Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến sẽ hoạt động ra sao?

Đây là trung tâm chính thống của nhà nước để phát hành và phổ biến phim Việt Nam, gồm các thể loại phim truyện, phim tài liệu, hoạt hình… Trở thành nơi lưu trữ và cung cấp nguồn phim do nhà nước đầu tư đặt hàng sản xuất cho các Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh địa phương phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Đáp ứng nhu cầu xem phim trực tuyến của khán giả Việt Nam

Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến được Bộ VHTT và DL thành lập để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và chức năng như: Phát hành, phổ biến, kinh doanh và lưu trữ các tác phẩm điện ảnh Việt Nam và nước ngoài; Hỗ trợ và kết nối với các trung tâm văn hóa - Điện ảnh của các địa phương trên toàn quốc; Là địa chỉ giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Việt Nam một cách chính thống đến kiều bào nước ngoài và bạn bè thế giới, góp phần quảng bá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam;

Trở thành trung tâm chính thống của nhà nước để phát hành và phổ biến phim Việt Nam gồm các thể loại truyện, tài liệu, hoạt hình; Trở thành nơi lưu trữ và cung cấp nguồn phim do Nhà nước đầu tư đặt hàng sản xuất cho các trung tâm văn hóa - điện ảnh địa phương phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến sẽ hoạt động ra sao? - 1

Đề án “Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến” đang trong quá trình soạn thảo.

Dự kiến cung cấp tối đa 100 giờ phim/năm, trong đó phim Việt Nam 80 giờ/năm, phim nước ngoài 20 giờ/năm. Phấn đấu có doanh thu với lượt truy cập bình quân 3.000.000 lượt/ năm đạt 1.500.000 thuê bao có trả tiền/ năm từ năm thứ tư để bù đắp chi phí vận hành của hệ thống.

Về nhu cầu phát triển, trung tâm duy trì khoảng 3.000 - 4.000 phim trong dữ liệu lưu trữ, trong đó phim Việt Nam thuộc các thể loại phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình có 2517 (kiểm tra) phim. Còn phim Việt Nam mới và phim nước ngoài hàng năm có khoảng 100 - 120 (kiểm tra) phim.

Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến sẽ hoạt động ra sao? - 2

Hội thảo “Xây dựng trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Cục Điện ảnh tổ chức diễn ra đầu tháng 8 năm 2022.

Về tiến độ hoạt động: Giai đoạn 1: từ 2022 - 2027 Nhà nước cấp 1 phần kinh phí xây dựng đề án đầu tư ban đầu; Giai đoạn 2: từ 2028 - 2030 Nhà nước cấp 1 phần kinh phí phấn đấu đạt từ 1.000.000 lượt truy cập kênh, từ 500.000 thuê bao có trả tiền/ năm. Cung cấp tối đa 5.000 giờ phim/ năm; Giai đoạn 3: từ 2031 tự đảm bảo chi phí vận hành phấn đấu đạt từ 3.000.000 lượt truy cập kênh, từ 1.500.000 thuê bao có trả tiền/ năm. Cung cấp tối đa 10.000 giờ phim/ năm.

Phát hành phim trực tuyến là xu hướng nổi bật hiện nay

Hiện nay toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang xâm nhập, ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống và hầu như đã len lỏi vào mọi ngóc nghách của kinh tế, văn hóa, xã hội đến khoa học, giáo dục, tôn giáo. Trong đó, lĩnh vực truyền thông, giải trí nói chung và điện ảnh nói riêng cũng không nằm ngoài những xu hướng hiện đại này.

Thói quen trong tiêu dùng, giải trí, hưởng thụ cuộc sống của người dân trong xã hội hiện đại đang là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở tất cả các khâu của nền công nghiệp điện ảnh diễn ra nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Việc phát hành phim trực tuyến trong lĩnh vực điện ảnh là một trong những xu hướng tất yếu và nổi bật hiện nay.

Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến sẽ hoạt động ra sao? - 3

Nhu cầu xem phim trực tuyến của khán giả Việt Nam ngày càng lớn.

Trong nhiều thập kỷ qua, việc phát hành phim luôn được thực hiện theo phương thức truyền thống, tức là chiếu tại rạp. Tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng và bao trùm của nền tảng công nghệ số hóa, cùng các yếu tố rủi ro về thiên tai dịch bệnh, hay nhiều yếu tố bất thường khác đã dần thay đổi thói quen của khán giả với việc hưởng thụ các tác phẩm điện ảnh. Hiện nhiều hãng phim lớn đã có những lựa chọn giải pháp như vừa phát hành phim tại rạp cùng lúc phát hành phim trực tuyến như: Smart TV, điện thoại, máy tính… với độ phủ sóng rộng khắp.

Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến sẽ hoạt động ra sao? - 4

Một cảnh trong bộ phim "Đến hẹn lại lên" - một bộ phim đặc sắc của nền điện ảnh Việt Nam.

Việc khai thác chiếu phim trên nền tảng không gian mạng sẽ góp phần quảng bá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Một hướng tiếp cận, hiệu quả là giao lưu điện ảnh quốc tế, tham dự các liên hoan phim, sự kiện điện ảnh được tổ chức trực tiếp hay trực tuyến. Sự phát triển của công nghệ giúp các bộ phim dễ dàng được quảng bá tới người xem nhanh chóng, tích cực, tạo diện mạo, phong cách thụ hưởng mới trong giao lưu quốc tế cho lĩnh vực điện ảnh.

Từ các vấn đề đặt ra như vậy, việc chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên internet kết hợp với các nền tảng, chương trình phổ biến, phát triển điện ảnh cần được Nhà nước đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nền điện ảnh Việt Nam. Vì vậy việc xây dựng đề án Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến thực sự là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đầu tháng 8 năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo “Xây dựng trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến” tại TP.HCM. Hội thảo tập trung thảo luận nhiều vấn đề: Vai trò của việc xây dựng trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến trong các ngành công nghiệp văn hóa; Tính cấp thiết của việc số hóa phim do Nhà nước sở hữu, giá trị khoa học và thực tiễn; Xu hướng phát triển, kinh nghiệm xây dựng, quản lý và vận hành hoạt động phát hành, phổ biến phim trên các ứng dụng trực tuyến, các bài học trong và ngoài nước; giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nhân sự vận hành và khai thác phim trực tuyến…

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất