Giọt nắng vàng lấp lánh

Nhà văn Tùng Điển là bạn rất thân của nhà thơ Kim Chuông - thầy giáo dạy tôi viết văn làm thơ thời thơ ấu khi tôi được theo học trong nhóm “Búp trên cành” tại Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình.

Ngày ấy, tôi gần 11 tuổi, các bạn tôi đứa nhỏ nhất lên 10 đứa lớn nhất 14 nên chúng tôi gọi các nhà thơ nhà văn dạy dỗ chăm sóc (thay cha mẹ) là các cô các chú. Nhà thơ Kim Chuông rất hay kể về những tấm gương tài năng vượt khó của các thần đồng nghệ thuật, trong đó có nhà văn Tùng Điển để chúng tôi noi theo mà học tập.

Theo lời kể của chú Kim Chuông thì nhà văn Tùng Điển quê ở làng Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Đây là một tài năng văn học được bộc lộ khá sớm. Năm 13 tuổi, trong nỗi đau đứt ruột khi cha mất sớm, một lần ra nghĩa trang thăm mộ phần cha, cậu bé Tùng Điển đã viết bài thơ “Làng Yên Tĩnh” tràn đầy cảm xúc, già dặn trong suy nghĩ (dấu hiệu của một tài năng):

“Nhìn vào làng chỉ thấy màu xanh

Nhấp nhô những nếp nhà cao thấp

Vườn cỏ dại in nắng chiều hiu hắt

Những cây sồi lá rụng xác xơ thân

   

Trong lặng thầm cõi âm

Sao không tiếng nói

Họ đã sống những chuỗi ngày câm lặng

Những cuộc đời xa khuất từ lâu

Ồ, “làng chết” cũng như người đang sống

Cũng nhà này liên tiếp nối nhà kia

Cũng rào giậu bằng cúc tần, dứa dại

Và đánh số nhà bằng những hàng bia

Nhìn khói chảy mịt mờ trên thảm cỏ

Vài ngọn đèn thấp thoáng lửa nhen

Có tiếng nói thì thầm to nhỏ

Của gió ngàn đâu đó vọng lên

Kìa “làng chết” cũng như người đang sống

Cũng giàu nghèo cũng những phân chia

Kìa bia đá trước nhà cao cửa rộng

Và nắm đất khô, thanh gỗ cắm chênh vênh

Ôi chắc hẳn trong lòng sâu của đất

Những linh hồn cũng rạo rực yêu đương

Cánh tay khô cũng quờ quoạng điên cuồng

Hàm răng trắng cũng hé cười điên loạn

Và có những linh hồn lang thang, phiêu bạt

Buồn cô đơn giữa những linh hồn...”

Nghe nhà thơ Kim Chuông đọc, tôi không sao hiểu nổi: tại sao một cậu bé 13 tuổi lại có thể viết được bài thơ hay như thế trong khi chúng tôi cũng suýt soát ngần ấy tuổi chỉ viết được về những ông mặt trời, cánh diều... với những câu thơ trong như giọt sương đã được thầy cô, bố mẹ coi là “tài năng” rồi.

Đáng nể hơn nữa là câu chuyện kể về cậu bé Tùng Điển viết tiểu thuyết ‘Đời góa” từ nguyên mẫu người mẹ góa bụa đầy gian lao, thương cảm và kính phục của đời mình khi mới 14 tuổi. Điều khiến chúng tôi không chỉ ngưỡng mộ mà còn rưng rưng nước mắt, vì cuốn tiểu thuyết dày 300 trang lại được viết trên giấy xi măng (những vỏ bao xin được từ những buổi đi phụ vữa hay đi gánh gạch thuê).

Viết xong cậu bé đi bộ từ quê xông thẳng vào Nhà xuất bản Thanh Niên để gửi in. Cậu được nhà văn Xuân Hạt (một nhà văn nổi tiếng lúc ấy có cái đầu hói, Tùng Điển lúc đó chưa biết tên nhà văn chỉ gọi là “ông đầu hói”. Và “ông đầu hói” đã đọc cuốn sách của cậu bé rồi nhận xét “cậu nhỏ có năng khiếu văn chương... tiểu thuyết đọc cuốn hút, nhân vật góc cạnh bi thương... nhưng thời buổi này lấy đâu ra kinh phí để in”.

Cậu bé Tùng Điển khi ấy rất buồn nhưng không thất vọng, cậu chuyển sang viết truyện ngắn. Rất vui là các truyện của cậu liên tục được giới thiệu trên báo, trên đài phát thanh.

Sau này, tập truyện ngắn “Bức kí họa” in năm 1983 của ông được dịch ra tiếng Tây Ban Nha. Truyện “Mắt xích” được dịch và in ở Nga. Truyện “Bãi Vắng” được dịch sang tiếng Anh. Gần một phần hai số tác phẩm của Tùng Điển giành được các giải cao trong các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật của cả nước. Tiểu thuyết “Mạch ngầm” được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trao giải nhất năm 1976.

Mỗi câu chuyện về tấm gương chăm viết, viết tài, viết hay của nhà văn Tùng Điển qua lời kể của nhà thơ Kim Chuông đều làm cho chúng tôi nghe háo hức, trầm trồ. Tôi và các bạn trong lớp sáng tác phần lớn đều là những đứa trẻ nhà quê đầu trần chân đất, đã trải qua nhiều khó nhọc gian khổ nên câu chuyện về hành trình viết văn của nhà văn Tùng Điển đã trở thành một tấm gương gần gũi, thân thiết đầy thuyết phục.

Dù chưa được gặp nhà văn Tùng Điển nhưng tất cả nhóm “Búp trên cành” chúng tôi đều đã rất yêu quí và mong ước được gặp chú. Nhưng nhà thơ Kim Chuông bảo: “Chú Tùng Điển rất bận vì chú ấy đang giữ nhiều trọng trách của một “quan văn” ở Hà Nội, hết Giám đốc Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam thì lại đến Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam...”.

Nhà văn Tùng Điển cũng đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cao quý năm 2017.

Nhà văn Tùng Điển

Tháng 1 năm 2017, tôi có dịp được ra Hà Nội nhận giải thưởng cho tập thơ đầu tay của tôi được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng. Sợ tôi xa quê đã lâu, lạ đường, sẽ bị lạc giữa Hà Nội phồn hoa, nhà thơ Kim Chuông trực tiếp dẫn tôi đi nhận giải (với chú, chúng tôi mãi là những đứa trẻ ngây ngô ngày nào).

Trước khi buổi lễ diễn ra, nhà thơ Kim Chuông dẫn tôi đến thăm nhà văn Tùng Điển. Cửa mở, tôi bước vào căn phòng đầy sách trên tầng hai của trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo. Trước mắt tôi là nhà văn Tùng Điển. Ông đã khoảng ngoài 70 nhưng khuôn mặt vẫn hồng hào sáng rạng, đôi mắt ánh lên vẻ thân thiện, nụ cười hiền từ. Tôi chào và nhận được cái bắt tay ấm áp của nhà văn. Biết tôi từ miền Nam xa xôi ra, nhà văn khẽ chớp mắt đầy cảm kích. Ông rót và trao cho tôi li trà ấm nóng, thân thiết như đón một người cháu ở xa mới về. Ngoài trời, Hà Nội đang là mùa đông giá lạnh.

Nhà văn hỏi tôi chuyện viết lách và công việc dạy học. Ông bảo: “Cháu có mảnh đất rất màu mỡ để viết, đó là chuyện về nhà trường,về học sinh nơi cháu đang dạy đấy. Cứ mạnh dạn, chăm chỉ viết sẽ có thành công”.

Một năm sau, tháng 1 năm 2019, tôi lại đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập bút kí “Gửi lại dấu yêu”. Lần này, lễ trao giải được tổ chức long trọng tại khách sạn La Thành, Hà Nội. Tôi và Phạm Hồng Oanh (thành viên của nhóm “Búp trên cành”) cùng đoạt giải. Oanh được giải thơ, tôi giải văn xuôi.

Nhận giải xong, chúng tôi cùng mang hoa đến tặng nhà văn Tùng Điển. Ông đang ăn trưa và có rất nhiều các văn nghệ sĩ trên cả nước vây quanh. Nhìn thấy chúng tôi đứng thập thò ngoài cửa chưa dám vào, ông vội đứng lên đi ra, bắt tay chúc mừng hai chúng tôi.Ông rất cảm kích khi nhận lẵng hoa chúng tôi trao tặng. Vẫn ân cần, ông dặn tôi và Oanh cố gắng sắp xếp thời gian để viết, đừng quên việc phát hiện bồi dưỡng cho những học sinh có năng khiếu. Biết tôi sẽ bay vào Nam ngay trong chuyến bay chiều, nhà văn căn dặn,giọng ông thật hiền từ ấm áp: “Cháu đi đường xa,phải giữ gìn hành lí cẩn thận! Cho chú gửi lời chúc sức khỏe gia đình cháu nhé!”.

Tôi rời Hà Nội trong buổi chiều mùa đông mưa phùn gió lạnh, tôi nhớ nhà văn Tùng Điển và những lời dặn dò của ông như nhớ về giọt nắng vàng lấp lánh, ấm áp giữa chiều đông Hà Nội.

Bùi Thị Biên Linh

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/giot-nang-vang-lap-lanh-c55a7985.html