Căn lều hoàng hôn

Truyện ngắn của Trần Huy Quang

1. Lão là người bình thường như chúng ta nhưng vì đôi mắt cứ hấp háy nên trở thành đặc biệt. Sau 20 năm chinh chiến khắp các chiến trường A B C D, từ cực Nam ra cực Bắc, và ba lần tự dự lễ mặc niệm cho chính mình, khói hương nghi ngút, nghe cấp trên đọc điếu văn cho mình trước khi xông vào bãi bom nổ chậm, Bốn may mắn không phải phục viên mà về hưu với quân hàm đại úy. Hưu thì có lương, tháng sáu triệu, nhiều người trong làng nhìn vào lão đầy ngưỡng vọng. Sướng như ông Bốn, sáng dậy bỏ chân xuống khỏi giường đã có hai trăm ngàn rồi.

Ảnh minh họa.

Dưới mắt mấy bà góa trẻ và dăm cô gái lỡ thì ngày lão mới cầm sổ hưu về, như chàng Nô trong chèo, săn lão như săn vịt, anh Bốn, anh Bốn… giọng ướt như mưa dầm, mơn trớn, âu yếm như Bốn là con mèo cưng. Lí do các thị săn đón Bốn không nhiều, các chị góa mới bốn mươi tìm một người tình, thời buổi này đã thoáng hơn với họ, các cô lỡ thì thì tìm chồng.

Lão Bốn lù còn ngon, đã năm mươi, nhưng người săn chắc như mới bốn mươi, hơn hẳn trai hoi. Cuộc đời chiến trận phong sương, da đen cóc cáy, rắn rỏi, cái năng lượng đàn ông mấy chục năm không có đàn bà, không được giải phóng còn mạnh hơn núi lửa.

Mụ Tím, các cô Quýt, cô Loan, cô Mít, cô Hẹn, cô Lan ác cảm cứ réo Tím bằng mụ, chứ Tím tuy cùng tuổi dưới bốn mươi nhưng Tím “body” hơn đứt những cô kia. Tóc thị nhuộm vàng, uốn sóng to. Con mắt đen láy, có đuôi sâu như giếng lại sắc như dao cau. Các thị réo suốt ngày bảo sao ông trời ưu ái cho con mụ ấy nhiều thứ thế. Mông thì tròn, lại nở nang, má cứ hây hây, đôi môi lại dày mới khốn nạn. Môi trên thế nào thì môi dưới như thế, thằng chó dái nào nhìn chả chết. Thế tau mới gọi là khốn nạn, hi hi… Để tau hoặc con Len, mày sấn vào Bốn lù đi, mày mới ba ba, sấn vào đi đỡ phải nuôi lợn.

Quả là mấy cô chưa chồng, góa chồng tính toán chuyện lấy chồng quá hay. Ở vùng quê làm ra đồng tiền rất khó khăn, lấy ông đại úy hưu lương tháng sáu triệu, chia đôi người tháng ba triệu, hơn nuôi lợn. Nếu người mát tay, nuôi lợn cả năm tính ra mỗi tháng chỉ được một triệu rưỡi, trồng thêm hành, cải bắp tháng cũng chỉ thêm nửa triệu nữa là hai triệu, kịch kim. Lấy lão, chưa tính làm gì thêm, tháng cầm chắc sáu triệu, đêm ngủ lại có người ôm, sự tính toán hơi trần trụi tí nhưng đó là sự thật, không đạo đức giả, quả là hơn nuôi lợn.

2. Về làng, lão Bốn ngơ ngác ngày một nhiều hơn với những thay đổi của quê hương. Hàng cây bời lời, lũy tre rợp bóng, mái đình rêu phong không còn nữa, thay vào đó là những tường rào, cổng chào cổng ngõ sáng bóng inox... Bố mẹ cũng đã khuất núi từ năm năm trước, giờ hiện diện chỉ là hai cái hậu bụt trên bàn thờ. Ngôi nhà cha mẹ nuôi bốn anh chị em lớn lên thấp bé được thay bằng ngôi nhà thò thụt kiểu Thái màu vàng nâu bóng. Tâm trạng hồi hương của người đi xa và niềm vui đoàn viên chưa hết, lão hấp háy nhìn chú em và không nỡ để lộ sự hụt hẫng trong lòng nhưng sâu thẳm lão cảm giác thấy mình chỉ như một con thú hoang.

Chú em cán bộ xã con mắt đa nghi, không còn trong như thời tiễn anh trai ra trận, xếp cho lão ngủ trên một cái gường kiểu mới trên lầu. Lầu nhưng cũng chỉ một gian nhỏ, là chỗ học của thằng con đầu. Đêm đầu tiên về ngủ trên mảnh đất chôn rau cắt rốn mà nửa đêm nghe tiếng sương rơi xuống mái tôn từng giọt đều đều, lão nghĩ mình như đang ở trọ nơi xa lạ.

Cô em dâu khi Bốn đi bộ đội có lẽ chỉ học lớp một, con nhà ai có nhắc đến tên lão cũng không nhớ nổi, đôi mắt lúng liếng của tuổi hồi xuân làm lão bối rối, đối xử với lão chu tất giống như chủ quán cơm bình dân chiều chuộng thực khách. Ăn nói quá ngọt, đưa đẩy hơn cả khéo léo gây cho lão Bốn nhiều bất an, càng cảm thấy mình chỉ là con mèo hoang. Trong một buổi chiều đầy sương mù, chú em ở cơ quan xã về mặt đăm đăm nói với Bốn, dàn xếp để cho anh một mảnh đất làm nhà mà không xong.

- Đất ở bây giờ phải đấu giá hàng mấy tỉ cơ.

- Tỉ thì tôi không có nổi, tôi chỉ dăm chục triệu thôi - lão Bốn thở dài, ánh mắt hấp háy lộ vẻ chán nản.

- Hay là anh dựng một cái nhà ở ngoài bãi cát sát bờ biển.

- Hoang vu thế, một mình giữa rừng dương à, ở với ai?

- Thì một mình anh, ở chiến trường, xưa nay vẫn thế… Giờ anh về với làng với bà con láng giềng, tình làng nghĩa xóm, huynh đệ, là thứ mà anh lâu không có, anh chỉ có tình đồng chí, đồng đội.

- Sao lại bắt anh như vậy?

- Anh đã mang cái sứ mệnh cao cả, sao anh không làm tiếp sứ mệnh ấy cho trọn đời lại quay về?

- Ý chú là thế nào?

- Là anh nên làm cho tròn sứ mệnh người chiến sĩ trên sa trường, chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng và nằm xuống trên bãi chiến trường giữa khói súng, da ngựa bọc thây, một cái chết lẫm liệt…

Trên đầu lão là bầu trời trong xanh mà khi nghe những lời lẽ oai hùng của người em ruột thịt, lão tưởng như nghe tiếng sấm giữa trời quang. Lão thừa hiểu gió mây cuộc đời, cũng thừa hiểu mưu chước thời thế và cũng thừa hiểu sự biến đổi sắc màu của đạo lí. Qua bao tình huống một sống mười chết, lão Bốn như sa vào chỗ không sinh không diệt, lão ở giữa ranh giới sống chết, lão vô minh vô thức, thản nhiên đứng lên nghe tiếng con chào mào hót và cảm thấy trò diễn này không chỉ có hài. Vấn đề là định mệnh không cho lão đi đến tận cùng cái vai mà lão đóng trong tích chuyện đó.

Thường là buổi chiều Bốn hay ngắm hoàng hôn, mà hoàng hôn ở đây rất đỏ, cũng là lúc lão cảm thấy rõ nhất là mình bị lạc. Viên đại úy chứ đâu phải thường, từng cầm một tiểu đoàn quân bạt ngang mấy xã, quân địch tan rã tháo chạy. Thế mà viên đại úy ấy còn lại một mình, không chiến bào, không gươm đao, không kẻ địch.

Đơn độc, tê liệt, chiến bại.

Lão ra khỏi cuộc chiến hay cuộc chiến loại bỏ lão cũng vậy, lão về đây, về với đời thường, hóa ra không hợp thời, không hợp tình và không hợp lí. Mà cái lí có biến đổi chóng mặt thì vẫn là cái lí. Hoàng hôn sao đỏ đến thế, như máu tươi, lão thấy xót xa thương mình. Một chỗ nương thân cuối cùng cũng không có. Thế gian chật chội đến thế ư? Hay lòng người?

3. Lão tìm đến chỗ được tán tỉnh, được mồi chài, mơn trớn và tí chút chiều chuộng vờ vịt. Gắng tìm một chút an ủi khi nắng hoàng hôn còn rơi ít sắc vàng trên tít ngọn cây, mong manh đến mức làn gió nhẹ cũng mất. Cô Na, cô Thà thấy lão lò dò đến cười như mếu, chút tình bẽ bàng săn như săn thỏ. Ba người uống chút rượu làng, mong câu chuyện tình tang bốc hơi men nhưng tình lại nhiều tính toán, càng lúc càng nhạt, rượu có nồng uống mãi cũng không say. Cả ba cái cô đơn cộng lại khi bá vai, khi bá cổ, khi cười đến nghiêng ngả cuối cùng không xóa được sự gượng gạo, cái nhạt bên trong cứ đùn ra hết. Lúc các chén rượu còn đầy mà cuộc vui đã tàn, khi hai người đẹp không biến thành bướm mà thành tiên mọc cánh bay đi thì lão mới nhận ra trong đáy lòng mình còn chút cảm tình với Tím.

Tím hồng hào xinh xắn và vô tư hơn những Na, Mít, Hẹn, đã đành nhưng thị thương Bốn đến quặn lòng khi lão đưa Tím đến bờ sông gió lộng và cạnh một triền đê dài chỉ vào cái thuyền mỏng như chiếc lá nằm đung đưa nép bên bờ sông và nói với Tím, đây là cơ ngơi nhà cửa sau một đời chinh chiến của tôi. Từ nay tôi không phải ăn nhờ ở đậu nhà ai nữa. Tím sau một hồi ngơ ngác nhìn con thuyền bé nhỏ, chợt nấc lên rồi ôm mặt khóc.

Thị khóc như nỗi sầu thương của cả đời thị cô lại, Thị hét lên như nỗi thống khổ của riêng mình: “Sao đến nông nỗi này hả anh?”. Trong tiếng khóc sụt sùi như mưa giông, “Sao đến nông nỗi này hả anh?” cứ như điệp khúc của bài sầu ca của người đàn bà. Mặc cho gió như muốn thổi bay cả triền đê tiếng khóc của thị làm lòng lão ướt nhũn, lão dịu nhẹ nói với người tình:

- Thì tôi biết làm sao được? Khi mọi sự đã an bài, cuộc đời này chật chội quá, không còn chỗ nào cho tôi.

- Nhưng mà làm sao không có chỗ cho anh sống kia chứ? Anh đâu to lớn kềnh càng mà chiếm chỗ người khác, ăn nói nhỏ nhẹ, hít thở không khí như mọi người.

- Không phải vậy, chỉ là tôi bị lạc, lạc trong đám sương mù hơi lâu. Đáng lí tôi đi tiếp cho mãn cuộc, hoặc nằm lại chiến trường như đồng đội để xứng đáng sứ mệnh lẫm liệt của người lính.

Đêm ấy họ không về nhà và cũng không xuống chiếc thuyền mà sạp che đã bạc phếch, họ tựa vào nhau phía triền đê, lúc lúc thị lại hỏi: “hừng đông rồi hả anh?”.

Rồi trời cũng hửng sáng, nàng Tím lên xe máy còn lưu luyến nhìn lão rồi về trong làn sương sớm bàng bạc dọc bờ sông. Từ đó họ có nhau, dù hai người như ở hai thế giới khác nhau. Làm gì cũng có nhau, dính như sam. Lần đầu tiên lão Bốn bảo cô ngủ lại đây, về muộn quá rồi. Tôi đi ngủ nhờ chỗ khác. Tím không nói gì nên lão quay lưng định đi. Tím vội bước theo ôm ghì lấy lưng lão. Ôm rất chặt mặt gục vào lưng lão, thút thít. Khi ấy lão Bốn lù không biết làm gì, trong lòng hơi hoảng, bao nhiêu năm không động đến đàn bà, làm gì lúc nhạy cảm nhất đây, bị ăn tát không biết chừng. Người lính già chỉ mỗi bom đạn trận mạc, còn trận mạc này chưa biết gì, chưa trải nghiệm. Mãi sau lão nói:

- Để tôi đi, người ta dị nghị khổ cô.

Đã được gái ôm như thế mà lão hâm không biết làm gì, còn định bỏ đi. Tím điên tiết lắm:

- Biến thì biến ngay đi, anh có còn là thằng đàn ông nữa không?

Lão Bốn cảm thấy như mình bị xúc phạm. Thằng lính bao nhiêu năm vào sinh ra tử chưa ngán thứ gì nha. Bắn xa hay giáp lá cà, dù tay không, lão còn cho kẻ thù ngoẻo trước dăm ba đứa, có chết thì lão chết sau. Bốn lù từ từ quay lại, dù trong bụng ngứa ngáy và hỗn loạn lắm, vừa muốn tẩn tan xác con đàn bà này, vừa e nó không thích sự bạo liệt của lão, dù lão cũng từng vụng trộm chớp nhoáng nhiều lần. Cô chưa biết một điều, lão dừng lại ngắc ngứ, không nói thêm mà người đàn bà cũng không cần hỏi thêm điều gì.

(còn tiếp)

Link nội dung: https://arttimes.vn/van-tho/can-leu-hoang-hon-c55a8781.html