"Đánh thức" văn học Cửu Long

Ngày 20/9, tại Thành phố Cần Thơ, Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học - Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bế mạc Trại Sáng tác văn học đề tài "Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” năm 2022. Sau 15 ngày, 16 bản thảo hoàn chỉnh (8 tiểu thuyết, 1 trường ca, 5 tập bút ký và truyện ngắn, 2 tập nghiên cứu phê bình văn học), cùng 5 đề cương tiểu thuyết ra đời khẳng định sức hút văn học về đề tài này ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tham gia Trại Sáng tác có 15 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học từng có nhiều tác phẩm xuất bản và tạo dấu ấn với bạn đọc. Trong đó, đa số tác giả trực tiếp tham gia chiến đấu như Hà Đình Cẩn, Trần Văn Tuấn, Châu La Việt, Hoàng Dự, Hoàng Quý, An Bình Minh; hay công tác trong quân đội thời bình như Nguyễn Thanh Tú, Quỳnh Vân, Nguyễn Minh Ngọc...; hoặc trải qua quân ngũ như Nguyễn Trung Nguyên, Lê Minh Nhựt...

Nhà văn Hà Đình Cẩn sinh năm 1945. Tròn 20 tuổi ông nhập ngũ, sau đó trở thành thành phóng viên mặt trận Báo Quân đội nhân dân. Trong sự nghiệp sáng tác, nhà văn Hà Đình Cẩn xuất bản trên 20 đầu sách các thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch sân khấu...; đạt giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Ngoài các ký sự chiến tranh chân thật, xúc động, ông là tác giả của những trang văn về rừng và biển trong sách giáo khoa tiểu học từ những năm 1980.

"Đánh thức" văn học Cửu Long - 1

Trung tướng Lưu Phước Lượng - nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 9 (trái) chúc mừng nhà văn Hà Đình Cẩn hoàn thành 2 tác phẩm tại Trại Sáng tác.

Tại Trại Sáng tác này, nhà văn Hà Đình Cẩn hoàn thành tiểu thuyết "Muối của đảo" về những vất vả, hy sinh thầm lặng của chiến sĩ hải quân ngày đêm bảo vệ biển, đảo quê hương. Đồng thời, với sức viết không mệt mỏi, ông tiếp tục hoàn thiện tiểu thuyết "Vùng da báo" lấy bối cảnh Quân khu 6 trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

"Với tôi, chiến tranh cách mạng luôn là đề tài chủ đạo trong các thể loại sáng tác. Dù chiến tranh lùi xa nhưng kỷ niệm về người lính vẫn đầy đặn - đó là tư liệu quý không phải ai cũng có. Càng nghĩ tôi càng thấy sâu sắc, viết suốt đời không bao giờ hết", nhà văn 77 tuổi khẳng định.

Nhà thơ Hoàng Quý nhập ngũ và trực tiếp chiến đấu năm 1968 (hiện ở Bà Rịa - Vũng Tàu) gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp cầm bút với những khúc tráng ca về chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Trong 15 ngày, ông chỉnh sửa, hoàn thành trường ca "Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc" gần 2.000 câu vừa hùng dũng hiên ngang, vừa mộc mạc thiết tha.

“Khi bạn hỏi đất nước tôi bao tuổi/ Xin hãy đếm những ngấn bùn châu thổ quê tôi/ Khi bạn hỏi về tầng sâu lịch sử/ Xin đếm những ngấn bùn bồi đắp nước non tôi/ Như một cuộc trường chinh vĩ đại/ Những ngấn bùn hội tụ ở Giao Châu…”. Ngoài ra, ông còn cho ra đời một số bài thơ mang âm hưởng năm tháng hào hùng của người lính sông nước Cửu Long quên mình vì Tổ quốc thân yêu.

Từng là một người lính chiến đấu trên chiến trường Tây Nam Bộ trong đội hình Quân khu 9, nhà văn Hoàng Dự (hiện là Tổng Biên tập Thời báo Văn học Nghệ thuật - Cơ quan Ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) trải qua những năm tháng trận mạc rồi trưởng thành ở nhiều cương vị khác nhau của nghiệp cầm bút.

"Đánh thức" văn học Cửu Long - 2

Nhà văn Hoàng Dự trao đổi với nhà văn Quỳnh Vân (Quân chủng Phòng không - Không quân), Đào Ngọc Vinh (Bến Tre) và Trương Chí Hùng (giảng viên trường Đại học An Giang).

"Tham gia Trại Sáng tác, tôi như trở về ngôi nhà xưa của mình - đó là cảm xúc mạnh giúp tôi hoàn thành tiểu thuyết "Nước mắt quê hương" viết về những mất mát, day dứt và sự vươn lên vựợt qua số phận của người chiến sĩ và những người mẹ, người vợ không chỉ  trong những ngày kháng chiến ác liệt mà cả trong thời bình. Mảnh đất này cũng là cảm hứng để tôi triển khai tiểu thuyết "Nữ tử tù" - nữ chiến sĩ hiên ngang, anh dũng trên chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ chống Mỹ", tác giả tiểu thuyết "Đường đời" tái bản 9 lần chia sẻ.

Là tác giả nhiều công trình về chiến tranh cách mạng đánh dấu trên văn đàn, đặc biệt là nghiên cứu giá trị văn hoá tư tưởng Hồ Chí Minh dưới góc nhìn văn học nghệ thuật, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội dồn tâm huyết hoàn thành công trình "Văn hoá Hồ Chí Minh - Ánh sáng thời đại" theo quan niệm mới nhất về liên văn hoá. Nhà phê bình văn học này khẳng định: Hồ Chí Minh như cây đại thụ có ba bộ rễ rất khoẻ cắm sâu vào mảnh đất văn hoá truyền thống Việt Nam, phương Đông và phương Tây.

Bên cạnh đó, Đại tá Nguyễn Thanh Tú hoàn thành tập sách nghiên cứu "Tiểu thuyết sử thi về người lính" theo phương pháp tiếp cận mới nhất trên thế giới như diễn ngôn, tự sự. Ông Tú cho biết: "Tôi đặt hình tượng người lính vào phạm trù triết học con người theo ba vấn đề: Con người và môi sinh, con người và sinh thái, con người và tự do. Bộ đội Việt Nam đâu chỉ chiến đấu bảo vệ đất nước, dân tộc mình, quyền lợi con người mà còn bảo vệ màu xanh của đất nước, tiếng chim hót, vẻ đẹp của hoa, mùi hương của đồng lúa... Qua đó cho thấy những giá trị văn hoá độc đáo, những phẩm chất cao đẹp được hội tụ trong danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ".

Nhà văn Quỳnh Vân là bút danh của Trung tá Đoàn Thanh Bình. Hơn 30 năm vừa làm báo Phòng không - Không quân vừa tranh thủ sáng tác, chị xuất bản 9 tập truyện ngắn, tản văn và thơ mang hơi thở người lính hôm nay.

"Dự Trại Sáng tác, ngoài tập truyện ngắn "Người đàn bà dưới chân cầu Hàm Rồng" về những trận đánh oanh liệt của quân - dân ta chống lại các trận tập kích bằng đường không của đế quốc Mỹ, tôi hoàn thành đề cương và triển khai tiểu thuyết "Duyên nợ bầu trời". Ngần ấy năm gắn bó với Quân chủng Phòng không - Không quân, tôi nợ những người lính phi công điều gì đó mà chưa thể trả được thì tiểu thuyết này viết trực diện về họ với phương châm "Mọi thắng lợi trên không đều bắt nguồn từ mặt đất", chị Vân chia sẻ.

"Đánh thức" văn học Cửu Long - 3

Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Chính uỷ Quân khu 9, trao đổi với các nhà văn dự Trại Sáng tác.

Nhà văn Lê Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, đã xuất bản 6 tập truyện ngắn, truyện vừa và tản văn. Nhân vật, bối cảnh xuyên suốt trong tác phẩm của anh là đất và người Nam bộ. Đặc biệt, anh đã đưa những câu chuyện mang đậm tư tưởng nhân văn, giá trị cuộc sống về tình đời, tình người, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong hai năm làm y sĩ Đại đội 23, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (năm 2002-2004) vào tập truyện ngắn "Mây bay chiều cuối chạp".

"Bên cạnh đó, tôi xây dựng đề cương và viết chương 1 tiểu thuyết "Bãi bồi" kể về công tác bám rừng, giữ biển của chiến sĩ quân hàm xanh nơi rừng ngập mặn Mũi Cà Mau", anh Nhựt nói.

Cũng như nhà văn Lê Minh Nhựt, lần đầu Trương Chí Hùng đến Trại Sáng tác văn học của những người lính. Mặc dù bận giảng dạy tại trường Đại học An Giang nhưng với sự năng động, ham học hỏi, anh hoàn chỉnh tập bút ký "Con nước tha hương" đậm chất Nam bộ. Trong đó, hình ảnh chiến sĩ Quân khu 9 hiện lên rõ nét, sinh động và hấp dẫn trong câu chuyện giúp người dân thu hoạch mùa màng, phòng chống bão lũ, dịch bệnh...

"Ngoài tập bút ký, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết "Từ K. về". Câu chuyện thông qua lăng kính của người thương binh kể về tội ác của tập đoàn Pôn Pốt gây ra trên biên giới Tây Nam Tổ quốc", anh Hùng chia sẻ.

Trại Sáng tác văn học về đề tài "Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng" thành công cả về phương diện tổ chức, điều hành và số lượng, chất lượng bản thảo.

"Đó là những tác phẩm tiêu biểu cho dòng văn học chiến tranh cách mạng của Đồng bằng sông Cửu Long - miền đất anh hùng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và đang mạnh mẽ vươn lên tạo cảm hứng cho các nhà văn sáng tạo. Qua đó, cho thấy giá trị vốn có của văn học Đồng bằng sông Cửu Long được "đánh thức" với những tác phẩm tiêu biểu, đặc trưng để Cửu Long giang tiếp tục chảy trong dòng văn học cách mạng Việt Nam", Thiếu tá, nhà văn Nguyễn Văn Hùng - biên tập viên Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, Trưởng Trại Sáng tác khẳng định.

"Văn học viết về "Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng" là cánh đồng bất tận không bao giờ bạc màu, càng lật xới càng màu mỡ. Đặc biệt là chân giá trị, không gian chứa đựng những trầm tích văn hoá hấp dẫn để các văn nghệ sĩ say sưa lao động nghệ thuật và gặt hái thành công.

Trại Sáng tác văn học đề tài "Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” tại Cần Thơ là sự tiếp nối thành công tổ chức hình thức tập trung. Bởi qua đó, nhiều bản thảo chất lượng cao được biên tập, xuất bản và bạn đọc nhiệt thành đón nhận.

Đây là cơ hội khai thác tác phẩm về tình người Nam Bộ, những câu chuyện quân - dân thắm đượm hơi thở sông nước Cửu Long. Qua đó, khơi dậy những giá trị vốn có; đồng thời, mong muốn tổ chức đội hình các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp trên địa bàn gắn bó thuỷ chung với đề tài này trong thời gian tới".

(Đại tá Phạm Xuân Trường - Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân)

Hồ Kiên Giang

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày