Rembrandt: Coi trọng sự thật và sự chân thành hơn là sự hài hòa và cái đẹp

Cuộc đời đầy biến động của Rembrandt Harmenszoon van Rijn, một họa sĩ, một tài năng trong việc thể hiện các bản vẽ và một nghệ sĩ khắc axit bậc thầy, là điển hình cho sự sống động và đa dạng của thị trường nghệ thuật Hà Lan trong thế kỷ 17. Vượt qua tất cả những bi kịch cá nhân, Rembrandt không bao giờ rời xa cây cọ và giá vẽ.

Nếu như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Vincent van Gogh... đã được nhiều tác giả nhắc đến trong các cuốn sách mình thì "Rembrandt: Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh" của Rosalind Ormiston thực sự độc đáo, bởi đây là tác phẩm hiếm hoi được xuất bản tại Việt Nam cho ta biết đầy đủ nhất về vị danh họa này.

Rembrandt: Coi trọng sự thật và sự chân thành hơn là sự hài hòa và cái đẹp - 1Di sản ông để lại cho hậu thế thật đồ sộ: hơn 600 bức tranh sơn dầu, 1.300 bức tranh khắc, 2.000 bức phác thảo… Ông là thầy dạy vẽ của gần như tất ccác họa sĩ hàng đầu ở Hà Lan thế kỷ XVII. 

 “Rembrandt: Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh” là một cuốn sách tham khảo toàn diện và chuyên sâu về họa sĩ và nghệ sĩ khắc axit người Hà Lan có sức ảnh hưởng lớn, Rembrandt. Giải đáp lý do vì sao Rembrandt được biết đến là một trong những danh họa vĩ đại nhất lịch sử hội họa châu Âu.

Ông không ngại vẽ những con người xấu xí, nghèo đói và khổ cực. Điều này khác hẳn với hội họa Ý thời kỳ Phục hưng. Rembrandt có sự ảnh hưởng rất lớn đối với các họa sĩ Hà Lan sau này.

Ngày nay, khi mà trào lưu chụp ảnh “tự sướng” (selfie) bùng nổ, có thể nhiều người chưa biết dường như Rembrandt chính là người đã khởi nguồn cho điều này, với gần 100 chân dung tự họa trong cuộc đời mình. Chỉ khác rằng khán giả bây giờ thường luôn trưng ra những bức ảnh “tự sướng” đẹp nhất và “ảo” nhất. Còn Rembrandt làm điều ngược lại.

Những bức chân dung chân thật của ông trở thành hình mẫu của lòng can đảm và cho thấy ông gắn kết với cuộc sống thật thế nào. Các sáng tác của Rembrandt thay đổi qua nhiều năm, tạo nên một khối tác phẩm đồ sộ, bao gồm hàng chục bức chân dung tự họa và nhiều chân dung của những người có ảnh hưởng ở Amsterdam.

Rembrandt: Coi trọng sự thật và sự chân thành hơn là sự hài hòa và cái đẹp - 2

Ông thường sử dụng kỹ thuật một cách tài tình đến mức nhà điêu khắc nổi tiếng Auguste Rodin nói rằng bản thân các nghệ sĩ điêu khắc cũng phải phủ phục trước các kiệt tác của bậc thầy Hà Lan này.

Rembrandt đã làm nổi bật kỹ xảo của hội họa khi thực hiện những bức chân dung khám phá bản chất của chủ nghĩa hiện thực. Khi đến gần, người ta kinh ngạc bởi độ dày của sơn, những gợn màu và đường rãnh, được tạo nên bởi những nhát bút ngắn. Quan sát từ xa, bức tranh trở nên chân thực, kỹ thuật vẽ giờ không còn thấy rõ nữa. 

Rembrandt đã khuyên các khách hàng: “Hãy treo bức tranh này dưới ánh sáng mạnh và nhờ đó có thể thấy được nó từ xa. Mùi của sơn sẽ khiến ngài phát ốm”. Nhà văn Arnold Houbraken nói rằng sơn vẽ của Rembrandt “được bôi lên như thể dùng cây cọ của người thợ sơn nhà” hay “cái bay của người thợ nề”, và rằng Rembrandt “có lần đã từng vẽ một bức tranh mà trong đó sơn dày đến nỗi chút nữa là ta có thể cầm phần chóp màu mà nhấc nó lên khỏi mặt tranh”.

Một nghệ sĩ khắc axit bậc thầy

Rembrandt có phương pháp thực hiện các bản khắc axit của riêng mình. Ông dùng sáp mềm phủ lên bề mặt bản khắc bằng đồng, để vẽ trên đó các đường nét, rồi làm những đường rãnh sâu hơn bằng dụng cụ khắc nguội có mũi nhọn. Khi in, chất liệu trung gian ưa thích của ông là giấy da bê, giấy Nhật Bản hoặc giấy Trung Quốc; ông tìm kiếm những loại giấy không thường dùng.

Rembrandt: Coi trọng sự thật và sự chân thành hơn là sự hài hòa và cái đẹp - 3

Ông thử nghiệm với các cách khác nhau để khắc lại hình ảnh của mình, thường khám phá ra những phương pháp sáng tạo đột phá. Ngoài ra, ông sẽ làm thêm vài phiên bản khác nhau của một bức tranh khắc axit, nhằm để các nhà sưu tập mua nhiều hơn một bản in. Bằng việc điều chỉnh đôi chút cách mô tả người phụ nữ, như có hoặc không đội mũ, hay một nhân vật đứng trong bóng râm ở một phiên bản và đứng dưới ánh sáng ở phiên bản khác, các tranh khắc axit, trong một số dị bản khác nhau, sẽ được bán như “tác phẩm mới”, từ đó kiếm về nhiều tiền hơn cho người nghệ sĩ khắc axit Rembrandt.

Để làm ra tranh khắc axit, các nghệ sĩ sử dụng bút hay cây kim bằng kim loại để vẽ  hình lên một tấm đồng, thép hoặc kẽm đã được phủ một lớp sáp mỏng chống axit. Bản khắc sau đó được ngâm trong dung dịch axit và tại bất cứ chỗ nào trên bản khắc đã được vẽ lên, axit sẽ ăn vào những đường rãnh.

Độ dài của thời gian ngâm bản khắc quyết định độ sâu của các nét khắc, từ đó quyết định chiều sâu của ánh sáng và bóng tối trong bản in sẽ được tạo nên từ bản khắc. Khi bản khắc được lấy ra khỏi axit, một loại mực có chứa dầu được chà vào bề mặt bản khắc. Bề mặt sau đó được lau sạch, để lại mực bên trong các rãnh của các đường bị ăn mòn. Bản khắc axit với mực được đặt trên bàn máy của máy ép, cùng chỗ với giấy in, sau đó một tấm thảm được phủ lên trên cả bản khắc và tờ giấy. Bàn máy với bản khắc và giấy được ép qua các con lăn để tạo ra một bản in của bản khắc axit.

Nhờ cách tiếp cận độc đáo của tác giả Rosalind Ormiston, độc giả không phải mệt mỏi vì sự dày đặc thông tin tiểu sử như thường thấy mà với cuốn sách "Rembrandt: Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh" lại được thỏa thích ngắm nhìn các minh họa tuyệt đẹp, màu sắc sống động về người họa sĩ đã góp phần làm nên diện mạo của hội họa phương Tây và thế giới.

Rembrandt mất trong lúc nghèo khó, có lúc một bức tranh chỉ bán được có 6 Florin. Nhưng với thời gian, Rembrandt là niềm kiêu hãnh của đất nước Hà Lan. Ông là họa sĩ hiện thực vĩ đại với những tác phẩm vô giá, tồn tại mãi cùng nhân loại.

Rosalind Ormiston là nhà lịch sử nghệ thuật và kiến trúc, và là tác giả của những cuốn sách về về con người và sự nghiệp của những tên tuổi lớn như Leonardo da Vinci, Michelangelo Rembrandt, Vincent Van Gogh, Paul Gauguin, Egon Schiele, Alphonse Mucha, Edward Hopper, J.M.W. Turner và Pablo Picasso. Ngoài ra, Rosalind Ormiston giảng dạy lịch sử nghệ thuật, kiến trúc và thiết kế, lịch sử nhiếp ảnh, vật liệu và văn hóa thị giác, tại Đại học Kingston, London, từ năm 2002-2012.

M.Ngọc

Tin liên quan

Tin mới nhất