Chạm vào đêm họa mi....

(Bốn đoản khúc về “Đêm họa mi”, thơ Lê Anh Phong, Nxb Văn học, 2022)

Mười năm cùng Nàng Thơ

Với nhà thơ Lê Anh Phong, tôi là đồng nghiệp cả trên hai phương diện - nghề dạy học và nghiệp viết văn. Tôi thì chuyên chú phê bình văn xuôi, còn Lê Anh Phong say đắm Nàng Thơ. Âu cũng là duyên số.

Chạm vào đêm họa mi.... - 1Nhà thơ Lê Anh Phong

Trong vòng mười năm trở lại đây (2012-2022), Lê Anh Phong in liền bảy tập thơ, vậy thì không thể nói là ít: Hoa nắng, Bến gió, Những mạch ngầm, Những khuôn hình ngược sáng, Mùa trong gốm, Trong màu men lặng, Đêm họa mi. Lý thuyết lao động nhà văn chỉ rõ: sáng tác của một nghệ sỹ ngôn từ bất kỳ đều theo đồ thị hình “sin”. Đưa toán ra để nói văn, cũng không có gì là không đúng. Tôi có chú ý theo sát bước đường làm thơ của Lê Anh Phong, thấy rõ, ba tập thơ gần đây là đang độ đi lên trong hình “sin” ấy: Mùa trong gốm (2016), Trong màu men lặng (2018), Đêm họa mi (2022).

Nhưng nói đến độ “chín kỹ” thì, theo ý tôi, Đêm họa mi hiển hiện cái tạng thơ (nói lý luận là “cá tính”) của Lê Anh Phong hơn cả. Ngay nhan đề tập thơ thứ bảy này cũng rất gợi - nó chuyên chú hướng tới tự nhiên quanh ta, khiến cho độc giả qua thơ thấy mình vô cùng bé nhỏ nhưng lại quan trọng trong mối liên hệ mật thiết với tự nhiên.

Bởi con người là một phần của bà mẹ tự nhiên vĩ đại, thậm chí có thể nói “con người là tự nhiên”. Thơ đã đành là ưu tiên “tự ngã trung tâm” (chăm chắm vào cái “tôi”). Nhưng thơ hay muốn vượt lên thì “giao diện” và “không gian” của nó phải rộng, phải sâu hơn cái gọi là “tiểu vũ trụ”, nếu nó không nhập vào “đại vũ trụ”. Tôi thấy động hướng thơ Lê Anh Phong đang đi theo đồ thị này. Tôi mừng cho bạn văn, song nếu quan niệm của mình không giống ai đó thì cũng thường tình vì trong nghệ thuật vốn không có chân lý duy nhất và cuối cùng.

Đọc 46 bài thơ trong tập Đêm họa mi, tôi tạm hình dung ra các khối (mảng) thơ với những sắc màu, đường nét, hương vị khác nhau: Khối 1, tạm duy danh là “Gọi xanh” (27 bài) và “Bờ nhân gian” (19 bài). Tất nhiên mỗi khối/mảng thơ Lê Anh Phong đều có cái biệt sắc của nó. Thẩm thơ, như các cụ xưa nói, là “nhân tâm tùy mạng mỡ”. Nhưng chí ít thì cái hay thường có “hòa âm”, con cái dở thì “chia rẽ”.

“Gọi xanh” như là chất thơ Lê Anh Phong

Theo tôi, mang vẻ đẹp thanh tân - phẩm chất không phải thơ nào cũng đạt tới (nếu chúng ta đọc rộng thơ hiện nay theo dấu vết của trường phái “Hậu hiện đại”, “Tân hình thức”, chưa tính đến “thơ rác”). Không có gì lạ khi Lê Anh Phong “nhớ” thi sĩ đàn anh Hoàng Nhuận Cầm và khắc khoải mãi hai câu thơ đã nằm lòng nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội: “Hò hẹn mãi cuối cũng em đứng đó/ Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi” (Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến). Không phải vô cớ, vì Lê Anh Phong cũng là một cựu sinh viên của ngôi trường danh tiếng này, nơi “sinh” ra hơn 100 nhà văn (trong tổng số hơn 1000 nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam).

Chạm vào đêm họa mi.... - 2

Ảnh minh hoạ

Khối thơ “gọi xanh” (hay không gian xanh) tạo nên “mặt tiền” tập thơ thứ bảy của Lê Anh Phong. Nếu đọc ngược lại tập thứ sáu và thứ năm (Mùa trong gốm, Trong màu men lặn) của Lê Anh Phong, quý vị sẽ thấy nhận định của tôi là sát hợp.

Lại nói tiếp về khối thơ “gọi xanh” trong Đêm họa mi. Tổng số 27 bài đều khá, nhưng vượt trội lên có thể tính đến: Đêm họa mi, Gọi xanh, Khoảnh khắc, Nghe đêm, Chuông mùa, Quê nhà, Ban mai, Bông gió, Đêm trái mùa, Khoảnh khắc,... Nhà nước đã phát động chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh để tạo môi trường sống xanh, nhân văn. Lẽ nào hiện thực đó không “phả” vào văn chương nói chung, thơ ca nói riêng một cảm hứng và cao vọng về một nền văn học xanh - những nhà văn đi tiên phong trong văn xuôi chính là Nguyễn Tuân, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Nguyễn Thành Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Duy Nghĩa,...

Trong thơ là Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu ngày trước và bây giờ là Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh,... và những người chạy tiếp sức là Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy. Lê Anh Phong liệu có trở thành người chạy tiếp sức đương thì? Đã manh nha một khuynh hướng tạm gọi là “phê bình sinh thái” hướng tới sáng tác trong đó quan niệm con người là tự nhiên, qua hình tượng nghệ thuật.

Trở lại Đêm họa mi của Lê Anh Phong để bàn tiếp về “gọi xanh” như là thi pháp thơ của một cây bút thơ đang lên, đang chín. Tại sao “gọi xanh” lại “phủ sóng” thơ Lê Anh Phong? Có thể cắt nghĩa bằng nhiều nguyên nhân. Nhưng phải tìm ra cái “từ khóa” của thơ khi nó trình hiện một cá tính. Giữa suy ngẫm và cảm xúc để làm thơ, với Lê Anh Phong cái nào đến trước, cái nào mạnh hơn? Thật khó nói cho rành rẽ trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Nhưng chắc chắn, thơ chỉ vọt trào ra từ ngòi bút (bây giờ là bàn phím) khi cảm xúc đã run bật, chín nẫu, bung phá.

Chạm vào đêm họa mi.... - 3

Bìa tập thơ "Đêm hoạ mi"

Theo tôi, Lê Anh Phong có cái cung cách/ phong độ vừa tỉnh táo vừa xao xuyến mỗi ki làm thơ. Cách nay 50 năm khi đọc thiên truyện Giữa trong xanh của nhà văn Nguyễn Thành Long (tác giả thiên truyện Lặng lẽ Sa Pa được đưa vào SGK Ngữ văn 9), tôi ghi vào sổ tay văn học nhận xét: “Đó chính là không gian nhệ thuật đặc trưng truyện Nguyễn Thành Long”. Cũng chính ông sau này viết Đà Lạt hương hoa (truyện ngắn) bát ngát màu sắc và hương thơm.

Đọc Đêm họa mi của Lê Anh Phong khiến tôi liên tưởng đến những chuyến du ngoạn lên Sa Pa và Đà Lạt, đúng là cái cảm giác “giữa trong xanh”, “gọi xanh”  cứ quấn quýt, mát lành và trong trẻo. Tần suất xuất hiện của màu xanh là thi pháp, là cá cá tính, là hình ảnh, là biểu trưng thơ. Nói cách khác đó chính là “sở trường”, điểm “độc sáng” trong thơ Lê Anh Phong, qua tập thơ thứ bảy Đêm họa mi.

Bờ nhân gian...

Mười chín (19) bài thơ thuộc khối “bờ nhân gian” (trong câu thơ “Buồn vui lặng lẽ bên bờ nhân gian” của bài thơ Sương khói), thể hiện một động hướng tìm tòi khác của thơ Lê Anh Phong khi đã ở độ chín. Nhưng “chạm” vào bờ nhân gian (thế thái nhân tình), tôi thấy nếu không vững vàng, cao tay ấn thì người thơ rất có thể chênh vênh như nghệ sỹ biểu diễn xiếc trên dây, đôi lúc làm người đọc (người xem) hồi hộp đến nghẹt thở.

Một ví dụ, trong bài Mặc khải, có những câu thơ: “Chùm hoa khô/ Mà cháy sáng góc trời”, hình ảnh thì có vẻ mới lạ nhưng ý tứ thì không mới nếu ta nhớ lại câu thơ của Nguyễn Trãi “Hoa thời thường héo cỏ thường tươi”. Một ví dụ khác: “Đêm vàng mã/ Dị thường /Ai đốt vía. (...)/ Máu đã đổ/ Loang loang miền tuyết trắng/ Máu đã thức/ Sao vẫn nhiều tranh cãi” (Nghe đêm).

Nhan đề bài thơ này khiến tôi nhớ lại tập thơ Xem đêm của thi sỹ Phùng Cung. Nhưng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Máu thì rõ rồi vì chiến tranh, vì thủy hỏa đạo tặc. Nhưng “loang loang miền tuyết trắng” thì câu thơ khiến người đọc liên tưởng đến miền/ xứ tuyết tận chân trời góc bể nào chứ không phải ở Việt Nam, vốn thuộc về miền khí hậu nhiệt đới gió mùa (như nhan đề một truyện ngắn nổi tiếng của Lê Minh Khuê).

“Bờ nhân gian” lại tái xuất trong một bài thơ khác: “Giật mình/ Lam chướng trong mơ/Rừng ai châm đốt chạm bờ nhân gian/Chiến tranh khói lửa đã tan/ Mà dây cháy chậm lan dần vào đêm” (Khói). Theo cách viết của nhà thơ Xuân Diệu thì khó nhất của việc làm thơ là tìm ra “tứ thơ” (mới mẻ), nếu không thì chỉ dừng lại “ý thơ” (ai cũng có thể suy ngẫm được).

Lại nữa, đôi khi để thơ không lạc hậu thời cuộc, tác giả viết: “Xóa và viết/ Trên cánh đồng ký tự/ Ngòi bút kia đã tiêm phòng chưa nhỉ/ Chữ nghĩa phân vân lại mơ hồ tung tẩy” (Bản thảo ngày giãn cách). Thi hào Đức thế kỷ XIX, J. Goethe có viết: “Thơ nào cũng là thơ thời sự”. Đa số chúng ta hiểu sai ý tiền nhân. Thời sự không có nghĩa là theo đuôi sự kiện mà là “bấu chặt” vào hiện thực đời sống, thơ phải mang hơi thở, sinh khí thời đại (một thời cần biết cách biến nguy thành cơ, theo tinh thần vượt khó). Dẫn ra vài ví dụ như thế tôi không có ý “chê” Lê Anh Phong trong mảng thơ về “bờ nhân gian”. Muốn viết về bờ nhân gian, nếu cần học hỏi kinh nghiệm, thì cứ giở thơ Hữu Thỉnh ra đọc lại, sẽ có nhiều bài học lý thú.

Âm bản của hoa hồng - thơ viết cho ai?

Âm bản của hoa hồng là nhan đề một bài thơ hàm triết luận: “Vầng trăng xưa chợt hiện về ô cửa/ Em đăm đắm giữa bao điều muốn nói/ Tấm phim cũ có bao giờ hết hạn/ Khi tình yêu như thuốc hiện hình”. Nhưng “Cái Đẹp là sự giản dị”, đó là một nguyên lý như định đề trong toán học. Lối viết thơ của Lê Anh Phong, theo tôi, có thể gây phấn khích cho độc giả vì nhiều liên tưởng, ví như: “Chúng ta mang theo nhiều chìa khóa/ Sao con đường vẫn tắc” (Con đường), “Đi và đến/ Bao ga đời chộn rộn/ Trăng cứ trôi, thơ đợi ở ga nào” (Đêm họa mi),...

Có một nữ nhà thơ, sau khi đọc Đêm họa mi, đã buông ngay nhận xét “Thơ Phong viết cho độc giả tinh hoa thưởng thức chăng?”. Tôi nghe và “thanh minh”, “bào chữa” ngay cho bạn văn: “Chưa đến mức như thế!”. Nhưng kể ra nhận xét của nữ nhà thơ cũng có cái lý của nó khi Lê Anh Phong thích viết về những “mặc khải”, “hoa nở ngoài ý nghĩ”, “diễn ngôn lộng lẫy đăng đàn”, “đêm vàng mã” “ uống bóng tối”, “soi đêm”, “ngôn dị”, “mê cung”, “tiền kiếp”, “mùa người”, “âm bản”, “tín niệm”,.... Ai đó nói “chữ làm nên nhà thơ”, thật là chí lý./.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất