Nhà báo Phan Đăng: Có một "người trẻ" luôn hiện hữu trong tôi

Tiếp nối cuốn sách “39 câu hỏi cho người trẻ”, nhà báo Phan Đăng tái ngộ độc giả vào ngày 1/10 với một tác phẩm đượm tính chiêm nghiệm và sâu sắc: “39 cuộc đối thoại cho người trẻ”.

Nhà báo Phan Đăng: Có một "người trẻ" luôn hiện hữu trong tôi - 1

Nhà báo Phan Đăng (bên phải) trong buổi giao lưu với độc giả nhân dịp ra mắt cuốn sách “39 cuộc đối thoại cho người trẻ” tổ chức tại NXB Kim Đồng. 

“39 cuộc đối thoại cho người trẻ”: Một dặm dài tri thức

Người trẻ ngày nay phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm. Chúng ta đã có cả một thời kì dài cha ông sống và đấu tranh theo lí tưởng độc lập giải phóng. Và nhiệm vụ của người trẻ lúc này là phải sống như thế nào cho xứng đáng khi “đứng trên vai những người khổng lồ”, xứng đáng với quá khứ hào hùng của dân tộc? Đó chính là điều tác giả - nhà báo Phan Đăng đã đặt ra trong cuốn sách 39 cuộc đối thoại cho người trẻ.

Vậy phải chăng cuốn sách này nói về sự giàu có và thành đạt? Hay những cách thức ứng biến khôn ngoan trước các mối quan hệ xã hội phức tạp hiện nay? Nếu chúng ta nghĩ rằng đấy là những câu hỏi tất yếu của những người trẻ trong giai đoạn chập chững bước vào đời, thì trái ngược thay, cuốn sách này không đề cập đến những vấn đề đó.

Nhà báo Phan Đăng: Có một "người trẻ" luôn hiện hữu trong tôi - 2

“39 cuộc đối thoại cho người trẻ” của tác giả - nhà báo Phan Đăng (Ảnh: Phạm Hằng) 

Người trẻ cần hiểu gì về những thăng – trầm dân tộc? Cần biết gì về thời đại mình đang sống? Cần thấy gì từ những được – mất của những con người đã đi qua tuổi trẻ? Hay người trẻ nên sống như thế nào trong thời đại mới? Nên tin và lựa chọn thế nào trong xã hội đầy biến động? Chúng ta phải học ra sao để chung sống với những sản phẩm công nghệ ngày càng thông minh hơn? Đó mới là điều cuốn sách này hướng đến.

39 cuộc đối thoại cho người trẻ mang đến câu chuyện của 39 nhân vật đã bước qua tuổi trẻ. Bằng vốn sống và kinh nghiệm của mình, họ sẽ cùng tác giả - nhà báo Phan Đăng phân tích những vấn đề nổi cộm trong xã hội đương đại dưới góc nhìn nhiều chiều, soi chiếu từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Từ những nhà nghiên cứu như GS.TS Trần Ngọc Vương, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu… đến những “thiên tài” từng gây chấn động như Lê Bá Khánh Trình, Phạm Kim Hùng, cả những văn nghệ sĩ đầy sức ảnh hưởng như ca sĩ Tùng Dương, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho đến những người hoạch định chính sách và giữ vị trí quan trọng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Daniel J. Kritenbrink, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng…

Nhà báo Phan Đăng: Có một "người trẻ" luôn hiện hữu trong tôi - 3

Toàn cảnh buổi giao lưu của nhà báo Phan Đăng cùng đông đảo độc giả đến tham dự (Ảnh: Phạm Hằng)

39 câu chuyện, 39 tâm sự, 39 khắc khoải, 39 thông điệp muốn sẻ chia, được chắt lọc từ kinh nghiệm và vốn sống dạn dày của 39 trí thức tới từ những lĩnh vực khác nhau, thuộc những thế hệ khác nhau. Tuy mỗi người theo đuổi một kiểu niềm tin khác nhau, nhưng tựu trung lại, tất cả đều chân thành, da diết và đầy sức nặng.

“Soi mình vào những chia sẻ ấy, người trẻ có thể sẽ hiểu hơn về lẽ đời, lẽ người, và biết đâu sẽ có thêm chút ít hành trang để bước vào một đời sống với muôn nẻo thách thức, cam go, thuận lợi, dễ dàng, đau thương, hạnh phúc vốn không bao giờ biết trước”, Phan Đăng chia sẻ với độc giả tại buổi giao lưu.

"Có một "người trẻ" luôn hiện hữu trong tôi..."

Khi được hỏi về cuộc đối thoại mà anh nhớ nhất, Phan Đăng tiết lộ, đó là một cuộc đối thoại nằm ngoài “39 cuộc đối thoại…” – một cuộc “tâm tình” để “hiểu về trái tim” giữa nhà báo với thiền sư Thích Minh Niệm – “một cuộc đối thoại mà nếu bình tĩnh, lắng lòng, chìm vào đó, bạn sẽ tìm ra chiếc chìa khóa quan trọng để bước qua cánh cửa đau khổ luôn có xu hướng đe dọa đóng sập cuộc đời mình”.

Nhà báo Phan Đăng: Có một "người trẻ" luôn hiện hữu trong tôi - 4

Nhà báo Phan Đăng 

" Sư Minh Niệm đi lên cầu thang, tiến về phía bàn trà. Bước chân sư rất chậm. Lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy một người đi thong dong, chậm rãi đến như thế. Tôi cúi xuống, nhìn theo từng bước chân sư chạm vào từng bậc cầu thang gỗ, và chạm lên sàn nhà. Bất giác, trong tôi lóe lên ý nghĩ: Không phải là sư đang đi, mà là đang cảm nhận, giao thoa với cái mặt phẳng dưới chân mình.

Rồi tôi nghĩ: Ùa vào đời sống rộn rã ngoài kia, tôi thường đi nhiều quá và nhanh quá. Đi để đến một cái đích nào đó, đi mà chưa thể cảm nhận một cách sâu sắc hạnh phúc trong từng bước chân mình. Có lãng phí không nhỉ, khi trên con đường kia, dưới mặt đất kia là biết bao nhiêu sự nhiệm màu mà bản thân mình chưa cảm thấu?

Rồi cũng đến lúc sư Minh Niệm ngồi xuống, bàn chân sư định vị trên mặt sàn. Nhưng tôi vẫn nghĩ: có một nguồn năng lượng an yên nào luân chuyển qua lại giữa bàn chân và mặt sàn hay không? Ý nghĩ ấy làm lòng tôi hoan hỉ, bình an đến lạ thường, và cuộc chuyện trò của chúng tôi bắt đầu trong khoảnh khắc ấy…" (Trích 39 cuộc đối thoại cho người trẻ).

Nhà báo Phan Đăng: Có một "người trẻ" luôn hiện hữu trong tôi - 5

Không khí trò chuyện sôi nổi tại buổi giao lưu 

Khi cầm trên tay cuốn sách này, một độc giả đặc biệt – anh Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecome cảm nhận, điều anh thích nhất ở cuốn sách là nó “đi đến tận cùng của vấn đề, những câu trả lời đầy tính thời cuộc, đầy hiện sinh dành cho những câu hỏi cũng hết sức sắc bén. Nó khai phóng, giải mã những lựa chọn dưới nhiều lăng kính khác nhau”.

Cả cuốn sách là chuỗi những câu hỏi về niềm tin, về những lựa chọn trong bối cảnh không ngừng biến đổi, nơi ranh giới giữa sự tử tế, chân thật với tiêu cực, mục nát quá đỗi mong manh.

Nói như lời tác giả, “đó chỉ là một chút ít hành trang, lại chỉ là một thứ hành trang lí thuyết”, nhưng rồi người trẻ sẽ sống, sẽ trải nghiệm, và đến một lúc nào đó biết đâu sẽ quay ngược lại những lí thuyết hôm nay để kiểm nghiệm xem, từ cái vạch xuất phát đầu tiên đó, cuộc đời mình được – mất thế nào? 

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất