danh và lợi. Tóm lại là từ chối.

Bên cạnh những kẻ bằng mọi cách chạy chọt, thậm chí dùng tiền để mua chức quyền mà Đảng và Quốc hội ta đã nghiêm khắc lên án, vẫn có những người sẵn sàng từ chối bằng việc xin rút lui khỏi danh sách đề cử trong những kỳ bầu bán các chức vụ.

Những người tự thấy tuổi đã cao, sức đã yếu, khả năng bất cập với yêu cầu của công việc mà từ chối đã là quý, lại còn có người không như vậy, mà còn dồi dào phong độ và năng lực vẫn từ chối, chỉ vì họ tự thấy nếu ngồi vào “ghế” sẽ không phát huy được hết tác dụng so với làm chuyên môn thuần túy.

Có người chưa hẳn đã nhiều tuổi, rất quen công việc quản lý nhưng tự thấy đã tại vị khá lâu, cần nhường lại vị trí, trách nhiệm cho người khác để “đổi mới”, tránh sự nhàm chán, cũ. Đó quả là những tấm gương đáng trân trọng. Họ thực sự là những nhân cách đáng nể, giàu lòng tự trọng, lại luôn biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân.

Ảnh minh họa

Đó là nói trên bình diện xã hội nói chung. Còn trong văn nghệ, chuyện từ chối cũng có điều đáng bàn. Có một sự thật khá phổ biến, không biết nên được coi là hay hay dở: Nhiều người quá nhiệt huyết với lao động sáng tạo, quá say mê phục vụ công chúng đến mức cứ sáng tác được áng văn, thơ nào là sốt sắng gửi đăng báo.

Gửi rồi mà chưa được đăng thì liên tục điện thoại, gặp trực tiếp để giục giã, có khi nhờ cả thế lực bên trên “ép” xuống, gây áp lực cho tòa soạn. Viết được nhiều nhiều một chút là bỏ tiền ra để in cả tập, rồi tự phát hành khắp nơi. Không ít người thay vì cố gắng rèn luyện, nâng cao chất lượng bài vở, đã chỉ lo săn đón, “quan hệ” với các báo để “lọt” được cửa biên tập.

Có diễn viên luôn “xin” vai diễn khiến đạo diễn khó xử, nể, lúc đầu có ý mời người khác nhưng trước nhiệt tình quá lớn của cộng sự mà cũng tặc lưỡi “ok”. Không đến mức như thế mà phổ biến hơn là vui vẻ nhận lời trước bất cứ lời mời nào, không bận tâm đến kịch bản có hay, vai có hợp hay không, nên đã dẫn đến tình trạng “tuần chay nào cũng có nước mắt”, một lúc tham gia đóng nhiều phim, tần suất đóng phim quá nhiều, làm sao không nhàm chán, khán giả không ngán ngẩm?

Đã mấy ai có được sự từ chối trong lĩnh vực đang bàn? Có người làm thơ, viết truyện đang ở một cương vị nào đó, cứ những ngày lễ, Tết hoặc kỷ niệm trọng đại, nhiều tờ báo ra những số đặc biệt lại đến “xin” bài vở. Giá mà người được mời biết từ chối thì cái diện tích dành cho bài vở dông dài kia sẽ được đăng tải một nội dung khác hữu ích hơn và cũng khiến cho bản báo đỡ khó xử hơn.

Từng có những nhà quản lý có chút ít nghề nghiệp đạo diễn. Vậy là thay vì mời các đạo diễn tài năng, tên tuổi, các đoàn nghệ thuật đã rất “thông minh” để mời nhà quản lý đó dựng vở cho mình. Sẽ thuận lợi đủ đường: Tiết mục chắc chắn không bị đổ hoặc bị sửa khi duyệt, cầm chắc có kinh phí rủng rỉnh để dựng. Chỉ khổ công chúng phải xem một tác phẩm sân khấu tầm thường và tác giả kịch bản phải trao đứa con tinh thần vào tay một “bà đỡ” vụng về, kém trình độ chuyên môn.

Giá mà nhà quản lý có máu mê nghệ sĩ kia biết từ chối, vẫn hết lòng nâng đỡ đoàn nghệ thuật dưới sự quản lý của mình, nhưng để cho họ được thoải mái lựa chọn đạo diễn? Và ngay cả đạo diễn thực sự giỏi, đã có thương hiệu, biết tiết chế, từ chối những kịch bản non yếu thì đã không có tình trạng từng xảy ra: Trong một kỳ hội diễn, liên hoan, đã dàn dựng tới dăm, bảy vở. Dẫu có tài năng lớn đến đâu, dựng vở ôm đồm trong cùng một thời gian như vậy thì không thể đảm bảo chất lượng.

Sự từ chối của đạo diễn, của diễn viên trước lời mời của đối tác còn khiến người mời phải suy nghĩ về chất lượng kịch bản hoặc cung cách làm việc của mình. Có thể do người được mời bận rộn, không có thời gian, cũng có thể do chất lượng kịch bản yếu kém hoặc bất cứ lý do nào đó khiến họ không hứng thú nhận lời. Và như vậy, buộc phía mời phải nâng cao, cải tiến.

Tuy không nhiều nhưng đã có những tấm gương rất đáng quý về sự từ chối. NSND Đào Mộng Long - một cây cổ thụ lớn, một tài năng kiệt xuất trong lĩnh vực sân khấu - là một trường hợp đáng để nhiều thế hệ diễn viên coi là tấm gương về nhiều phương diện trong đó có vấn đề đang bàn. Là diễn viên sân khấu tài năng với lối diễn hết sức chân thực, dung dị, sinh động, dẫu chỉ vào một vai phụ nhưng cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem, ông được nhiều đạo diễn điện ảnh mời đóng phim.

Thuở ấy - thời Đào Mộng Long đang sáng chói trên sân khấu - chưa có phim truyền hình mà chỉ có phim nhựa, được mời đóng phim loại này là may mắn, niềm mơ ước của bất cứ diễn viên điện ảnh cũng như sân khấu nào. Sau khi đọc kịch bản, ông đều có lời từ chối khéo, khi thì bận nhiều việc, khi thì sức khỏe không tốt, lúc tạng người không hợp với nhân vật. Nhưng thực chất là sau khi đọc kịch bản, ông thấy yếu kém, không thể nhận lời.

Trường hợp đạo diễn phim Đông Dương mời, lúc đầu nhận, nhưng khi bắt tay vào công việc, ông đề nghị sửa lại một vài chi tiết cho phù hợp với tính cách người Việt Nam, không được đạo diễn đồng ý, ông đã từ chối, mặc dù biết rõ “cát xê” rất cao, vì đạo diễn là người nước ngoài (nếu vào địa vị người khác, khả năng nhiều hơn sẽ là răm rắp chiều theo ý đạo diễn để mọi việc “thông đồng bén giọt”).

Biết những chi tiết trên, người ta sẽ không ngạc nhiên vì sao một diễn viên xuất sắc như ông mà trong đời chỉ duy nhất một lần xuất hiện trên màn ảnh (vai địa chủ Bạ Kinh trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm của đạo diễn Hải Ninh), trong khi rất nhiều diễn viên “thường thường bậc trung”, không thể so được với ông lại đóng phim quá nhiều trên màn ảnh nhỏ.

Nhạc sĩ Trần Chung cũng là một trường hợp đáng nể. Lúc ông còn sống, người viết bài này đã mục sở thị hai lần ông từ chối những lời mời khá hấp dẫn (trả thù lao hậu hĩnh hơn mức thông thường). Thấy ông có nhiều bài hát hay viết về các ngành, nghề, một nhà máy nọ đến nhờ ông sáng tác “nhà máy ca”. Cách đây mấy chục năm, vàng khi ấy mới có mấy trăm nghìn một chỉ, mà họ đã hứa sẽ trả ông 5 triệu đồng. Nhưng thấy công việc của nhà máy kia quá khô khan, khó có thể cho ra bài hát hay, ông đã tìm cách từ chối.

Lại nữa: Một đạo diễn phim truyền hình thích nhiều bài hát của ông, đã mời làm nhạc cho phim anh ta sắp triển khai. Ông nói rất thật: “Tôi chỉ viết ca khúc, không có khả năng làm nhạc không lời cũng như phối khí nên không thể đảm đương” và ông đã giới thiệu một vài nhạc sĩ khác, vừa làm nhạc không lời giỏi, vừa viết ca khúc cũng hay. Quả là hiếm có người như ông. Trong trường hợp trên, ông hoàn toàn có thể vẫn nhận lời, rồi cộng tác với một nhạc sĩ khác làm phần nhạc không lời. Vả lại nhạc cho phim truyền hình đâu có cần nhiều công phu của người nhạc sĩ – như tình hình lâu nay vẫn xảy ra!

Mỹ Bình là một ca sĩ không hát nhiều trên làn sóng cũng như trên các sân khấu. Cả cuộc đời, bà chuyên tâm cho việc giảng dạy thanh nhạc ở nhạc viện. Nhưng công chúng đã ưa thích giọng hát của bà qua hai bài hát thật ấn tượng: Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Cá lội đồng xanh (Vũ Thanh). Người ta còn quý trọng hơn khi biết Thanh Lam – “nữ hoàng” nhạc nhẹ của Việt Nam từ lúc nổi tiếng đã được nhiều báo chí, các đài truyền hình giới thiệu, làm chương trình.

Họ truy tìm người có công giảng dạy, đào tạo cô thành tài. Người đó chính là Mỹ Bình (khi Thanh Lam có ý chuyển từ học đàn tỳ bà sang thanh nhạc, không giảng viên nào ở nhạc viện muốn dạy vì không tin ở sự phát triển của cô, chỉ có Mỹ Bình là sẵn sàng). Đương nhiên là họ đã phỏng vấn người giảng viên có uy tín này. Nhưng bà một mực từ chối. Chi tiết này chỉ khiến bà trở nên đáng quý trọng hơn trong con mắt đồng nghiệp và người hâm mộ.

Đây đó, cũng còn những trường hợp người công chức từ chối những lời mời, người có vai trò từ chối xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Nhưng nhìn chung không nhiều bằng ngược lại, tức là háo hức nhận lời, có khi còn chạy chọt lộ liễu hoặc tế nhị hơn là gợi ý như đã nói. Biết từ chối chính là một cách giữ giá trị của mình, đồng thời thể hiện thái độ tôn trọng công việc, tôn trọng cộng đồng. Mong sao ở mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, người ta biết đến từ chối như một thói quen, một tập quán.

Tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam: Tranh chấp chưa có hồi kết

Nguyễn Đình San

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/tu-choi-c8a6552.html