Thao thức khúc tráng ca "Bình minh đỏ" của Nguyễn Sĩ Đại

Được nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại mời xem công diễn vở kịch hát Bình minh đỏ (hay là câu chuyện một buổi sáng Truông Bồn), tôi và một số bạn háo hức đón chờ xem và cùng nhau bàn luận. Đây là khúc tráng ca khiến người xem rưng nước mắt và thao thức. Thao thức mãi bởi vô cùng tiếc thương, cảm phục và tri ân những người con gái con trai "Đẹp như hoa hồng rắn hơn sắt thép" (Nguyễn Mỹ). Các anh chị đã sống kiên cường, hy sinh anh dũng cho sự sống của con đường huyết mạch ra chiến trường với tinh thần“Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Sau vở kịch Khoảng trời con gái tái hiện cuộc sống và tri ân các cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại viết vở kịch về các cô gái Truông Bồn. Ròng rã bốn năm, vở kịch hát hoàn thành và được công diễn, truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Nhân dân và một số kênh khác vào hồi 20 giờ ngày 29/10/ 2022 nhân kỷ niệm 54 năm - Bản hùng ca huyền thoại Truông Bồn. Vở ca kịch do Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An diễn đã làm sống lại thời khắc bình dị, thiêng liêng và quả cảm của người chiến sĩ, liệt sĩ Truông Bồn - điểm nhấn đặc biệt trong buổi lễ hoành tráng ấy.

Vở kịch gồm hai hồi với một số cảnh cùng sự xuất hiện của 20 nhân vật có tên tuổi, chưa kể một số nhân vật khác. Bối cảnh xảy ra trong vở kịch là những năm 1965 - 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, phản ánh hiện thực đau thương nhưng hào hùng, tập trung ở tiểu đội thanh niên xung phong thuộc đại đội 317.

Những năm đó, đế quốc Mỹ bắn phá, ném bom miền Bắc vô cùng thảm khốc. Truông Bồn, một địa danh đèo dốc có chiều dài 5km, cao tầm 70 mét, nằm trên tuyến đường ra mặt trận qua địa phận thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng nối các tuyến đường từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Vở kịch mở ra ở thời điểm hiện tại, một nữ phóng viên – là sự hóa thân của tác giả - kể lại với người xem, bạn đọc những dự định hằng ấp ủ bấy lâu nay: “Tôi phải viết về Truông Bồn/… Cho thế hệ tôi và những thế hệ sau này?”.

Thao thức khúc tráng ca "Bình minh đỏ" của Nguyễn Sĩ Đại - 1

Một cảnh trong vở diễn 

1. “Nhưng đánh giặc có cần chi đợi tuổi”

Đó là thông điệp chính của hồi I. Cảnh Văn phòng Huyện Đoàn Đô Lương, một số người khám sức khỏe tuyển Thanh niên xung phong (TNXP), cô gái tên Nguyễn Thị Văn 16 tuổi ba tháng, bị anh cán bộ từ chối. Văn đã dùng nhiều chiến thuật, đủ lời lẽ để thuyết phục. Cuối cùng cô chất vấn lại: “Đúng là em còn trẻ tuổi đời/ Nhưng  đánh giặc có cần chi đợi tuổi?”. Anh cán bộ phải chịu thua, đồng ý tuyển cô, yêu cầu cô viết thêm một đơn tình nguyện và cam kết ba khoan (Khoan yêu, khoan cưới, khoan đẻ). Văn mừng rỡ viết ngay và được chấp nhận nguyện vọng, mọi người chúc mừng ríu rít rồi cùng về chuẩn bị lên đường.

Tiếp theo là cảnh đám cưới tập thể của ba cặp đôi còn rất trẻ. Các anh chị đều quê Nghệ An. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã rất sáng tạo khi dùng thi liệu là bài thơ Đám cưới ngày mùa của Phan Thị Thanh Nhàn và một đoạn bài thơ rất hay trong Đám cưới giữa mùa xuân, của nhà thơ Viễn Phương. Anh Hạp nói với cô dâu - vợ mình và các bạn trong đám cưới - đó cũng là lời anh tâm niệm với chính mình: 

“Càng yêu nhau, xin hứa càng phấn đấu/ Để xứng đáng với tình yêu và truyền thống của quê hương/ Đất Nghệ An, đất Xô viết anh hùng”. Chị Hoan, vợ Hạp, đáp lời chồng, cũng là đại diện những người ở lại hứa với người đi xa: “Anh ơi anh, anh ra đi đá mềm chân cứng/ Em ở nhà giữ vững hậu phương/ Trăng kia khi khuyết khi tròn/ Tình em vành vạnh sắt son đợi chờ…”. Cưới hôm trước, hôm sau các anh lên đường lên trong ngập tràn hạnh phúc, niềm tin: “Ra đi giữ trọn lời thề/ Đánh thắng giặc Mỹ trở về quê hương”. 

2. Buổi liên hoan chia tay đặc biệt của đại đội 317

Đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc, Truông Bồn đã bị trút xuống 20 nghìn quả bom các loại, hàng chục ngàn quả tên lửa, mỗi mét vuông đất nơi này hứng tới ba quả bom, có 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tiêu biểu nhất là 13 thanh niên xung phong Đại đội 317.

Vào ngày 30/10/1968, chỉ một ngày trước khi lệnh ngừng ném bom bắn phá miền Bắc của Tổng thống Mỹ có hiệu lực - các anh chị có một buổi liên hoan thật vui. Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Thỏa phổ biến: “Buổi sinh hoạt của đơn vị hôm nay là để chia tay với các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương và các đồng chí có giấy gọi vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường lái xe, có đồng chí xuất ngũ”. Ai cũng xúc động, những gương mặt bừng sáng. Anh Thỏa còn thông báo về lệnh ngừng bắn của Mỹ và tin chiến thắng của quân dân ta: “… Chúng ta đang ở trong Chiến dịch 100 ngày đường phải thông, xe không tắc rất khẩn trương…”.

Sau ý kiến của thủ trưởng, Nguyễn Thị Văn tự hào nói về Lê Lợi thắng giặc Minh và đọc một số câu trong bài Bình Ngô đại cáo. Đinh Thị Vinh hát bài Chỉ còn đêm nay”vô cùng xúc động. Bài hát dạt dào xúc cảm ấy khơi nguồn để Nguyễn Tâm Cớn bộc bạch nỗi lòng sâu kín qua những vần thơ gan ruột qua điệu dân ca quen thuộc: 

“Tôi lớn lên cũng ăn sắn ăn khoai/ Nhà dột nát, ruộng đóng vào hợp tác/ Mà lý lịch ghi “thành phần bóc lột/ Tôi ra đời mang một án chung thân/ Đơn vị đã điều tra lý lịch mấy lần/ Cả mấy lần địa phương đều ghi “Con địa chủ không thể nào vào Đảng…”. Vì thế, anh vừa hoàn thành nghĩa vụ thanh niên xung phong, lại viết đơn tình nguyện thêm ba năm nữa, khẳng định tấm lòng trung với Đảng và Bác Hồ. Nhân vật anh Cớn, cô Văn, anh Hạp để lại nhiều cảm xúc và suy ngẫm với người xem.

3. “Máu nóng thanh xuân đã gửi lại Truông Bồn”

Cảnh Buổi sáng cuối cùng”, “bầu trời u ám, bóng đêm không nhìn rõ mặt người, từng đoàn xe cắm lá ngụy trang rùng rùng ra trận. TNXP đang hối hả san lấp hố bom trong tiếng hát “Cô gái mở đường”. Đoạn đối thoại giữa Nguyễn Thị Tâm với bạn cho người đọc, người xem thấy được cuộc sống của các nữ TNXP thiếu thốn gian khổ nhưng đầy ắp tình yêu thương. Các chị em nhường nhịn, chia sẻ cho nhau từng món đồ nhỏ nhưng thật cần thiết với các cô gái xa nhà. Đám đông các cô vẫn đùa vui.

Lúc hơn 6 giờ sáng, có tiếng súng báo động, rồi báo động dây chuyền: Bầu trời xuất hiện hàng đàn quạ Mỹ. Bom ào ạt trút xuống Truông Bồn. Tiếng bom rung chuyển cả núi đồi. Bầu trời lả tả rơi xuống những mảnh áo, những lưỡi xẻng, cành cây, những mảnh nón mũ. Cả Truông Bồn ngập trong đau thương, chết chóc. Bom vừa ngớt, khói bom chưa tan, một nữ TNXP hớt hải chạy ra. Đó là Lê Thị Hường: “Có ai còn sống không? Có ai còn sống không?”. Tiếng hô gọi thảm thiết vọng dài vào rừng núi, vọng sâu vào tâm trí người xem. “Trời ơi, sao mà im lặng thế này, chết hết rồi sao? Chết hết cả rồi sao?” (nhân vật khóc).

Bỗng từ đất trồi lên hai người, đó là chị Thao, chị Minh. Đầu tóc, cả người lấm đầy bùn đất. Ba người ôm lấy nhau rồi thả ra, đi về ba phía: cùng kêu: “Có ai còn sống không? Đang ơi, Hiên ơi, Vinh ơi, Dung ơi… Có ai còn số..ố..ng khô…ông?”.  Tay hối hả như điên bới đất tìm kiếm, tìm được Thông, mọi người đặt cô lên nền đất. Vừa lúc có một đơn vị bộ đội mình đầy lá ngụy trang hành quân qua Truông Bồn. Chỉ huy đơn vị bộ đội nói với đại đội trưởng Thỏa: “Chúng tôi phải hành quân gấp” rồi truyền lệnh: “Hành quân gấp qua trọng điểm”. Người chỉ huy bỏ lại túi thuốc cá nhân của mình. Nhiều đồng chí trong đơn vị làm theo. Có đồng chí đi qua còn chạy lui để lại hai hộp sữa.

Đó là những chi tiết đắt giá nói về tình cảm con người, đặc biệt là bộ đội và TNXP trong chiến tranh. Sau bom, đơn vị tiếp tục tìm kiếm. Sân khấu hoàn toàn im lặng. Hai thi thể còn ấm của Cao Ngọc Hòa và Đinh Thị Vinh được bới ra… Đoạn diễn như một lớp kịch câm bày tỏ sự gấp gáp cứu thương và tình cảm tiếc thương). Nguyễn Xuân Thỏa:  “Thế là qua hai ngày đêm, mới tìm được 6 người, còn 7 người nữa ở đâu. Các em ơi, các đồng chí ơi, có linh thiêng thì chỉ cho chúng tôi chỗ các em nằm, để đơn vị đưa các em về với quê hương, với mẹ”… Mảnh đất này, sự sống và cái chết cách nhau rất mong manh. Các anh chị đã thực hiện khẩu hiệu: "Sống bám cầu, bám đường - Chết kiên cường dũng cảm", "Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc".

Sống, chiến đấu trong bom đạn hiểm nguy, vượt qua bao vất vả, thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa san lấp, đắp đường, làm cọc tiêu sống đảm bảo đường thông suốt cho xe ta ra chiến trường. Nhưng giờ đây các chị, các anh đã ngã vào lòng đất mẹ. Tiểu đội thép Truông Bồn có 14 người, 12 nữ và 2 nam. Hy sinh 12 nữ, 1 nam; tất cả đều rất trẻ, o Hoài: 17 tuổi 3 tháng, 14 ngày. Đa số những thanh niên ấy chưa một lần hẹn hò, chưa một lần biết hơi đàn ông. Đúng là các cô gái chàng trai "Đôi môi tươi đạn xé/ Chưa bao giờ được hôn" (Pê – tô –phi). Ngôn ngữ kịch khắc sâu điều đó qua những lời ca ngọt lịm “Em 17 tuổi chị 20/ Ước mơ khát vọng khép lại rồi/ "Đâu chỉ có bình minh của trời và đất/ Các chị các anh đã làm nên bình minh đỏ của riêng mình".

Cảnh cuối là: Thông điệp gửi mai sau, tái hiện ban thờ của nhiều gia đình đều có chân dung liệt sĩ. Những người mẹ và người thân liệt sĩ trong cuộc sống hôm nay chưa bao giờ quên những người đã đi xa. Vở kịch kết thúc bằng hình ảnh nữ phóng viên tái xuất hiện cùng lời thoại: “Những kẻ sống tầm thường, sẽ biến khỏi cuộc đời vô tăm tích/ Những người chết anh hùng được lịch sử lưu danh/ Là ngọn cờ vẫy gọi những đoàn quân/ Là năng lượng những ngàn năm tích lại/ Là những gì ta gọi Việt Nam ơi…”.

Vở kịch hát Bình minh đỏ của Nguyễn Sĩ Đại làm sống dậy truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm của người chiến sĩ, liệt sĩ Truông Bồn. Những vần thơ lấp lánh vẻ đẹp của tấm lòng yêu quý, ngưỡng mộ và tri ân của tác giả được những làn điệu dân ca xứ Nghệ chắp cánh khiến nhiều người xúc động. Mong sao những tác phẩm giàu giá trị lịch sử và nhân văn như thế này được chọn đưa vào chương trình giáo dục môn văn ở bậc trung học, mong sao lớp trẻ hôm nay hiểu rõ và học tập, noi gương và phát huy truyền thống vẻ vang của thế hệ ông cha.   

Nguyễn Thị Thiện

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.