Tình huống khó xử (Truyện ngắn)

Ấy là lần tôi được phân công thường trực biên tập số báo chuyên đề. Sau khi xây dựng đề cương cho từng trang, báo cáo Tổng biên tập rồi thu lượm tin bài. Từ phần tin trang một và xã luận đến các trang trong với những bài phông, bài phụ. Tôi mừng quá vì nhận được tin của cộng tác viên vừa từ huyện gửi tới có bài phản ánh về một bác sĩ bệnh viện phó ở một bệnh viện tuyến huyện đã xử lý thành công một ca mổ phức tạp, cứu sống một học sinh.

Tình huống khó xử (Truyện ngắn) - 1

Minh họa

Tôi chăm chú đọc và thấy ngay tình huống đặt ra là: Nếu từ tuyến huyện miền núi mà đưa được bệnh nhân lên tuyến tỉnh, đường xá đã xa, lại đò ngang cách trở. Vậy mà người bác sĩ này đã đã kịp xử lý ngay ca mổ của mình, dù hội chẩn đã thấy rất phức tạp. Đúng là khi bắt tay vào ca mổ, người bác sĩ phải xử lý nhiều phẫu thuật phức tạp. Bệnh nhân là một em học sinh bị một mũi dao nhọn đâm xuyên qua, gan và lá lách. Một ca phức tạp lần đầu tiên ông gặp, nếu đưa lên tỉnh, thỉ đến ngang đường là tử vong. Sau sáu giờ đồng hồ, người bác sĩ đã phẫu thuật thành công, cứu được một học sinh trường huyện

Tôi mừng là kịp thời có bài phông cho trang chuyên đề văn hóa - xã hội mà lại sắp đến dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam. Thế là số chuyên đề của báo có bài phông đắc địa. Biên tập xong, tính chữ cho vừa khung báo, chuyển Tổng biên tập duyệt. Tổng biên tập khen số báo chất lượng khá. Tôi hân hoan chuyển market sang công đoạn nhà in, rồi thanh thản về nhà ngồi vào bàn ăn bữa cơm trưa, tuy hơi muộn. Vừa ăn tôi vừa tâm đắc về một bài báo hay của cộng tác viên.

Nhưng vừa ăn được một bát thì có điện thoại của ông cộng tác viên gọi tới xin rút bài phản ánh về người bác sĩ mà tôi đã biên tập trịnh trọng đưa vào maket. Cổ tôi ứ nghẹn, không nuốt xuôi miếng cơm được nữa. Hỏi lại cộng tác viên: “Cậu bịa ra hay sao mà xin rút?”. Từ phía bên kia nói qua điện thoại: “Người bác sĩ, nhân vật điển hình ấy xin rút!”. Tôi kiên quyết: “Vậy thì không thể rút được!”. Cộng tác viên chống chế, gọi lại: “Dạ, em có lỗi là tự bịa ra!”. Tôi uất đến tận cổ: “Tôi sẽ phạt cậu một năm không dùng tin bài của cậu!”.

Tôi bỏ bát, đắng lòng phóng xe tới nhà in, lấy lại maket, rồi tìm mãi mới có bài khác thay vào, gấp gáp cho kịp đưa nhà in để báo kịp ra, sáng mai phát hành.

Tháng sau, tôi nhận được giấy mời về dự lễ đón nhận bằng công nhận trường chuẩn quốc gia của trường có em học sinh được bác sĩ bệnh viện cứu sống. Vừa tới trường, đồng chí hiệu trưởng đã hể hả:

- May quá, cảm ơn Tổng biên tập đã giúp đỡ!

Tôi ngớ người, không hiểu ông hiệu trưởng này nhầm mình với người bác sĩ bệnh viện huyện này sao. Nào tôi có giúp gì được trường. Thấy tôi ngỡ ngàng, ông hiệu trưởng lại thanh minh:

- May mà hôm ấy Tổng biên tập đã không cho đăng bài báo ấy…

Tôi lại ngỡ ngàng: Hay người này là ông bác sĩ hôm trước trong bài báo mà cộng tác viên gửi về. Nhưng cậu cộng tác viên bảo tự bịa ra cơ mà.

Ông hiệu trưởng thấy tôi băn khoăn, đành nói rõ sự thể:

- Chả là hai cậu học sinh ở trường đánh nhau trong giờ ra chơi. Một cậu bị đâm là bệnh nhân được đưa tới bệnh viện mà bác sĩ đã cứu sống chiều hôm đó ạ!

Suốt buổi lễ trao bằng công nhận trường chuẩn quốc gia của nhà trường mà đầu tôi cứ nghĩ ngợi mông lung về một bài báo nêu gương tốt người bác sĩ mà tôi phải bóc bỏ. Rồi ngôi trường được công nhận trường chuẩn quốc gia này, rồi vào bữa liên hoan, rồi nhận quà tặng của trường cho đại biểu về dự. Tôi ra về, đầu trĩu nặng những nghĩ suy về nghề nghiệp. Về tòa soạn, tôi gọi điện thoại phê bình cộng tác viên xin rút bài. Cậu thành thật nói trong điện thoại cho tôi:

- Hôm ấy, nhà trường yêu cầu em phải rút ngay bài báo đó. Nếu không, huyện sẽ kỷ luật em. Nếu báo đăng bài người bác sỹ tiêu biểu đó thì vụ đánh nhau ở trường bị lộ ra. Nhà trường sẽ bị kỷ luật về vụ để xảy ra học sinh đâm nhau. Và nhà trường sẽ không được tặng bằng trường chuẩn quốc gia…

Dư âm của việc rút bài báo hôm đó vẫn day dứt tôi. Và tôi yêu cầu cộng tác viên nộp lại bài báo ấy để đăng, nếu cậu ấy không đồng ý tôi sẽ cử phóng viên về bệnh viện viết bài biểu dương cho khách quan.

Đang suy nghĩ thì cậu phóng viên của báo đã cùng tôi đi dự lễ của trường đến nộp bài phản ánh lễ đón bằng công nhận trường chuẩn quốc gia. Cậu phóng viên này còn nhắc:

Anh cố gắng đưa vào số báo ngày mai, trường mua thêm 100 tờ để biếu!

Tôi cầm bản thảo bài báo và xé nát trước mặt phóng viên. Cậu phóng viên tròn mắt:

- Em có dám nhận phong bì của trường đâu mà anh cáu với em?

Tôi tự cảm thấy mình xử sự quá nóng nảy, đành hạ giọng nói với phóng viên:

- Việc đi dự là do họ mời, ta đã dự! Còn có đưa tin hay không còn phải kiểm tra lại. Trường này vừa xảy ra vụ hai học sinh đâm nhau, mình không thể đăng tin trong thời điểm nhạy cảm này. Cậu đồng ý với mình chứ?

Cậu phóng viên lúng túng, trách người cộng tác viên thiếu bản lĩnh nghề nghiệp. Tôi lại bực mình nổi nóng:

- Cái chính là ở phóng viên, biên tập chúng ta không bám sát cơ sở, không tạo mối quan hệ thường xuyên với cộng tác viên, để một bài “đinh” trong số báo chuyên đề mà mình lại rút ra!

Nguyễn Thanh Cải

Tin liên quan

Tin mới nhất