Khoảng lặng của cây trước cơn mưa

Nhìn vào thời gian viết ở cuối mỗi bài thơ, người đọc nhận thấy, tập thơ này gồm những bài viết từ cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước đến năm 2017. Gần ba mươi năm. Viết tản mát. Vì trong thời gian đó, nhà thơ đã cho in nhiều trường ca và nhiều tập văn xuôi. Anh thường xuyên lao động, suy nghĩ, đọc và viết. Như một người nông dân nhưng không có ngày nông nhàn.

Thanh Thảo - Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ, (NXB Hội Nhà văn ấn hành)

Đó là khoảng thời gian mà đất nước và con người Việt Nam biến đổi vô cùng mạnh mẽ. Mạnh mẽ nhưng chật vật. Nông thôn rạn vỡ. Đô thị nứt nẻ. Và con người, tập thể cùng cá nhân, cũng đang bung mình khỏi khuôn khổ chật hẹp của thời bao cấp. Tiếp nhận những tư duy mới. Những tư duy có sẵn trong mỗi người nhưng chưa có điều kiện thể hiện. Cả những tư duy dội đến từ bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, xã hội vận động theo những chiều kích khác nhau. Nhìn ra, có thể cảm thấy hỗn loạn. Nhưng nhìn từ trên cao, lại cảm thấy, tất cả, dường như, đều đổ về một hướng. Mưu sinh và làm giàu. Cơn lốc đó đã cuốn phăng nhiều giá trị tốt và đẹp. Nhiều người cũng bị “cuốn theo chiều gió”.

Nhưng Thanh Thảo là một trong những nhà thơ không bị lốc cuốn đi. Và  anh không đứng lại. Không đi chậm. Anh đi theo cách của mình:

“một cái cây trầm ngâm

nói chuyện gì không ai nghe rõ

bạn bè quanh năm gió

cười một mình xanh chút nắng chút mây

một cái cây lang thang

dù đứng im một chỗ”.

(Tôi thích mình là một cái cây, 2017)

 Mấy năm trước, Thanh Thảo đã cho in cuốn hồi ức “Lang thang qua chiến tranh". Tên nghe hơi lạ. Nhưng đọc xong thì đúng thế thật. Nhà thơ tự thuật từ lúc mình chuẩn bị nhập ngũ đến khi đất nước thống nhất. Làm công tác binh vận, tự giác viết bài. Đơn vị đi đâu thì mình theo đó. Từ miền Đông sang miền Tây. Có khi sang cả Campuchia. Rồi từ Nam ra Bắc mà trong người không có một xu.

Anh cảm thấy mình hơi được… tự do. Nhưng trạng thái ấy mới nhận được nhiều dưỡng khí và toả được nhiều oxy cho đời. Một cái cây không cần gì nhiều. Chỉ một khoảng đất. Tự do trong lòng đất. Chùm rễ lặng thầm khám phá những chân trời bí ẩn. Lên xanh. Nở hoa. Hương bay xa. Kết trái. Gió và chim giúp cây nối dài sự bất tử của mình.

Nhưng Thanh Thảo, nói theo kiểu B. Pascal, là một cái cây biết suy nghĩ. Những suy nghĩ âm thầm, mạnh mẽ. Trước những cảnh khốn cùng thời hậu chiến, nhiều người kêu than. Nhưng nhà thơ có cách nghĩ riêng.

“ngọn bấc đi cùng kiệt con đường

thổi khô dính mảng bùn trên lưng mẹ

thôi rát buốt những lều tranh hoang phế

thổi định hình cơn bão dữ mùa thu

tôi trụ với chiếc lá còm run rẩy

tôi chờ đợi cành khô chờ đợi

máu trong người đang lạnh dần chăng

tôi dồn nhựa cành cây khô dồn nhựa

đây mùa đông những rào cản sau cùng

những rào cản lạnh lùng xảo trá

trườn qua được ba mùa vật vã

tôi thu mình theo kiểu một chồi non”

(Mùa đông 1989)

Một phẩm chất của tài năng thể hiện ở sự quan sát. Trong những cái trừu tượng, Thanh Thảo nhìn thấy những chi tiết cụ thể. Như anh đã từng thấy “Những người sốt rét đang cơn/ Dấu chân bấm xuống đường trơn có nhoè?”. Phát hiện nhiều chi tiết cụ thể, ấn tượng là một trong những sự độc đáo của Thanh Thảo. Giữa cơn gió bấc thổi cuối đường, anh  nhìn thấy “mảng bùn trên lưng mẹ”.

Thời hậu chiến và bao cấp không kể hết những cảnh đau lòng. Trước thực tế đó, thái độ nhà thơ thế nào? Nên làm gì? Lo âu. Và hy vọng.

Mình nên mạnh mẽ mới giúp được những người xung quanh. Những điệp từ đắc địa của một nhà thơ lão luyện, của một trí thức thấu đời. Bài thơ “Mùa đông” 1989 có ba khổ. Tôi không thể bỏ khổ nào. Chúng đều cần thiết.

Càng sống và trải nghiệm cùng thời gian, con người càng cảm nhận giá trị của từng sinh vật bé nhỏ. Đó là sự vĩ đại của thiên nhiên. Ẩn hình bằng một chồi non. Một ngọn cỏ. Một chiếc lá. Nhiều lúc, anh có thể giẫm lên. Song cũng có lúc, anh chợt nhận ra, ý nghĩa của một chấm xanh:

“một ngày nào đó

cây xanh chìa cho anh chiếc lá

viết mấy chữ lờ mờ

như thể anh cùng họ với cây

buồn lặng trong đêm bụi bặm trong ngày

chiếc lá có gì muốn nói”

(Thông điệp)

Trong thiên nhiên, không phải mọi thứ đều im lặng. Mọi vật đều có ngôn ngữ riêng. Chúng nói theo cách của mình. Điều quan trọng là, con người nên biết lắng nghe. Nghe theo chúng. Nương theo chúng.

Nhà thơ Thanh Thảo

Theo mẹ tập kết vì cha ở lại hoạt động, năm 1955, cậu bé Hồ Thành Công được sang Nam Ninh học. Cậu hình dung những con đường, những ngục thất mà người tù Nguyễn Ái Quốc đi qua. Trở thành nhà thơ, Thanh Thảo cảm nhận tác giả và tập “Nhật ký trong tù” của Người theo cách riêng của anh:

“tôi đặt tay vào cành cây

tin cậy

như vai một người bạn

cùng im lặng lớn lên, suy nghĩ

trong nhiều con đường thành đạt

tự nâng mình toả mình như bóng mát

cũng là một con đường

tôi đã qua Nam Ninh Quế Lâm năm mười tuổi

dưới bóng mát những bài thơ tôi chưa đọc

tôi chưa biết

cái tán lá xanh bình tĩnh kia gốc rễ từ đâu”

 (Bài tập từ hai chủ đề, 1985)

Tôi nhớ, dạo học Đại học Tổng hợp Văn, thầy giáo dạy môn Hán - Nôm nói, thơ bây giờ đọc cái hiểu ngay. Nhiều bài thơ chữ Hán, thầy giảng cả tháng trời chưa xong. Sau này, ra đời mới hiểu, có những câu thơ, tập thơ, cả đời mới thấu:

“một người tù tự do nhường ấy/ một người bị tước đoạt tất thảy/ lại giàu có hào hiệp vô cùng”. Tôi không biết có nên bình giảng thơ Thanh Thảo theo lối “văn học và nhà trường” nữa không. Nhưng vì thơ hay, nên cứ dẫn tiếp. Bởi trong thơ ấy, trong con người ấy, trong sự bình thản ấy: “có sự trong trắng bẩm sinh/ có sự trong trắng qua đớn đau chà xát/ có lòng tốt nhằm chứng minh/ có lòng tốt quên mình như bóng mát/ tôi chưa biết/ con người ấy là hạt gạo”.

Đây là một trong những bài thơ cảm nhận sâu sắc nhất về tác giả và tác phẩm vĩ đại của dân tộc và quốc gia (Sao đến giờ người ta chưa đưa tác phẩm “Nhật ký trong tù” thành Di sản văn hoá?).

Công cuộc công nghiệp hoá nông thôn ở đất nước nào cũng mang đến những sự đau đớn cho người nông dân. Năm 1939, nhà văn John Steinbeck viết tiểu thuyết “Chùm nho phẫn nộ” kể những biến đổi sâu sắc ở nông thôn Mỹ những năm đầu thế kỷ XX trong sự nghiệp công nghiệp hoá.

Ở hàng xóm nước ta, năm 1980, nhà văn Mạc Ngôn viết cuốn “Cây tỏi nổi giận”, kể chuyện nông dân khốn khổ vì chính sách nông nghiệp phi đạo đức của chính quyền.

Ở ta, thời gian đầu mở cửa, trong lần đi thực tế ở nông trường cao su Tây Nguyên, nhà thơ Thanh Thảo bị ám ảnh bởi những cặp mắt của “những đứa trẻ như những cây cao su còi” gườm gườm xói vào anh:

“những nhà văn đi thực tế bằng xe hơi

tung bụi bẩn vào mặt đàn em nhỏ

tung ngôn ngữ gấm hoa vào mặt những túp lều khốn khổ

nơi đói nghèo công khai rách nát công khai

chúng tôi cứ hồn nhiên ca ngợi tương lai

cho tới chiều nay. Rừng cao su Chư Pả

tương lai bỗng ném vào chúng tôi cái nhìn kỳ lạ

qua cặp mắt gườm gườm những đứa trẻ ngây thơ”

(Cái nhìn của tương lai, 1991)

Một lần về Quảng Nam, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ cho tôi xem bài thơ “Những con chim báo điềm dữ” viết năm 1989 của nhà thơ Thanh Thảo tặng anh. Dạo đó, năm 1989, Mỹ viết mấy bút ký và phóng sự về nạn tham những, xảo trá của các quan chức địa phương. Bị bọn cường hào mới đe doạ, Mỹ phải lánh ra Đà Nẵng. Anh được nhà thơ Thanh Quế che chở và nhà thơ Thanh Thảo công bố bài thơ trên để bảo vệ nhà văn trẻ lâm nạn đồng thời cảnh báo đồng nghiệp:

“ta là bầy chim nhỏ đáng thương

cứ hót mãi khúc ngọt ngào ngớ ngẩn

cứ khép nép trước những loài hung hãn

cứ ba hoa ròng một giọng chích choè

có khi nào ta nín lặng lắng nghe

những nghẹn thầm sau luỹ tre mờ tỏ

mờ tỏ tiếng chim ‘’ hít cô ‘’ nức nở

khóc những gì không thể thét lên

nếu còn thản nhiên ca hát hồn nhiên

ta sẽ hoá thành con-chim-báo-dữ”.

(Những con chim báo điềm dữ)

Một cựu chiến binh, một nhà văn trẻ phải lánh nạn khỏi quê hương mình. Đó là chuyện ở một địa phương. Còn ngoài xã hội? Bài thơ “Tàu sắp vào ga” viết năm 1983 như một bút ký ghi lại không khí hỗn loạn hầm hập của xã hội đang chuyển động vào cái thế “cùng” nhưng chưa thể “biến”. Và khi thời thế đến, cái “biến” lại loã lồ, trần trụi.

Nhà thơ sửng sốt nghe một lời tuyên bố của một thành viên ban giám khảo trên truyền hình: “với ba vòng đo của mình, bạn hãy tự tin lên đường chinh phục thế giới”. Kinh hoàng cùng đau xót trước xu hướng hội nhập quốc tế kiểu này, Thanh Thảo suy ngẫm và cảnh báo:

“danh dự như người đàn bà đẹp tai ác

em mất trinh làm sao thi hoa hậu

chúng ta bị lề luật gạt ra rìa

sống là đi trong đường ống

đích tới đã biết trước”

(Thời mở cửa, 1992)

Và mọi người tranh nhau thể hiện phần tối của bản thân mà không nhận ra. Dường như bây giờ, ai cũng cảm thấy, mình mới được là chính mình. Sống để trả thù cho những ngày phải thu mình lại. Nhưng cái khác của Thanh Thảo ở thái độ. Anh phản ứng theo cách của những thiền sư:

“bây giờ không còn ai nghe ai

tất cả nói liên tu bất tận

những con Hậu con Xe con Tốt tàn sát nhau

trong cuộc chiến vô nghĩa không khoan nhượng

tôi làm một nghi lễ nho nhỏ

thắp vài đốm lửa

cầu nguyện âm thầm

cho sức khoẻ ao hồ rừng cây sông biển

cho những con cá bơi

cho những con chim họp đàn trong rặng dừa

những mùa xuân nứt khẽ”

(Lắng nghe,1993)

Tôi nhớ, có lần, Thanh Thảo viết, khi đến cơ quan: “có những lúc ra về lòng rỗng không/ vì phải gặp trong cơ quan một thằng cặn bã/ tôi chào đất nước tôi/ buồn quá/ đất nước cùng tôi lặng lẽ trên đường” (Tôi chào đất nước tôi). Và anh đồng cảm khi đọc nhật ký của một nhà văn:

“siết chặt tay bạn bè

siết nhầm phải lưỡi dao

anh bật kêu đau đớn”

(Đọc nhật ký của một nhà văn -1989 ).

Thanh Thảo nhìn đâu cũng thấy thơ. Thơ anh chuyển động theo thời cuộc, nhưng vẫn giữ được cảm xúc chủ đạo. Nói theo ngôn ngữ âm nhạc, đó là những biến tấu trong cùng một chủ đề. Cảm xúc từ những hình ảnh lớn lao, như nhân dân, như Tổ quốc, chuyển sang những thứ rất cụ thể, ngay bên mình, nhưng người đọc vẫn nhận ra sự ấm áp của một tâm hồn nhạy cảm và đôn hậu.

Cảm xúc luôn thường trực. Nhưng muốn nó luôn sống đẹp trong tâm hồn, anh cần luôn vận động. Vận động theo hướng tích cực, hướng tốt đẹp. Rèn luyện tâm hồn như vậy, cảm xúc, hay nói cách khác, là “Nữ hoàng thi ca” mới đậu xuống và ở lại trong tâm hồn anh. Một tâm hồn có khả năng nhận thức chính mình – đó là một tâm hồn khoẻ mạnh và có năng lực cảnh tỉnh:

“bao nhiêu năm lạc quan

bao nhiêu năm đánh lừa thời gian

chối bỏ gương mặt mình héo úa

lấp liếm nỗi buồn bằng cơn vui giả tạo

anh đã thất bại

anh còn thất bại”

(Mấy đoạn thơ ngắn, 1991)

Thanh Thảo, như bút danh anh chọn cho mình từ ngày đầu bước vào con đường văn học, là một trong những nhà thơ nước ta viết nhiều nhất về cây, viết hay nhất về cây. Hình như khi cảm xúc càng đọng theo thời gian, tâm hồn con người càng gần với màu xanh. Một màu xanh của lá.

Và muốn mình đồng hành, đồng hoá như đời cây, như đời lá: “tự nguyện sống / tự nguyện chết /những chiếc lá không hối tiếc / cái tát của gió / trò bôi bẩn của bụi / yêu khắc nghiệt của mặt trời / những chiếc lá / nhận và chối từ”.  Đó là một thái độ sống làm chủ nội tâm và nương theo thiên nhiên.

Tôi nhớ, ngày trước, anh có bài thơ ‘‘Muốn làm một cái cây’’. Bài thơ là lời cái cây kể. Từ lúc có mặt trên đời, muốn lớn lên, phải chiến đấu chống lại bao thứ, thời tiết, sâu bọ, tội ác vô tình hay cố ý v.v… Cho đến giờ, ở lứa tuổi "thất thập cổ lai hy", cảm xúc và quan điểm sống của nhà thơ vẫn tươi nguyên như thuở ban đầu:

"tôi ước mình là một cái cây

thi thoảng có chim đến hót

con chim sâu bé bỏng nhảy nhót

chẳng cần biết thế giới ra sao

những ngày rồi qua những người rồi xa

cái cây rung khẽ từng chiếc lá

chúng ta là ai chúng ta về đâu

chờ mãi cơn mưa rào rất lạ”

(Tôi thích mình là một cái cây, 2017)

Nhà thơ đã sống chân thành với từng ngày, với từng người. Sống chân thành với quá khứ, ngay cả những quá khứ  "lầm lỗi hồn nhiên". Sống chân thành với lịch sử bé nhỏ, lịch sử của người có danh hay người vô danh. Cách sống như vậy tạo nên những cảm xúc của một tâm hồn như sóng rada, như ngôn ngữ của cây xanh mà chỉ có những tâm hồn trong sáng mới cảm nhận được.

Dù những cảm xúc đầy oi bức trong không khí ngột ngạt của khoảng thời gian khó chịu trước con mưa, nhưng cảm xúc ấy không hề bi quan. Sức khoẻ cảm xúc trong anh luôn đầy năng lượng. Nó truyền cảm hứng sống, niềm tin và hy vọng cho bạn đọc.

Rồi thế nào cũng sẽ có "cơn mưa rào rất lạ". Từ con mưa này, sẽ có "một trận mưa nhuần rửa núi sông" như nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu đã cảm nhận bằng những giác quan tinh tường và nhận thức sâu sắc thời thế của mình.

Đoàn Tuấn

Link nội dung: https://arttimes.vn/tho/khoang-lang-cua-cay-truoc-con-mua-c12a7396.html