“Đường Bia” - Que diêm nhỏ cháy bùng lên không giữ lửa cho mình

Mới gặp cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đường, không ai nghĩ ông đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Bình - một tập đoàn của những thương binh nặng - bởi sự giản dị, mộc mạc. Anh bộ độ Cụ Hồ xưa ra trận với một khát vọng đất nước được độc lập tự do, nhân dân của mình được giàu mạnh, hạnh phúc. Và khi giang sơn thống nhất, khát vọng đó càng mãnh liệt như ngọn lửa trong tim cháy bùng lên với tất cả sự tận tụy, hy sinh, lao tâm khổ tứ vì vinh quang của Tổ quốc và niềm vui, tự hào của đồng bào mình.

 Ngọn lửa khát vọng

Cuối những năm 80 thế kỷ trước, anh lính trẻ Nguyễn Hữu Đường rời tay súng, xuất ngũ về quê khi đất nước ngày ấy “tứ bề thọ địch”, phía Bắc và Tây Nam rình rập họa xâm lăng, chưa kể bị bao vây cấm vận. Không tiếp tục cầm súng thì làm kinh tế, bởi cuộc chiến nào rồi cũng kết thúc và ý nghĩ thôi thúc trong đầu người lính trẻ là phải làm sao cho đất nước mạnh giàu.

Ông Nguyễn Hữu Đường và Nhà sử học Dương Trung Quốc tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ của Tập đoàn Hòa Bình. Ảnh: Lê Anh Tuấn.

Nhưng ngày ấy kinh tế tư nhân chưa như ngày nay. Không làm kinh tế lớn thì làm kinh tế nhỏ với hoàn cảnh thực tế và người ấy quyết… đi buôn trên tuyến đường Bắc - Nam bởi muốn làm giàu cho dân cho nước thì trước hết phải biết làm giàu cho mình. Thu được kha khá sau vài chuyến thì cả vốn lẫn lãi mất trắng sau  lần ông bị thu giữ toàn bộ khi mà buôn bán thời ấy bị coi là buôn lậu.

Trắng tay thỉ chuyển “nghề” sang chở bia. Bia ngày ấy thuộc loại hàng khan hiếm. Cứ mỗi thùng bia là ông có được 60 đồng, bằng cả tháng lương một kỹ sư chứ chả ít. Ngày nào nắng nóng, khan bia thì “con số vui mừng” đến 80 đồng! Ngày ngày, nắng đã đành, mưa cũng không hết việc. Trong 6 năm (1981 đến 1986) với nghề chở bia, ông đã có số vốn không nhỏ.

Những tưởng “giàu” rồi, hẳn ông sẽ mua vàng, mua nhà, thôi thì an phận túc tắc sống nhưng ông là người lính. Mà lính thì cái tình đồng đội nặng lắm, khi còn biết bao bạn bè đang bươn chải, đánh vật với mưu sinh. Thế là bao nhiêu vốn liếng tích cóp được, năm 1986 ông mua đất, thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình để tạo công ăn việc làm cho nhiều anh em đồng đội, trong đó có 7 thương binh nặng. Đó là tiền thân của Công ty Thương binh nặng Hòa Bình lừng danh hiện nay. Thành công lớn thường bắt đầu từ điều đơn giản nhất và công ty đi lên từ tổ hợp với đủ việc như làm nút chai, rồi sản xuất nước ngọt, đá cây,…

Sự nghiệp của ông gắn liền với sự thay đổi của đất nước khi mà toàn Đảng toàn dân quyết tâm với phong trào đổi mới “Đổi mới”, thay đổi tư duy, Nhà nước cho phép phát triển các thành phần kinh tế vào năm 1988.

Ông và đồng đội với khát khao làm giàu cho mình cũng là làm giàu cho xã hội như hổ thêm vuốt, đại bàng thêm cánh đã chuyển ngay sang làm nhà máy bia. Khi khát vọng thiện lành và mãnh liệt trong kinh doanh gặp đường lối đúng thì chuyện kinh doanh phát đạt là tất nhiên. Và rồi hàng ngày nhà máy kiếm được đôi ba cây vàng là bình thường.

Ngày hè nóng nực, bà con chuộng bia, cái vui của ông không hẳn chỉ là nhà máy có siêu lợi nhuận mà còn là nụ cười của bà con bên những “vại” bia vàng sóng sánh. Mà dân đã ưng ai, thích sản phẩm nào thì chả bao giờ trịnh trọng gọi đủ họ tên người, nơi làm ra nó mà chỉ gọi với cách gọi rất dân dã đầy trìu mến. Cho đến nay, dù là chủ tịch một tập đoàn lớn với đủ loại hình kinh doanh, đủ các công trỉnh nổi tiếng trong và ngoài nước, nhưng ông Nguyễn Hữu Đường vẫn mài là ông “Đường bia” trong tâm tưởng và tình yêu của công chúng.

Người thích vàng

Bia là say nhưng ông “Đường bia” không say bia mà say làm giàu, làm đẹp cho đất nước bằng khát vọng về những công trình ngang tầm thế giới. Bia buổi đầu dù thành công đến mấy cũng chỉ là bệ phóng cho những khát vọng khi ông với Tập đoàn Hòa Bình ngày càng phát triển mạnh mẽ với hàng chục công ty thành viên, tổng tài sản đạt tới nhiều ngàn tỷ đồng.

Đại diện Đoàn Bắc Ninh tặng quà lưu niệm ông Nguyễn Hữu Đường nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ. Ảnh: Lê Anh Tuấn.

Có đại gia từng than thở  “Tiền nhiều để làm gì?”. Với “Đường bia”, tiền nhiều để cất cánh, để tiếp tục chọn mục tiêu lớn hơn cho sự phát triển. Và hướng chọn của ông là bất động sản với hàng loạt dự án được triển khai, xây dựng thành công như Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội), Hòa Bình Green Apartment (Hà Nội), Hòa Bình Green City (Hà Nội)…

Tiền nhiều nhưng ông chủ của tiền vẫn cứ đánh bộ quần áo lính, không xe sang, chẳng bộ đồ hàng hiệu mới hiểu hơn tiền với ông không phải để cho mình mà để lại cho đất nước những công trình kỳ vĩ. Lạ là “Đường bia” rất thích vàng nhưng không phải là thứ trang sức cho mình mà là trang sức cho những thiết bị, công trình, trang sức cho đất nước.

Khó có thể quên tòa tháp quốc tế Hòa Bình được xây dựng từ 2004 - 2006 trên khu đất rộng 1952m2 tại số 106 Hoàng Quốc Việt, tổng mức đầu tư 26,1 triệu USD. Lần đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng và là địa điểm nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đặt văn phòng đại diện như: Nippon, Systra, Liberty, Nissan, KFC…

Khó có thể quên Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng, khởi công từ tháng 3/2016 với quy mô hơn 1800 căn hộ và phòng khách sạn đều đạt tiêu chuẩn 5 sao, tổng diện tích 12.500m2. Dự án có bể bơi vô cực dát vàng được xây dựng nóc tòa nhà 29 tầng cùng các thiết bị vệ sinh làm từ kim loại đều được dát vàng 24k. Khi tàu hải quân Mỹ cập cảng Tiên Sa, “kẻ thù cũ” tìm đến khách sạn của người lính đối phương năm xưa trong những bàn tay nắm những bàn tay với tất cả sự gần gũi tin cậy.

Và cả Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa kỳ Donald Trump năm 2018 khi đến đây, về đến nhà vẫn nhớ với bức thư gửi tới khách sạn ngày 3/1/2018 : “Cảm ơn sự phục vụ tận tâm của Khách sạn trong chuyến thăm Đà Nẵng gần đây của tôi. Các bạn đã giúp tôi có một khoảng thời gian tuyệt vời, và những nỗ lực đó đã góp phần làm cho chuyến đi của tôi thành công rực rỡ”.

Ừ nhỉ, “Tiền nhiều để làm gì?”. Tiền như con dao trong tay kẻ xấu có thể gây thương vong nhưng con dao mổ trong tay thầy thuốc có thể cứu người. Tiền trong tay người chỉ thích tiền có thể gây họa nhưng tiền trong tay người có tâm, có khát vọng về Tổ quốc mình thì để tạo ra công trình đáng tự hào, xóa đi những hận thù, thêm những người bạn chứ còn để làm gì nữa!

Rồi cuối năm 2020, Khách sạn Dolce By Wyndham Hanoi Golden Lake (Hà Nội) của Tập đoàn do ông đứng đầu được Tổ chức Worldkings và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (thuộc Liên minh kỷ lục thế giới – Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam) xác nhận là “Khách sạn có ngoại thất bằng gạch dát vàng với số lượng trang thiết bị nội thất và các món ăn, đồ uống dát vàng nhiều nhất thế giới”. Tiền nhiều nhưng chỉ để cho mình thì mấy ai đến cuối đời mang đi theo hết được nhưng có thể người đi, tiền ở lại để người ra đi mãi sống trong cõi nhớ  của nhân quần qua công trình là niềm tự hào của cả một quốc gia.

Đáng chú ý là Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại V+ và nhà ở xã hội Hòa bình tại xã Vĩnh Ngọc, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội đang chờ thành hiện thực. Ở đây, công ty xuất quỹ giải phóng mặt bằng 65,85ha đất nông nghiệp đã có  Giấy chứng nhận sử dụng cho các hộ dân theo đúng quy định tại QĐ 61/2015/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự án dài có thể nói gọn cho dễ hiểu là công ty nhận đền bù giải phóng mặt bằng để xây nhà ở xã hội khi mà hiện nay có khoảng 500.000 cán bộ, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, sinh viên mới ra trường không có nhà ở nhưng thu nhập không thể mua nhà ở thương mại.

Đất là cái “cần câu” của người nông dân khai thác, tiền đề bù nhiều ít ra sao cũng chỉ là cá, rồi cũng hết hoặc không biết bỏ quản thì cá ươn nên nhiều nơi, chuyện giao đất thường là khâu khó khăn. Nhưng với ông “Đường bia”, những hộ nông dân giao đất thì ngoài tiền đền bù, họ được nhận nhà ở và 1 phần diện tích sàn thương mại để kinh doanh, buôn bán, hiệu quả kinh tế sẽ gấp cả chục lần so với làm nông nghiệp nên chắc chắn dân đồng tình và công ty tin chỉ 30 ngày hoàn thành giải phóng mặt bằng, chuyện hoàn thành dự án xa lạ với chuyện dự án treo mà ta vẫn thấy.

Niềm tin ấy, quyết tâm ấy bắt đầu từ suy nghĩ “Muốn cho người dân hết nghèo thì phải tạo cho họ công ăn việc làm và phải làm ra sản phẩm và sản phẩm đó phải tiêu thụ được. Trung tâm Thương mại V+ có trách nhiệm tư vấn cho người dân sản xuất những sản phẩm mà xã hội thiếu, người dân cần, đồng thời bao tiêu các sản phẩm đó”.

Trung tâm thương mại này sẽ có 7 trung tâm hỗ trợ có chức năng điều tiết sản xuất, thu hút khách du lịch, quan trọng nhất là gắn kết được các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người nông dân, ngư dân theo phương thức “Nhà nước, Nhà nông, Nhà Khoa học và nhà Doanh nghiệp”. Rất mong dự án trung tâm thương mại này nếu được đưa vào sử dụng, sẽ là công trình đặc biệt, có ý nghĩa xã hội tích cực.

Nghịch lý “Đường bia”

“Đường bia” chả giống ai với khái niệm doanh nhân khi sự giản dị mộc mạc, nói chuyện cứ rủ rỉ chân tình, chả thấy “hoành tráng” bề ngoài hay “nổ” oang oang như đôi ba ông bà lắm tiền nhiều của khác. Nhưng đấy là sự khác người do bản tính hoặc như võ sư xịn ra đường cứ như người không biết võ.

Ông Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình của những cựu chiến binh, nhất là thương binh đã vô tình tạo ra một nghịch lý trong cách nghĩ toàn xã hội. Ấy là khi cả xã hội đều nghĩ phải chăm lo cho thương binh, cựu chiến binh thì ở đây, các anh thương binh nặng lại lao tâm khổ tứ lo cho xã hội, nhất là lo cho người nghèo. Xã hội không thiếu nhà tình nghĩa dành cho người có công, thì ở đây các anh đầy công trạng lại lo xây những công trình làm rạng danh đất nước.

Đội văn nghệ Tập đoàn Hoà Bình gây ấn tượng mạnh trong Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ của Tập đoàn Hòa Bình. Ảnh: Lê Anh Tuấn.

Công ty Thương binh nặng Hoà Bình là doanh nghiệp và thường doanh nghiệp phải hướng đến đối tượng có tiền để tăng lợi nhuận là tất nhiên. Thế nhưng bên cạnh hai khách sạn Vàng ở Đà Nẵng và Hà Nội sang trọng và độc đáo nhất Đông Nam Á cùng các công trình đáng nể, đáng nhớ, các anh lại lo sản xuất cả nước uống và bánh mỳ ngon nhất, rẻ nhất cho đối tượng nghèo và cận nghèo ...

Có thể nói Tập đoàn Hòa Bình do ông “Đường bia” làm Chủ tịch là doanh nghiệp của những người anh hùng thầm lặng giữa đời thường. Cũng như nhiều người, tôi thích những khách sạn vàng của ông nhưng thích hơn là cái bánh mỳ và chai nước mang thương hiệu Hòa Bình. Đơn giản chỉ vì đó là những thứ ngon nhất, rẻ nhất dành cho người nghèo.

Trong xã hội, người nghèo, cận nghèo chiếm số đông chứ người giàu, có tiền ăn ở khách sạn được là mấy trừ những người được ăn ở theo chế độ công tác, hội nghị, và tất nhiên thanh toán từ ngân sách. Nghĩ đến số đông, đến những người nghèo mới thật sự là người yêu nước. Chỉ cái bánh mỳ thôi, ông “Đường bia” lặn lội tìm chuyên gia nước ngoài với mức lương cao ngất ngưởng với nguyên liệu tốt nhất nhập về nhưng giá thành sản phẩm lại cực… bình dân.

Triết lý sống của ông là người dân Việt phải được hưởng những gì các nước tiên tiến có, trước hết, nhỏ như chai nước hay cái bánh mỳ. Người có khả năng nhưng chưa đủ lực ra nước ngoài thì khách sạn của ông có bò giát vàng với giá thấp hơn vài lần giá “thị trường quốc tế” ở các khách sạn trên thế giới.

Dự án Nhà ở xã hội Hòa bình với Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, outlet V+ đang chờ được thực hiện là công trình dành cho người nghèo chưa có nhà sẽ được xây dựng với phương châm vĩnh cửu với thời gian. Không “trọng phú khinh bần”, nhà ở xã hội phải là nhà tốt nhất, được cách âm, cách nhiệt, cách tiếng ồn, tiết kiệm năng lượng với mức thấp nhất qua vách nhà bằng bê tông cốt thép chịu lực.

Những người sống ở đây đóng phí dịch vụ chỉ từ 2.000-4.000 vnđ/1m2. Với người cận nghèo, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước lương 5-7 triệu/tháng, chuyện nhà ở không còn chỉ là ước mơ viển vông khi mà Nhà nước với đội ngũ chuyên gia hữu quan thấu hiểu doanh nghiệp, thực sự lo cho dân, quyết giải quyết những bất cập tồn tại trong cuộc sống bằng cách nhìn thực tế.

Nghịch lý “Đường bia” dường như còn là mâu thuẫn giữa khát vọng và thực tiễn khi mà hiện nay, không ít nơi, ít người có trách nhiệm mỗi khi ký duyệt thường mắc vào rừng quy định và đau lòng hơn, có những người trước khi quyết định thường nghĩ sẽ được gì.

Với những khát vọng cao đẹp, sự thẳng thắn trung thực và tình yêu thương đồng loại của một doanh nhân như “Đường bia”, gặp phải chuyện “sẽ được gì” ắt mọi sự ít nhiều mất đi sự suôn sẻ. Nhưng ông Đường vẫn luôn tin vào chính mình, vào sự nghiêm minh của pháp luật và sự công minh của các cấp lãnh đạo để vượt qua những nghịch lý vốn không đáng có, không được có này.

Cũng có thể thêm một nghịch lý so với lý bình thường khi doanh nhân vốn lấy hiệu quả lời lãi là mục đích tối thượng thì ở ông “Đường bia”, kinh doanh dường như chỉ là phương tiện để trả nghĩa đồng bào, thỏa mãn lòng yêu nước. Chả thế mà ông là doanh nhân hiếm hoi quan tâm tới văn hóa nghệ thuật. Điện ảnh trao giải “Cánh diều vàng”, ông mời tới khách sạn Vàng, tài trợ 100% hoặc những buổi giao lưu với văn nghệ sĩ khi hiểu rằng kinh tế luôn và phát triển cùng văn hóa như khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Anh lính trẻ Nguyễn Hữu Đường xưa ra trận hay ông Chủ tịch - Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đường hôm nay so với hơn 90 triệu đồng bào cả nước vẫn chỉ là que diêm nhỏ nhưng que diêm này luôn cháy lên, thắp ngọn lửa yêu nước trong mình, lan tỏa sang đồng đội, cộng đồng với tình yêu và trách nhiệm công dân. Cuộc sống còn bề bộn, khó khăn nhưng mỗi người như nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng kêu gọi trong tác phẩm của mình “nếu anh không đốt lửa” thì cuộc sống sẽ ra sao ?

Và ông “Đương bia” là thế, như que diêm nhỏ cháy bùng lên không giữ lửa cho mình…

Lê Quý

Link nội dung: https://arttimes.vn/ban-doc/duong-bia-que-diem-nho-chay-bung-len-khong-giu-lua-cho-minh-c50a8000.html