Nhóm kịch lửa trại và cô gái Mường Phủ Na

Năm 17 tuổi, học xong trung học tại Hà Nội, Quang (Đạo diễn Đình Quang) trở về Thanh sống với gia đình ở thị xã. Có một lần được đọc “Gió trăng ngàn” - một tập truyện đầy thi vị về những miền sơn cước của nhà thơ Thế Lữ - tâm hồn thư sinh đầy lãng mạn của anh bị cuốn hút, và bởi thế một hôm, anh đã trốn nhà đi theo "Gió trăng ngàn"…

Bắt đầu là ngày hội Phủ Na của châu Như Xuân đầy hấp dẫn. Lần ấy, đang đứng xem "lên đồng", Quang như thấy chếch phía sau, một ai đó đang đăm đăm nhìn mình. Quay lại, thì một cô gái Mường rất xinh, như một nụ hoa hé nở. Mắt gặp mắt, cô bỗng ngượng ngùng cúi xuống.

Cái tuổi mới lớn lên của Quang như bao chàng trai khác thật lạ, chỉ mới thế mà đã… xốn xang rồi. Thế là từ phút ấy, anh cứ vừa xem "đồng", vừa chốc chốc quay lại liếc nhìn. Phát hiện sự chú ý này, cô gái e lệ lẫn vào đám đông, và rồi sau đó Quang có ý đi tìm mà không hiểu sao không thể tìm thấy.

Chiều, Quang về nghỉ ở nhà một người bà con ở gần. Chẳng hiểu sao mà lòng bỗng ngẩn ngơ, như vừa bị lạc đi một vật gì rất quý. Mấy ngày liền cứ chiều đến là anh lại ra ngắm nhìn ngôi sao hôm chập chờn trên đỉnh núi, lòng thấy nhớ nhớ. Em - người con gái Mường của lễ hội Phủ Na - em đang ở nơi nào?

Nỗi nhớ ấy xui anh nảy ra ý định rủ một vài anh em cùng trạc tuổi lập ra một nhóm kịch lửa trại để đi vào các bản chơi, với lòng thầm mong sẽ được gặp lại cô gái Phủ Na. Nhưng rồi nhóm kịch đã qua tới hàng chục bản, đã diễn kịch đến khản cả cổ, cũng từng được nhiều làng bản và bà con đón chào, mà sao vẫn chẳng thấy người con gái ấy. Hay em không phải là một cô gái thường của bản, mà thuộc dòng Lang đạo, con cháu Tri châu?

Lửa trai (Ảnh minh họa)

Suy nghĩ này làm các anh lên thẳng Tri châu. Thấy họ là một lũ thanh niên có học của miền xuôi mến cảnh núi rừng, quan châu tiếp đãi rất niềm nở. Nhưng ngồi chưa nóng chỗ, Quang lẻn vội ra giếng - nơi anh nghĩ là nơi các cô gái thường tụ hội.

Khi đang múc nước thì anh bỗng giật mình, thấy lung linh trong gầu ánh lên một gương mặt thân thuộc. Vội nhìn lên thì đúng là… em. Mừng quá, anh liền hỏi em có nhận ra tôi không, và khi thấy em gật đầu, anh liền hăm hở kể lại nỗi vất vả của mình đã hàng tháng nay qua các bản Mường tìm dấu vết của em.

Anh thì hăm hở nói cười làm vậy, nhưng không hiểu sao em lại chỉ lặng lẽ nhìn với ánh mắt buồn rười rượi, rồi chẳng nói chẳng rằng chạy biến đi. Quang vội theo thì thấy em rẽ vào căn nhà phụ của Quan Châu. Lòng anh nhói lên vì chợt hiểu: Em là một cô gái bản theo tục lệ của Mường đang phải lên hầu hạ nhà quan…

Đêm ấy các anh tổ chức kịch lửa trại, được bà con hưởng ứng rất ghê, đứng xem vòng trong vòng ngoài, nó cười ríu rít. Có cả quan châu và cả mẹ quan châu ngồi dự. Nhưng trong ánh đuốc bập bùng, Quang chỉ chăm chăm nhìn về phía cô gái Phủ Na ấy để diễn.

Kỳ lạ làm sao, trong khi mọi người cười rộ lên, thì riêng em cứ lặng lẽ như một pho tượng. Mà em càng lặng lẽ bao nhiêu thì Quang lại càng gắng sức diễn cho thật hề, thật hài hước, nhưng xem ra gắng sức bao nhiêu cũng thật bằng thừa…

Đêm ấy, anh không sao ngủ được, lòng buồn vô kể. Muốn gặp được một nụ cười từ em - mà không hiểu sao lại không thể có. Cứ thao thức như vậy cho đến tiếng gà gáy đầu tiên, Quang vội chạy ra giếng, với hy vọng sẽ được gặp cô gái ấy đi gánh nước sớm mai. Quả như rằng, em đang ở đây thật. Khác hẳn hôm qua, khi thấy anh , mắt cô gái bỗng long lanh hẳn lên, như ẩn giấu cả một nụ cười trong đó. Anh mới hỏi em rằng:

"Thế vì sao đêm qua xem diễn kịch mà em không cười?".

Thì em trả lời:

"Vì quan châu không cười"

"Vì sao cả dân bản cười mà quan châu lại không cười?"

"Vì mẹ quan châu không cười"

"Em có biết vì sao mẹ quan châu không cười không"

"Quý trọng các anh quan châu mới mời mẹ ra dự đấy thôi. Nhưng… mắt mẹ quan châu bị mù, và tai cũng không nghe được tiếng Kinh, nên người chẳng hiểu gì để cười cả. Bởi mẹ không cười nên quan châu không dám cười, mà quan châu không cười, thì em là người hầu, cũng không dám cười".

Nghe em trả lời, lòng Quang bỗng nhói lên thương cảm… Thì cũng là lúc có tiếng gọi em. Em vội múc cho Quang một gầu nước, định chạy đi, nhưng anh đã kịp giữ lấy tay. Muốn nói một câu gì đó với em mà cổ cứ nghẹn lại. Còn em thì không gỡ tay ra, nhưng van nài: "Anh thương em thì bỏ cho em đi, kẻo vợ quan châu đánh chết!".

Mắt Quang nhoà đi, và thấy chiếc nhà sàn dễ sợ của quan châu vừa nuốt vào bóng hình em như một cái nhà tù. Càng thương xót em, lòng trai trẻ của anh bỗng nhói lên...

Ngay trưa ấy, Quang giã từ em, giã từ các châu "Như Xuân" chẳng như "Gió trăng ngàn". Trong tâm hồn anh luôn nhức nhối thấm thía về kỷ niệm "Rung động đầu đời" này. Đó cũng là một trong những lý do, để từ một thư sinh lãng mạn, khi cách mạng bùng nổ, Quang sớm theo cách mạng, lên đường…

Triệu Phong

Link nội dung: https://arttimes.vn/van-tho/nhom-kich-lua-trai-va-co-gai-muong-phu-na-c55a6869.html