Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Chúng ta có quê hương, nhưng trước mắt chúng ta là thế giới”

“Đến một lúc nào đó tôi mong các bạn hiểu rằng: Cái nhà chúng ta đang ở thực ra không phải là cái nhà mà các bạn thực sự có, cũng không phải là cái nhà các bạn sẽ có trong tương lai, mà nó ở trên đường kia…”

Ngày 24/9, Nhà báo Trương Anh Ngọc đã có buổi gặp gỡ với độc giả Thủ đô nhân dịp anh cho ra mắt cuốn sách “Đi khi ta còn trẻ”. Là một người đã in dấu chân của mình qua nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới, bằng những mẩu chuyện dí dỏm, tác giả đã chia sẻ những trải nghiệm thú vị của mình qua những chuyến đi và anh cũng không quên truyền “ngọn lửa” xê dịch trong tim mình đến với độc giả.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Chúng ta có quê hương, nhưng trước mắt chúng ta là thế giới” - 1

Buổi gặp gỡ của tác giả Trương Anh Ngọc thu hút rất nhiều các bạn trẻ đến tham dự.

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng để có thể dũng cảm xách ba lô lên và đi thì trước hết, các bạn trẻ phải có trí tưởng tượng, phải có ước mơ, phải có khao khát muốn đi trước đã. Và trong ngần ấy năm sống trên đời, đến một lúc nào đó khi chúng ta thấy rằng khao khát của mình đã chín muồi, thì đó là thời điểm để chúng ta bắt đầu thử thách.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Chúng ta có quê hương, nhưng trước mắt chúng ta là thế giới” - 2

Nhà báo Trương Anh Ngọc (Ảnh: Facebook nhân vật)

Với nhà báo Trương Anh Ngọc, nhà không còn là một khái niệm vật lý hay một giá trị tài sản nữa mà nhà là nơi cho anh được bình yên và hạnh phúc. Với anh, ở bất cứ đâu trên những cuộc hành trình, dù ở lại dài hay ngắn thì đó vẫn là nhà.

“Nếu như các bạn có nhà ở khắp nơi trên thế giới thì việc gì bạn phải trở về!”

Những ngôi nhà tinh thần ấy giúp anh cảm thấy tự do, thoát khỏi những ràng buộc, định kiến về một nơi chốn cố định, hay sự níu kéo của những nỗi sợ xa quê hương và không thể hòa nhập. Với anh, nhà là “home” chứ không phải “house”.

“Nhà không còn là bốn bức tường nữa, nhà là nơi ta đi mà ta cảm thấy hạnh phúc”.

Thật vậy, đối với những người lữ hành, họ không có nhà, họ không có một nơi chốn cụ thể, không có một định nghĩa cụ thể về hành trình sắp tới của họ, bởi vì lúc nào họ cũng ở trên con đường của mình.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Chúng ta có quê hương, nhưng trước mắt chúng ta là thế giới” - 3

Nhà báo Trương Anh Ngọc trong một chuyến đi của mình. (Ảnh: Facebook nhân vật)

Anh cho rằng Quê hương cũng là nơi ta thuộc về nhưng nó không phải là nơi ta “cắm rễ” ở đấy. Nếu đã là người Việt, ta đi đâu, ta ở đâu thì ta vẫn có phần hồn Việt ở trong mình, quan trọng là ta có cảm thấy hạnh phúc hay không. Càng đi rồi ta sẽ càng thấy quê hương là cái gốc, là một nơi thân thuộc với những ký ức không phai mờ và nó là gốc, là nền tảng để ta bước ra thế giới với đôi chân vững chãi cùng trái tim nồng nhiệt.

“Chúng ta có quê hương, nhưng trước mắt chúng ta là thế giới”

Cổ vũ các bạn trẻ hãy đi, hãy dám thử thách nhưng tác giả Trương Anh Ngọc cũng cho rằng đây là một điều khó khăn với nhiều người, bởi có quá nhiều những lý do khiến chúng ta không thể đi. Anh kể về những người bạn trẻ rất khao khát được đi nhưng cuối cùng vẫn phải trở về vì những lý do nhất định nào đó.

“Có 1000 lý do để không đi, 1000 lý do để trở về và chỉ có một vài lý do để đi thôi”.

Trước hết đó là do những định kiến, những ràng buộc của người nhà hay “những người định nghĩa hạnh phúc của chúng ta theo định nghĩa hạnh phúc của họ”. Anh gọi đó là “triết lý giỏ cua”, các con cua theo chủ nghĩa kinh nghiệm luôn dựa vào kinh nghiệm họ đã trải qua để kéo những con cua khác ở lại giỏ. Vòng tròn ấy cứ lặp lại, đó là vòng tròn an toàn khiến nhiều người trẻ không thể bước ra.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Chúng ta có quê hương, nhưng trước mắt chúng ta là thế giới” - 4

Buổi ra mắt sách cũng có sự tham dự của đông đảo độc giả.

Để đi được, để thoát ra khỏi vòng tròn an toàn đòi hỏi ở các bạn trẻ sự dũng cảm, bởi phải thực sự dũng cảm thì mới có thể sẵn sàng chấp nhận thất bại trong những hành trình để tiếp tục đi, để tiếp tục trải nghiệm. Trong những chuyến đi ấy, tác giả khẳng định rằng sẽ thất bại vô cùng nhiều, khó khăn cũng vô cùng nhiều. Đó có thể là mất tiền, bị lừa, bất đồng ngôn ngữ hay vấp phải những cú sốc về văn hóa.

Nhưng tại sao anh khuyên các bạn trẻ vẫn nên chọn đi, bởi vì anh cho rằng, nếu mình không thất bại thì làm sao mình hiểu được giá trị của kinh nghiệm, những bài học ấy chính là những bài học cho sự trưởng thành.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Chúng ta có quê hương, nhưng trước mắt chúng ta là thế giới” - 5

Bìa cuốn sách "Đi khi ta còn trẻ"

Về câu hỏi muôn thuở “tiền đâu mà đi?”, tác giả cho rằng nên phân biệt rõ hai kiểu đi, đi nghỉ dưỡng sẽ khác đi trải nghiệm. Cách đi và trải nghiệm đang là xu hướng của giới trẻ, họ không cần nhiều tiền, mà họ vạch ra một kế hoạch chi tiêu hợp lý. Và đương nhiên, tận hưởng và trải nghiệm sẽ mang đến cho bạn những phần thưởng khác với tận hưởng và nghỉ dưỡng.

Nếu muốn đi, tiền chỉ là công cụ để hiện thực hóa ước mơ và khao khát, nếu ai đó thực sự muốn đi họ sẽ nghĩ ra cách để lên đường. Tác giả khuyên rằng các bạn trẻ hãy lao động và tích lũy, và hãy không ngừng tìm kiếm cơ hội để lên đường.

Những người đi nhiều là những người giàu có, tác giả cho rằng “sự giàu có ấy không tính bằng tiền được, bởi nó là vốn sống, tri thức, sự mở mang đầu óc, những mối quan hệ mới mẻ bạn có thể có được sau những hành trình”.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Chúng ta có quê hương, nhưng trước mắt chúng ta là thế giới” - 6

Nhà báo Trương Anh Ngọc ký tặng sách cho độc giả.

Và cuối cùng, tác giả Trương Anh Ngọc khuyên các bạn trẻ:

“Mọi chuyến đi dài đều bắt đầu từ những chuyến đi ngắn. Mọi chuyến đi ngắn đều bắt đầu từ những bước chân đầu tiên trên đất nước mình. Mọi bước chân ấy đều cần sự thôi thúc của những khát khao và hoài bão tuổi trẻ”.

Tác giả Trương Anh Ngọc hiện công tác tại báo Thể thao & Văn hóa, là một trong những nhà bình luận thể thao hàng đầu của Việt Nam, đồng thời tham gia nhiều hoạt động văn hóa, xã hội và cộng đồng.

"Đi khi ta còn trẻ" là cuốn sách thứ 5 của anh, viết về những khao khát lên đường.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất