Văn hóa và nghệ thuật đã có phép màu cho sự cảm thông và tha thứ

Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI, sáng 10/11, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Điện ảnh – kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa”. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ sĩ, người hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế.

Dự hội thảo có: Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc Park Ki Yong; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Bình, Tuyên Quang… cùng đông đảo nghệ sĩ, người hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế.

Văn hóa và nghệ thuật đã có phép màu cho sự cảm thông và tha thứ - 1

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh Phạm Hằng 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, đây là diễn đàn để các nhà hoạt động điện ảnh, nghệ sĩ tham gia Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI chia sẻ những kinh nghiệm trong việc kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa của mỗi quốc gia thông qua các tác phẩm điện ảnh; khẳng định vai trò của điện ảnh trong việc kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa của mỗi quốc gia nói chung và văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói riêng đến với khán giả trong nước và nước ngoài.

Chú trọng tính giáo dục và giá trị nhân văn ở tác phẩm điện ảnh 

Tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định, bằng con đường cảm nhận nghệ thuật nghe - nhìn, các giá trị văn hóa đã được lan tỏa, thẩm thấu từ phim ảnh đến mọi đối tượng khán giả. Mỗi bộ phim chất lượng có tính hấp dẫn cao thường mang đến cho người xem những xúc cảm, những bài học đạo lý, những cách ứng xử tinh tế rất nhanh nhạy và có độ thấm sâu, độ lan tỏa rộng lớn.

Văn hóa và nghệ thuật đã có phép màu cho sự cảm thông và tha thứ - 2

 PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh Phạm Hằng 

Lấy dẫn chứng từ điện ảnh Hàn Quốc, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết: "Nhiều năm nay, các đồng nghiệp điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc tham gia khá tích cực vào lĩnh vực làm phim truyện truyền hình ở Việt Nam. Không ít người trong số họ đã quan niệm rằng, cha ông họ (tức là những người lính trong quân đội đánh thuê từng tham chiến ở miền Nam nước ta hồi kháng chiến chống Mỹ) đã gây ra nhiều tai họa với nhân dân Việt Nam nên trách nhiệm hiện tại của họ là phải làm gì đó để chuộc bớt lỗi lầm này".

“Văn hóa và nghệ thuật đã có phép màu cho sự cảm thông và tha thứ. Đó là điều mà phim ảnh Hàn Quốc đã làm được trong nhiều năm nay tại Việt Nam”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết thêm, ở Nhật Bản, việc sử dụng phim ảnh để giáo dục lòng yêu nước, tự tôn dân tộc là một tiêu chí được đặt ra như một hoạt động thường xuyên. Và họ cho rằng, đấy là phương pháp truyền tải thông tin giáo dục quốc dân vào loại hiệu quả nhất, bởi nghệ thuật nghe nhìn đã đem đến cho khán giả những điều “trăm nghe không bằng một thấy”.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng điện ảnh Việt Nam nên học hỏi các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, đưa những nét văn hóa đặc sắc, hiện đại vào các bộ phim để lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống cũng như hiện đại của đất nước.

“Nhật Bản – một trong những quốc gia sớm đưa phim ảnh vào chương trình bắt buộc trong việc giảng dạy lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở các trường học. Bao giờ điều này sẽ được hiện thực ở nước ta?”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú đặt vấn đề.

Điện ảnh mở cánh cửa giao lưu văn hóa

Ở góc độ của người làm phim, nhà văn, nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy nhận định, quảng bá văn hóa qua tác phẩm điện ảnh là cách quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất, tác động mạnh mẽ nhất và ngay lập tức tới số đông công chúng.

“Tất nhiên chúng ta cũng có thể kể đến các loại hình khác như văn chương, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc… mỗi thể loại đều có sức lan tỏa, ảnh hưởng riêng. Sở dĩ nói điện ảnh có sức quảng bá mạnh nhất là bởi vì ở trong nó có bóng dáng của nhiều loại hình cộng lại: có văn chương, có nhiếp ảnh, có âm nhạc… Đặc trưng thể loại cũng khiến cho công chúng tiếp nhận văn hóa thông qua điện ảnh thuận lợi hơn”, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết.

Văn hóa và nghệ thuật đã có phép màu cho sự cảm thông và tha thứ - 3

Nhà văn Đỗ Bích Thúy phát biểu tại hội thảo. Ảnh Phạm Hằng

Nhà văn lấy dẫn chứng từ sự thành công của bộ phim Chuyện của Pao (được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy, đạt giải Cánh diều vàng năm 2005), ngôi nhà nơi đạo diễn Ngô Quang Hải lấy làm bối cảnh chính của bộ phim giờ đây vẫn đang là một điểm dừng chân không thể bỏ qua trên cung đường khám phá vùng núi đá Hà Giang. Người Mông đã được biết đến nhiều hơn, vùng Mông đã trở thành một điểm đến mà những người yêu thiên nhiên, yêu văn hóa dân tộc thiểu số khao khát đặt chân. Bộ phim đã góp phần rất lớn vào việc thay đổi diện mạo một vùng đất theo hướng tốt đẹp hơn.

“Cái mà một tác phẩm điện ảnh hướng tới khi đi sâu vào những đề tài đậm chất văn hóa chính là giới thiệu một cách tinh tế và sâu sắc cái vùng văn hóa ấy tới số đông công chúng ở ngoài kia, ngoài vùng đất được nói tới. Tôi hình dung điện ảnh như một cánh cửa mở ra lối vào một vùng văn hóa”, nhà văn Đỗ Bích Thúy nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với nhà văn Đỗ Bích Thúy, Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, điện ảnh có thể xem là một phương tiện truyền thông hữu hiệu.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải nhấn mạnh: Từ khi điện ảnh xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 19 đến nay, dù ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào, điện ảnh vẫn luôn là “tấm gương” phản chiếu sống động các khía cạnh của đời sống xã hội từ đạo đức, nếp nghĩ, lối sống, ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật… qua đó, điện ảnh đã có những đóng góp tích cực trên nhiều bình diện khác nhau, một trong những giá trị đó, không thể không kể đến việc quảng bá về giá trị văn hóa , di sản đến với công chúng, thông qua đó, thúc đẩy du lịch phát triển.

Văn hóa và nghệ thuật đã có phép màu cho sự cảm thông và tha thứ - 4

Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu. Ảnh Phạm Hằng 

Khi lượng du khách tìm đến với những vùng đất, những địa điểm, di sản văn hóa gắn với một câu chuyện, một bộ phim điện ảnh nào đó sau khi được công chiếu ngày một tăng, kéo theo các hoạt động dịch vụ du lịch phát triển đồng hành để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Giữa chính quyền, cộng đồng dân cư, các công ty, đơn vị lữ hành trong nước cũng như lữ hành quốc tế cùng kết nối với nhau, xây dựng những tour tuyến phục vụ du khách, cùng nhau bảo tồn, phát huy các giá trị di sản hóa, xây dựng chỉnh trang cơ sở vật chất - hạ tầng, nâng cấp cơ sở lưu trú, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; hình thành các sản phẩm văn hóa, du lịch mới từ nghệ thuật biểu diễn, sản phẩm lưu niệm, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng… Từ đó, giúp cho các nhóm người dân trong cộng đồng, kết nối, hỗ trợ nhau cùng kinh doanh phát triển, phát huy hơn nữa tính gắn kết cộng đồng vốn có của dân tộc Việt Nam. Tăng cường mối quan hệ, giao lưu gắn kết, mở rộng đối tác với nước ngoài…

“Bằng cách này, điện ảnh không chỉ trở thành cầu nối giữa con người với con người, con người với văn hóa trong nước mà những vùng đất khác nhau từ khắp các châu lục. Điện ảnh ở các quốc gia Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đã rất hiệu quả khi quảng bá những hình ảnh về văn hóa, ẩm thực, trang phục, thu hút khách du lịch và các ngành kinh doanh khác. Đây là kinh nghiệm quý đối với điện ảnh Việt Nam”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nói.

Hội thảo cũng giới thiệu tiềm năng về việc cung cấp các dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó nhấn mạnh đến các chính sách khuyến khích đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến Việt Nam thực hiện sản xuất phim theo Luật Điện ảnh mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Nhiều ý kiến tâm huyết mong muốn sự kết nối, hợp tác của các địa phương, cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp để tạo điều kiện cho các đơn vị, nhà làm phim khảo sát, khám phá và làm phim thuận lợi…

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất