Chấn chỉnh nghệ sĩ "lệch chuẩn": Cấm sóng là hình phạt cần thiết

Thời gian gần đây, dư luận vô cùng bàng hoàng và sửng sốt trước quá nhiều thông tin về sự “lệch chuẩn” của giới văn nghệ sĩ, hàng loạt các vụ việc đã xảy ra phơi bày những góc tối phía sau ánh hào quang showbiz. Vậy nên, không phải ánh hào quang nào cũng đẹp, cũng tốt, hào quang showbiz đã không ít lần gieo rắc thị phi cho dư luận.

Người nghệ sĩ là người của công chúng, họ tài năng, họ sống cho nghệ thuật và làm nên nghệ thuật, họ tạo ra các giá trị lớn về tinh thần, vậy nên họ luôn luôn được công chúng chú ý, quan sát và học hỏi. Ảnh hưởng của nghệ sĩ là vô cùng rộng rãi, sự nổi tiếng, được nhiều người biết đến đó là một đặc ân mà hiếm ngành nghề nào có được. Hẳn nghệ sĩ nào cũng biết những điều này và ý thức được trách nhiệm xã hội của mình, tuy nhiên một số lại không thể thực hiện được, hoặc sơ hở bước chân chệch ra khỏi vùng chuẩn mực.

Gần đây, công chúng đã phải chứng kiến quá nhiều những biểu hiện, hành động “lệch chuẩn” của nghệ sĩ, những câu chuyện sai lệch cứ thế gây xôn xao, hoang mang, thậm chí là phẫn nộ trong dư luận. Một số nghệ sĩ có thái độ ứng xử thiếu văn hóa với khán giả, với các nghệ sĩ tiền bối, rồi tới việc phát ngôn lệch lạc, thách thức trên mạng xã hội, một số thì có những ồn ào đời tư gây chấn động, hoặc một số lại vướng vào những nghi án vi phạm pháp luật,…

1 số nghệ sĩ "lệch chuẩn" đã phải lên tiếng xin lỗi hoặc xóa bài đăng không phù hợp của mình

Tất cả những hành động “lệch chuẩn” đó đã làm phai nhạt đi hình ảnh người nghệ sĩ tài năng, nhân cách tốt đẹp, luôn đem đến những giá trị tích cực trong lòng công chúng. Cái tôi hay cá tính nghệ sĩ là rất cần thiết nhưng phải dung hòa được nó với những chuẩn mực của xã hội, còn nếu đã “lệch chuẩn” thì phải có phê phán, phải có góp ý để chấn chỉnh và đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp.

Ngoài việc đưa ra thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hay việc vào cuộc điều tra, lên án, trong một số vụ việc gần đây, một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền còn sử dụng biện pháp dừng phát sóng các chương trình có nghệ sĩ vi phạm và nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng cũng đã gỡ bỏ hoặc ẩn các hình ảnh truyền thông của các nghệ sĩ “lệch chuẩn”.

Động thái này cho thấy việc những sai phạm của nghệ sĩ có tác động rất lớn đến truyền thông, để làm rõ hơn những tác động này PV Arttimes.vn đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia quản trị và truyền thông văn hóa - Thạc sỹ Nguyễn Đình Thành.

Thạc sỹ Nguyễn Đình Thành là chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông thương hiệu, truyền thông các vấn đề xã hội, truyền thông văn hóa, văn hóa doanh nghiệp.

Khi thần tượng “lệch chuẩn”

PV: Theo anh, việc một số nghệ sĩ có những hành vi “lệch chuẩn” ảnh hưởng như thế nào đối với công chúng, đặc biệt là với giới trẻ?

Nghệ sỹ thành công thường trở thành những người có ảnh hưởng lớn (KOL - Key Opinion Leader) trong xã hội, đặc biệt là với người hâm mộ của họ. Các ảnh hưởng có thể kéo dài trong thời gian và không gian, trong nhiều lĩnh vực, từ nhận thức tới thái độ, hành động, quan điểm sống của người hâm mộ.

Với những người hâm mộ trẻ tuổi, họ có một đặc điểm là kinh nghiệm sống chưa nhiều nên sẽ là những người dễ bị ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ảnh hưởng sâu nặng có thể kéo dài trong thời gian gây những tác động đến hành vi, lời ăn tiếng nói cũng như quan điểm sống.

Vậy nên, nếu tiếp cận phải những ảnh hưởng xấu từ nghệ sĩ thì sau này rất có thể những người hâm mộ trẻ tuổi sẽ thực hiện lại những điều xấu đó có thể bằng những suy nghĩ hoặc hành vi lệch lạc.

Nên cấm sóng vì...

PV: Theo anh, có nên sử dụng những biện pháp mạnh như cấm sóng những nghệ sĩ vi phạm các vấn đề nghiêm trọng như đạo đức hay luật pháp?

Theo tôi, việc cấm sóng những nghệ sĩ vi phạm các vấn đề nghiêm trọng là một hành động cần thiết, nên được thực hiện một cách kiên quyết. Việc cấm sóng này mang đến những hiệu quả như sau:

Một là, bày tỏ thái độ của các cơ quan quản lý và dư luận về một (những) hành vi “lệch chuẩn”.

Hai là, dịp để nghệ sĩ tự nhìn nhận sai lầm của mình và có bước điều chỉnh.

Ba là, ngăn chặn việc ảnh hưởng xấu lan tới những người dễ bị thương tổn về mặt tâm lý.

Chuyên gia Nguyễn Đình Thành ủng hộ việc cấm sóng nghệ sĩ vi phạm

PV: Việc cấm sóng những nghệ sĩ vi phạm thì cả ekip phải chịu chung số phận nhưng việc vẫn phát sóng các tác phẩm của một nghệ sĩ “lệch chuẩn” còn gây ra những hậu quả lớn hơn, anh nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi đồng cảm và chia sẻ với những tổn hại về tinh thần, thiệt hại về vật chất của những người làm nghề, không may gặp phải tình huống này. Đây là một dạng tai nạn nghề nghiệp. Không ai mong muốn tai nạn. Điều thường thấy là sau tai nạn, không chỉ nạn nhân mà những người có liên quan đều bị thiệt thòi.

Nhưng không nên tiếp tục công chiếu, phát tán những hình ảnh, những bộ phim, những chương trình của nghệ sĩ đang có những sai phạm nghiêm trọng lên các phương tiện truyền thông vì điều này sẽ gây ra những hậu quả không hề nhỏ, trước mắt là đối với người tiếp nhận.

Im lặng có phải là vàng?

PV: Theo anh, việc nghệ sĩ im lặng trước truyền thông khi xảy ra vấn đề của mình là nên hay không?

Trong truyền thông có nguyên tắc là nếu điều bạn nói ra không hay hơn điều bạn không nói ra thì: Không nói ra.

Im lặng cũng là và đã là một trong những lựa chọn của nhiều nghệ sỹ khi họ gặp vấn đề nào đó đang gây xôn xao trong dư luận. Trong nhiều trường hợp, không phát ngôn lại là một chiến thuật phù hợp để xử lý sự cố hoặc xử lý khủng hoảng truyền thông. Nếu nói ra và có thể xử lý được vấn đề thì hãy nói ra, chứ đừng để “nói nhiều, nói dai, thành nói dại”. 

Có khi việc phát ngôn về một tin đồn vô căn cứ có thể làm cho tin đồn ấy đáng tin hơn, ngay cả khi tin đồn đó sai thì vẫn có người tin nó là thật. Nhưng nếu sự việc sai phạm ở mức rõ ràng thì một lời nhận lỗi, xin lỗi, một thái độ cầu tiến sẽ làm công chúng dịu lại.

Tuy nhiên, sự lựa chọn nên im lặng hay không là thuộc về từng cá nhân, từng thời điểm, từng câu chuyện.

Kết quả bù đắp được tất cả

PV: Scandal luôn là con dao hai lưỡi, có người sẽ được khán giả biết đến nhiều hơn nhưng cũng có người bị tẩy chay mà tiêu tan sự nghiệp, vậy cánh cửa nào dành cho những nghệ sĩ sau scandal?

Không có cách nào khác ngoài việc tiếp tục hoạt động nghệ thuật một cách chân chính, bằng một thái độ tích cực, miệt mài và tận tâm. Các tác phẩm có giá trị nghệ thuật thuật sự của những người nghệ sĩ từng “lệch chuẩn” vẫn sẽ được tiếp nhận, công chúng vẫn sẽ tha thứ cho họ. Như truyền thống của dân tộc Việt Nam ta bao đời nay vẫn là “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”.

Nếu nghệ sĩ thể hiện sự hối lỗi, biết thay đổi và trở lại lao động nghệ thuật một cách miệt mài và cố gắng thì tôi tin là các cánh cửa sẽ mở ra chào đón họ. Một cánh cửa đóng vào đồng nghĩa với nhiều cánh cửa khác mở ra, hãy tin tưởng như vậy.

Xin cảm ơn Chuyên gia truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành và những chia sẻ của anh!

Huyền Thương

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/chan-chinh-nghe-si-lech-chuan-cam-song-la-hinh-phat-can-thiet-c8a7039.html