Vai trò của nhạc sĩ với công cuộc chống Covid-19

Vào tháng 4, tháng 5 vừa qua, số ca mắc, ca nặng và nguy kịch do Covid-19 giảm rõ rệt, nhưng đến cuối tháng 6 và đầu tháng 7, số ca mắc tăng trở lại, trung bình từ 700 đến 1.000 ca/ngày, những trường hợp F0 phải thở oxy tăng nhẹ. Dịch Covid-19 hiện đang có nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là từ khi xuất hiện biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron. Covid-19 cho đến nay chưa thể là bệnh đặc hữu, vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A. Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước và Nhân dân vẫn tiếp tục nâng cao tinh thần chống dịch, văn nghệ sĩ cũng không nằm ngoài cuộc chiến ấy.

Về vai trò của văn nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng trong cuộc chiến này, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những ý kiến chỉ đạo tại tọa đàm Vai trò của nhạc sĩ với công cuộc chống Covid-19 hồi tháng 4 vừa qua.

Tọa đàm Vai trò của nhạc sĩ với công cuộc chống Covid-19

Ngoài ra, tại tọa đàm, các nhà lý luận phê bình âm nhạc, các nhạc sĩ trong Ban thường vụ và Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam; các nhạc sĩ đến từ các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hải Phòng và Hà Nội và đoàn nhạc sĩ Hải Dương, Hương Yên... cũng đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung hoạt động sáng tác, chất lượng tác phẩm về đề tài phòng, chống dịch Covid-19. Đây là những chỉ đạo, những ý kiến thiết thực vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc chiến còn dài lâu này.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Âm nhạc là một phương tiện nghệ thuật có sức mạnh hiệu quả

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Đối với người nghệ sĩ điều quan trọng nhất là được tự do sáng tạo, trong văn kiện của Đảng đã ghi Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ để phát huy được tài năng, sức lao động sáng tạo; nhấn mạnh văn học nghệ thuật là một lĩnh vực tinh túy của văn hóa, mà văn hóa là nền tảng của xã hội, trong đó vai trò của văn nghệ sĩ rất lớn. Người nhạc sĩ cần có ý thức công dân, trách nhiệm, như Bác Hồ căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Trách nhiệm của người nhạc sĩ trong hơn 2 năm (2020 – 2022) chống dịch Covid vừa qua, các nhạc sĩ bằng tài năng của mình và ý thức công dân đã sáng tác các tác phẩm về đề tài Covid, xác định trách nhiệm rõ ràng trước xã hội, trước nhân dân, chúng ta đã sử dụng âm nhạc như là một phương tiện nghệ thuật có sức mạnh hiệu quả, thể hiện khát vọng, chứa đựng tình cảm, tâm lý, sự gửi gắm của nhân dân, của những người trực tiếp chống dịch trong nội dung tác phẩm.

Giai đoạn đầu mang tính chất kêu gọi cùng nhau lên đường chống dịch, ca ngợi người chiễn sĩ áo trắng, cổ động tinh thần các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch… càng về sau các bài hát càng đi vào tâm lý, nhu cầu của nhân dân trong vùng dịch, đi vào lòng người, thuyết phục, chia sẻ, cảm thông.

Đặc biệt, từ tháng 4/2021, với những đoàn xe chở nhân viên tình nguyện và nhu yếu phẩm chi viện cho miền Nam, âm nhạc trở thành tiếng nói san sẻ và chính điều đó tạo thành niềm tin trong sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, âm nhạc trở lên trữ tình hơn.

“Vai trò của nhạc sĩ với công cuộc cống Covid” là một đề tài đang được giới âm nhạc và xã hội quan tâm, để có sự lan tỏa, thống nhất về chủ trương cho từng giai đoạn, cần đổi mới trong sáng tạo tác phẩm về tư duy sáng tác. Cuộc chiến chống Covid rất cam go, mặc dù cuộc sống đã đang bình thường mới, nhưng còn nhiều vấn đề hậu Covid làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Vai trò của người nhạc sĩ, vai trò của âm nhạc hay tác dụng của âm nhạc đối với cuộc chiến chống Covid-19 là vấn đề cần nắm bắt kịp thời trong giai đoạn hiện nay.

Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Âm nhạc luôn đồng hành và sát cánh cùng nhân dân, tạo nên những cột mốc lịch sử bằng âm thanh

Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu

Âm nhạc Việt Nam đã được khẳng định qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, thế giới. Đến năm 2020 – 2022 vừa qua, đại dịch Covid-19 bùng nổ, âm nhạc luôn đồng hành và sát cánh cùng nhân dân, tạo nên những cột mốc lịch sử bằng âm thanh, với khối lượng tác phẩm rất lớn, hàng nghìn tác phẩm âm nhạc về đề tài Covid đã được khẳng định vị thế, sức mạnh của âm nhạc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Các nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ đã chủ động phối hợp cùng nhau để tạo ra các sản phẩm âm nhạc đăng tải trên các mạng xã hội mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, thậm chí có cả những ca khúc nhạc chế vui nhộn lan tỏa và thực hiện thông điệp 5K…  qua đó đã khẳng định được vai trò của các tác phẩm âm nhạc.

Từ thời kỳ chống Mỹ, chống Pháp nhiều tác phẩm âm nhạc ra đời và sống mãi với thời gian, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm, làm sao để những tác phẩm âm nhạc về đề tài chống Covid, những tác phẩm trong thời kỳ hiện nay có sức  sống lâu bền. Đây là một vấn đề cần quan tâm.

Nhạc sĩ Nguyễn Trung (Bắc Ninh): Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh luôn sôi nổi trong hoạt động sáng tác âm nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Trung

Về hoạt động sáng tác, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là trong thời gian 2 năm vừa qua cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ cả nước sáng tác về đề tài phòng, chống dịch Covid.

Trong những ngày tỉnh Bắc Ninh thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, các nhạc sĩ Bắc Ninh đã tích cực sáng tác nhiều ca khúc có giá trị về mặt tư tưởng, nội dung, tuyên truyền cổ vũ tình thần các y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang trên tuyến đầu chống dịch, tiêu biểu như các ca khúc: Côrôna mày ở đây của Bá Quang, Những chiến binh trên tuyến đầu chống dịch của Ngọc Lường, Bài ca thanh niên tình nguyện chống dịch của Quý Thăng, Đại dịch này cần lắm áo trắng ơi của Kim Oanh, Vững tin Việt Nam ơi của Ngọc Bích, Covid-19 không làm gì được ta của Đỗ Anh Quân.

Ca khúc Nhà báo đi chống dịch của Nguyễn Trung được sáng tác rất nhanh theo thể loại tuyên truyền, ngắn, dễ thuộc, dễ hiểu; với sự đồng cảm dành cho các đồng nghiệp, cùng với ca khúc Nỗi đau xin đừng che giấu (in trong tập ca khúc Niềm tin của Hội Nhạc sĩ Việt Nam), ca khúc Nhà báo có lệnh là đi đã giúp người dân có thêm một cái nhìn sâu sắc về các nhà báo, phóng viên - lực lượng đang ngày đêm vất vả trên tuyến đầu chống dịch để có những tin, bài chân thực nhất.

Nhạc sĩ Cao Hồng Phương (Phú Thọ): Cần nâng cao bút pháp sáng tác, chất lượng tác phẩm và quy mô tổ chức các chương trình nâng cao hơn nữa

Nhạc sĩ Cao Hồng Phương (áo trắng)

Lần này đến Quảng Ninh, chúng ta đã có một Trung tâm bề thế, để đào tạo những lớp nhạc sĩ kế cận. Mong muốn Trung tâm ngày càng phát triển, cho các thế hệ nhạc sĩ tài năng của chúng ta tới đây tiếp tục sáng tác, lên lớp truyền đạt lại các kiến thức cho đội ngũ kế cận. Vai trò của nhạc sĩ đối với công cuộc chống Covid, đây là một đề tài quan trọng, mà Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức các đợt sáng tác liên tục từ khi dịch Covid bùng phát, tổ chức được một lực lượng sáng tác đông đảo sáng hàng nghìn ca khúc, tổ chức dàn dựng, biểu diễn trực tuyến, góp phần vào công tác chống dịch hiệu quả.

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ trong thời gian vừa qua đã tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài phòng chống Covid, được Ban Tuyên giáo tỉnh ủy hoan nghênh ủng hộ. Đã có 400 tác phẩm tham dự, trong đó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Thọ đã tham gia sáng tác 30 tác phẩm âm nhạc về đề tài này. Ở đây thấy rằng vai trò của người nhạc sĩ không chỉ tham gia sáng tác mà còn dàn dựng, chỉ huy, lý luận… phối hợp với các Đoàn nghệ thuật của tỉnh dàn dựng, biểu diễn các tác phẩm, phối hợp với Đài truyền hình Phú Thọ để quảng bá tác phẩm của mình, quảng bá trên các diễn đàn, biểu diễn vào các dịp đặc biệt tại địa phương...  

Tạp chí Văn học nghệ thuật Đất Tổ cũng mở riêng một chuyên mục về sáng tác văn học nghệ thuật phòng chống Covid; biên soạn sách Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ chung tay chống dịch Covid-19… Trong thời gian tới cần nâng cao bút pháp sáng tác, chất lượng tác phẩm và quy mô tổ chức các chương trình nâng cao hơn nữa, để đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Nhạc sĩ Xuân Nhật (Quảng Ninh): Với nội dung vai trò của nhạc sĩ trong công cuộc phòng chống dịch Covid, chúng ta đã đi được một chặng đường dài mà đến nay vẫn còn tiếp tục

Nhạc sĩ Xuân Nhật

Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tham gia sáng tác và phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật, Công an tỉnh, Sở Y tế làm các chương trình như: ca nhạc – thơ, biểu diễn các tác phẩm về đề tài Covid. Các nhạc sĩ của chi hội đã sáng tác, dàn dựng và thu âm… để quảng bá, cổ động trên mạng xã hội, và Chi hội đã phối hợp với công ty truyền thông xây dựng được một MV ca nhạc “Quảng Ninh tự tin chiến thắng”… Thời gian tới, Chi hội cần nâng cao sáng tác, đi sâu vào đề tài, nội dung hơn nữa để đạt được hiệu quả trong sáng tác.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh (Bắc Ninh): Các sáng tác về sau ngày càng sâu lắng, sâu sắc

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh

Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch ra tập sách và chương trình ca nhạc chuyên đề, tập hợp và giới thiệu các ca khúc của các nhạc sĩ trong tỉnh sáng tác về đề tài Covid. Nhận xét về đề tài nhạc sĩ nhận thấy các tác phẩm về đề tài phòng chống dịch Covid, ban đầu mang tính kêu gọi, cổ động, nhưng về sau ngày càng sâu lắng, sâu sắc, đặc biệt có sự hỗ trợ của các nhà thơ.

Nhạc sĩ Đào Minh Hoàng (Vĩnh Phúc): Được tham gia vào sáng tác về đề tài phòng chống Covid cùng toàn Đảng, toàn dân là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm công dân của mỗi người nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Đào Minh Hoàng

Nhạc sĩ Mai Đoan (Hải Dương): rất vui mừng, tự hào được tham gia sáng tác các tác phẩm về đề tài Covid, đặc biệt là tự sáng tác lời và nhạc.

Nhạc sĩ Mai Đoan

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh: Các ca khúc đã thắp sáng niềm tin vào công cuộc phòng, chống dịch, động viên mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng chung hành động có hiệu quả trước nguy cơ sinh tồn của dân tộc

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh

Nhìn lại chặng đường hoạt động âm nhạc hơn 2 năm vừa qua (2020 – 2022), trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng và gây hậu quả nặng nề đến nền kinh tế đất nước và các mặt của đời sống xã hội. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngày 30/3/2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động đợt sáng tác bài hát để kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Chỉ sau hơn một tuần, đã có trên 100 ca khúc của các tác giả từ Lai Châu, Điện Biên, đến Cần Thơ, Cà Mau, Đăk Lăk, Gia Lai, Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội… gửi về Hội.

Trong tuần đầu của tháng 4/2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam gấp rút tổ chức biên soạn, in ấn Tuyển tập ca khúc mang tên Niềm tin. Hội đã kịp thời gửi đến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các Ban, ngành, các đơn vị… như quà tặng cổ vũ tinh thần.

Tiếp theo đó, thực hiện Chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tiếp tục phát huy thành quả của các tác phẩm Văn học nghệ thuật sáng tác về đề tài “Chung tay cùng toàn dân phòng chống dịch Covid-19”, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội xây dựng chương trình âm nhạc trực tuyến tại 3 điểm cầu là Hà Nội - Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề Niềm tin - Chúng ta là người chiến thắng, có thời lượng 120 phút, ngày 29 tháng 4 năm 2020, có số lượng truy cập lên đến 30.000 người.

Kể từ đầu năm 2021, khi làn sóng dịch lần thứ 4 lan tràn, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/7/2021, và các Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách về phòng chống Covid-19, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc hưởng ứng và để đóng góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là các lực lượng trên mặt trận tuyến đầu chống dịch.

Chỉ hơn một tuần từ cuối tháng 7/2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được trên 400 ca khúc của các nhạc sĩ hội viên và các tác giả trong cả nước gửi về. Hội đã tuyển chọn, dàn dựng thu âm, thu hình dựng thành một clip, với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu I, Nhà hát ca múa nhạc Quân đội và các nghệ sĩ như: NSND Quốc Hưng, NSƯT Đức Long, ca sĩ Lan Anh, Tùng Dương, Viết Danh, Đào Tố Loan… để kịp thời giới thiệu ra mắt 20 ca khúc mới để gửi tới đồng báo chiến sĩ và đặc biệt các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch trong trung tuần tháng 8/2021.

Tiếp theo, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác ca khúc Giai điệu nơi tuyến đầu, được phát động từ ngày 17/8/2021 đến ngày 2/10/2021. Buổi lễ đã thành công tốt đẹp với gần 1.300 tác phẩm của 935 tác giả và đồng tác giả từ 63 tỉnh, thành trên toàn quốc gửi tham dự, đã khẳng định tiềm năng, nhiệt tình, ý thức trách nhiệm và sự sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác âm nhạc chuyên và không chuyên trong cả nước. Đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã tới dự Lễ tổng kết trao giải thưởng.

Nhìn chung, các tác phẩm sáng tác về đề tài Covid của các nhạc sĩ, tác giả trong thời gian vừa qua, đa dạng về chủ đề, thể loại, phong cách và chất liệu âm nhạc. Phần lớn đã khai thác đúng chủ đề là góp thêm tiếng nói san sẻ, cảm thông và ngợi ca những con người trên tuyến đầu chống dịch, thắp sáng niềm tin vào công cuộc phòng, chống dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và ngành Y, động viên mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng chung sức vì công cuộc đại sự quốc gia, hành động có hiệu quả trước nguy cơ sinh tồn của dân tộc.

Thanh Nhã

Link nội dung: https://arttimes.vn/am-nhac/vai-tro-cua-nhac-si-voi-cong-cuoc-chong-covid-19-c16a7986.html