Chuyện cầu Long Biên: Bài 5 - Cầu nối văn hóa, du lịch Việt Nam với thế giới

Hơn cả một cây cầu, một phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cầu Long Biên còn là di sản mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, gắn liền với sự phát triển của Hà Nội từ cả hơn trăm năm nay.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 1 - "Chứng nhân lịch sử"

Chuyện cầu Long Biên: Bài 2 - "Bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức"

Chuyện cầu Long Biên: Bài 3 - “Những di sản nên được trao truyền”

Chuyện cầu Long Biên: Bài 4 - Hài hòa lợi ích quốc gia, quan hệ quốc tế

Công trình nổi tiếng thế giới bởi kiến trúc được ví như “Tháp Eiffel nằm ngang”, và cũng là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng. Niềm tự hào ấy, đến hôm nay, đang trở thành nỗi lo lắng, bất an, là mối quan tâm lớn của toàn xã hội bởi sự xuống cấp trầm trọng, dẫn đến những nguy cơ mất an toàn giao thông.

Phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật Arttimes.vn đã ghi nhận ý kiến của KTS Nguyễn Nga – nữ Việt kiều Pháp được giới kiến trúc, xây dựng và văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội biết đến với dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên và Ngôi nhà nghệ thuật. Bà cũng là người đã tổ chức thành công hai kì Festival cầu Long Biên (năm 2009 và 2010) thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách quốc tế.

KTS Nguyễn Nga (Ảnh: NVCC)

Nhiều hơn giá trị của một cây cầu giao thông

Tới đây, thành phố sẽ xây dựng nhiều cây cầu đường bộ khác bắc qua sông Hồng, ví như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo… Khi những cây cầu này hoàn thành, cầu Long Biên - biểu tượng kiên cường, hiên ngang của Hà Nội trong suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sẽ “thảnh thơi” hơn. Và khi nhiệm vụ giao thông của cây cầu đã được giảm tải, cùng với sự xuống cấp ngày một nghiêm trọng theo thời gian, thì giá trị lớn nhất mà cầu Long Biên có được là gì? Là lịch sử, là kí ức!

Vào năm 2009 và 2010, hai kỳ Festival cầu Long Biên đã được tổ chức thành công trên cây cầu này. Khi đó, cầu Long Biên trở thành khu vực đi bộ, không gian triển lãm phục vụ đông đảo người dân và du khách quốc tế. Gần 70 quốc gia đã cắm cờ trên cầu Long Biên trong dịp festival năm 2010, điều đó cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những giá trị của cây cầu này.

Nhiều năm trở lại đây, cầu Long Biên và bãi giữa sông Hồng vẫn là điểm du lịch yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Chúng ta thường được thấy hình ảnh từng đoàn khách với đủ quốc tịch háo hức đi dạo trên lối đi dành cho người đi bộ và ghi lại những hình ảnh thơ mộng trên cầu. Điều đó cho thấy cây cầu hơn 100 tuổi này không chỉ có tiềm năng trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới, mà sẽ là nơi có thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa của Thủ đô.

Cầu Long Biên - điểm đến yêu thích của nhiều du khách quốc tế

Với những giá trị lịch sử, văn hóa huy hoàng và tiềm năng du lịch rộng mở như vậy, tại sao chúng ta không để cầu Long Biên được kể câu chuyện của mình với thế giới? Hãy để cây cầu nối liền văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Để họ đều yêu, đều khâm phục một dân tộc bất khuất trong công cuộc đấu tranh gìn giữ độc lập, hòa bình. Và cũng từ những giá trị hiện hữu ấy, cây cầu sẽ tồn tại và tự “nuôi” được chính mình.

Còn nếu việc trùng tu cầu Long Biên chỉ để thuần hóa chức năng giao thông như ý kiến của nhiều chuyên gia khác, thì chi phí sửa cầu Long Biên đắt hơn rất nhiều so với xây một cây cầu mới. Và nếu chỉ là một cây cầu giao thông, nhà nước lấy đâu ra tiền để duy tu, bảo dưỡng? Trong khi chi phí bảo trì cầu Long Biên lên đến khoảng 8,3 tỷ đồng năm 2021 và 9,7 tỷ đồng năm 2022 song chỉ đạt 30-45% nhu cầu thực tế.

Ý tưởng biến cầu Long Biên thành “Bảo tàng ký ức thế kỉ 20”

Từ nhiều năm trước, tôi đã “nuôi” ý tưởng biến cầu Long Biên thành Bảo tàng ký ức thế kỷ 20, một nơi mà cả thế giới phải biết đến. Nếu thành công, cầu Long Biên có thể thu hút từ 10 – 15 triệu khách trong nước và quốc tế mỗi năm, mang lại rất nhiều việc làm, nhất là cho những người dân ở bãi giữa hoặc sống gần cây cầu.

Về phía Pháp, họ cũng ủng hộ ý tưởng đưa cầu Long Biên thành bảo tàng và đón khách du lịch và sẵn sàng hỗ trợ, tài trợ một số hạng mục trong dự án này. Dự án này cũng được chuyên gia UNESCO ủng hộ, khi Hà Nội đã là thành viên trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của tổ chức này. Còn phương án xây cầu Long Biên thành cầu giao thông không được phía Pháp ủng hộ, vì có nguy cơ phá hỏng cảnh quan khi những đường dẫn cầu và lưu lượng giao thông lớn sẽ "đâm thẳng" vào khu phố cổ.

Hiện tại, cầu Long Biên đã thực sự "tàn tạ", về thẩm mỹ chỉ còn giữ được 20 - 30% so với ban đầu nên phải "cứu" cầu Long Biên càng sớm càng tốt. Bắt đầu bằng việc sửa chữa những phần xuống cấp nhất, phương án của tôi dự kiến mất từ 4 - 5 năm để hoàn thiện, tuy nhiên các hạng mục du lịch sẽ được khai thác từng phần trong thời gian này.

Cầu Long Biên "tàn tạ" sau vụ sập tấm đan

Sau khi hoàn thiện, cầu Long Biên sẽ trở thành cầu đi bộ để phục vụ văn hóa, du lịch, không còn chức năng giao thông. Cây cầu sẽ được gia cố, phục hồi hình dáng vốn có; bổ sung thêm các không gian trưng bày, khu dịch vụ du lịch, giải trí và một số kết cấu để khai thác năng lượng mặt trời, che mưa nắng… Phần đường ray vẫn được giữ lại, kết hợp với các toa tàu cũ để trở thành một bảo tàng độc đáo.

Khi đưa vào phục vụ du lịch, đơn vị khai thác cầu Long Biên dự kiến bán vé 2 USD/người. Như vậy, cầu Long Biên chỉ cần thu hút 1 triệu lượt khách mỗi năm cũng đã tạo ra nguồn lực lớn, không chỉ giúp di sản này "tự nuôi sống" mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Điều này là có cơ sở, khi trước đại dịch mỗi năm Hà Nội thu hút hàng chục triệu lượt khách trong nước và quốc tế, hoặc tính riêng 6 tháng đầu năm 2022 cũng đã đón trên 8,6 triệu lượt khách.

Ý tưởng đưa cầu Long Biên thành Bảo tàng ký ức thế kỷ 20 của KTS Nguyễn Nga (Ảnh: NVCC)

Phát triển du lịch gắn với những cây cầu không phải là điều mới mẻ ở Việt Nam và thế giới, ví dụ như Đà Nẵng cũng đã thành công với những sản phẩm du lịch như vậy. Khi nhu cầu giao thông tăng lên, cầu Trần Thị Lý đã được xây mới nhưng địa phương này không tháo dỡ cây cầu cũ Nguyễn Văn Trỗi vì những giá trị lịch sử của nó. Hiện tôi cũng đang cùng với Đà Nẵng nghiên cứu sản phẩm du lịch mới, để cầu Nguyễn Văn Trỗi có thể kể những câu chuyện văn hóa, lịch sử hấp dẫn khách du lịch.

Phạm Hằng

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/chuyen-cau-long-bien-bai-5-cau-noi-van-hoa-du-lich-viet-nam-voi-the-gioi-c57a7286.html