Cuộc gặp gỡ của những trái tim yêu Hà Nội

Cuối tuần qua, tại Hà Nội, trong không gian trầm lắng, hoài cổ của Trung tâm văn hóa nghệ thuật, số 22 Hàng Buồm, Tri Thức Trẻ Books đã tổ chức tọa đàm và giao lưu với chủ đề “Dấu ấn Hà Nội – Phố và Người” nhân dịp ra mắt tủ sách “Hà Nội Phố và Người”. Sự kiện được kỳ vọng là một chương trình hấp dẫn, thú vị về chủ đề văn hóa và con người Hà Nội, góp phần lan tỏa tình yêu Hà Nội, để những câu chuyện về Hà thành luôn sống mãi trong trái tim của những người đem lòng yêu mến mảnh đất này.

Tại toạ đàm, các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ về quá trình hoàn thiện những cuốn sách trong tủ sách “Hà Nội Phố và Người”, đồng thời bàn luận về những câuchuyện thú vị xoay quanh các chủ đề về văn hóa, con người Hà Nội xưa và nay.

Cuộc gặp gỡ của những trái tim yêu Hà Nội - 1

Các diễn giả tham dự toạ đàm “Dấu ấn Hà Nội – Phố và Người”. 

Chuyện Phố - Chuyện Người

Nhân dịp này, cuốn sách "Chuyện người Hà Nội" tập 3 chính thức được ra mắt, tập 3 đã tiếp tục sứ mệnh đưa bạn đọc đến với một Hà Nội đa sắc màu, nhiều cung bậc cảm xúc với chiều rộng của không gian và chiều sâu của thời gian từ ngàn xưa cho đến những chuyện thời sự ngày nay.

Cuộc gặp gỡ của những trái tim yêu Hà Nội - 2

Cuốn sách "Chuyện người Hà Nội" tập 3.

Qua cuốn sách, nhóm tác giả Hà Nội Tri thức đã vẽ nên những bức tranh, từng câu chữ ấy như những nét bút hoạ lại của Thủ đô cổ kính, tráng lệ năm xưa với những gánh hàng rong, thức quà vặt nhỏ xinh, những căn nhà tập thể nho nhỏ luôn ấm áp tình người, những sinh hoạt đặc trưng trong những ngày lễ tết, những tà áo dài thướt tha đi qua 36 phố phường,…

Bên cạnh những hình ảnh đặc trưng đó, chúng ta sẽ bắt gặp một Hà Nội rất khác qua những bức chân dung của những con người từ bình thường, dung dị đến những con người "phi thường" trên đủ mọi lĩnh vực như “Người đàn ông đội mũ phớt” của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “Ông bà kem Hồng Vân” của tác giả Hùng Lý, “NSND Trọng Khôi – Một nghệ sĩ Hà Nội tài hoa” của NSND Lê Huy Quang,… mang đến những “giọt người rất sáng rất trong” làm điểm nhấn đặc biệt cho cuốn sách.

Cuộc gặp gỡ của những trái tim yêu Hà Nội - 3

"Chuyện người Hà Nội" tập 3 đã lưu dấu lại ký ức đẹp đẽ và tình yêu tha thiết của mỗi tác giả dành cho Thủ đô yêu dấu. 

Tác giả Ngô Thế Long, chủ biên bộ sách "Chuyện người Hà Nội" cho biết, mong muốn được lưu lại những hình ảnh, những câu chuyện về Hà Nội là động lực thôi thúc ông cùng nhóm tác giả biên soạn nên bộ sách. Ông chia sẻ: Tâm hồn của Hà Nội lớn lắm, nét đẹp của Hà Nội còn nhiều lắm, những kỷ niệm xưa của Hà Nội ở sâu trong ký ức của nhiều người lắm. Nên ông vô cùng hy vọng sẽ có một lớp trẻ yêu Hà Nội, viết về Hà Nội bằng giọng văn hiện đại và chân thành.

Cuộc gặp gỡ của những trái tim yêu Hà Nội - 4

Buổi toạ đàm có sự tham gia của đông đảo độc giả yêu mến Hà Nội.

Thành phố nghìn năm với những cảm hứng không bao giờ vơi cạn

Bên cạnh phố và người, Hà Nội còn được yêu bởi rất nhiều đặc điểm khác mà qua mỗi góc nhìn ta lại thấy nơi này đẹp hơn, tình yêu lại lớn thêm một chút.

Cuốn sách “Tản Mạn Bóng Đá Hà Thành” đã được tác giả Hồ Công Thiết viết rất say sưa, theo ông Trần Duy Ly - người viết lời bình cuốn sách, cuốn sách không những viết về những con người cụ thể, những con người say mê bóng đá mà còn viết về những con người không xuất phát từ Hà Nội nhưng có đóng góp to lớn cho bóng đá Hà Thành như cha con ông Trương Tấn Tùng, Trương Tấn Nghĩa; gia đình thủ môn có bốn anh em trai nổi tiếng vào những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước là Trần Văn Vĩnh, Trần Văn Khánh, Trần Văn Thành và Trần Văn Chung tuy xuất thân ở vùng quê khác nhưng sau này đã làm rạng danh cho bóng đá Hà Nội;…

Ông Trần Duy Ly nhận định: Có thể trong nhiều quyển sách khác về lịch sử bóng đá chưa nêu rõ được những sự kiện, chưa thấy rõ được hình ảnh của các danh thủ, những con người xây dựng nên bóng đá Thủ đô như “Tản Mạn Bóng Đá Hà Thành.

Cuộc gặp gỡ của những trái tim yêu Hà Nội - 5

Độc giả tham quan gian hàng trưng bày sách về chủ đề Hà Nội.

Bên cạnh câu chuyện về bóng đá, khi tới Hà Nội, người ta sẽ không khỏi xuýt xoa với ẩm thực nơi đây. Một món ăn ngon thì không chỉ thể hiện kỹ năng nấu nướng tinh tế, khéo léo mà còn bộc lộ được tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc của người nấu dành cho những người thưởng thức. Một nền ẩm thực thì không chỉ thể hiện được khẩu vị, thói quen của người dân mà còn thể hiện được cả một nền văn hoá, lối sống, phong tục lâu đời của địa phương, bản sứ. Và ẩm thực Hà Nội đã trở thành tinh hoa - một dấu ấn khó phai trong lòng thực khách.

Với tình yêu Hà Nội luôn đong đầy, sắp tới tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung sẽ cho ra mắt cuốn sách “Hà Nội hương xưa vị cũ”. Theo bà, ẩm thực Hà Nội có đặc trưng là những món ăn dân dã, với ba đặc điểm khó lẫn với những món ăn của vùng miền là công phu, tinh tế và thanh cảnh. Những món ăn đặc trưng của Hà Nội thường ít rau, ít mỡ, được bày trí một cách đơn giản, nhẹ nhàng khác những món ăn cầu kỳ của Nhật Bản hay của Châu Âu.

Cuộc gặp gỡ của những trái tim yêu Hà Nội - 6

Tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung (thứ hai từ phải qua trái) tại toạ đàm.

Tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung chia sẻ, có một số công thức bất thành văn được những người phụ nữ truyền cho nhau từ đời này đến đời khác, đó là món nào thì ướp sẵn, món nào phi hành mỡ, thời điểm nào sẽ nêm gia vị, phối chế các nguyên liệu như thế nào cho hoà quyện. Những công thức ấy được tuyền qua những lớp học nữ công không học phí, trong những bữa giỗ, lễ tết, đám ăn hỏi, đám cưới sẽ có một bà thím, bà dì thành thạo việc bếp núc hướng dẫn những cô bé phụ giúp công việc sắp cỗ và từ rất nhỏ, người con gái Hà Nội đã thành thạo công việc này.

Trở lại thời nay, theo bà, khẩu vị của người Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, nhất là ở người trẻ, bởi sau khi tiếp xúc với đồ ăn nhanh, đồ ăn của các nước trên thế giới họ đã thờ ơ với những món ăn đặc trưng mà trước đây đã từng là đặc sản của Hà Nội như: dải khoai, xáo chuối, rươi, cà cuống,... Vì vậy, tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung đã cho ra mắt nhiều cuốn sách về chủ đề ẩm thực Hà Nội với mong muốn phục dựng lại một số món ăn cổ truyền của người Hà Nội.

Cuộc gặp gỡ của những trái tim yêu Hà Nội - 7

Cuốn sách “Hà Nội một thuở phố và người” của tác giả Nguyễn Việt Cường.

Trong dòng chảy của thời đại, trước những cám dỗ của nhịp sống hối hả, vội vã của những vất vả để mưu sinh người ta có lẽ đã bỏ qua nhiều thứ và cũng có nhiều thứ đã chìm vào quên lãng. Nhưng có một người con Hà Nội bởi yêu mến nơi này đã cất công đi tìm lại những câu chuyện về một Hà Nội xưa cũ. Qua cuốn sách “Hà Nội một thuở phố và người”, tác giả Nguyễn Việt Cường cho biết: Tôi là một người con của Hà Nội, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, yêu Hà Nội qua những câu chuyện mà cha ông, tôi viết những điều mình am hiểu về Hà Nội, điều được nghe và cả những điều đến nay không trông thấy được nữa.

Cách ông làm nên cuốn sách không mang tính chất văn chương mà là gom góp những câu chuyện qua sự sưu tầm một cách nghiêm túc, có đối chiếu với các tài liệu lịch sử cũng đồng thời có sự chứng minh bằng thực tế. Ông chia sẻ: Cách viết của tôi là luôn luôn trả lời những câu hỏi mà bản thân tôi hỏi tại sao, nhiều người Hà Nội hỏi tại sao và đã rất lâu rồi câu hỏi tại sao đó không ai trả lời.

Tác giả Tạ Thu Phong lại yêu Hà Nội bằng cách đam mê sưu tầm các tờ báo cổ, cuốn sách “Hà Nội chuyện xưa phố cũ” của ông là những câu chuyện trong các tờ báo được ông sưu tầm khảo cứu lại. Ông quan niệm: Nếu có tình yêu với Hà Nội thì chúng ta cứ yêu theo cách của mình, có thể hôm nay chúng ta nhìn nhận vấn đề này theo cách về Hà Nội chưa thực sự chuẩn nhưng ngày qua ngày, bằng những trải nghiệm của chính mình nó sẽ dày dặn hơn.

Cuộc gặp gỡ của những trái tim yêu Hà Nội - 8

Trưng bày ảnh "Hà Nội một thời để nhớ" của nhóm "Ảnh Hà Nội xưa".

Hà Nội – một thành phố nhỏ trong một đất nước nhỏ ở Châu Á lại nhận được sự ưu ái của bạn bè quốc tế, của nhiều thế hệ, của nhiều nền văn hoá khác nhau bởi người ta tìm được những cái chân chất, xưa cũ, gắn với hồn cốt của chốn kinh kỳ thời xa xưa, đó là phố xưa nhà cổ, là tinh hoa ẩm thực, là nét thanh lịch của người Tràng An. Và Hà Nội đã đẹp hơn biết bao qua những ngòi bút, những tâm tư, những lao động tỉ mỉ của những trái tim yêu tha thiết yêu chốn này, của những tâm hồn “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.

Đại diện Tri Thức Trẻ Books cho biết, tủ sách “Hà Nội - Phố và Người” là tập hợp những tác phẩm của những tác giả đến từ nhiều nơi khác nhau, có người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, có người đã rời xa Hà Nội từ lâu, cũng có người rời bỏ quê hương để lên sinh sống và làm việc chốn Hà thành, nhưng tất cả đều dành một tình yêu mãnh liệt cho mảnh đất Thủ Đô này.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ