Xứ Thanh trong tâm thức người xa quê

Mảnh đất xứ Thanh là một trong những chiếc nôi văn minh của người Việt cổ. Thanh Hóa có núi, có sông, có đồng bằng, có biển, ngay từ buổi đầu sơ khai con người đã tìm đến đây chọn mảnh đất này làm nơi sinh tồn và phát triển (hang Con Moong, di tích núi Đọ thời kỳ đồ đá, làng cổ Đông Sơn đã có từ 2500 năm...)

Trong quá trình quần cư hình thành nên các tộc người ứng với từng vùng địa lý khác nhau tạo nên những nét văn hóa khác nhau. Bắt đầu từ việc trú ngụ để chống chọi với thiên nhiên, rồi đến cái ăn để sinh tồn, đến cái mặc, đến cách tạo ra công cụ sản xuất, tạo ra những lề thói, hương ước... Núi sông trời đất xứ Thanh có đầy đủ mọi yếu tố nhân hòa để quyến rũ, mời gọi, tụ hội, phục vụ cho quá trình phát triển đó và để rồi mỗi khi phải xa nó (vì một lý do nào đó), miền đất này như một nỗi ám ảnh muốn tìm về những giá trị cốt lõi như một niềm tri ân, một sự phụng sự...

Người dân làng chài Sầm Sơn đánh cá. (Ảnh: Amateur Pic)

Bắt đầu từ vị trí địa lý, con người Thanh Hóa, sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Mặt Đông trông ra biển lớn, mặt Tây khống chế rừng dài. Bảo Sơn Châu (hoặc Sơn Thù) chắn hiểm ở phía Nam, (tục gọi là Eo Ống), giáp huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, núi Tam Điệp giăng ngang phía Bắc. Ở trong thì sông Mã, sông Lương, sông Ngọc Giáp hợp nhau; ở ngoài thì núi Chiếc Đũa, núi Biện Sơn che chở. Thực là một trọng trấn có hình thế tốt”.

Có thể nói, Thanh Hóa là nơi giao nhau giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, được xem như là yết hầu của nước Nam nơi cõi Bắc. Cũng chính nơi đây thế đất và trời giao hòa cùng núi sông, là nơi trăm nẻo tụ về huyệt mạch, tạo nên sự đa dạng sắc thái thiên nhiên, những thắng cảnh, những sản vật phong phú, cũng chính bắt đầu từ đó hình thành nét văn hóa ẩm thực tinh tế, từ những món ăn dân dã đến những sản vật dùng cho giới quyền quý, dùng để cung tiến vua.

Mùa nào thức nấy, người xứ Thanh đãi khách bằng sản vật được thiên nhiên ban tặng. Cho dù đi xa muôn phương nhưng những người con xứ Thanh vẫn luôn nhớ và tự hào về phong vị xứ Thanh của mình và luôn coi nó như một giá trị để hướng về.

Hình thế đắc địa như một vương quốc riêng như vậy, cũng từ đó mà hình thành nên tính cách, phong tục của người dân nơi đây. Trong An Nam chí lược của Lê Tắc trong phần Phong tục khen là: “Người sinh ra ở Giao Châu và Ái Châu thì rộng rãi, có mưu trí”. Còn trong Đại Nam nhất thống chí thì bình rằng: “Sĩ tử thích văn học, giữ khí tiết, nông dân chăm cày cấy, thợ thì có người đẽo đá là sở trường hơn cả, ít người buôn bán”.

Chính từ địa lợi, nhân hòa ấy, góp phần cho vùng đất Ái Châu trở thành nơi thiên thời cho việc xưng vương, dựng nước. Lê Hoàn tức vua Lê Đại Hành vốn quê xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa lên ngôi mở ra thời Tiền Lê (980 - 1009). Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly thoán đoạt ngôi vị nhà Trần lập nhà Hồ với tên nước là Đại Ngu, kinh đô ở thành Tây Giai, tức Tây Đô của Thanh Hóa. Từ năm 1428 - 1789 là thời kỳ tồn tại của nhà Hậu Lê. Người sáng nghiệp nhà Hậu Lê là Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh (1416 - 1428). Ông quê ở xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ

Triều đại cuối cùng của Việt Nam là nhà Nguyễn (1802 - 1945), do Nguyễn Ánh Gia Long hưng khởi, tổ tiên của ông là chúa Nguyễn Hoàng vốn bản quán ở Gia Miêu thuộc huyện Tống Sơn (xã Hà Long, huyện Hà Trung nay). Nhà Nguyễn với 13 đời vua, bắt đầu từ vua Gia Long (1802 - 1820) cho đến vua Bảo Đại (1926 - 1945).

Trong lịch sử nước Nam ta, ghi nhận chính thức có hai dòng chúa là chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Cả hai dòng chúa đều phát tích từ xứ Thanh. Chúa Trịnh thời vua Lê - chúa Trịnh thế kỷ XVI  - XVIII do Trịnh Kiểm lập nên. Ông vốn xuất thân nghèo nàn từ làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Chín đời chúa Nguyễn được lập nên sau thời chúa Trịnh. Vào năm Mậu Ngọ (1558) bản quán ở Gia Miêu thuộc huyện Tống Sơn (Hà Trung ngày nay).

Thanh Hóa là vùng đất hiếu học, người Thanh Hóa có quyền tự hào vì là nơi đã sinh ra nhiều vị đại khoa, nhân tài cho đất nước. Năm 784, khi nhà nước chưa có độc lập, hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục quê ở thôn Cẩm Cầu, xã Sơn Ôi, nay là thôn Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, Thanh Hóa đã sang tận kinh đô nhà Đường để ứng thí. Và rất tự hào, người em là Khương Công Phục đỗ Tiến sĩ, anh là Khương Công Phụ đỗ Đệ nhất giáp Đệ nhất danh (Trạng nguyên). Đây là vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta.

Năm Bính Thìn (1736) đời Lê Ý Tông, Trịnh Tuệ, người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (nay là Vĩnh Lộc) đỗ Trạng nguyên. Từ thời vua Lý Nhân Tông (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919) thời vua Khải Định, trải qua 845 năm, Thanh Hóa góp cho đất nước 204 vị Tiến sĩ, trong đó có 6 Trạng nguyên, 8 Bảng nhãn, 6 Thám hoa. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, Thanh Hóa có 10 vị làm quan Tham tụng, Tể tướng; 32 vị được phong Thượng thư (tương đương bộ trưởng).

Trong thời kỳ hiện đại Thanh Hóa có tới hàng chục nghìn tiến sĩ, nhiều người là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Nổi bật là các vùng đất học Hoằng Hóa, Quảng Xương, Yên Định, Vĩnh Lộc, Nga Sơn…

Trở lại, câu chuyện người xa quê, vì một sự mưu sinh hay một lý do khách quan nào đó, họ đành phải bỏ lại tất cả; họ mang theo với bao nhiêu những ám ảnh, có khi chỉ là bắp ngô, củ sắn lùi lúc đói, có khi là một đêm lỗi hẹn với một tình yêu tuổi học trò, một dòng sông ngụp lội, một mùa hội làng rộn rả ngày xuân, một lòng tự hào về truyền thống đã có từ ngàn xưa, một sự khác biệt giữa quê hương và nơi đất khách quê người… Tình quê hương ấy, quện vào nhau chan chứa thấm vào từng câu thơ, điệu hò, mang dấu ấn quê hương mà run rẩy trong nỗi buồn vui da diết: 

"Mới xa đã nhớ ruộng đồng 

Thương con mà chẳng đành lòng ở lâu

Run run mẹ bước lên tàu

Vị bùn vẫn thoảng áo nâu quê nhà". - (Mẹ ra Hà Nội - Lê Đình Cánh)

Hay tình cảm xa quê ấy được nhà thơ Lê Tuấn Lộc kết tinh thành bài thơ Tôi người Xứ Thanh:

"Kẻ sĩ xứ Thanh nhiều như lá trên Ngàn Nưa

Anh hùng đông như kiến cỏ

Vương triều bốn bể Đông Nam Bắc... đều có

Hiền tài rải khắp năm châu".

Và hơn thế, ông còn nhấn mạnh cái chất riêng quê mình với niềm tự hào: “Tôi người xứ Thanh/ Các con tôi đã khai sinh như thế/ Các cháu tôi mai sau vẫn khai sinh như thế/ Dù đi đâu về đâu”.

Nhà thơ Tô Nhuần, một người con sinh ra đất Quảng Thái, Quảng Xương có những dòng thơ thật cảm động trước thềm Xuân với bài thơ Con về ăn tết ở quê như sau: "Thắp nén nhang đón giao thừa nhẩm khấn/ Gọi tổ tiên về cùng thức thâu đêm”. Để rồi nhà thơ lại nhủ thầm rằng: “Mang quê nghèo ra tận đất Thăng Long”.

Còn nữa, người quê Thanh xa quê, nhìn lên Bác Hồ, nhớ Bác theo một cách riêng, mang cả tinh thần nhân dân quê hương trong họ. Ấy là nặng lòng, nhưng ấy cũng là đoàn kết trong tâm thức và tư tưởng. Tiếng lòng của nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế trong bài thơ Thanh Hóa chúng con đây thật đáng trân trọng biết bao: 

“Thanh Hóa chúng con đây

Thưa Bác !

Mảnh đất tỉnh Thanh xin dâng Người màu cờ đỏ

Là ước nguyện của đồng bào đồng chí

Thắp mặt trời hồng Việt Nam trong lăng”.

Tình cảm quê hương lại một lần nữa được khẳng định trong dịch giả, nhà thơ Lê Bá Thự khi đọc những câu thơ dằng dặc nỗi lòng trong tác phẩm Nơi sông Mã, sông Chu:

“Người quê tôi dù có đi muôn ngả

Nhớ sông Chu, sông mã lại muốn về”.

Nhà thơ Lê Văn Vọng khi đứng trước Lam Kinh ngày trở lại vẫn dặn lòng gốc rễ sinh thành:

“Tôi của dòng Lê Tổ

Nén hương dâng muộn mằn”.

Còn nhà thơ Lê Quang Sinh trong trường ca Xin làng trồng lại cây đa lại khẳng định một triết lý thiên định được cụ thể hóa bằng những hương ước truyền thống được gìn giữ và phát huy qua bao thăng trầm của lịch sử. Đó là văn hóa làng là nhân định cũng thật linh thiêng:

“Xin làng trồng lại cây đa

Thẳm xa gương mặt làng ta tụ về?

Chắp tay trước núi sông kề

Trăm năm nhân kiệt lại về địa linh”.

Ấy là tâm thức của người xa quê, thấm nguồn cội trong từng thớ thịt để những người con quê Thanh chắt chiu mà nuôi lớn hồn mình, dù họ sinh sống ở những vùng đất muôn phương.

Ảnh minh họa 

Và còn nhiều những nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo xa quê nhưng tình quê thấm đầy trang viết, tay cọ, ống kính... không thể nói hết trong khuôn một bài viết nhỏ, đó là các nhà văn Lê Minh Khuê, Trần Hiệp, Lê Ngọc Minh, Xuân Ba, Đặng Ái, Nguyễn Trường, Nguyễn Văn Hùng,  nhà lý luận phê bình Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Thanh Tâm, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, NSNA Phạm Công Thắng, nhà thơ Anh Chi, Nguyễn Hiếu...

Tôi xin kết lại bài viết này với những câu thơ thấm nỗi quê hương của nhà thơ, doanh nhân Lê Xuân Thơm, một người con của mảnh đất Đông Sơn - Thanh Hóa. Anh hiện đang sống tại Nha Trang nhưng bằng cả tấm lòng của một người Thanh đau đáu nợ quê mà anh đã, đang, sẽ trả nợ bằng ân tình của mình với quê và con người Xứ Thanh mà anh yêu dấu:

"Xuân quê ơi

Xuân đã về phải không?

Tôi xa xứ vì đi tìm ấm no cuộc sống

... Nghe tiếng pháo ran mới sực nhớ xuân về”.

Thy Lan

Link nội dung: https://arttimes.vn/goc-nhin/xu-thanh-trong-tam-thuc-nguoi-xa-que-c50a8003.html