Ông Abe đã thay đổi Nhật Bản như thế nào?

Không có nhiều nhà lãnh đạo để lại di sản với những ảnh hưởng sâu rộng như cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Sau vụ ám sát hôm 8.7, ông có lẽ được nhớ đến nhiều nhất với Abenomics, một chiến lược kích thích kinh tế gây tranh cãi mà nhiều chuyên gia cho rằng đã giúp hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản, theo tạp chí TIME.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong vụ ám sát giữa ban ngày đã tạo ra cơn "địa chấn" trên thế giới. Nhiều quốc gia đã tổ chức quốc tang, chia buồn với mất mát to lớn của Nhật Bản. Điều gì đã làm nên tên tuổi của ông Abe? Vì sao ông có thể làm Thủ tướng Nhật Bản tới 4 nhiệm kỳ? Ông Abe đã tác động đến Nhật Bản và thế giới như thế nào? Loạt bài này sẽ cố gắng giải đáp phần nào những câu hỏi trên.

“Ông ấy thổi bùng hi vọng vào nền kinh tế Nhật Bản”, Koichi Hamada, một trong những cựu cố vấn kinh tế của ông Abe, giáo sư Đại học Yale (Mỹ), kiến trúc sư trưởng của chiến lược Abenomics, nói trên tạp chí TIME. “Những ngôi làng nghèo khó biến mất, các giáo viên đại học không lo lắng về cơ hội việc làm của sinh viên và nhiều vấn đề khác, tất cả là nhờ Abenomics”.

Ông Abe là người từng giữ chức Thủ tướng Nhật Bản trong 4 nhiệm kỳ, bị ám sát vào sáng ngày 8.7 khi đang có bài phát biểu vận động cho đảng Dân chủ tự do (LDP) ở thành phố Nara. Sự ra đi của ông Abe gây ra cơn địa chấn với thế giới.

Ông Abe nghỉ hưu từ năm 2020, là nhân vật chủ chốt trong việc hoạch định chính sách kinh tế, giúp định hướng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vượt qua những thời điểm đầy thách thức, trong khi vẫn duy trì thế mạnh của Nhật Bản trong ngành công nghiệp ô tô và điện tử tiêu dùng.

“Ông Abe có lẽ là Thủ tướng quan trọng nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến 2. Ông Abe đã để lại một di sản phong phú”, Robert Ward, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói, theo TIME.

Bước vào chính trường vào đầu những năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và bong bóng kinh tế Nhật Bản bùng nổ, ông Abe nhận thấy cơ hội chuyển mình của nước Nhật và được phe bảo thủ trong đảng LDP hậu thuẫn mạnh mẽ.

Phe bảo thủ muốn đưa Nhật bản thoát khỏi thời kỳ hậu chiến, trong đó thủ tướng được trao nhiều quyền lực hơn thay vì chỉ là một vị trí mang tính biểu tượng trong nội các.

Họ cũng muốn xây dựng một bộ máy an ninh quốc gia hoàn chỉnh với bộ quốc phòng chính thức và hội đồng an ninh quốc gia dưới sự lãnh đạo của thủ tướng để nâng cao khả năng quản lý các khủng hoảng. Phe bảo thủ cũng muốn nới lỏng những ràng buộc đã ngăn cản Nhật Bản xây dựng quân đội có khả năng chiến đấu cùng Mỹ và các đối tác khác.

Koichi Hamada, một trong những cựu cố vấn kinh tế của ông Abe.

Ông Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006, nhưng chỉ sau một năm đã phải từ chức. Theo tạp chí Foreign Policy, điều mà ông Abe còn thiếu trong các nỗ lực cải cách nước Nhật khi đó là sức mạnh thúc đẩy kinh tế.

Sau khi nhậm chức thủ tướng vào năm 2006, ông Abe thừa nhận kiến thức và kinh nghiệm hoạch định chính sách kinh tế của mình còn hạn chế. Tái xuất trên chính trường vào năm 2009 sau thất bại lịch sử của đảng LDP, ông Abe bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về vấn đề trì trệ kinh tế của Nhật Bản.

Ông Abe nắm quyền lần hai vào năm 2012, khi Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng từ xuất khẩu yếu kém, căng thẳng thương mại với Trung Quốc và những hệ quả của thảm họa hạt nhân và sóng thần năm 2011. 

Sự kết hợp của các yếu tố trên đã khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái, buộc ông Abe phải tìm ra cách đưa nền kinh tế thoát khỏi thời kỳ lạm phát tăng phi mã, tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng kinh tế trì trệ.

Tập hợp đội ngũ gồm các nhà tư tưởng kinh tế, ông Abe và các cố vấn đã phát triển chiến lược gọi là Abenomics, một chương trình kích thích tiền tệ theo cách hoàn toàn mới, cùng với chính sách tài khóa mở rộng và một loạt các chính sách công nghiệp, lao động và quy định nhằm chuyển sản xuất sang các lĩnh vực công nghệ cao và làm chậm sự suy giảm lực lượng lao động của Nhật Bản.

Mireya Solís, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á tại Viện Brookings, nói: “Chương trình đại diện cho một nỗ lực mới. Ông Abe đã cố gắng vực dậy nền kinh tế Nhật Bản và gặt hái một số thành công”.

Một số nhà phê bình chỉ trích ông Abe sử dụng chương trình Abenomics để cụ thể hóa các tham vọng chính trị. Nhưng trên thực tế, đây là nỗ lực nghiêm túc bền vững và linh hoạt để đối mặt với những thách thức tăng trưởng của Nhật Bản, theo Foreign Policy.

Cựu cố vấn kinh tế của ông Abe, Hamada nói: “Cách tiếp cận của chương trình Abenomics là thành công, tạo thêm việc làm, thúc đẩy bình đẳng giữa lao động thường xuyên và lao động tạm thời.

“Trước đây, có sự phân biệt rõ. Lao động thường xuyên hưởng lương cao hơn và ổn định hơn. Nhưng với Abenomics, cánh cửa làm việc cho người lao động tạm thời được mở ra. Nhiều công ty bắt đầu tuyển dụng lao động tạm thời”, ông Hamada nói.

Ông Hamada nói tác động của chính sách này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ năm 2021, 47% lao động nước ngoài được phân loại là “nhân viên không thường xuyên”, chẳng hạn như nhân viên tạm thời hoặc hợp đồng ngắn hạn.

Ông Abe bị ám sát khi đang tham gia diễn thuyết trước công chúng ở thành phố Nara, miền tây Nhật Bản hôm 8.7.

“Điều này tạo ra nguồn lực lao động lớn cho Nhật Bản, giúp các công ty tập trung đầu tư trong nước thay vì đầu tư ra nước ngoài”, ông Hamada nói.

Nhờ Abenomics, ông Abe đã đảo ngược sự trì trệ ở Nhật Bản, giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng, doanh thu từ thuế và dòng khách du lịch đạt mức cao kỷ lục, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục. Đây là cơ sở giúp ông giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ ba.

Khi đã nắm vững quyền lực và ổn định tình hình kinh tế của đất nước, ông Abe quay trở lại theo đuổi các tham vọng của mình và cũng là mục tiêu của đảng LDP. 

Đó là thành lập một hội đồng an ninh quốc gia, tập trung các quyết định nhân sự trong văn phòng thủ tướng, giải thích lại Hiến pháp Nhật Bản để cho phép Lực lượng Phòng vệ tham gia hoạt động tự vệ tập thể. Ông Abe cũng phát động nỗ lực sửa đổi Hiến pháp, đưa Nhật Bản trở về là một “quốc gia bình thường” nhưng cuối cùng không thành công.

Ông Abe cũng theo đuổi chính sách đối ngoại đầy tham vọng, củng cố quan hệ Mỹ-Nhật, thúc đẩy quan hệ sâu rộng với các đối tác trong khu vực như Ấn Độ và Úc, tạo cơ sở hình thành nhóm Bộ tứ Kim cương, thúc đẩy vai trò lãnh đạo trong chiến lược hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mặc dù các thành công của ông Abe bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, khiến thành quả phát triển kinh tế bị đảo ngược, ông Abe vẫn có thể coi là đã để lại cho những người kế nhiệm một bản kế hoạch chi tiết về cách Nhật Bản nắm giữ sức mạnh trong và ngoài nước. Điều màcho đến nay vẫn chưa ai vượt qua được.

Có thể nói, sự ra đi của ông Abe để lại một khoảng trống khá lớn cho Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các cộng sự, theo tạp chí Foreign Policy.

_____________________

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thực tế không còn nắm quyền từ năm 2020, nhưng ông vẫn còn ảnh hưởng vô cùng lớn trong chính trị - xã hội của Nhật Bản, thậm chí ngay cả khi đã qua đời. Bài kỳ 2 xuất bản sáng sớm ngày 14.7 sẽ phân tích về tầm ảnh hưởng sâu rộng của một trong những chính trị gia có tác động lớn nhất tới chính trường Nhật Bản.

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Link nội dung: https://arttimes.vn/the-gioi/ong-abe-da-thay-doi-nhat-ban-nhu-the-nao-c14a7253.html